Cháu Hạnh Mồ côi Mẹ - Mê Linh – Hà Nội
Thành viên giới thiệu hoàn cảnh : DiepThien
Ngày giới thiệu : 18-12-2008
Thành viên xác minh : Lason, Ha273
Ngày xác minh : 18-12-2008
Bài giới thiệuChào cả nhà
Bạn của Diep Thien có gửi đường link giới thiệu hoàn cảnh đăng trên vietbao.vn về hoan canh chau be rat dang thuong, ở xã Tiền Phong, Mê Linh, HN. Thông tin đăng 1 tuần nhưng chưa có sự giúp đỡ nào cả. Kính mong NTCM quan tâm. Trân trọng cảm ơn!
Ngôi nhà ngói trước có hai mẹ con, giờ còn một mình bé Hạnh sống với nỗi sợ hãi. Người mẹ còn trẻ, cần cù nuôi con đã bị sát thủ mới 14 tuổi ra tay giết hại dã man chỉ vì 3 chiếc xoong nhôm. Hạnh trở thành đứa trẻ cô quạnh.
Học sinh lớp 8 giết người vì ba cái nồi nhôm
Khá nhỏ nhắn, vóc dáng chỉ bằng đứa bé lớp 2, trông Hạnh gày gò, ngồi bó gối trên giường. Đã 13 tuổi nhưng cô bé mới chỉ học đến lớp 5 trường làng. Đôi mắt đẹp nhưng chất chứa một nỗi buồn sâu thẳm khiến cho người đối diện cảm nhận cô bé già hơn tuổi. Từ ngày mẹ mất, Hạnh trở thành đứa trẻ hay khóc. Nước mắt luôn nhạt nhòa trên gương mặt ngây thơ.
Bây giờ, người cưu mang Hạnh là bà ngoại đã vào tuổi xưa nay hiếm. Hai bà cháu cặm cụi nuôi nhau rau cháo qua ngày từ khi chị Hiền mất. Nhìn cháu khổ, người bà 76 tuổi cũng rơi nước mắt. Bà không ngờ, cuộc đời vốn đã không “lành lặn” của cô con gái thứ hai, giờ lại càng đau đớn hơn. Nước mắt bà rơi nhiều cùng với nước mắt của đứa cháu gái không cha, mẹ. Sinh được 5 người con, bà thương nhất chị Huệ vì tính cần cù, chăm chỉ.
Căn nhà cấp 4 lợp ngói của mẹ con Hạnh giờ quạnh vắng. Bà Nguyễn Thị Nghê, ở thôn Gio Nhân Hạ, xã Tiền Phong, Mê Linh, Hà Nội, phải sang sống và chăm sóc cháu ngoại thay con gái.
Cũng khá xinh xắn nhưng trời không ban cho chị Hiền một tấm chồng. Sinh ra bé Hạnh từ một mối tình với người đàn ông cùng xã Tiền Phong, Mê Linh, Hà Nội. Dạo đó, biết anh này có vợ nhưng nghe lời ngon ngọt, bảo chị đẻ một đứa con trai sẽ chăm sóc cho hai mẹ con chu đáo, chị đã nghe theo. Hạnh ra đời, không như mong muốn của người đàn ông đó. Cô bé không được bố nhìn nhận. Chị Hiền một nách nuôi con trong sự dèm pha, miệt khinh của xóm làng.
Mặc cho dị nghị, chị sớm hôm chạy chợ nuôi bé Hạnh, chăm sóc cả khi những lúc trái nắng trở trời. Hai mẹ con sớm tối ở trong một căn nhà rộng chừng 10 m2 được dựng tạm bợ. Chị quyết định ở vậy nuôi con. Người phụ nữ trẻ làm đủ mọi nghề để kiếm sống từ phụ nề, buôn đồng nát, bán hoa tươi… mùa nào thức nấy. Thiếu thốn tình thương của người cha, bé Hạnh được mẹ bù đắp gấp đôi. Cô bé khá quấn quýt bên mẹ.
