Tác giả Chủ đề: Dành cho những người sắp lập gia đình  (Đã xem 48741 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Ngủ rồi otcay

  • Thành Viên
  • *
  • Bài viết: 9
  • Thích 0
Trả lời #7 vào: 08-04-2013 18:31:03
Nhân đọc bài của bác HMHai, bằng trải nghiệm của bản thân và mắt thấy tai nghe trên đường đời, tôi cũng xin góp một số ý để làm \\\"sáng tỏ\\\" vấn đề mà bác í đã nêu:Tình yêu sau hôn nhân (TYSHN) có thay đổi theo chiều hướng giảm!

1/ Cái gì đang \\\"giết\\\" TYSHN

- Sự nhàm chán: sau hôn nhân, cái lãng mạn, say đắm của TY lứa đôi ngày càng cạn dần. Lúc trước trong tình yêu, cả hai đều háo hức, say mê lẫn nhau. Đỉnh điểm, muốn thuộc về nhau mãi mãi. Sau hôn nhân bất cứ điều gì cũng đã lập đi lập lại hằng ngày, không còn cảnh \\\"cám treo\\\"...thành ra ngấy. Chẳng còn điều gì thi vị, mới mẻ cả.

- Áp lực của cuộc sống: sau hôn nhân, mọi thứ trở về với cuộc sống thực tại. \\\"Cơm áo gạo tiền\\\" hằng ngày đè nặng trên vai của 2 người (chưa kể áp lực tăng thêm khi phải vay thêm làm đám cưới). Quay cuồng trong căng thẳng để duy trì và tích lũy cho cuộc sống lứa đôi, khiến 2 người ít có thì giờ để quan tâm lẫn nhau, hay đắm chìm trong không khí lãng mạn như ngày xưa: trao đổi nhau dăm câu về cuộc sống trong ngày hay về con trẻ rồi chúi mũi vào công việc hay giải trí riêng...Đi uống cà phê trong khung cảnh thơ mộng ư!...xa lắm rồi...

Ngày xưa, anh đàn cho em hát, anh làm thơ cho em yêu. Em yêu anh cũng vì những tài lẻ như vậy. Bây giờ, hễ anh \\\"cảo thơm lần giở trước đèn\\\" em lại bĩu môi, sao không lo kiếm nhiều tiền như anh x, ông y kìa, ở đó mà thơ với thẩn...chao ôi! Vì thế TY cứ đội nón ra đi mà khó quay về lại lắm.

- Sự cãi vã: Có ai đó đã nói: không có cặp vợ chồng nào mà không có cãi vã. Vâng! chính sự cãi vã thường xuyên, dẫn đến xúc phạm lẫn nhau là điều khó tránh khỏi. Và chính điều này lại là \\\"độc tố\\\" hạ gục TY một cách nhanh nhất. Bất cứ vấn đề trong cuộc sống đều có thể gây ra cãi vã: việc học hành, dạy dỗ con cái, bạn bè, ...Trước một vấn đề, do không cùng quan điểm, nhận thức khác nhau, trình độ văn hóa khác nhau...nên xảy ra tranh cãi. Nếu không kìm chế ở mức độ tranh luận, tranh cãi dễ dàng dẫn đến xúc phạm nhau...và như vậy TY không có còn cơ hội để ở lại nữa!!!

Ai đó có nói: sự cãi vã đôi khi là một thứ gia vị cho cuộc sống gia đình, để vợ chồng có cơ hội hiểu nhau hơn. Có thể đúng, nhưng ở mức độ vừa phải thôi (thế nào là vừa phải, còn tùy!!!???), không khéo thì là thứ \\\"gia vị độc\\\".

- Sự bạo hành: đỉnh điểm của việc \\\"hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn\\\" TY là việc bạo hành (thể xác và tinh thần). Đến đây thì TY đã chết hẳn, chẳng còn có thể chuyển sang trạng thái \\\"tình nghĩa\\\" gì nữa, mà chỉ còn tháng ngày chịu đựng, căm hận. Và \\\"cuối cùng cho một tình yêu\\\" chỉ có thể là ra tòa.

Tóm lại: TY lứa đôi sau hôn nhân chắc chắn sẽ suy giảm và chết dần.

