Tác giả Chủ đề: Bát mì của người lạ!  (Đã xem 3403 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Ngủ rồi carycon

Trả lời #6 vào: 18-09-2011 20:35:35
Bát mỳ của lòng tự trọng

    Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách lạ, có thể đoán là một người cha và một người con. Người cha bị mù, người con trai đi bên cạnh ân cần dìu cha. Cậu con trai trạc mười tám, mười chín tuổi, quần áo đơn giản, lộ rõ vẻ nghèo túng, nhưng từ cậu lại toát lên nét trầm tĩnh của người có học, dường như cậu vẫn đang là một học sinh.


    Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi. Cậu nói to: “Cho hai bát mì bò!”. Tôi đang định viết hoá đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi và xua xua tay. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu ta, cậu ta chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường, phía sau lưng tôi, khẽ bảo với tôi rằng chỉ làm một bát mì cho thịt bò, bát kia chỉ cần rắc chút hành là được. Lúc đầu, tôi hơi thắc mắc, nhưng sau đó chợt hiểu ra ngay. Hoá ra, cậu ta gọi to hai bát mì thịt bò như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy, tôi đoán cậu không đủ tiền, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười thông cảm với cậu.
    Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai bát mì nóng hổi. Cậu con trai chuyển bát mì bò đến trước mặt cha, thương yêu chăm sóc: “Cha, có mì rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!”. Rồi cậu ta tự bưng bát mì nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào bát của người con. “Ăn đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu mà thi đỗ đại học, sau này làm người có ích cho xã hội”. Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt sạm nắng, nhăn nheo lại sáng lên nụ cười ấm áp và mãn nguyện. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên là người con trai không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, anh điềm nhiên nhận miếng thịt, rồi anh lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về bát mì của cha.


    Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong bát của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết. “Cái quán này thật tử tế quá, một bát mì mà biết bao nhiêu là thịt”. Ông lão cảm động nói. Đứng bên cạnh họ, tôi chợt thấy tim mình thắt lại, trong bát chỉ có vài mẩu thịt tội nghiệp, quắt queo bằng móng tay, lại mỏng chẳng khác gì xác ve. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: “Cha à, cha ăn mau ăn đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này”. “Ừ, ừ, con ăn nhanh lên, ăn mì bò là bổ dưỡng lắm đấy con ạ”.
    Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai thực khách đặc biệt. Vừa lúc đó, cậu Trương đầu bếp bê lên một đĩa thịt bò thơm phức, bà chủ đưa mắt ra hiệu bảo cậu đặt lên bàn của hai cha con nọ. Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt nhìn một lúc, bàn này chỉ có mỗi hai cha con cậu ngồi, cậu ta vội vàng hỏi lại: “Anh để nhầm bàn rồi thì phải?, chúng tôi không gọi thêm thịt bò.” Bà chủ dịu dàng bước lại chỗ họ: “Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỉ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là quà biếu khách hàng”. Cậu con trai không hỏi gì thêm. Cậu lại gắp thêm vài miếng thịt vào bát người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa.
    Chúng tôi âm thầm quan sát hai cha con ăn xong, tính tiền, rồi dõi mắt tiễn họ ra khỏi quán. Mãi khi cậu Trương đi thu dọn bát đĩa, chúng tôi bỗng nghe cậu kêu lên khe khẽ. Hoá ra, bát của cậu con trai đè lên mấy tờ tiền giấy xếp gọn, vừa đúng giá tiền của một đĩa thịt bò được viết trên bảng giá của cửa hàng./.
    Ta vẫn gặp trong cuộc đời nhiều người rất nghèo về vật chất nhưng lại giàu lòng tự trọng. Lòng tự trọng giúp ta có thêm nghị lực để ngẩng cao đầu, vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, sống hạnh phúc vì luôn vững tin vào chính mình.
    Lòng tự trọng với ánh hào quang chói lọi của nó sẽ trở thành lương tri con người.

 


