Tác giả Chủ đề: Phạm Lỗi, Xin Lỗi và Tha Thứ  (Đã xem 27767 lần)

0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.

Ngủ rồi Comoi

Trả lời #11 vào: 10-10-2011 10:04:34
Gửi đến cả nhà một bài viết về Tình yêu, tuy bài này chủ yếu nói về tình yêu đôi lứa nhưng suy rộng các mối quan hệ cũng không có nhiều sai khác.

Tình Yêu
[/b]

\\\"...Ta còn quá yêu bản thân mình thì làm sao ta có thể yêu thêm người khác, dù có yêu người khác cũng chỉ để phục vụ cho bản thân mình mà thôi...\\\"

Đã mang lấy một chữ tình

Ta thường nói đùa với nhau: “Yêu thì khổ, không yêu thì lỗ. Thà chịu khổ còn hơn chịu lỗ”. Nói đùa mà thật. Dù được cảnh báo “yêu là khổ” như một nguyên tắc bất di bất dịch, nhưng hầu hết ai cũng chấp nhận khổ để có được cảm giác yêu, vì như thi sĩ Xuân Diệu đã từng lên tiếng dùm ta: “Làm sao sống được mà không yêu. Không nhớ không thương một kẻ nào”. Sống mà không yêu thương thì sự sống đâu còn ý nghĩa gì nữa. Đó là sự chết rồi. Và nếu sợ khổ mà không dám yêu thì ta có chắc là mình sẽ sống hạnh phúc hơn không? Đời sống còn nhiều thứ khác có thể làm cho ta khổ chứ đâu chỉ có tình yêu. Chung quanh ta có biết bao người có thể “chịu khổ” để yêu thì tại sao ta phải sợ? Tình yêu có đáng sợ như ta nghĩ không?

Yêu thương là bản năng tự nhiên của con người. Nhưng nếu ta yêu thương con sông, yêu thương cánh đồng, yêu thương quê hương, yêu thương kẻ bất hạnh… thì ta đâu có khổ. Đằng này đối tượng yêu thương của ta quá hấp dẫn, có thể đánh động vào cảm xúc khát khao của ta, có thể làm cho ta đêm nhớ ngày mong hay mất ăn bỏ ngủ, có thể khiến ta bất chấp tất cả để có được nó. Thi hào Nguyễn Du đã diễn tả tâm trạng này rất hay trong đoạn thơ: “Đã mang lấy một chữ tình. Khư khư mình buộc lấy mình vào trong. Vậy nên những chốn thong dong. Ở không yên ổn ngồi không vững vàng. Ma đưa lối quỷ đưa đường. Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”. Khi cảm xúc yêu đương bùng vỡ thì ta không tự chủ được nữa, mọi nhận thức hay phản ứng đều vượt tầm kiểm soát. Ta cứ lầm lũi lao tới phía trước như kẻ mộng du mà không ý thức được mình đang đi đâu, dù sắp bước vào hầm hố. Người Tây phương gọi kẻ ấy là “fall in love”, tức là bị cuốn vào tình yêu, mà cũng có thể hiểu là bị té ngã trong tình yêu.

Vì cảm xúc yêu đương mãnh liệt như thế nên nó rất dễ lấn át lý trí và lấn át cả những liên hệ tình cảm khác. Chẳng trách sao ai yêu rồi ít nhiều cũng trở nên mù quáng, thấy đối tượng mình yêu rất khác với mọi người, thấy đó là một màu hồng tuyệt hảo. Vì thế ta muốn tháo tung “ranh giới cái tôi” của mình ra để mời người ấy bước vào, và dĩ nhiên, ta cũng muốn người ấy nhường chỗ cho ta một nửa trong trái tim họ. Thậm chí có khi ta muốn dâng tặng cả cuộc đời mình cho họ, nên ta đã mạnh dạn tuyên bố “yêu hết mình”. Mà thực chất là ta không kiềm chế nổi cảm xúc của mình, chứ không phải vì ta muốn phụng sự cuộc đời họ. Bởi khi màu hồng ấy trong mắt ta bắt đầu nhạt phai, thì ta cũng vội vàng tìm cách rút lui.

Tình yêu như thế chỉ là sự trao đổi cảm xúc. Trong khi một tình yêu đích thực phải chứa đựng tình thương, phải có thái độ muốn hiến tặng và chia sớt để nâng đỡ cuộc đời lẫn nhau. Có thể ta đã từng lầm tưởng tình yêu là cung bậc cao hơn tình thương. Hóa ra, tình yêu nghiêng về phía hưởng thụ còn tình thương nghiêng về phía trách nhiệm. Trong liên hệ tình cảm lứa đôi, nếu tình yêu lấn át đi tình thương thì tình cảm ấy như lửa rơm “bạo phát bạo tàn”, còn nếu tình thương lấn át được tình yêu thì tình cảm ấy như lửa than “mãi âm ỉ cháy”. Dù khởi điểm của ta là vì tiếng sét ái tình, nhưng nếu ta biết nhận diện và buông bỏ bớt những đòi hỏi không cần thiết, để quan tâm đến cuộc đời của người mình thương, để ta thấu hiểu những khó khăn hay ước mơ của họ mà giúp đỡ, thì ta sẽ có được tình yêu chân thật.

