Cụ Trần Văn bảy – Đạp xích lô – Q1 – Sài gòn
Hoàn cảnh: Cụ già yếu, không người thân, đạp xích lô kiếm sống.
Thành viên giới thiệu: Hollow ngày 26/5/2009
Thành viên xác minh: Lathuvang & Hữu Công
Hình thức giúp đỡ từ NTCM:
Thăm hỏi và CMTX 300.000 VND / tháng từ tháng 5/2009 (từ Simba)
CMKTX: Simba (1.000.000 VND), Xulanhphanlan (500.000 VND), Tranhieuthuyen (900.000 VND)
Quà của cotoiday (đồ ăn và thuốc)
Thông tin giới thiệu:
Cụ già 89 tuổi không có người thân, ngủ ở vỉa hè, phải đạp xích lô kiếm sống… Đó là những thông tin ngắn gọn tôi nghe Mẹ kể nhưng cũng thờ ơ không chú ý lắm. Đến chủ nhật tuần rồi tôi mới cùng Mẹ và hai người bạn tìm gặp cụ. Dù đã hẹn trước, nhưng phải chạy nhiều vòng quanh khu vực Cầu Muối chúng tôi mới tìm được cụ. Vì ban ngày người ta không cho đậu xe lâu nên cụ cứ phải di chuyển chỗ, không thể đợi chúng tôi tại nơi đã hẹn...
Vài năm trước, trong một lần đi làm về ngang khu vực chợ Cầu Muối, Mẹ tôi chú ý đến một cụ già đạp xích lô cụ vì dáng vẻ già nua, mệt nhọc, mà vẫn cố chậm chạp đạp từng vòng xe kiếm sống. Thỉnh thoảng gặp cụ Mẹ tôi vẫn biếu ít tiền. Ngày 28 Tết vừa qua, sau khi tìm cụ để tặng chút quà Tết về, Mẹ tôi buồn buồn kể với chúng tôi tình hình bi đát của cụ và nhờ tìm cách giúp đỡ.
Lúc này cụ đã yếu đi nhiều nên hầu như không đạp xe nổi nữa. Hiếm hoi lắm có người thuê chở ít hàng, cụ lại đẩy chiếc xích lô cũ kỹ mà đi. Người và xe run rẩy nép vào nhau, nhích dần lên từng bước mà đầu người cứ gục xuống, chừng như cái cổ già nua không chịu nổi sức nặng của cái đầu. Nhìn khổ nhọc như vậy nên dù có thương, bà con cũng ít dám nhờ cụ, sợ chẳng may cụ gục giữa đường thì khổ. Những lúc có khách kêu, là lúc cụ đang ngồi gà gật trên xe, người ta chỉ thoáng nhìn nên không nhận ra được vẻ già nua của cụ.
Chúng tôi hỏi vậy cụ sống bằng gì. Cụ trả lời thật đơn giản “Bữa nào kiếm được mấy đồng thì mua cái gì ăn cũng được. Còn bữa nào không thì nhịn đói. Tui già rồi, nhịn đói cũng dễ”. Chúng tôi chưa đến tuổi già nên không biết nhịn đói dễ như thế nào, nên chỉ thầm mong cụ không phải chịu quá nhiều những ngày đói khát. May mắn là chỗ vỉa hè cụ hay ngủ ban đêm có mái che, và chủ nhà cũng tốt bụng không xua đuổi, nên cụ cũng tránh được phần nào những đêm mưa gió.
Hỏi chuyện gia đình, cụ cho biết tên Trần Văn Bảy, 89 tuổi, quê ở Gò Công, nhà nghèo cha mẹ mất sớm nên trôi dạt lên Sài Gòn đạp xích lô từ hồi 19, 20 tuổi. Cụ nói “Người ta già còn nhờ con nhờ cháu. Tui tại duyên số không có gia đình nên giờ phải chịu vậy thôi.” Có lẽ tuổi già cùng những năm tháng nhọc nhằn kiếm sống đã làm cụ quá mỏi mệt, không muốn thay đổi, không còn khả năng phấn đấu, nên dù chúng tôi cố gợi ý giúp đỡ, ví dụ tìm chỗ cho cụ ngồi bán vé số, ít vất vả hơn đạp xích lô, hay xin cho cụ vào một trung tâm dưỡng lão nào đó, cụ cũng một mực từ chối. Cụ chỉ có một mong ước duy nhất là không phải kéo dài quá lâu những ngày còn lại của cuộc đời.
Chúng tôi ra về lòng nặng trĩu, băn khoăn mãi mà không biết làm cách nào cho cụ bớt khổ. Viết bài này chỉ mong ai đó đi ngang trường Lương Thế Vinh đường Nguyễn Khắc Nhu, Quận 1, nơi cụ hay nghỉ trưa vào buổi chiều chủ nhật, hay quán cơm địa chỉ 210 Cô Bắc, Quận 1 (gần góc Cô Bắc – Nguyễn Khắc Nhu) nơi cụ ngủ nhờ trước hiên buổi tối, sẽ dừng lại chia sẻ chút gì với cụ già xích lô, để cụ không còn phải dỗ đói mà chờ thời gian trôi qua nhanh cho đến những phút cuối đời.
