HMHai trả lời:
“Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu lấy Thầy”
[/color]
Gia đình tôi hồi đó cùng nhiều người đi lên vùng kinh tế mới hẻo lánh xa xôi, xung quanh là rừng núi bạt ngàn. Người lớn có vẻ lo lắng trước tương lai bất định nhưng với bọn trẻ chúng tôi khung cảnh ấy thật giống thiên đường. Mỗi ngày buổi sáng đi học, chiều theo cha mẹ vào rẫy, khi rảnh rỗi thì xách ná vào rừng bắn chim hoặc vác cần câu ra suối. Rừng hồi đó chưa bị tàn phá nên rất đẹp và nên thơ. Có nhiều cảnh ngày nay chỉ còn thấy trên kênh Discovery hay Animal Planet. Cái cảm giác thú vị khi nhìn từng đàn vẹt đủ màu xanh đỏ bay sát trên đầu hay bắt gặp những con chồn thả mình lượn từ cây này sang cây khác... Loại chồn ấy nay đã có tên trong sách đỏ.
Trường học cấp hai của chúng tôi nằm kề ủy ban nhân dân xã được xây dựng bằng sự góp sức của phụ huynh học sinh: nộp vật liệu tre, gỗ và công lao động. Các thầy cô giáo đa số tuổi từ 21-25, thầy hiệu trưởng “già” nhất cũng chỉ mới ngoài 30 tuổi. Đôi khi nhớ lại thấy thương các thầy cô hồi đó vô cùng. Tuổi thanh xuân của các Người trôi qua lặng lẽ trong cảnh thiếu thốn mọi bề. Duy có điều này an ủi: hầu hết phụ huynh đều giữ tinh thần tôn sư trọng đạo, rất lễ phép với các thầy cô dù lớn tuổi hơn các thầy cô nhiều.
Tôi nhớ một lần hình như là chiều thứ sáu, tôi được lệnh về báo cho ba mẹ biết cuối tuần thầy cô sẽ ghé thăm. Nghe tin ba tôi quyết định chiều thứ bảy không ra đồng để ở nhà đón tiếp. Mẹ tôi giặt lại chiếc chiếu cũ để trải trên sập cho thầy cô ngồi. Ba tôi nói chuyện với thầy cô một tiếng là dạ hai tiếng là thưa. Tôi thì đứng xớ rớ ở góc bếp coi giữ cho ấm nước luôn nóng để pha trà thêm. Thỉnh thoảng nghe thầy nói với ba là tôi học giỏi mà thấy sướng J…
Câu ca dao trên rất nhiều người đã biết. Bây giờ nhân tiện bạn oliu hỏi tôi cũng muốn chia sẻ vài ý cho vui.
Nếu đọc rồi hiểu theo nghĩa của từng chữ thì sẽ có 2 cách hiểu khác nhau: sang là động từ và sang là tính từ. Lướt sơ trên mạng cũng thấy nhiều bài viết nêu ra hai cách hiểu đó bởi nhiều tác giả, có vị là giáo sư nữa. Đó là điểm đáng buồn vì cứ theo cái đà này mai mốt đọc ca dao chỉ toàn là đoán nghĩa thôi. Trong khi lẽ ra, dù có bao nhiêu cách hiểu đi nữa thì cũng phải chọn một vì tác giả không sáng tác ra để ai muốn hiểu sao thì hiểu. Tất nhiên là chỉ có một cách hiểu đúng ý tác giả.
Những người hiểu “sang” là “đi qua” dựa vào hai cơ sở sau: thứ nhất, họ cho rằng qua sông ở đây giống như vượt qua một bến mê còn con người thì cần phải học mới sống tốt được; thứ hai, họ dựa vào hai câu trước của bài ca dao: “Bồng bồng mẹ bế con sang/ Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo/ Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy Thầy”. Rõ ràng chữ sang trong câu thứ nhất có nghĩa là “đi qua” nên chữ sang trong câu thứ ba cũng phải như thế chứ không thể khác.
Nhưng sự thật thì không phải như thế.
Ngày xưa dưới thời phong kiến, “Sĩ Nông Công Thương” là 4 giai cấp trong xã hội trong đó Sĩ là cao quý nhất. Cái học được coi trọng vì người học giỏi thường ra làm quan. Cái “sang” đi theo sự đỗ đạt một cách hiển nhiên nên mới có “vinh qui bái tổ” hay “ngựa anh đi trước, kiệu nàng theo sau”.
Muốn con hay chữ tức là muốn cao sang quyền quý chứ không phải là chỉ muốn sang sông.
Bây giờ nói tới chữ nghĩa. Cần phải giải quyết hai câu hỏi: 1. cầu kiều là gì? Và 2. Hai câu đầu trong bài ca dao trên có vai trò như thế nào?
1. Cầu kiều là loại cầu cong, cao vút lên, được xây để nối từ bờ đi ra nhà thủy tạ trên mặt hồ trong cung vua hay phủ của quan. Nếu xây cầu ngang thì không sang trọng bằng cầu kiều. Chữ “kiều” ở đây có nghĩa là cao và cong như cái yên ngựa.
2. Hai câu đầu là một sự lắp ghép của người đời sau chứ không phải là bản gốc. Rất tiếc vị tác giả thứ hai này lại ghép thô thiển quá nên đã không chỉ làm hư chữ “sang” mà còn đưa ý lạc đề nữa. Chuyện đò dọc đò ngang bị quan cấm ở đây thật vô nghĩa. Ý chính của câu ca dao là “trọng Thầy mới được làm Thầy” chứ không phải là tinh thần vượt khó hay phản ánh xã hội. Chúng ta nên mạnh dạn cắt bỏ phần lắp ghép của người đời sau đi. Đặc biệt ca dao với đăc điểm tác giả khuyết danh, là mảnh đất dễ dàng cho các “tay chơi” mặc sức sửa thơ và gán ghép.
Một ví dụ chuyện cũ: bài ca dao lọt từ Bắc vào Huế cũng đã đánh lừa nhiều người bởi tính bác học của nó mà nếu không mạnh dạn bạn cũng khó tránh khỏi bị lung lạc:
Bài gốc:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mờ khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ
Bài “chế”:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương
Thuyền về xuôi mái sông Hương
Có nghe tâm sự đôi đường đắng cay.
Dài dòng kể lể như thế vì yêu câu ca dao, yêu thơ lục bát rất riêng của tiếng Việt và yêu mọi người trong Diễn Đàn. Thân chúc hết thảy các bạn cùng ý kiến hay ngược ý kiến đều được vui vẻ.
Thanks,
HMHai