Yêu không đúng cách

Thi sĩ Xuân Diệu phát hiện ra những lý do thường khiến tình yêu rạn vỡ: “Người ta khổ vì thương không phải cách. Yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người”. Ta phải biết rằng mọi hiện tượng trên thế gian này đều phải nương tựa vào nhau để tồn tại. Tình yêu cũng không ngoại lệ. Sẽ không có cái gì gọi là tình yêu nếu nó tách biệt với những yếu tố khác như sự bình an, vững chãi, bao dung, cởi mở... Thậm chí nếu không có gia đình, bạn bè, xã hội, kinh tế, chính trị, đạo đức và cả thiên nhiên thì tình yêu cũng không có chỗ đứng nào để tồn tại. Cho nên biết quay về chăm sóc những yếu tố tưởng chừng “đứng ngoài tình yêu” ấy cũng chính là chăm sóc tình yêu. Vậy mà khi yêu, ta thường chỉ để ý tới sự ham thích nhau, suốt ngày cứ quấn chặt vào nhau không dám rời nửa bước. Đến khi một bên không thể đáp ứng sự thỏa mãn thì sự nhàm chán và phản bội nhau là điều tất yếu xảy ra, và chắc chắn bên ở lại sẽ ngã quỵ ngay lập tức vì không còn gì để sống. Thi sĩ Hàn Mặc Tử đã từng than thở: “Người đi một nửa hồn tôi chết. Một nửa hồn kia bỗng dại khờ”. Thật ra ta chẳng bao giờ trao nửa linh hồn cho ai đâu, chỉ vì một nửa (hay cả) đời sống của ta hoàn toàn phụ thuộc vào cảm xúc của đối phương, nên khi họ đi rồi ta không còn chỗ bám. Cơn nghiện đang hành hạ ta đó thôi.

Song, lắm lúc ta cũng rất thực dụng, đến với tình yêu theo kiểu tranh hơn tranh thua như trong chiến trường kinh tế vậy. Hễ đòi hỏi được là đòi hỏi. Ta coi người ấy như sự bảo an vững chắc cho cuộc đời mình. Thành ra cụm từ “đi tìm bến trong” bây giờ có nghĩa là tìm một nơi có thể bảo đảm cho mình một cuộc sống sung túc, không thua sút bạn bè. Quan điểm này cũng bị ảnh hưởng từ tâm thức xã hội. Nhìn kỹ, ta sẽ thấy những đòi hỏi kia chỉ mang tới những cảm xúc rất tạm bợ qua sự tán thưởng của những người sống bằng hình thức, nhưng nó lại là thứ “mộng tưởng điên đảo” làm phương hại đến tình yêu. Ta tin chắc rằng nếu có tất cả những thứ đó thì đời sống lứa đôi sẽ hạnh phúc hơn, trong khi sự ham thích của ta không dừng còn năng lực người ấy bị ta vắt đến cạn kiệt. Hai tâm hồn vì vậy ngày càng xa nhau. Người ấy vì đam mê mà vẫn cố gắng chiều chuộng ta thì chính họ cũng đang sống trong mộng tưởng. Cả hai đều không cắm rễ vào nền tảng của tình yêu chân thật thì đừng hỏi tại sao chỉ vì bất đồng quan điểm nhau, lỡ gây tổn thương nhau, thậm chí không tiếp tục làm thỏa mãn nhau là ta dễ dàng bỏ nhau.

Cũng có lần thi sĩ Xuân Diệu tự thú nhận: “Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá. Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì”. Tình yêu cũng như một loại cây xanh, nếu ta không biết cách chăm sóc dưỡng nuôi, hoặc thừa hoặc thiếu, thì nó sẽ héo tàn và lụn bại. Cảm xúc thỏa mãn ai mà không thích, nhưng sự thỏa mãn ấy phải đi liền với trách nhiệm thì ta mới có thể giữ gìn mãi được. Mà nếu “ranh giới cái tôi” được tháo tung để nhường chỗ cho người ấy thật sự thì trách nhiệm dìu dắt nhau đi về hướng thảnh thơi và hạnh phúc chân thật không phải là gánh nặng hay miễn cưỡng nữa. Vấn đề là ta có khả năng nới rộng trái tim của mình ra không? Nếu ta còn quá coi trọng vật chất, vướng kẹt danh vọng, đam mê hình thức hấp dẫn mà lại muốn có một tình yêu bền vững thì đó chỉ là tham vọng. Ta phải tự lượng sức. Ta còn quá yêu bản thân mình thì làm sao ta có thể yêu thêm người khác, dù có yêu người khác cũng chỉ để phục vụ cho bản thân mình mà thôi. Còn lỡ như người ấy xem tất cả những phương tiện kia là lý do chính để tình yêu có mặt thì ta biết rằng đó chẳng phải là một nửa ta đi tìm. Song, nếu ta đủ giỏi và bản lĩnh thì ta vẫn đủ sức dẫn dắt mọi đối tượng đi về hướng ta cho là đúng đắn mà không sợ “Yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người”. Cho nên tình yêu muôn đời là có thật, bí quyết là ta phải luôn tỉnh táo để nhận ra mình và hiểu được người mình thương.