(Còn tiếp: 2/Tình nghĩa vợ chồng)

 


Ngủ rồi HMHai

Trả lời #6 vào: 18-03-2013 08:43:58
Tình yêu sau hôn nhân
(Viết thêm theo đề nghị của Trangvitgioi)

Chàng bảo: Nếu anh biết được
Thuyền quyên yêu sắc hoa vàng
Thì anh trèo lên vách núi
Hoa thơm sẽ hái tặng nàng

Còn em một ngày nào đó
Gặp người quân tử em thương
Em sẽ tự mình lo để
Áo anh không lấm bụi đường

Thế rồi tình yêu dần đến
Tơ hồng Nguyệt Lão se duyên
Hàng xóm mỗi ngày ít nhất
Một lần thấy họ nổi điên!

Chuyện gì xảy ra vậy? Lẽ nào tình yêu tan biến nhanh đến thế :)

Dù hơi cường điệu nhưng điều bài thơ diễn tả cũng có mấy phần sự thật. Tôi sẽ không lặp lại những gì đã nói trong bài “Dành cho những người sắp lập gia đình”. Ở đây, Trang Quynh có lẽ muốn hỏi về tình yêu sau hôn nhân với các khía cạnh cụ thể như: Tình yêu sau hôn nhân (TYSHN) có khác với tình yêu trước hôn nhân (TYTHN) không, có giảm đi không, và khi về già thì tình yêu đó sẽ như thế nào.

Bài này có nguy cơ gây tranh cãi. Nhưng không sao, mức độ phản ứng cao lắm cũng chỉ như khi bàn về vấn đề “khoảng trời riêng của mỗi người” trong bài “Dành cho những người sắp lập gia đình” lần trước mà thôi.

1.   TYSHN có khác so với TYTHN không?

Chắc chắn là có! Đó là vì môi trường đã thay đổi. Những điều kiện, hoàn cảnh dành cho TYTHN ngày ấy giờ không còn nữa. Ta biết rằng khi môi trường sống thay đổi, sinh vật trong môi trường đó cũng biến đổi theo và tình yêu cũng thế.

Hai vợ chồng thực tế không thể “tương kính như tân” (đối đãi kính trọng nhau như đối với khách) 100% được dù người xưa đã dạy như vậy và các nhà tâm lý thời nay cũng đều khuyên như vậy. Bạn rõ ràng không thể giữ vẻ lịch sự, chuẩn mực của ngày xưa cùng lúc với việc ở trần mặc quần đùi, lưng lấm tấm mồ hôi đi qua đi lại trước mặt nàng. Bạn cũng không thể vừa giữ vẻ e lệ, tế nhị của ngày xưa vừa hỏi chàng tiền lương sao kỳ này đưa thiếu.

Lúc này tình yêu nam nữ sẽ từ từ biến chuyển thành tình nghĩa vợ chồng. Hai loại tình cảm này rất khác nhau. Khi một người ruồng rẫy người yêu, ta gọi hắn là kẻ phụ tình. Khi một người nỡ bỏ vợ con, ta nói đó là người phụ nghĩa. Hôn nhân là cái kết có hậu cho một cuộc tình đồng thời là sự mở đầu của cuộc sống mới mà trong đó tình yêu không phải là sợi dây kết nối chính. Vai trò kết nối chính đang dần dần chuyển sang cho tình nghĩa, cái nghĩa tào khang của vợ chồng.

2.   Tình yêu có giảm đi sau hôn nhân không?

Câu trả lời là có, một cách rõ ràng. Như đã nói, tình nghĩa vợ chồng lên ngôi đã “truất quyền thi đấu” của tình yêu đôi lứa, không phải ngay lập tức mà rất từ từ. Cái nghĩa phu thê ấy lớn dần lên đạt đến mức có thể lặng lẽ giúp ta sống chung với người mình thương mấy chục năm trời. Trong khi một tình yêu kéo dài chỉ 7-8 năm đã có thể được tán dương là “thiên tình sử”.

Nếu bạn muốn biết rõ hơn về cách tình yêu giảm đi sau hôn nhân như thế nào thì tôi xin mượn hình ảnh một công ty với người nhân viên để diễn tả. Khi đi phỏng vấn vào một công ty, ta mong muốn được nhận vào làm việc như thế nào. Khi cầm trong tay thư mời làm việc, ta háo hức muốn cống hiến cho công ty, rồi nghĩ tới thu nhập từ tiền lương và các lợi ích khác mà lòng vui sướng, những tưởng có thể giữ tinh thần làm việc cao như vậy mãi.  