Tai họa ập đến vào một buổi tối ngày 12/10. Tối hôm đó, chị Hiền đi chạy chợ về mệt nên nằm thiếp đi trên giường, bé Hạnh theo một số anh chị trong thôn đi xem văn nghệ. Chị để cửa hờ đợi con. Trong lúc đang mơ màng, chị nghe thấy tiếng động ngay dưới chân giường. Tiếng xoong va vào nhau kêu loảng xoảng. Chưa kịp tìm hiểu xem sự việc thế nào, chị bị Nguyễn Văn Tú , mới 14 tuổi, nhà ngay sát cạnh rìu bổ tới tấp. Chị không thể kêu được. Người phụ nữ bất hạnh tử vong sau đó với nhiều vết thương trên người.
Nghe người lớn nói mẹ bị chém, bé Hạnh khóc ngất. Cô bé gày gò kêu gào đòi mẹ. Nhiều ngày sau đó, Hạnh không ăn uống và không tin mẹ đã mất. Suy sụp tinh thần khá nặng, bé bị ngất và được đưa vào bệnh viện Phúc Yên - Vĩnh Phúc cấp cứu. Lúc tỉnh dậy, Hạnh lại khóc “mẹ về với con”, khiến những người xung quanh rơi nước mắt. Những ngày sau đó, cô bé trở nên lầm lì, ít nói và khóc liên tục. Bà ngoại cũng chỉ biết dỗ dành cháu bằng nước mắt.
Nhớ mẹ, Hạnh chỉ biết khóc.
Hạnh sợ căn nhà vừa là bếp, chỗ ngủ, sinh hoạt của hai mẹ con. Thương cháu, bà Nghê thành chỗ dựa duy nhất cho bé sau khi chị Hiền mất. Các bác, cậu mợ trong gia đình cũng kiến giả nhất phận, không ai chăm sóc cháu, chỉ có bà mẹ già yếu thay người con gái xấu số nuôi nấng.
Một buổi trưa, phóng viên Ngoisao.net tìm đến căn nhà hai bà cháu Hạnh ở thôn Gio Nhân Hạ, xã Tiền Phong, Mê Linh, Hà Nội. Một người họ hàng dẫn tới nhà cậu ruột của bé ở ngay đầu thôn. Hạnh nhỏ bé trong chiếc áo đồng phục không được tươm tất, chân trần, nứt nẻ chào người lạ. Trường học của bé ngay ngoài đường cái đầu thôn nên trưa nào Hạnh cũng về ăn cơm với bà và tá túc tạm bợ ở nhà cậu.
Bà Nghê vẫn chưa dịu bớt nỗi đau mất con nên khi kể chuyện, đôi mắt già nua lại rơm rớm nước mắt. Cũng giống bà ngoại, Hạnh vẫn còn vẹn nguyên nỗi nhớ thương người mẹ tần tảo. Cô bé ít nói, ngồi thu lu trên chiếc giường nhà cậu. “Từ ngày mẹ cháu mất, cháu ít nói hẳn, không còn líu lo, nhí nhảnh nữa. Thỉnh thoảng, đêm nằm ngủ gặp ác mộng, cháu giật mình, ngồi dậy và khóc nức nở, gọi mẹ”, bà Nghê vừa khóc, vừa kể về tâm trạng hoảng loạn của cháu gái sau những ngày mẹ mất.
Bà còn cho biết, bé Hạnh hay đòi mẹ. Dù đau lòng, bà vẫn phải nói với cháu rằng chị Hiền đã không còn. Hạnh lại khóc khiến người lớn cũng như đứt từng khúc ruột. Bà Nghê kể: “Miếng đất nhỏ mà tôi cho hai mẹ con dựng tạm một gian cấp 4 ở giờ chỉ có hai bà cháu sớm tối. Tôi cũng có một chút tiền nuôi cháu rau cháo qua ngày. Nói thật với các cô chú, tôi không sống được bao lâu nữa, tiền không có, chỉ lo cho cái Hạnh khổ”.
Bà lão lo là chính đáng. Không lâu sau ngày chị Huệ mất, không ai nhận nuôi bé Hạnh. Các cậu mợ bàn nhau đưa cô bé vào trại trẻ mồ côi. Hạnh khóc, van xin đừng cho cháu vào nơi đó vì buồn. Mặc dù ở căn nhà có sợ “ma”, Hạnh vẫn muốn được tá túc. Bà Nghê cũng quyết định dù khổ thế nào, vẫn sẽ thay con gái nuôi cháu, chỉ mong trời Phật thương để bà sống thêm dăm năm nữa, khi ấy Hạnh trưởng thành, tự lo được cuộc sống. Mong muốn như vậy nhưng bà vẫn lo phải có “ngân sách” để nuôi cháu.
