Chào bạn TnK_4ever và cả nhà,
Vậy là phải viết dài hơn vì câu hỏi này không trả lời ngắn gọn nổi. Biết rằng nói về luân lý vốn là công việc rất khô khan, nghe nhiều dễ chán, nên thay vì đề cập đến tất cả các khía cạnh liên quan tới lương tri như giáo dục, môi trường sống, triết lý, thần tượng… tôi chỉ xin nói một chuyện mà nhiều người đang thiếu nhất thôi, đó là khả năng tự nhận thức (self-awareness).
1. Làm thế nào để có lương tri:
Tự nhận thức tức là hiểu bản thân, biết mình là ai, biết mình ở đâu, biết mình làm gì. Trớ trêu thay, đây lại là điều khó nhất vì như Socrates, triết gia Hy Lạp, thầy học của Platon đã nói: “Hỡi nhân loại, hãy học để tự biết mình!”.
Vậy đi đòi hỏi các bạn tiêu chí này trước chẳng là vô lý lắm sao? Ngặt một nỗi, chưa tự nhân thức bản thân mà muốn có nhiều lương tri thì xem ra còn vô lý hơn!
- “Biết mình là ai” sẽ giúp chúng ta không gây ra hành động hay phát ngôn sai lầm. Nhiều khi điều ta nói là đúng nhưng câu nói ấy cần được nói ra bởi một người khác chứ không phải là ta. Biết mình là ai còn có nghĩa là biết khả năng của mình giới hạn ở mức nào, nhận ra ai xứng là thầy của mình để khiêm nhường học hỏi.
- “Biết mình ở đâu” để có lối ứng xử thích hợp như đã được ghi lại bằng thành ngữ “nhập gia tùy tục” mà ai cũng từng nghe qua. Trái với tùy tục là tùy tiện. Biết mình ở đâu là hiểu mối quan hệ tương đối giữa ta với những yếu tố có liên quan chung quanh để tránh gây ra hành động sai lầm.
- “Biết mình làm gì” là chuyện khó hướng dẫn nhất vì làm gì là phương tiện chứ không phải mục đích mà mọi người thường hay nhầm lẫn. Không phải hễ có mục đích tốt thì việc gì cũng được phép làm. Đây là biểu hiện thường gặp nhất của tình trạng thiếu lương tri.
Tóm lại, trả lời câu hỏi làm cách nào để có lương tri, tôi xin nêu một ý mà theo tôi là quan trọng nhất: ta phải học hỏi để tăng khả năng tự nhận thức (self-awareness) tức tăng khả năng hiểu được bản thân.
2. Làm sao để giữ được lương tri:
Có được lương tri đã khó, làm theo lương tri còn khó hơn vì bản tính con người vốn vị kỷ (self-centred), luôn lo cho bản thân. Xu hướng vị kỷ đó khiến chúng ta tuy biết rõ cái đúng cái sai nhưng vẫn muốn làm theo cái sai trước rồi tự biện hộ sau. Kiểm tra điều này rất dễ: Trên xe biết là nên nhường ghế cho người nhưng ta vẫn ngồi xuống ghế; biết là nên giúp người khó khăn nhưng lại thấy tiếc tiền; biết là nên làm việc chăm chỉ nhưng vẫn thích đi chơi hơn.
Không có phép mầu nào giúp chúng ta thắng được bản thân một cách dễ dàng cả. Những danh nhân thế giới người ta giữ lương tri theo cách nào đây? tôi xin giới thiệu câu nói sau của nhà giáo dục người Anh Thomas Huxley để những ai muốn cải thiện bản thân có thể làm theo.
Thomas Huxley nói: “Perhaps the most valuable result of all education is the ability to make yourself do the thing you have to do, when it ought to be done, whether you like it or not”
(Có lẽ cái kết quả lớn lao nhất của sự giáo dục là khả năng khiến mình làm những gì cần làm, khi đã đến lúc phải làm cho dù muốn hay không muốn)
Ta là người có giáo dục. Giáo dục bởi gia đình, nhà trường, tổ chức, bạn bè, sách vở, danh nhân… và bởi bất cứ ai một lần đi qua đời ta và dù vô tình hay hữu ý, đã để lại một câu nói, một lời khuyên ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của mình. Là người có giáo dục ta phải biết làm những điều vì bổn phận chứ không phải vì bản thân vốn thích làm.
Có điều này quan trọng: Giữ theo lương tri sẽ không bao giờ thiệt thòi dù trước mắt ai cũng thấy rõ là ta đã chịu thua kém về vật chất so với thiên hạ, so với người làm điều ngược lại. Tin tưởng như vậy thì sẽ giữ được lương tri trong mọi tình huống. Tới đây, nếu bạn hỏi thêm rằng làm sao có thể tin là không hề bị thiệt thòi thì câu trả lời sẽ tùy theo mỗi đối tượng mà có phần khác nhau (bạn là Ki Tô hữu, bạn tin vào Đức Phật hay bạn chỉ biết thuận theo tiếng nói của lương tâm) trong phần dẫn chứng…
Chúc cả nhà vui.
Thân