Khi nhận việc ngày đầu tiên, ta làm quen với mọi người một cách hòa nhã. Trong tháng đầu tiên, mọi sự trôi chảy nhẹ nhàng, thoải mái đến mức người ta gọi thời gian đó là “Honey Moon” (tuần trăng mật) giống y như vừa đám cưới vậy. Rồi sau đó thì sao? Ta ngán công việc đến mức sợ ngày thứ Hai đầu tuần vì phải đi làm. Còn tiền lương công ty trả cho ta, cái mà ta rất cảm kích vào những ngày đầu thì bây giờ dường như chẳng làm lòng ta mảy may rung động.

Muốn gắn bó lâu dài với công ty ta phải chuyển cái cảm hứng bốc đồng khi mới nhận việc sang sự chững chạc cùng với lương tâm trách nhiệm. Cũng thế, muốn sống đến đầu bạc răng long với một người thì ta phải biết chuyển tình yêu bốc đồng đôi lứa sang tình nghĩa mặn mà giữa vợ chồng. Đấy là quy luật chứ không phải là ý muốn chủ quan. Ai không biết điều đó sẽ có nguy cơ ly dị cao hơn mức trung bình.

3.   Tình yêu về già sẽ ra sao?

Vì chưa già nên tôi trả lời câu hỏi này không phải bằng chính kinh nghiệm của mình. Nhưng qua quan sát và nói chuyện với những người lớn tuổi thì thấy lý thuyết trên có nhiều phần đúng: Tình yêu đã chuyển hóa hầu hết sang nghĩa vợ chồng. Cặp nào còn chung sống chan hòa ở lứa tuổi 70 thì ta sẽ thấy họ giống hai người bạn thâm tình hơn là hai kẻ yêu nhau.

Khi xa cách họ cảm thấy thiếu nhau nhưng không có cái cảm giác cô đơn lạnh lẽo. Khi gặp lại mỗi người như trở nên đầy đủ hơn. Căn nhà của hai ông bà già hạnh phúc không tràn ngập tiếng nói cười, chỉ là hai hình bóng quen thân, đơn sơ mà hòa hợp như hai mảnh ghép của một bức tranh gia đình đầm ấm.

Rồi một người qua đời trước, người kia mang nỗi buồn trầm lặng hơn so với cảnh đôi lứa mất nhau khi còn trẻ. Nếu may mắn được con cái biết quan tâm thì họ bớt đi vẻ buồn bên ngoài nhưng bên trong cũng sẵn sàng chờ ngày gặp lại người bạn của mình ở thế giới bên kia.

Tóm lại, TYSHN khác với TYTHN, nó giảm đi vì biến dần thành tình nghĩa và khi về già, tình yêu đó hầu như trở thành tình bạn thâm giao, hòa hợp với nhau một cách lặng lẽ như hai chiếc bóng ở trên tường.

Chúc cả nhà vui.

 


Ngủ rồi phimanh

Trả lời #5 vào: 26-04-2012 10:23:04
Nhân Cách Gì Để Gìn Giữ Hạnh Phúc Gia Đình ?
[/size]

       Tình yêu không có công thức chung để định nghĩa hay noi theo, nó cũng không phải là tuyệt đối, bất biến, không thay đổi, ngược lại nó luôn thay đổi và sự thay đổi đó tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, quan trọng nhất là nhân cách của hai người đang yêu nhau. Chúng ta hãy thử xem những nhân cách nào cần có để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Nếu thiếu thì xin các bạn bổ sung thêm. Các bạn hãy thử in ra cho người mình yêu cùng xem, hỏi người mình yêu có đầy đủ những nhân cách này chưa?