Ngủ rồi carycon

Trả lời #5 vào: 16-09-2011 12:02:48
Mẹ điên

    Hai mươi ba năm trước, có 1 cô gái đầu bỳ tóc rối, đi đứng nói cười ngơ ngáo.
    Vì vậy, đàn bà trong làng đi qua cô gái thường nhổ nước bọt, có bà còn chạy lên trước dậm chân, đuổi \\\"Cút cho xa!\\\". Thế nhưng cô gái không bỏ đi, vẫn cứ cười ngây dại quanh quẩn trong làng.
    Hồi đó, cha tôi đã 35 tuổi. Cha làm việc ở bãi khai thác đá bị máy chém cụt tay trái, nhà lại quá nghèo, mãi không cưới được vợ.
    Bà nội thấy con điên có sắc vóc, thì động lòng, quyết định mang cô ta về nhà cho cha tôi, làm vợ, chờ bao giờ cô ta đẻ cho nhà tôi \\\"đứa nối dõi\\\" sẽ đuổi đi liền.
    Cha tôi dù trong lòng bất nhẫn, nhưng nhìn cảnh nhà, cắn răng đành chấp nhận. Thế là kết quả, cha tôi không phải mất đồng xu nào, nghiễm nhiên thành chú rể.
    Khi mẹ sinh tôi, bà nội ẵm cháu, hóp cái miệng chẳng còn mấy cái răng vui sướng nói: \\\"Cái con mẹ điên này, mà lại sinh cho bà cái đứa chống gậy rồi!\\\". Có điều sinh tôi ra, bà nội ẵm mất tôi, không bao giờ cho mẹ đến gần con.
    Mẹ chỉ muốn ôm tôi, bao nhiêu lần đứng trước mặt bà nội dùng hết sức gào lên: \\\"Đưa, đưa tôi...\\\" bà nội mặc kệ. Tôi còn trứng nước như thế, như khối thịt non, biết đâu mẹ lỡ tay vứt tôi đi đâu thì sao? Dù sao, mẹ cũng chỉ là con điên.
    Cứ mỗi khi mẹ khẩn cầu được bế tôi, bà nội lại trợn mắt lên chửi: \\\"Mày đừng có hòng bế con, tao còn lâu mới đưa cho mày. Tao mà phát hiện mày bế nó, tao đánh mày chết. Có đánh chưa chết thì tao cũng sẽ đuổi mày cút!\\\".
    Bà nội nói với vẻ kiên quyết và chắc chắn. Mẹ hiểu ra, mặt mẹ sợ hãi khủng khiếp, mỗi lần chỉ dám đứng ở xa xa ngó tôi. Cho dù vú mẹ sữa căng đầy cứng, nhưng tôi không được một ngụm sữa mẹ nào, bà nội đút từng thìa từng thìa nuôi cho tôi lớn. Bà nói, trong sữa mẹ có \\\"bệnh thần kinh\\\", nếu lây sang tôi thì phiền lắm.
    Hồi đó nhà tôi vẫn đang giãy giụa giữa vũng bùn lầy của nghèo đói. Đặc biệt là sau khi có thêm mẹ và tôi, nhà vẫn thường phải treo niêu. Bà nội quyết định đuổi mẹ, vì mẹ không những chỉ ngồi nhà ăn hại cơm nhà, còn thỉnh thoảng làm thành tiếng thị phi.
    Một ngày, bà nội nấu một nồi cơm to, tự tay xúc đầy một bát cơm đưa cho mẹ, bảo: \\\"Con dâu, nhà ta bây giờ nghèo lắm rồi, mẹ có lỗi với cô. Cô ăn hết bát cơm này đi, rồi đi tìm nhà nào giàu có hơn một tí mà ở, sau này cấm không được quay lại đây nữa, nghe chửa?\\\".
    Mẹ tôi vừa và một miếng cơm to vào mồm, nghe bà nội tôi hạ \\\"lệnh tiễn khách\\\" liền tỏ ra kinh ngạc, ngụm cơm đờ ra lã tã miệng. Mẹ nhìn tôi đang nằm trong lòng bà, lắp bắp kêu ai oán: \\\"Đừng... đừng...\\\".
    Bà nội sắt mặt lại, lấy tác phong uy nghiêm của bậc gia trưởng nghiêm giọng hét: \\\"Con dâu điên mày ngang bướng cái gì, bướng thì chả có kết quả tốt lành gì đâu. Mày vốn lang thang khắp nơi, tao bao dung mày hai năm rồi, mày còn đòi cái gì nữa? Ăn hết bát đấy rồi đi đi, nghe thấy chưa hả?\\\".
    Nói đoạn bà nội lôi sau cửa ra cái xẻng, đập thật mạnh xuống nền đất như Dư Thái Quân nắm gậy đầu rồng, \\\"phầm!\\\" một tiếng. Mẹ sợ chết giấc, khiếp nhược lén nhìn bà nội, lại chậm rãi cúi đầu nhìn xuống bát cơm trước mặt, có nước mắt rưới trên những hạt cơm trắng nhệch.
    Dưới cái nhìn giám sát, mẹ chợt có một cử động kỳ quặc, mẹ chia cơm trong bát một phần lớn sang cái bát không khác, rồi nhìn bà một cách đáng thương hại.
    Bà nội ngồi thẫn thờ, hoá ra, mẹ muốn nói với bà rằng, mỗi bữa mẹ sẽ chỉ ăn nửa bát, chỉ mong bà đừng đuổi mẹ đi. Bà nội trong lòng như bị ai vò cho mấy nắm, bà nội cũng là đàn bà, sự cứng rắn của bà cũng chỉ là vỏ ngoài.
    Bà nội quay đầu đi, nuốt những giọt nước mắt nóng đi, rồi quay lại sắt mặt nói: \\\"Ăn mau ăn mau, ăn xong còn đi. Ở nhà này cô cũng chết đói thôi!\\\". Mẹ tôi dường như tuyệt vọng, đến ngay cả nửa bát cơm con cũng không ăn, thập thễnh bước ra khỏi cửa, nhưng mẹ đứng ở bậc cửa rất lâu không bước ra.
