Một bài viết hay, mời mọi người tham khảo :
Cứu trợ, photo-op, hay đóng kịch?
http://nguyenvantuan.net/misc/9-misc/1113-cuu-tro-photo-op-hay-dong-kich-Cứ mỗi lần có lũ lụt là có cứu trợ. Ở ngoài này, chúng tôi cũng đóng góp chút ít cho nạn nhân bão lụt qua các nhóm từ thiện nước ngoài. Nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn thấy lấn cấn những tấm ảnh mà những người đi cứu trợ về trưng bày cho chúng tôi thấy …
Tôi hiểu ý nghĩa của những tấm hình đó. Những tấm hình đó là một minh chứng cho thấy nhóm làm từ thiện đã sử dụng đồng tiền của chúng tôi thích hợp (tức là đến tay nạn nhân); là nhóm từ thiện đã đi đến tận nơi, tận cảnh, cầm tay những người anh em kém may mắn (chứ không phải ngồi trong phòng khách); là một lời nói gián tiếp rằng “nên ủng hộ” cho nhóm từ thiện. Tôi hiểu những thông điệp đó, và cũng rất trân trọng việc làm của họ. Nếu chúng tôi vì lí do “cơm áo gạo tiền” không làm được thì có những nhóm đứng ra kêu gọi, huy động, và thực hiện những chuyến đi cứu trợ như thế là quá tuyệt vời. Họ cần được ủng hộ.
Ấy thế mà khi nhìn qua những tấm hình đó tôi vẫn thấy có cái gì đó như là … photo-op. Trong tiếng Anh, photo-op (photo opportunity) là từ dùng để nói đến một cơ hội mà trong đó đương sự sử dụng hình ảnh để tạo hình ảnh tích cực cho chính mình. Từ này xuất phát từ thời Richard Nixon còn làm tổng thống Mĩ, và do Bruce Whelihan (một trợ lí của bí thư báo chí của Nixon) dùng đầu tiên (theo wikipedia). Tuy ý tưởng là tạo nên một ấn tượng tốt cho đương sự, nhưng photo-op có ý nghĩa tiêu cực. Tiêu cực ở đây hiểu theo nghĩa người ta dàn dựng cảnh (kiểu như giả cảnh -- pseudo event) để chụp hình và lấy đó làm một bản tin. Nói tóm lại, đó là một kiểu đóng kịch, và kịch bản là do đương sự hay ai đó dàn dựng.
Và, đó chính là lí do tạo sao tôi thấy cứu trợ hay làm từ thiện cũng là cơ hội để người ta quảng bá hình ảnh cho chính mình, một photo-op. Thử nhìn vào 2 tấm hình dưới đây, chúng ta thấy gì? Phía sau là biểu ngữ rất to thông báo cho chúng ta biết nhóm từ thiện là ai, và việc làm được thực hiện vào ngày nào. Nhưng tâm điểm vẫn là người cho, người nhận, và thùng quà (mì gói?). Người cho mặc quần tây, áo sơ mi trắng, thêm cái áo và nón bảo hộ; còn người nhận thì quần soọc và áo thun màu lam lũ. Nhìn vào hai người thấy tương phản làm sao! Nhưng nếu nhìn kĩ chúng ta sẽ thấy người cho không nhìn vào người nhận, mà đang nhìn vào ống kính của máy chụp hình như là chờ bấm máy. Quần tây, áo trắng tươm tất ở một địa phương lũ lụt có cái gì phản cảm (nếu không muốn nói là hơi ... lố bịch) và cái nhìn vào ống kính máy chụp hình rõ ràng cho thấy một kiểu làm photo-op, hay nói đúng ra là đang đóng kịch để ghi ảnh. Tương tự, tấm hình trên báo Thanh Niên cũng có thể xếp vào loại photo-op, nhưng ở mức độ thấp hơn và có thể tạm chấp nhận được.
Chuyển hàng cứu trợ của bạn đọc Báo SGGP đến bà con vùng bị lũ tại huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Ảnh của báo SGGP
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh trao tiền hỗ trợ cho gia đình nạn nhân bị thiệt mạng - ảnh: Nguyễn Tú, báo Thanh Niên.
Photo-op có cần thiết không? Tôi nghĩ không. Nhưng tôi nghĩ chúng ta -- những người đóng góp vào các quĩ từ thiện -- không cần những tấm ảnh mang tính đóng kịch, không muốn thấy hình mà người cho như là một quan chức đang đi du lịch vào vùng bão lụt và đứng trên những người anh em đang khốn khổ (vì điều này chỉ tạo ra ác cảm từ người xem). Chúng tôi cần những tấm ảnh chân thật. Hình ảnh chân thật là hình ảnh cho thấy người đi cứu trợ chia sẻ nỗi khổ của nạn nhân, sống với nạn nhân (dù chỉ là vài giờ), hòa nhập với hoàn cảnh lũ lụt từ cách ăn mặc đến hành động, v.v…. Đó là những hình ảnh tự nhiên chúng ta cần, chứ không cần những tấm hình được dàn cảnh một cách tương phản bằng cách làm cho mình nổi lên và sáng lên, còn nạn nhân thì bị lu mờ và nhạt nhòa. Những tấm hình photo-op như thế chỉ làm cho những người anh em kém may mắn cảm thấy mình như là những diễn viên phụ trong vở kịch mang tên cứu trợ.
Kevin xin góp ý một chút về việc đăng hình lúc trao quà, tiền trên diễn đàn :
- không nên buộc người nhận phải giơ tiền hay xòe tiền như nan quạt ra để chụp hình, chỉ nên chụp bao thư bên ngoài
- người đưa nên cân nhắc về trang phục, nếu quá sang trọng thì không nên chụp chung với người nhận
- hai bên đưa và nhận nên chụp tự nhiên, nghĩa là nhìn nhau chứ không phải cùng nhìn vô ống kính
- nên hạn chế đăng hình người đưa mà tập trung vô người nhận, tốt nhất là người đưa không nên xuất hiện vì đối tượng bạn đọc quan tâm là người nhận mà thôi.
Các bạn có ý kiến bổ xung hay phản đối, xin cứ trao đổi thêm
Thân,