    1- Biết nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng. Người biết nhẫn nhục là người đang sống yêu thương. Sau nhẫn nhục là biết tùy thuận theo ý kiến, lời nói, yêu cầu và việc làm của người mình yêu để họ được vui, lấy cái vui đó làm niềm vui cho chính mình.
    2- Luôn thương yêu và tha thứ. Do vậy chớ bao giờ nói cái xấu, cái sai, cái lỗi của người mình yêu ra trước mặt lẫn sau lưng. Bởi vì ai cũng có tự ái, khi bị tự ái thì con người thường làm nhiều chuyện bậy và tệ hại hơn.
    3- Sống thành thật chân thành, không dối trá.
    4- Luôn chung thủy với nhau. Lòng chung thủy được thấy rõ trong những hoàn cảnh khác nhau. Ví dụ: khi giàu sang hoặc nghèo hèn, khi phú quý hoặc bần tiện, hạnh phúc hay hoạn nạn khó khăn, lúc xa nhau hay lúc gần nhau, lúc khỏe mạnh hay đau ốm, lúc trẻ đẹp hoặc lúc già nua xấu xí, lúc có tài sản và lúc không còn có gì, lúc mập mạp hay lúc gầy yếu,... có lo lắng, quan tâm cho nhau, không bỏ rơi nhau và không phản bội nhau hay không ?
    5- Không nên uống rượu, hút thuốc và các chất kích thích khác.
    6- Không nên cờ bạc, cá độ, chơi cổ phiếu, chơi đề, mua vé số,...
    7- Tạo cảm giác an toàn cho nhau.
    8- Có chuyện gì thì cùng nhau bàn thảo, chớ nên giấu điều gì.
    9- Tôn trọng quyết định của nhau. Tôn trọng quan niệm sống khác nhau của mỗi người.
    10- Không ép buộc hay áp đặt  điều gì ?
    11- Luôn tin tưởng nhau, không nghi ngờ dù hoàn cảnh nào, dù nghe hay thấy được điều gì. Bởi vì đôi khi chính những gì mình thấy và nghe có thể lừa dối mình.
    12- Luôn bình tĩnh, lắng nghe, thấu hiểu cảm nhận của người khác, không nên nổi nóng thiếu suy nghĩ.
    13- Luôn cung kính và tôn trọng nhau.
    14- Đừng bao giờ bỏ rơi cảm nhận của người khác.
    15- Biết quan tâm đến nhau.
    16- Hạnh phúc không thể đo bằng điều kiện (thể hình, danh vọng, tiền bạc, nhà cửa, tài sản, ….). Quan trọng là phải có tình yêu cơ bản sâu đậm.
    17- Chớ quan trọng hóa chuyện tình yêu. Do đặt nặng tình yêu lên trên những việc khác mà quên đi những quan tâm của người khác. Ví dụ: có người coi trọng công việc, kiếm tiền, đi chơi,…nặng hơn là ở bên người mình yêu.  
    18- Tôn trọng sự tự do của nhau, thế giới riêng của mỗi người, không nên tò mò ép buộc người khác nói những gì người ta không muốn nói và cũng không nên nghi ngờ. Không nên tìm cách quản lý người mình yêu, đừng tra hỏi họ đi đâu, gặp ai, tại sao về trể.
    19- Đừng quên 2 chữ “Cảm ơn” và \\\"Xin lỗi\\\"
    20- Tình yêu không phải là ích kỷ hoặc là chiếm hữu, cho nên không ép buộc hay áp đặt người khác phải làm theo ý mình.
    21- Luôn tôn trọng những mối quan hệ xã giao hay gặp gỡ bạn bè của người mình yêu, không ghen tuông hay nghi ngờ điều gì, luôn tin tưởng tuyệt đối.
    22- Luôn lấy niềm vui của người mình yêu làm niềm vui cho mình. Ví dụ bạn mình có việc làm phải ra khỏi nhà sớm về khuya, nhưng rất vui thì mình cũng nên ủng hộ và khuyến khích chứ không vì chuyện đó mà cằn nhằn khó chịu, bởi vì mọi việc đều sẽ thay đổi, không có gì là trường tồn, công việc làm rồi sẽ thay đổi.
    23- Luôn bình tĩnh, sáng suốt, lắng nghe nhiều ý kiến, không nên chỉ nghe một chiều mà vội kết luận, trách móc nhau.
    24- Biết bạn mình sai thì tìm cách khéo léo ngăn cản, chớ nên làm theo, vì làm theo hoặc đồng lõa là tình yêu méo mó, sai lệch.
    25- Tình yêu chân thật là sự cho đi lòng yêu thương chứ không phải là ngồi đó chờ người khác mang tình yêu đến cho mình.
    26- Luôn nói những lời nói thương yêu, ôn tồn, nhã nhặn, dịu dàng.
    27- V.v…


Tình yêu chân thật có phải là sự cho đi vô điều kiện. ?