    Bà nội dằn lòng đuổi: \\\"Cô đi, cô đi, đừng có quay đầu lại. Dưới gầm trời này còn nhiều nhà người ta giàu!\\\". Mẹ tôi quay lại, đưa một tay ra phía lòng bà, thì ra, mẹ muốn được ôm tôi một tí.
    Bà nội lưỡng lự một lúc, rồi đưa tôi trong bọc tã lót cho mẹ. Lần đầu tiên mẹ được ẵm tôi vào lòng, môi nhắp nhắp cười, cười hạnh phúc rạng rỡ. Còn bà nội như gặp quân thù, hai tay đỡ sẵn dưới thân tôi, chỉ sợ mẹ lên cơn điên, quăng tôi đi như quăng rác. Mẹ ôm tôi chưa được ba phút, bà nội không đợi được giằng tôi trở lại, rồi vào nhà cài chặt then cửa.
    Khi tôi bắt đầu lờ mờ hiểu biết một chút, tôi mới phát hiện, ngoài tôi ra, bọn trẻ chơi cùng tôi đều có mẹ. Tôi tìm cha đòi, tìm bà đòi, họ đều nói, mẹ tôi chết rồi. Nhưng bọn bạn cùng làng đều bảo tôi: \\\"Mẹ mày là một con điên, bị bà mày đuổi đi rồi\\\".
    Tôi tìm bà nội vòi vĩnh, đòi bà phải trả mẹ lại, còn chửi bà là đồ \\\"bà lang sói\\\", thậm chí hất tung mọi cơm rau bà bưng cho tôi. Ngày đó, tôi làm gì biết \\\"điên\\\" nghĩa là cái gì đâu, tôi chỉ cảm thấy nhớ mẹ tôi vô cùng, mẹ trông như thế nào nhỉ? mẹ còn sống không?
    Không ngờ, năm tôi sáu tuổi, mẹ tôi trở về sau 5 năm lang thang.
    Hôm đó, mấy đứa nhóc bạn tôi chạy như bay tới báo: \\\"Thụ, mau đi xem, mẹ mày về rồi kìa, mẹ bị điên của mày về rồi!\\\" Tôi mừng quá đít nhổng nhổng, co giò chạy vội ra ngoài, bà nội và cha cũng chạy theo tôi.
    Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy mẹ, kể từ khi biết nhớ. Người đàn bà đó vẫn áo quần rách nát, tóc tai còn những vụn cỏ khô vàng khè, có trời mới biết là do ngủ đêm trong đống cỏ nào.
    Mẹ không dám bước vào cửa, nhưng mặt hướng về phía nhà tôi, ngồi trên một hòn đá cạnh ruộng lúa trước làng, trong tay còn cầm một quả bóng bay bẩn thỉu.
    Khi tôi và lũ trẻ đứng trước mặt mẹ, mẹ cuống cuồng nhìn trong đám tôi tìm con trai mẹ. Cuối cùng mẹ dán chặt mắt vào tôi, nhìn tôi chòng chọc, nhếch mép bảo: \\\"Thụ... bóng... bóng...\\\".
    Mẹ đứng lên, liên tục giơ lên quả bóng bay trong tay, dúi vào tôi với vẻ lấy lòng. Tôi thì liên tục lùi lại. Tôi thất vọng ghê gớm, không ngờ người mẹ ngày đêm tôi nhớ thương lại là cái hình người này.
    Một thằng cu đứng cạnh tôi kêu to: \\\"Thụ, bây giờ mày biết con điên là thế nào chưa? Là mẹ mày như thế này đấy!\\\".
    Tôi tức tối đáp lại nó: \\\"Nó là mẹ mày ấy! Mẹ mày mới là con điên ấy, mẹ mày mới là thế này!\\\" Tôi quay đầu chạy trốn. Người mẹ bị điên này tôi không thèm. Bà nội và bố thì lại đưa mẹ về nhà.
    Năm đó, bà nội đuổi mẹ đi rồi, lương tâm bà bị chất vấn dày vò, bà càng ngày càng già, trái tim bà cũng không còn sắt thép được nữa, nên bà chủ động đưa mẹ về, còn tôi lại bực bội, bởi mẹ đã làm tôi mất thể diện.
    Tôi không bao giờ tươi tỉnh với mẹ, chưa bao giờ chủ động nói với mẹ, càng không bao giờ gọi \\\"Mẹ!\\\", khi phải trao đổi với mẹ, tôi gào là chủ yếu, mẹ không bao giờ dám hé miệng.
    Nhà không thể nuôi không mẹ mãi, bà nội quyết định huấn luyện cho mẹ làm việc vặt. Khi đi làm đồng, bà nội dắt mẹ đi \\\"quan sát học hỏi\\\", bà bảo mẹ không nghe lời sẽ bị đánh đòn.
    Sau một thời gian, bà nội nghĩ mẹ đã được dạy dỗ tương đối rồi, liền để mẹ tự đi cắt cỏ lợn. Ai ngờ mẹ chỉ cắt nửa tiếng đã xong cả hai bồ \\\"cỏ lợn\\\".
    Bà nội vừa nhìn đã tá hỏa sợ hãi, cỏ mẹ cắt là lúa giống vừa làm đòng trỗ bông trong ruộng nhà người ta. Bà nội vừa sợ vừa giận phát cuồng chửi rủa: \\\"Con mẹ điên lúa và cỏ mà không phân biệt được...\\\"
    Bà nội còn đang chưa biết nên xoay xở ra sao, thì nhà có ruộng bị cắt lúa tìm tới, mắng bà cố ý dạy con dâu làm càn. Bà nội tôi lửa giận bốc phừng phừng, trước mặt người ta lấy gậy đánh vào eo lưng con dâu, chửi: \\\"Đánh chết con điên này, mày cút ngay đi cho bà...\\\"
    Mẹ tuy điên, nhưng vẫn biết đau, mẹ nhảy nhỏm lên chạy trốn đầu gậy, miệng phát ra những tiếng lắp bắp sợ hãi: \\\"Đừng... đừng...\\\". Sau rồi, nhà người ta cũng cảm thấy chướng mắt, chủ động bảo: \\\"Thôi, chúng tôi cũng chẳng bắt đền nữa. Sau này giữ cô ta chặt một tí là được...\\\".