Trong căn nhà chỉ có chiếc giường ọp ẹp và bàn thờ người mẹ xấu số của bé Hạnh.
Nói chuyện được một lúc, bà Nghê dẫn phóng viên sang căn nhà nơi con gái và cháu ngoại sống. Người bà già yếu bước liêu xiêu trên con đường làng. Ngôi nhà một gian nằm lọt thỏm trong các gia đình khác. Ngay sát cạnh là căn nhà của kẻ thủ ác 14 tuổi. Vào trong nơi trú ngụ của hai mẹ con Hạnh, chỉ có một chiếc giường, bếp núc, và chiếc hòm đựng thóc, gạo. Di ảnh người phụ nữ trẻ mỉm cười phúc hậu. Nhìn chị, không ai ngờ số phận người mẹ thương con hết mực lại phải sớm bỏ con giữa lúc còn xuân xanh.
Bé Hạnh thắp hương cho mẹ, khấn vái, nước mắt lại lăn dài trên hai má nứt nẻ. Đầu tóc không được gọn gàng, quần áo xộc xệch vì bà ngoại già không thể chăm chút chu đáo được. Hạnh bảo, em nhớ mẹ cồn cào. Bé muốn được mẹ nấu cho món đậu phụ sốt cà chua mà giờ không thể được.
Nỗi đau lớn nhất của cháu giờ chỉ có thể cảm nhận là bị mất mẹ. Hạnh chưa hiểu cuộc đời bé còn dài phía trước, bà ngoại đã già, cuộc sống vất vả, thiếu thốn… là những thứ bé chưa hình dung ra được.
Quang Việt
Bài xác minhSáng nay Lason và Ha273 đã tranh thủ đến thăm cháu Hạnh .
Thời gian này cháu đã lấy lại được tinh thần .Vui vẻ và gần gũi với chúng tôi .Thân hình nhỏ thó nhưng rất nhanh nhẹn và tình cảm .Học kì 1 cháu là học sinh tiên tiến .Hàng ngày sáng đi học đến trưa về nhà ăn cơm với bà .Khi thì cơm ,khi thì mì...tiện gì ăn đó .Chiều cháu lại đi học vì cháu không ăn bán trú từ bé nên đã quen và,không thích ăn bán trú như các bạn .Hàng ngày hai bà cháu tự nấu cơm bằng bếp củi .Đôi khi ăn bên nhà cậu cháu .
Bà cháu có 5 năm người con .Mẹ cháu mất bà còn 4 .2trai ,2 gái.Phận ai biết người đấy nên họ cũng không giúp gì cho bà cháu Hạnh nhiều .Từ khi mẹ cháu mất ,có nhiều cơ quan ,tập thể đến thăm .Họ cho quà ,tiền .Đến bây giờ bà đã gửi được tiết kiệm cho cháu 20 triệu .Trong túi bà còn vài triệu để 2 bà cháu tiêu dần .Hôm qua 1 nhóm đến họ mua cho cháu ti vi ,nồi cơm điện ,tủ bát .Mỗi năm tiền học của cháu khoảng 800k .Tiền học thêm mỗi tháng 50k .Cho đến bây giờ thì tiền nong 2 bà cháu chưa thiếu .Sức khỏe cũng ổn định .
Bà chỉ lo tương lai cho cháu sau này khi bà đau yếu nằm xuống thôi .Còn cháu thì ...vẫn chưa biết mình muốn gì ...tội nghiệp nó còn nhỏ quá .
Lason thắp cho mẹ cháu nén hương và đưa số ĐT hẹn cháu nếu cần gì gọi điện .Cháu đang thiếu sách bài tập tiếng việt lớp 5 .Lason và Ha273 đã hẹn thứ bẩy sang chơi mang quà tết và sách cho cháu .Bạn nào đi cùng thì đăng kí nhé .
Vậy cả nhà yên tâm .
Bài viết từ diễn đàn NTCM cũ:
http://ntcmvietnam.com/vsbaiviet.asp?TID=7961&PN=1&TPN=1Các thành viên NTCM Miền Bắc thỉnh thoảng vẫn ghé thăm và động viên hai bà cháu vào các dịp Tết, Trung thu.