Có một câu chuyện kể về một anh cảnh sát trung sĩ quen một cô gái thất nghiệp. Họ quen nhau được một thời gian thì cô bạn gái bắt đầu xin được một việc làm trợ lý sai vặt cho phòng thiết kế quảng cáo. Lúc đầu chỉ là đi mua cafe, thức ăn cho các đồng nghiệp và làm những việc sai vặt khác. Sau một thời gian thử thách cô được ông chủ cho chuyển sang phòng quản lý, công việc rất hợp với cô, cho nên cô làm việc từ sáng sớm đến chiều tối mới về nhà.

Trong thời gian này cô có rất ít thời gian đi chơi với bạn trai mình. Kể cả người bạn trai tổ chức sinh nhật cho cô, cô cũng không về kịp trước 12h khuya vì phải làm việc. Chỉ khi tới 3h sáng cô mới về tới chổ hẹn, anh cảnh sát vẫn đợi ngoài bãi biển. Anh cảnh sát vẫn vui vẻ và nói rằng \\\"Không sao, em thấy vui là anh vui rồi.\\\"
 
Rồi họ hứa với nhau cuối tuần đi du lịch sang Nhật. Nhưng đến ngày thì cô gái được ông chủ giao việc phải hoàn tất ngay để ngày mai gặp khách hàng. Anh cảnh sát vẫn vui vẻ nói với cô bạn rằng \\\"Không sao, em thấy vui là anh vui rồi.\\\". Anh cảnh sát bỏ 2 vé đi du lich và cùng thỏa thuận với cô gái dời lại đến cuối tháng.

Đến cuối tháng, ông chủ lại giao việc cho cô gái và nói rằng phải bay qua Mỹ công tác. Cô gái vui vẻ đồng ý ngay vì đó là cơ hội cho cô được ra nước ngoài học hỏi. Anh cảnh sát khi nghe được tin đó và cũng nói với cô gái \\\"Không sao, em thấy vui là anh vui rồi.\\\".

Thời gian gặp mặt của anh cảnh sát và cô gái bắt đầu thưa dần vì cô gái dành trọn thời gian cho công việc. Lương, địa vị của cô càng ngày càng cao nhiều hơn lương của anh cảnh sát. Cách ăn mặc của 2 người cũng khác nhau. Và đến một ngày cô gái nói rằng cô không thể tiếp tục quen anh cảnh sát nữa vì cô đã phải lòng ông chủ. Anh cảnh sát vẫn một câu nói đó với cô gái rằng: \\\"Không sao, em thấy vui là anh vui rồi.\\\" Chúc em hạnh phúc.

Tình yêu của anh cảnh sát không phải là ích kỷ hay chiếm hữu, anh luôn tôn trọng mọi quyết định của cô gái, tình yêu của anh không đòi hỏi bất kỳ điều kiện nào từ cô gái, anh chỉ trao ra lòng yêu thương của mình, không ghen tức, giận dữ mà ngược lại luôn vui vẻ.

Sau một thời gian cô gái đã có được địa vị và lương bổng vững chắc trong công ty, cô gái mới hồi tĩnh lại và nhận thấy rằng tình yêu của cô gái với ông chủ là tình yêu có điều kiện, đều dựa trên vật chất tiền bạc, địa vị, xã giao,... không có một căn bản tình yêu sâu đậm như đối với anh cảnh sát. Do vậy cô đã từ hôn với ông chủ và quay trở lại với anh cảnh sát. Anh cảnh sát vẫn vui vẻ chấp nhận và nói \\\"Chỉ cần em vui là anh vui rồi\\\".

Thời nay, người ta dễ nhận ra rõ rằng tình yêu giữa nam nữ yêu nhau đều có điều kiện như tiền bạc, sắc đẹp, có tài sản, địa vị, có học vấn, gia đình giàu có, ... do vậy những tình yêu đó không tồn tại vững bền, chúng chỉ tạm thời lóe lên rồi tắt rất nhanh. Họ thay đổi người yêu như thay áo, họ quen nhau chỉ để thỏa mãn dục vọng chứ không có cảm giác sâu đậm biết trao ra tình yêu.