    Sau khi cơn sóng gió qua, mẹ oại người dưới đất thút thít khóc. Tôi khinh bỉ bảo: \\\"Cỏ với lúa mà cũng chả phân biệt được, mày đúng là lợn!\\\" Lời vừa dứt, gáy tôi bị một cái tát lật, là bà. Bà trừng mắt bảo tôi: \\\"Thằng ngu kia, mày nói cái gì đấy? Mày còn thế này nữa? Đấy là mẹ mày đấy!\\\" Tôi vùng vằng bĩu môi: \\\"Cháu không có loại mẹ điên khùng thế này!\\\".
    \\\"A, mày càng ngày càng láo. Xem bà có đánh mày không!\\\". Bà nội lại giơ tay lên, lúc này chỉ thấy mẹ như cái lò xo bật từ dưới đất lên, che giữa bà nội và tôi, mẹ chỉ tay vào đầu mẹ, kêu thảng thốt: \\\"Đánh tôi, đánh tôi!\\\".
    Tôi hiểu rồi, mẹ bảo bà nội đánh mẹ, đừng đánh tôi. Cánh tay bà trên không trung thõng xuống, miệng lẩm bẩm: \\\"Con mẹ điên này, trong lòng nó cũng biết thương con đây!\\\".
    Tôi vào lớp một, cha được một hộ chuyên nuôi cá làng bên mời đi canh hồ cá, mỗi tháng lương 50 tệ. Mẹ vẫn đi làm ruộng dưới sự chỉ bảo của bà, chủ yếu là đi cắt cỏ lợn, mẹ cũng không còn gây ra vụ rầy rà nào lớn nữa.
    Nhớ một ngày mùa đông đói rét năm tôi học lớp ba, trời đột ngột đổ mưa, bà nội sai mẹ mang ô cho tôi. Có lẽ trên đường đến trường tôi mẹ đã ngã ì oạch mấy lần, toàn thân trông như con khỉ lấm bùn, mẹ đứng ở ngoài cửa sổ lớp học nhìn tôi cười ngớ ngẩn, miệng còn gọi tôi: \\\"Thụ... ô...\\\".
    Có mấy đứa bạn tôi cười khúc khích, tôi như ngồi trên bàn chông, oán hận mẹ khủng khiếp, hận mẹ không biết điều, hận mẹ làm tôi xấu hổ, càng hận thằng Hỷ cầm đầu trêu chọc.
    Trong lúc nó còn đang khoa trương bắt chước mẹ, tôi chộp cái hộp bút trước mặt, đập thật mạnh cho nó một phát, nhưng bị thằng Hỷ tránh được. Nó xông tới bóp cổ tôi, chúng tôi giằng co đánh nhau.
    Tôi nhỏ con, vốn không phải là đối thủ của nó, bị nó dễ dàng đè xuống đất. Lúc này, chỉ nghe một tiếng \\\"vút\\\" kéo dài từ bên ngoài lớp học, mẹ giống như một đại hiệp \\\"bay\\\" ào vào, một tay tóm cổ thằng Hỷ, đẩy ra tận ngoài cửa lớp.
    Ai cũng bảo người điên rất khỏe, thật sự đúng là như vậy. Mẹ dùng hai tay nhấc bổng thằng bắt nạt tôi lên trên không trung, nó kinh sợ kêu khóc gọi bố mẹ, một chân béo ị khua khoắng đạp loạn xạ trên không trung. Mẹ không thèm để ý, vứt nó vào ao nước cạnh cổng trường, rồi mặt thản nhiên, mẹ đi ra.
    Mẹ vì tôi gây ra đại họa, mẹ lại làm như không có việc gì xảy ra. Trước mặt tôi, mẹ lại có vẻ khiếp nhược, nhìn tôi vẻ muốn lấy lòng. Tôi hiểu ra đây là tình yêu của mẹ, dù đầu óc mẹ không tỉnh táo, thì tình yêu của mẹ vẫn tỉnh táo, vì con trai của mẹ bị người ta bắt nạt.
    Lúc đó tôi không kìm được kêu lên: \\\"Mẹ!\\\" đây là tiếng gọi đầu tiên kể từ khi tôi biết nói. Mẹ sững sờ cả người, nhìn tôi rất lâu, rồi y hệt như một đứa trẻ con, mặt mẹ đỏ hồng lên, cười ngớ ngẩn. Hôm đó, lần đầu tiên hai mẹ con tôi cùng che một cái ô về nhà.
    Tôi kể sự tình cho bà nội nghe, bà nội sợ rụng rời ngã ngồi lên ghế, vội vã nhờ người đi gọi cha về. Cha vừa bước vào nhà, một đám người tráng niên vạm vỡ tay dao tay thước xông vào nhà tôi, không cần hỏi han trắng đen gì, trước tiên đập phá mọi bát đũa vò hũ trong nhà nát như tương, trong nhà như vừa có động đất cấp chín.
    Đây là những người do nhà thằng Hỷ nhờ tới, bố thằng Hỷ hung hãn chỉ vào cha tôi nói: \\\"Con trai tao sợ quá đã phát điên rồi, hiện đang nằm nhà thương. Nhà mày mà không mang 1000 tệ trả tiền thuốc thang, mẹ mày tao cho một mồi lửa đốt tan cái nhà mày ra\\\".
    Một nghìn tệ? Cha đi làm một tháng chỉ 50 tệ! Nhìn những người sát khí đằng đằng nhà thằng Hỷ, cha tôi mắt đỏ lên dần, cha nhìn mẹ với ánh mắt cực kỳ khủng khiếp, một tay nhanh như cắt dỡ thắt lưng da, đánh tới tấp khắp đầu mặt mẹ.
    Một trận lại một trận, mẹ chỉ còn như một con chuột khiếp hãi run rẩy, lại như một con thú săn đã bị dồn vào đường chết, nhảy lên hãi hùng, chạy trốn, cả đời tôi không thể quên tiếng thắt lưng da vụt lạnh lùng lên thân mẹ và những tiếng thê thiết mẹ kêu.
    Sau đó phải trưởng đồn cảnh sát đến ngăn bàn tay bạo lực của cha. Kết quả hoà giải của đồn cảnh sát là: Cả hai bên đều có tổn thất, cả hai không nợ nần gì nhau cả. Ai còn gây sự sẽ bắt luôn người đó.