Thông tin xác minh:
Tối nay Lathuvang cùng Hữu Công có tìm gặp cụ Bảy. Đi vòng vòng 1 hối mới gặp Cụ đang lui cui bên chiếc xích lô trước hiên nhà số 200 Cửa hàng Cô Bắc. Theo ý kiến của Xulanhphanlan, Lá hỏi thăm và Cụ cho biết quê nội của Cụ ở Gò Công Đông và quê ngoại ở Gò Công Tây, con cái ko có, bà con thì mạnh ai nấy sống nên Cụ ko muốn về quê vì họ có nhìn mình đâu nên Cụ chỉ muốn ở lại nơi hiên nhà này cho qua ngày ( lúc trước ở trước hiên quán cơm 210 Cô Bắc nhưng nay họ làm việc gì đó nên Cụ chuyển qua hiên này , cạnh Phân viện kiểm nghiệm thuốc ). Cụ đồng ý ở nhà trọ và sẽ đi hỏi thăm những nhà trọ gần đấy , Lá hứa ngày mai hay mốt Lá và Công sẽ ghé lại thăm Cụ để bàn thêm về nhà trọ do Cụ đi hỏi thăm. Còn giấy tờ tùy thân thì Cụ đã bị mất tất cả rồi do một lần bị mất trộm chiếc xích lô , ôi nghèo còn mắc cái eo vì vậy Lá thấy chiếc xích lô hiện tại được Cụ khóa cẩn thận .
Ngày 6/7/2009, nguoithuhaiba cập nhật thêm:
Ông già thời tiết, tạm gọi như vậy nhé. Cả nhà ạ, tối nay haiba đi thăm và thì thấy cụ đang lui cui xoa xoa, bóp bóp, thỉnh thoảng nhìn lên bầu trời, hướng ánh mắt cùng với cụ, haiba chợt nghỉ, nếu trời mưa thì sao nhỉ? thì ra cụ biết trước trời sẽ chuyển cơ giông vì cụ đang ngồi bóp chân của mình, bệnh thấp khớp của người già thật khổ sở và khó chịu.
Chân cụ hình như bị \\\"ghẻ\\\" nên haiba thấy cụ xức thuốc tím, những vệt tím loan lỗ trên chân cụ. Haiba hỏi cụ có ngứa không? cụ trả lời là không. thấy cụ xức chai dầu, thay vì xịt xịt như các vận động viên bị chuột rút hoặc đau khớp, cụ lại mở nguyên cả nắp chai đổ vào tay mình và xoa toàn chân.
haiba ngợi ý mua cho cụ chai thuốc (vì đã hết). cầm chai thuốc xịt mà chạy đi tìm nhà thuốc. Đến nhà thuốc nào họ cũng bảo là đây không bán, chỉ có ở tiệm thuốc bắc. Quay về với tay không và hỏi cụ mua chai này ở đâu? cụ cứ một mực không cần mua nữa. biết ý cụ haiba nói là mua dùm cháu chai thuốc này vào ngày mai nhé, cụ đồng ý và cầm tiền. (đọc hướng dẫn sử dụng thuốc.... cấm không bôi vào vùng có vết trầy xước ...
) trước khi về haiba đọc kỹ phần hướng dẫn thuốc xịt này cho cụ nghe, kể cả cách sử dụng bình xịt (Bác nào biết thuốc trị khớp thì lên tiếng dùm haiba nhé, cụ đang cần loại này)
Sau đó báo Tuổi trẻ có đưa tin về hoàn cảnh của cụ Bảy. Ngày 20/8/2009 Pquyen cập nhật:
Ông Bảy “đệ nhất” xích lô không còn cô đơn
TT - Báo Tuổi Trẻ ngày 20-7-2009 đăng bài phóng sự “Ông Bảy “đệ nhất” xích lô” viết về ông Trần Văn Bảy, trên 90 tuổi, sống lang thang trên chiếc xích lô là phương tiện mưu sinh tại Q.1, TP.HCM. Đọc bài báo nói trên, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Chánh Phú Hòa (353 Điện Biên Phủ, P.15, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã nhận phụng dưỡng ông Bảy đến cuối đời.
Ông Trần Phú Khánh, trưởng chi nhánh công ty tại TP.HCM, cho biết ngày 19-8 ông Bảy được đưa về chăm sóc tại xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Tại đây, công ty sẽ bố trí một nhân viên y tá túc trực để kiểm tra sức khỏe, đồng thời có người chăm lo cơm nước cho ông.
Đây là trường hợp đầu tiên được công ty nhận về chăm sóc.
Tuy nhiên, ngày 24/11/2009 Cụ Bảy đã ra đi mãi mãi trong tư thế ngủ ngon, thọ 93 tuổi. An táng tại Bình Dương.
Do cụ không còn người thân nào nên số tiền còn lại 3.300.000 VND được BQT sử dụng cho các trường hợp khó khăn khác với sự đồng ý của các thành viên đóng góp.
Thông tin từ diễn đàn cũ
http://ntcmvietnam.com/vsbaiviet.asp?TID=8479&PN=1&TPN=13