Thời đại phong kiến đã không còn nữa, thời nay là thời đại trí thức, nam nữ bình đẳng. Do chính những yếu tố này đã tạo ra những ý kiến bất đồng nhau, ai cũng giữ khăng khăng ý kiến của mình, ai cũng cho là mình đúng, là mình giỏi, là mình hay hơn, cho nên trong cuôc sống hôn nhân không có sự nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng. Chính bãn ngã của con người đã tiêu diệt những gia đình hạnh phúc, biến con cái trở thành những đứa con không cha không mẹ.

Cái bản ngã đó là sự ích kỷ, không biết nghĩ đến người khác. Nhưng may thay vẫn có những gia đình biết sống nhẫn nhục tùy thuận và bằng lòng rất hay, họ biết cung kính và tôn trọng nhau như những người bạn thân, họ biết trao ra tình yêu chân thật chứ không phải ngồi đợi người khác mang hạnh phúc đến cho mình, bởi vì họ hiểu tình yêu là phải trao ra để người mình yêu thương được vui, lấy cái vui đó làm niềm vui cho chính mình. Đó mới gọi là tình yêu.

Chúc các bạn có gia đình hạnh phúc và vui vẻ.[/size]

Mời các bạn xem tiếp bài \\\"Sống Không làm người khác buồn khổ\\\" tại đây.

 


Ngủ rồi conmaitimnhau_2525

  • Thành Viên
  • *
  • Bài viết: 57
  • Thích 0
Trả lời #4 vào: 20-04-2011 13:44:41
em tán thành ý kiến này, hãy bỏ đi cơn hờn ghen đi nhé.

 


Ngủ rồi hongphuc

Trả lời #3 vào: 22-01-2011 17:47:03
Thanks anh Hải đã viết tiếp theo ý nguyện của 2 chị em.

Hongphuc hoàn toàn tán thành ý kiến của anh trong bài viết này. Từ nay trở đi phải không được ghen nữa rồi!

 


Ngủ rồi HMHai

Trả lời #2 vào: 21-01-2011 15:08:45
(Viết thêm theo gợi ý của Hongphuc và Trangvitgioi)

Mặt trái của tình yêu

Những điều được trình bày dưới đây tuy gọi là mặt trái, nhưng chúng hiện diện thường xuyên đến nỗi người ta thường lầm tưởng đó là bản chất của tình yêu.

Trên tinh thần chia sẻ, tôi nghĩ cảm nhận cá nhân chưa hẳn hoàn toàn hợp lý, xin các bạn cứ mạnh dạn phê bình.  

- Yêu với hờn ghen:


Người ta thường buộc cái ghen vào tình yêu như là một thuộc tính, như ớt thì phải cay. Thực ra, ghen là một cảm xúc tiêu cực, gây đau khổ cho chủ thể. Khi ghen người ta bị khống chế bởi 2 ý nghĩ: một, “đấy là của mình” và hai, “điều ấy hình như đang bị chia sẻ”.

Ta hãy nghi ngờ cái khung pháp lý ấy.  Xét kỹ thì có ai dám chắc một điều gì trên đời này là của mình một cách tuyệt đối đâu. Của cải ư? Rõ ràng là không rồi, của cải sang tên đổi chủ thường xuyên; Chức vụ ư? Lại càng không, lên chức được thì xuống chức được; Thân thể ư? Theo Khổng giáo thì thân thể ta là của cha mẹ, theo Công giáo thì thân ta thuộc về Thiên Chúa, theo Phật giáo thì thân thể chỉ là nơi trú ngụ của thần thức, ở một hoàn cảnh tương xứng với nghiệp lực của kiếp trước… Không có gì thực sự của mình thì làm sao ta có thể mang ý nghĩ sở hữu hẳn một con người?!

Hờn ghen như một cơn địa chấn nhỏ rung nhẹ tòa nhà, làm người ta tưởng rằng nó góp phần tăng thi vị tình yêu, nên quyết định nuôi dưỡng, mỗi ngày ghen thêm một chút. Có biết đâu trong thực tế, hờn ghen trách móc chỉ làm tổn hại cho mối quan hệ lâu dài.

- Yêu và đau khổ:

Tôi đã viết riêng bài “Ý nghĩa của đau khổ” nên xin không lặp lại nơi đây để tránh dài dòng. Đau khổ có ý nghĩa rất lớn đối với con người, “Sự đau khổ làm cho tâm hồn thêm nhẹ nhàng và thanh cao” (Lamartin).