    Đám người đi rồi, cha tôi nhìn khắp nhà mảnh vỡ nồi niêu bát đũa tan tành, lại nhìn mẹ tôi vết roi đầy mình, cha tôi bất ngờ ôm mẹ tôi vào lòng khóc thảm thiết. \\\"Mẹ điên ơi, không phải là tôi muốn đánh mẹ, mà nếu như tôi không đánh thì việc này không thể dàn xếp nổi, nhà mình làm gì có tiền mà đền cho người. Bởi nghèo khổ quá mà thành họa đấy thôi!\\\".
    Cha lại nhìn tôi nói: \\\"Thụ, con phải cố mà học lên đại học. Không thì, nhà ta cứ bị người khác bắt nạt suốt đời, nhé!\\\". Tôi gật đầu, tôi hiểu.
    Mùa hè năm 2000, tôi thi đỗ vào trung học với kết quả xuất sắc. Bà nội tôi vì làm việc cực nhọc cả đời mà mất trước đó, gia cảnh ngày càng khó khăn hơn. Cục Dân Chính khu tự trị Ân Thi (Hồ Bắc) xếp nhà tôi thuộc diện đặc biệt nghèo đói, mỗi tháng trợ cấp 40 tệ. Trường tôi học cũng giảm bớt học phí cho tôi, nhờ thế tôi mới có thể học tiếp.
    Vì học nội trú, bài vở nhiều, tôi rất ít khi về nhà. Cha tôi vẫn đi làm thuê 50 tệ một tháng, gánh tiếp tế cho tôi đặt lên vai mẹ, không ai thay thế được. Mỗi lần bà thím nhà bên giúp nấu xong thức ăn, đưa cho mẹ mang đi.
    Hai mươi ki lô mét đường núi ngoằn ngoèo ruột dê làm khổ mẹ phải tốn sức ghi nhớ đường đi, gió tuyết cũng vẫn đi. Và thật là kỳ tích, hễ bất cứ việc gì làm vì con trai, mẹ đều không điên tí nào. Ngoài tình yêu mẫu tử ra, tôi không còn cách giải thích nào khác. Y học cũng nên giải thích khám phá hiện tượng này.
    27/4/2003, lại là một Chủ nhật, mẹ lại đến, không chỉ mang đồ ăn cho tôi, mẹ còn mang đến hơn chục quả đào dại. Tôi cầm một quả, cắn một miếng, cười hỏi mẹ: \\\"Ngọt quá, ở đâu ra?\\\" Mẹ nói: \\\"Tôi... tôi hái...\\\" không ngờ mẹ tôi cũng biết hái cả đào dại, tôi chân thành khen mẹ: \\\"Mẹ, mẹ càng ngày càng tài giỏi!\\\". Mẹ cười hì hì.
    Trước lúc mẹ về, tôi theo thói quen dặn dò mẹ phải cẩn thận an toàn, mẹ ờ ờ trả lời. Tiễn mẹ xong, tôi lại bận rộn ôn tập trước kỳ thi cuối cùng của thời phổ thông.
    Ngày hôm sau, khi đang ở trên lớp, bà thím vội vã chạy đến trường, nhờ thầy giáo gọi tôi ra ngoài cửa. Thím hỏi tôi, mẹ tôi có đến đưa tiếp tế đồ ăn không? Tôi nói đưa rồi, hôm qua mẹ về rồi. Thím nói: \\\"Không, mẹ mày đến giờ vẫn chưa về nhà!\\\" Tim tôi thót lên một cái, mẹ tôi chắc không đi lạc đường? Chặng đường này mẹ đã đi ba năm rồi, có lẽ không thể lạc được.
    Thím hỏi: \\\"Mẹ mày có nói gì không?\\\" Tôi bảo không, mẹ chỉ cho cháu chục quả đào tươi. Thím đập hai tay:\\\" Thôi chết rồi, hỏng rồi, có lẽ vì mấy quả đào dại rồi!\\\"
    Thím kêu tôi xin nghỉ học, chúng tôi đi men theo đường núi về tìm. Đường về quả thực có mấy cây đào dại, trên cây chỉ lơ thơ vài quả cọc, bởi nếu mọc ở vách đá mới còn giữ được quả. Chúng tôi cùng lúc nhìn thấy trên thân cây đào có một vết gãy cành, dưới cây là vực sâu trăm thước.
    Thím nhìn tôi rồi nói: \\\"Chúng ta đi xuống khe vách đá tìm!\\\" Tôi nói: \\\"Thím, thím đừng doạ cháu...\\\". Thím không nói năng kéo tôi đi xuống vách núi...
    Mẹ nằm yên tĩnh dưới khe núi, những trái đào dại vương vãi xung quanh, trong tay mẹ còn nắm chặt một quả, máu trên người mẹ đã cứng lại thành đám màu đen nặng nề.
    Tôi đau đớn tới mức ngũ tạng như vỡ ra, ôm chặt cứng lấy mẹ, gọi: \\\"Mẹ ơi, Mẹ đau khổ của con ơi! Con hối hận đã nói rằng đào này ngọt! Chính là con đã lấy mạng của mẹ... Mẹ ơi, mẹ sống chẳng được hưởng sung sướng ngày nào...\\\"
    Tôi sát đầu tôi vào khuôn mặt lạnh cứng của mẹ, khóc tới mức những hòn đá dại trên đỉnh núi cũng rớt nước mắt theo tôi.
    Ngày 7/8/2003, một trăm ngày sau khi chôn cất mẹ, thư gọi nhập học dát vàng dát bạc của Đại học Hồ Bắc đi xuyên qua những ngả đường mẹ tôi đã đi, chạy qua những cây đào dại, xuyên qua ruộng lúa đầu làng, \\\"bay\\\" thẳng vào cửa nhà tôi.
    Tôi gài lá thư đến muộn ấy vào đầu ngôi mộ cô tịch của mẹ: \\\"MẸ, con đã có ngày mở mặt mở mày rồi, MẸ có nghe thấy không? MẸ có thể ngậm cười nơi chín suối rồi!\\\".

