365 ngày, trừ mùng 1 tết, những ngày còn lại bất kể nắng hay mưa, lão đều ra cầu quét rác dù không ai trả cho lão đồng nào. Bởi thế có người bảo lão \\\"điên\\\".
4 năm qua, người dân qua lại khu vực bến Bình Đông (Q.8, TP.HCM) không còn xa lạ với ông lão có dáng người nhỏ nhắn, quét rác dọc cây cầu số 1.
Sau khi chạy xe vào những con hẻm ngoằn ngoèo ở Q.8, phải khá vất vả chúng tôi mới tìm được nhà ông.
Trong ngôi nhà nhỏ, một khuôn mặt già nua hằn lên vẻ khắc khổ nhưng đôi mắt vẫn còn tinh tường nhìn về phía chúng tôi. Đó chính là Huỳnh Khương Thới - ông lão quét cầu số 1 mà chúng tôi tìm kiếm. Lão vui vẻ nhận lời mời ra quán nước trước hẻm trò chuyện.
Sinh năm 1943, quê gốc ở vùng miệt vườn Long An nhưng đến giờ chính lão cũng không còn nhớ rõ đã sống ở đất Sài thành này từ khi nào.
Lão kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đưa lão bén duyên với nghề vệ sinh cầu số 1. Một hôm đang ngồi bán đồ cũ trên cầu, có chiếc ôtô vô tình làm đổ nhớt khiến một cô gái đi xe bị té. Người dân qua lại cũng chỉ biết gọi điện “cầu cứu” công ty vệ sinh đường phố giải quyết.
Chuyện \\\'lão điên\\\' quét cầu Sài Gòn để trả nợ đời
Khi bình minh còn chưa ló dạng, lão Thới đã lọ mọ ra cầu quét rác.
Gọi mãi nhưng không thấy nhân viên vệ sinh xuống, ông liền bê đất cát đổ vào vũng nhớt, nhờ đó mà người dân qua lại không bị trơn trượt. Ý tưởng làm vệ sinh cho cây cầu mà ngày ngày ông và người dân trong xóm thường xuyên qua lại ra đời từ đó.
Khi ánh bình mình còn chưa ló dạng, lão lạch cạch đạp xe ra cầu để thực hiện công việc làm sạch cây cầu. Với cây chổi tự chế trên tay, lão phẩy những đường chổi quét sạch rác rưởi trên bề mặt cây cầu như một người nhạc trưởng tay cầm đũa chỉ huy dàn hợp xướng.
Sau một hồi miệt mài quét rác, lão ngồi bệt giữa hành lang cầu hút điếu thuốc tưởng thưởng cho công việc- cái công việc không ai trả cho lão đồng nào nhưng suốt 4 năm qua, lão vẫn làm.
Một năm có 365 ngày, trừ hôm mùng 1 tết, những ngày còn lại bất kể ngày nắng hay mưa, lão đều ra cầu quét rác. Dù là những đống rác to do người dân đem tới vứt trên câu, hay những mảnh rác nhỏ như đầu lọc thuốc lá, vỏ kẹo…lão dọn sạch không chừa.
Trưa tháng 7, cái nắng đầu hè oi ả. Hơi đất bốc lên ngùn ngụt cũng không làm lão chùn bước. Thấy có người vứt rác trên cầu, ông không nói câu nào mà chỉ lặng lẽ lượm đem bỏ vào thùng. “Mình làm việc này không ai sai khiến. Nếu đã làm mà còn nói này nọ, người ta hỏi vặn ngược \\\'Ai kêu lão làm\\\' thì bó tay. Thôi thì cứ im lặng mà làm” - lão tâm sự.
“Tôi làm điều này không nhận bất cứ đồng tiền công nào của ai. Thấy đường cát bay, bụi mù thì tôi quét, trước hết là cho mình sau là cho xã hội”. Lão nói về công việc của mình.
Sống trả ơn đời
Đã gần tháng nay, lão không ra cầu quét rác. Hôm chúng tôi tới nhà, cũng là ngày lão vừa xuất viện. Lão Thới bị khá nhiều bệnh nhưng căn bệnh làm ông khổ sở nhất chính là bệnh phổi và đường tiêu hoá. Bệnh tật liên miên đã làm ông già quét cầu chỉ còn chừng 40kg...
Sau giải phóng, ông Thới trở về với một “thẻo” gia đình không còn lành lặn. Người vợ bỏ đi cùng cô con gái, ông gà trống nuôi 3 người con còn lại.
Hoàn cảnh khó khăn nhưng không muốn các con phải bỏ học, ông làm đủ nghề để kiếm tiền cho các con được đến trường.
Chuyện \\\'lão điên\\\' quét cầu Sài Gòn để trả nợ đời
Lão Thới đã làm công việc không công suốt 4 năm nay.
Từng đỗ tú tài, với kiến thức của mình ông tự dạy cho các con học hành. Ông Thới kể: “Thời đó khó khăn, cơm còn không có mà ăn. Để dạy tụi nhỏ, tôi phải lấy đá viết lên đất những công thức, bài toán, giảng giải từng chút cho chúng hiểu”. Nhờ những ngày tháng đó mà giờ đây các con ông Thời người học vấn thấp nhất cũng tốt ngiệp THPT, có người còn là cử nhân Khoa học.
Lão Thới làm chúng tôi ngạc nhiên khi ông đọc vanh vách bảng lượng giác, hằng đẳng thức, định nghĩa toán học, cùng những công thức phức tạp. Cũng vì thấy ông dạy con học mà ngày đó nhiều bà con trong xóm hay đem con đến nhờ dạy giùm.
“Sống trên đời sống cần có một tấm lòng…”. Lão mượn lời bài hát của nhạc sĩ họ Trịnh để cảm ơn những người đã giúp đỡ ông.
Lão bồi hồi nhớ lại: Một buổi sáng đầu năm, khi đang ngồi trên cầu, một cậu thanh niên đạp xe tới. Cậu thanh niên bảo vì thấy ông hay quét rác ở đây nên tranh thủ đầu năm lì xì ông. Điều làm lão ngạc nhiên là việc người ta đi ôtô, xe máy lì xì ông không nói nhưng cậu thanh niên này lại chạy xe đạp. “Đúng là đời còn rất nhiều người có lòng tốt!”- lão bật cười hả hê.
Lão nói với chúng tôi, đã từng vào chùa cầu xin được khoẻ mạnh nuôi con, giờ con cái khôn lớn, đây là lúc trả nợ đời.
Lão già quét rác sống một cuộc sống kín tiếng. Dù các con đã lớn nhưng ông không hề nhờ vả bất cứ ai. Nhưng có lẽ cái tiếng của ông lão ngày ngày quét dọn cầu không công đã khiến nhiều người cảm phục.
Mỗi khi ông xuống chợ Xóm Củi, người dân ai cũng đem cơm gạo ra cho. Ông Thới cười nói đùa với tôi: “Cứ thế này sao mình trả hết nợ thế gian”.
Khi chúng tôi bày tỏ ý định viết về con người và công việc của lão, lão cười bảo đó là việc bình thường, lão không làm thì người khác cũng làm. Cái đáng quý của lão là làm việc với một trách nhiệm cao, không so đo.
Những buổi chiều lên cầu hóng mát, thấy cây cầu sạch không bóng rác, lão cảm thấy như nó trở thành người bạn tri kỷ. “Rồi cũng chẳng còn sống được bao năm. Làm được chút gì có ích cho đời, cho người là vui rồi”- lão Thới cười, khoe hàm răng trơ lợi.