Đau khổ là mặt trái của tình yêu vì mặt phải của nó đã được gọi tên là hạnh phúc. Điều quan trọng ở đây chính là khi gặp khó khăn không nên xem đó là tai họa. Đau khổ hiện diện khắp nơi. Việc ta cần làm không phải là lẩn tránh, mà phải biết “tôn trọng” đau khổ như là “mặt trái của tình yêu”

Những điều viết ở trên không nhằm bào chữa cho những ai cố tình gây đau khổ cho người khác. Xin mượn câu danh ngôn của De Gurardin để một lần nữa nhắc lại ý nghĩa của đau khổ đối với tình yêu: “Tình yêu chỉ sống được trong đau khổ, chỉ sống trong hạnh phúc thì tình yêu sẽ chết non”.

Chúc cả nhà luôn vui.

 


Ngủ rồi opla

Trả lời #1 vào: 25-01-2010 11:12:41
Mùa cưới đang đến, bên cạnh những lời chúc mừng dành cho nhau tự nhiên tôi muốn post lại bài này, hy vọng góp chút ý kiến cho những ai trên đường tìm kiếm và giữ gìn hạnh phúc. Tâm ý chân thành nhưng chưa chắc đã hoàn toàn hợp lý, các bạn cứ phê bình nhé!

Dành cho những người sắp lập gia đình

Những con số thống kê về ly hôn, bạo hành trong gia đình đang làm cho các nhà quản lý nhức đầu vì nó không chỉ liên quan đến hạnh phúc cá nhân mà còn ảnh hưởng đến sự yên ổn của xã hội. Gia đình vững mạnh thì đất nước mới phát triển. Xét về khía cạnh giáo dục, tôi nghĩ chúng ta có thể giúp cải thiện tình trạng này bằng cách chỉ ra cho tất cả những ai đang đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân những điều có thể họ chưa biết dù trên thực tế không có gì cao siêu, thậm chí rất bình thường.

Nghịch lý lớn nhất chính là điều này: ta biết rằng phải học ít nhất một năm để thành thợ may quần áo; phải miệt mài sáu bảy năm trời trong trường đại học mới trở thành bác sĩ, thế mà để xây dựng gia đình và nuôi dạy con cái- một việc hết sức khó khăn- thì đa số (không phải tất cả) bạn trẻ hiện nay đang hăm hở bước vào con đường đó với một hành trang khiêm tốn đến không ngờ.

Vô vàn lý do dẫn đến đổ vỡ, báo chí và các chương trình giáo dục hôn nhân cũng đã đề cập. Tôi chỉ xin chia sẻ với mọi người những sự thật ít được nhắc đến, dù biết là rất dễ gây tranh cãi. Vì thế, can đảm lắm tôi cũng chỉ dám đưa ra mấy ý thôi.

   1. Tình yêu không bao giờ vô điều kiện:

Hãy so sánh với một vài tình cảm lớn trong đời người để biết tại sao lại nói rằng tình yêu không phải là vô điều kiện. Có lẽ tình phụ tử cũng như tình mẫu tử là mang tính vô điều kiện cao nhất. Người mẹ luôn lo lắng cho con dù nó thành công hay thất bại, được người ngưỡng mộ hay chê cười. Người cha vắt kiệt sức lực của mình để nuôi cả đàn con mà không cần biết sau này chúng có đáp đền được phần nào hay không. Còn hai thứ tình cảm lớn nữa là tình bạn và tình anh em. Loại tình cảm này chân thành, và cho dù không so được đức hy sinh với tình mẫu tử, nhưng những người trong cuộc thường tôn trọng sự tự do của nhau, chấp nhận nhau mà không đòi hỏi điều kiện gì nhiều.

Trong khi đó, nói đến tình yêu chúng ta có ngay không ít ràng buộc từ thuở ban đầu. Ánh mắt, nụ cười thường ngày dễ dàng ban phát cho nhiều người sẽ bị giới hạn; khi đã thành hôn thì các thói quen dù tốt hay xấu cũng bị buộc phải thay đổi. Mỗi người bắt đầu đỏi hỏi cái này cái khác ở người kia mà không hề hay biết. Những cụm từ được nghe nhiều như “mãi mãi”, “suốt đời”, “phải như thế này”… nói lên tính “có điều kiện” đấy.

Xin được nói thêm: “có điều kiện” là bản chất của tình yêu chứ không hề mang nghĩa xấu.