 


Ngủ rồi carycon

Trả lời #4 vào: 08-09-2011 09:47:20
Đây là câu chuyện thứ 3, vì hôm qua em không lên DD nên em viết bù vào  :laugh:
Cái máy bơm
Một người đàn ông bị lạc giữa một sa mạc rộng lớn. Ông mệt lả và khát khô, sẵn sàng đánh đổi bất kỳ cái gì chỉ để lấy một ngụm nước mát. Đi mãi đi mãi, đến khi đôi chân ông đã sưng lên nhức nhối, thì ông thấy một căn lều: cũ, rách nát, không cửa sổ.
Ông nhìn quanh căn lều và thấy ở mộ góc tối, có một cái máy bơm nước cũ và gỉ sét. Tất cả mọi thứ trở nên lu mờ đi bên cạnh cái máy bơm, người đàn ông vội vã bước tới, vịn chặt tay cầm, ra sức bơm. Nhưng không có một giọt nước nào chảy ra cả.
Thất vọng, ông nhìn quanh căn lều. Lúc này, ông mới để ý thấy một cái bình nhỏ. Phủi sạch bụi cát trên bình, ông đọc được dòng chữ nguệch ngoạch viết bằng cách lấy viên đá cào lên: “Hãy đổ hết nước trong bình này vào cái máy bơm. Và trước khi đi, hãy nhớ đổ nước đầy vào chiếc bình này”.
Người đàn ông bật nắp bình ra, và đúng thật: trong bình đầy nước mát. Bỗng nhiên, người đàn ông rơi vào một tình thế bấp bênh. Nếu ông uống ngay chỗ nước trong bình, chắc chắn ông có thể sống sót. Nhưng nếu ông đổ hết nước vào cái máy bơm cũ gỉ, có thể nó sẽ bơm được nước trong lành từ sâu trong lòng đất – rất nhiều nước.
Ông cân nhắc khả năng cả hai sự lựa chọn; nên mạo hiểm rót nước vào máy bơm để có nguồn nước trong lành, hay uống nước trong cái bình cũ và coi như không đọc được lời chỉ dẫn? Dù sao, lời chỉ dẫn không biết đã ở đó bao lâu rồi và không biết có còn chính xác nữa không?
Nhưng rồi cuối cùng, ông cũng quyết định rót hết nước vào cái máy bơm. Rồi ông tiếp tục nhấn mạnh cái cần máy bơm, một lần, hai lần... chẳng có gì xảy ra cả! Tuy hoảng hốt, nhưng nếu dừng lại, ông sẽ không còn một nguồn hi vọng nào nữa, nên người đàn ông kiên trì bơm lên xuống, lần nữa, lần nữa...nước mát trong lành bắt đầu chảy ra từ cái máy bơm cũ kỹ. Người đàn ông vội vã hứng nước vào bình và uống.
Rồi ông hứng nước đầy bình, dành cho người nào đó không may mắn bị lạc đường như ông sẽ đến đây. Ông đậy nắp bình, rồi viết thêm một câu dưới dòng chữ có sẵn trên bình: “Hãy làm theo chỉ dẫn trên. Bạn cần phải cho trước khi bạn có thể nhận”.

 


Ngủ rồi carycon

Trả lời #3 vào: 08-09-2011 09:45:46
Theo như lời yêu cầu của bác daicatroc. Em xin tiếp tục câu chuyện thứ 2 mà mình mới ST được:

Gieo gió gặt bão
- Xưa có một vị vua độc ác tên là Raja Shankara. Ông ta rất hay nổi nóng và chẳng làm được việc gì cả. Mỗi ngày vài lần, ông ta lại tự nói với mình trong gương rằng: “Ta là chúa tể vĩ đại”.
Nỗi ám ảnh đó khiến vua Raja Shankara chẳng thể yêu nổi ai ngoài chính bản thân mình. Ông hoàn toàn thờ ơ trước tình trạng bất công đang hoành hành trên đất nước, vì đã dành quá ít thời gian cho việc triều chính.
Phần lớn thời gian Raja Shankara tắm mình trong sữa và mật ong. Nếu có bất kì người hầu thân cận nào, dù được nhà vua tin tưởng quý mến, mà dám “ngắt quãng” cuộc sống hưởng thụ của ông ta sẽ bị nhiếc móc, thậm chí bêu đầu.
Raja Shankara có tên quân sư độc ác không kém tên là Twishar Dhare. Hắn khuyến khích nhà vua dấn sâu thêm vào cuộc sống bê tha, trụy lạc mà không hề hay biết gì về mưu đồ mà vị quân sư “rất tận tâm” này đang thực hiện: Lật đổ ngai vàng, chi phối vương quốc bằng những mưu đồ độc địa.
Một buổi sáng nọ, nhà vua trở về sau cuộc cưỡi ngựa đi dạo với vẻ mặt nhiều xúc cảm. Ông tự nhốt mình trong căn phòng nguy nga và chỉ mở cửa khi mặt trời đã khuất núi.
Cả ngày hôm đó vị vua rất ít lời. Sáng hôm sau thức dậy, ông chuẩn bị thiết triều để tuyên bố với toàn thể văn võ bá quan và thần dân một quyết định quan trọng. Mọi người vô cùng lo sợ, không biết họ sẽ nhận được gì từ vị vua đang giận dữ.
Thật bất ngờ, vị vua tuyên bố: “Từ nay trở đi ta sẽ là một vị vua khác, nhân từ hơn, nhẫn nại hơn”.
Đúng với những gì đã tuyên cáo, vị vua thực sự trở thành một con người khác. Ông đã dẹp yên hết những bất công và đổ vỡ trên vương quốc bằng một phong thái mềm mỏng với mục đích là thay đổi con người mình từ bên trong.
Một ngày đẹp trời, tên cố vấn độc địa lấy hết can đảm hỏi vua lí do về sự thay đổi của ông. Vị vua trả lời: “Một buổi sáng cách đây một tháng, đang trên lưng ngựa, ta thấy một con chó dữ đuổi một con mèo. Con mèo đã lẩn vào trong một cái hố ngay sau khi bị con chó đớp vào chân, có vẻ như nguy hại đến tính mạng. Con chó sủa vang ngay gần một người nông dân. Và người này nhặt một hòn đá sắc, ném thẳng vào mắt con chó. Máu chảy đầm đìa, con chó hú lên trong đau đớn. Sau đó người đàn ông quay đi, đang đi thì ông ta trượt ngã bên vỉa đường và bị vỡ đầu.
Tất cả sự việc xảy ra trước mắt ta. Sau đó ta bỗng nhận ra một điều: Cái ác lại nảy sinh ra cái ác. Ta đã nghĩ kĩ về điều đó và sẵn sàng từ bỏ cuộc sống của riêng ta để đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho thần dân. Ta muốn rũ bỏ cái ác và ta không muốn nó lại ngự trị trong ta nữa”.
Cười khẩy bước đi, tên cố vấn bất nhân nghĩ đây đúng là thời điểm tuyệt vời để đoạt ngôi vàng, vì vua Raja Shankara đã trở nên tốt bụng hơn, kiên nhẫn hơn và đang cố gắng tránh chiến tranh trên đất nước.
Đang nghĩ về kế hoạch lật đổ, hắn bước trượt 1 bậc thang và lăn xuống hết cầu thang, kết thúc bằng một cú va đập mạnh. Hắn tru tréo lên đau đớn khi nhận ra rằng đã gãy cả 2 chân. Quả đúng là cái ác lại sinh ra cái ác, gieo gió ắt sẽ gặt bão thôi.