   2. Gia đình mới của đôi uyên ương không phải là tất cả:

Đây là một sự thật hiển nhiên. Những mối quan hệ từ trước như với cha mẹ, anh em, bạn bè vẫn phải tiếp tục được duy trì và nuôi dưỡng. Mỗi ngày tâm trí và sức lực của người vợ hoặc người chồng vẫn sẽ bị phân tán đi nhiều nơi như trước đây. Nhu cầu quan tâm và được quan tâm từ nhiều người khác vẫn như trước đây. Chỉ có điều, việc dành nhiều thời gian cho nhau đôi khi quá mức trong lúc đang yêu đã vô tình che lấp đi các mối quan hệ đó, để rồi gây sốc lại cho cả hai khi bước vào hôn nhân, tức phải quay về với thực tại.

Nếu không hiểu điều đó bạn sẽ dễ mắc sai lầm khi đặt hạnh phúc của mình vào thế đối kháng với những mối quan hệ khác thay vì cho chúng song song tồn tại một cách bình yên. Ai hiểu thì có thể sống hạnh phúc và vui vẻ với tất cả mọi người.

   3. Thời gian rất vô tình:

Đời có đẹp như mơ và hương vị tình yêu sẽ kéo dài bao lâu? Câu trả lời tính bằng thời gian. Thời gian là đơn vị để đo độ bền vững của mọi thứ. Đôi khi thời gian cũng có ích lợi,  “thời gian chữa lành vết thương” như người ta thường nói.

Tiếc rằng bên cạnh nhiều mặt tích cực, thời gian tỏ ra không ưu ái chúng ta trong cuộc sống lứa đôi.

Thời gian lấy đi nhan sắc của người vợ và sức mạnh của người chồng một cách dễ dàng. Có muốn chống lại cũng không được nên tốt nhất là chấp nhận những con dốc trong khó chịu ấy. Giai đoạn này, đặc biệt sau 40 tuổi, cả hai bên đều dễ cảm thấy bực mình trước những thay đổi tâm lý của người kia. Ít có người hiểu và biết nâng đỡ nhau.

Thời gian vô tình lắm.

   4. Khoảng trời riêng của mỗi người:

Đây chính là điều dễ gây tranh cãi nhất. Tôi đã bị phản đối rất nhiều ở điểm này.

Dù muốn hay không thì hai người vẫn luôn là hai cá thể độc lập. Đối với mỗi cá thể, sự tự do là một nhu cầu hết sức quan trọng. Tôi chưa hề thấy ai vui vì mất tự do, và nếu bạn tin rằng vợ hay chồng mình vẫn hạnh phúc khi bị ép buộc sống theo ý bạn thì tuy không dám cãi, nhưng tôi nghĩ rằng đang có một sự nhầm lẫn lớn lao ở đây. Mỗi người phải có, dù nhỏ, một khoảng trời riêng.

Khoảng trời riêng ấy giống như những miếng đệm giữa các bộ phận khác nhau trong cùng cỗ máy, giúp cho chúng gắn kết với nhau một cách nhẹ nhàng. Khi gắn kết hai con người ta cũng cần những “miếng đệm” ấy. Việc tìm cách kiểm soát hoạt động và suy nghĩ của người bạn đời- dù nhân danh mục đích gì- cũng chỉ gây hiệu quả tiêu cực mà thôi.

Tạm thay lời kết: Nếu bạn và ý trung nhân đã đồng ý với nhau về những sự thật nói trên thì hãy cùng xét tiếp những vấn đề quan trọng khác trước khi quyết định tiến đến hôn nhân như khả năng tự lập kiếm sống, quan niệm về việc tiêu tiền, thái độ cư xử với người thân của cả hai bên, quan niệm về nuôi dạy con cái v.v… Ý tôi muốn nói là nếu tồn tại những điểm bất đồng thì nên nghiêm túc bàn bạc kỹ lưỡng để hiểu rõ hơn. Còn ngộ nhỡ phát hiện ra rằng có vài mâu thuẫn quá lớn, không thể giải quyết nổi thì việc dừng cuộc tình lại âu cũng là điều may, vì khi đó tình cảm của các bạn sẽ ứng vào câu đầu chứ không phải là câu sau trong hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Hồ Dzếnh:                

Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề


Chúc các bạn thành công trên một quãng đường đời đầy thi vị.

HMHai