 


Ngủ rồi daicatroc

Trả lời #2 vào: 07-09-2011 12:24:49
Thank bác, Câu chuyện tuy đơn giản nhưng rất hay, cảm động và ý nghĩa, Bác đã đọc truyện Ngàn lẻ một đêm chưa? Bác đã bắt đầu ngày thứ nhất rồi, tiếp ngày thứ hai đi Bác..........1001. Em vẫn chờ đấy

 


Ngủ rồi carycon

Trả lời #1 vào: 03-09-2011 13:01:22
Tối hôm đó Sue cãi nhau với mẹ, rồi không mang gì theo cô đùng đùng ra khỏi nhà. Trong lúc đang trên đường, cô mới nhớ ra rằng mình chẳng có đồng bạc nào trong túi, thậm chí không có đủ mấy xu để gọi điện về nhà.
           Cùng lúc đó cô đi qua một quán mì, mùi thơm bốc lên ngào ngạt làm cô chợt cảm thấy đói ngấu. Cô thèm một tô mì lắm nhưng lại không có tiền!
      Người bán mì thấy cô đứng tần ngần trước quấy hàng bèn hỏi:
- Này cô bé, cô có muốn ăn một tô không?
- Nhưng... nhưng cháu không mang theo tiền... - cô thẹn thùng trả lời.
- Ðược rồi, tôi sẽ đãi cô - người bán nói - Vào đây, tôi nấu cho cô một tô mì.
       Mấy phút sau ông chủ quán bưng tới cho cô một tô mì bốc khói. Ngồi ăn được mấy miếng, Sue lại bật khóc
- Có chuyện gì vậy? - ông ta hỏi
- Không có gì. Tại cháu cảm động quá! - Sue vừa nói vừa lấy tay quẹt nước mắt. - Thậm chí một người không quen ngoài đường còn cho cháu một tô mì, còn mẹ cháu, sau khi cự cãi đã đuổi cháu ra khỏi nhà. Chú là người lạ mà còn tỏ ra quan tâm đến cháu, còn mẹ cháu.... \\\"bả\\\" ác độc quá!!\\\" - cô bé nói với người bán mì...
         Nghe Sue nói, ông chủ quán thở dài:
- Này cô bé, sao lại nghĩ như vậy? Hãy suy nghĩ lại đi, tôi mới chỉ đãi cô một tô mì mà cô cảm động như vậy, còn mẹ cô đã nuôi cô từ khi cô còn nhỏ xíu, sao cô không biết ơn mà lại còn dám cãi lời mẹ nữa?
          Sue giật mình ngạc nhiên khi nghe điều đó. \\\"Tại sao mình lại không nghĩ ra nhỉ? Một tô mì của người lạ mà mình cảm thấy mang ơn, còn mẹ mình đã nuôi mình hàng bao năm qua mà thậm chí mình chưa bao giờ tỏ ra quan tâm đến mẹ dù chỉ một chút. Mà chỉ vì chuyện nhỏ mình lại cự cãi với mẹ???\\\"
         Trên đường về, cô thầm nghĩ trong đầu những điều cô sẽ nói với mẹ:\\\" Mẹ ơi, con xin lỗi. Con biết đó là lỗi của con, xin mẹ tha thứ cho con...\\\"
          Khi bước lên thềm, cô nhìn thấy mẹ đang lo lắng và mệt mỏi vì đã tìm kiếm cô khắp nơi. Nhìn thấy Sue, mẹ cô nói:\\\" Sue, vào nhà đi con. Chắc con đói bụng lắm rồi phải không? Cơm nước mẹ nấu xong rồi, vào nhà ăn ngay cho nóng...\\\"
             Không thể kiềm giữ được nữa, Sue òa khóc trong tay mẹ.

@Ngẫm: Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta dễ cảm kích với những hành động nhỏ mà một số người xung quanh làm cho chúng ta, nhưng đối với những người thân thuộc, nhất là cha mẹ, chúng ta lại xem sự hy sinh của họ như chuyện đương nhiên...
Tình yêu và sự quan tâm lo lắng của cha mẹ là món quá quý giá nhất mà chúng ta được tặng từ khi mới chào đời.
Cha mẹ không mong đợi chúng ta trả công nuôi dưỡng nhưng...Liệu có bao giờ chúng ta quý trọng sự hy sinh vô điều kiện này của cha mẹ chúng ta?...