Yêu như yêu lần đầu
Xin nâng đỡ đời nhau
Bằng con tim hiểu biết
Lo sợ gì thương đau.
Hiểu về trái tim - Tác giả Minh Niệm

.
 


Ngủ rồi HMHai

Trả lời #10 vào: 08-10-2011 23:30:13
Chào cả nhà,

Trước tiên tôi muốn cám ơn Mạch Nha, bài viết của bạn đã làm chủ đề sáng tỏ hơn rất nhiều. Chúc bạn vui và viết khỏe.

lehoan8x đã viết:
Trích dẫn
còn tình yêu thì sao hở bác ? Thật khó để tha thứ. Nếu là tình bạn thì có thể tha thứ. Tình yêu đã bị phản bội rồi thì khó có thể tha thứ lắm.


Chào lehoan8x và cả nhà,

Thông thường người ta chỉ tha thứ cho những chuyện họ có thể chịu đựng được. Vượt qua ngưỡng đó thì coi như bản án đã tuyên, khó lòng bỏ qua, mà tình yêu lại là thứ nhạy cảm, khi bị phạm lỗi thì đau khổ vô cùng, dễ vượt quá sức chịu đựng của mỗi người.

Nên lehoan8x mới phải thốt lên như vậy.

Tuy nhiên, vấn đề còn nằm ở tâm thế của người phán xét nữa: khi người yêu mình lỡ vụng dại một lần mình nhất quyết không tha thứ, còn người mình yêu bỏ đi lấy chồng thì có khi ta còn với vọng theo vài câu chúc em hạnh phúc! Xem lại mình đi thử đã đúng chưa?

Vậy trong tình yêu khó là vì ta không đủ lòng độ lượng chứ không phải vì không nên tha thứ. Lỗi nào cũng có thể tha.

Chúc mọi người luôn vui.

 


Ngủ rồi toctoc

Trả lời #9 vào: 14-04-2011 22:08:43
Thôi kết án thì chẳng cần tập tha thứ phải không các bác?

 


Mach Nha

  • bạn
Trả lời #8 vào: 28-01-2011 18:12:33
Khi đọc được bài viết của tác giả HMHai ,tôi cũng đang gặp phải một chuyện cũng liên quan đến chuyện tha thứ hay không ? Tôi có một người bạn mà tôi coi là rất thân .Nhưng mới đây người bạn ấy đã làm một chuyện mà trong quan niệm của tôi thì những người hiểu và yêu quý tôi sẽ không bao giờ làm thế .Tôi thấy buồn ,thất vọng và thực sự không biết nên nghĩ như thế nào về người bạn ấy .Và cũng đã có những phút giây tôi nghĩ đến chuyện tình bạn ấy đã mất . Chúng tôi quen nhau đã được gần 3 năm - một khoảng thời gian không dài nhưng cũng đủ làm cho chúng tôi từ những người xa lạ trở nên thân thiết .Cũng giống như câu chuyện chiếc đinh đóng trên cột sẽ tạo ra một lỗ sâu và dù thời gian có qua đi như thế nào thì lỗ sâu ấy vẫn còn ,vẫn tồn tại mãi mãi .Sau rất nhiều ngày suy nghĩ tôi nghĩ mình chỉ có thể chấp nhận để tiếp tục chơi với nhau thôi còn để mà trở lại như trước là không thể và điều đó cũng có nghĩa tôi không tha thứ và đúng hơn là không thể tha thứ được . Tôi cũng muốn tha thứ và quên đi những gì người đó làm với mình nhưng thấy khó khăn và dằn vặt không yên .
  Tôi biết mình có thể mở lại cánh cổng trái tim mà tôi đã tạm khép lại với người bạn đó bởi có lẽ chính tôi là người nắm giữ chiếc chìa khóa mở nó .Nhưng tôi thấy mình thực sự không muốn và bản thân cũng chưa biết phải làm gì .Những chuyện đã đến quá bất ngờ tôi không ngờ được rằng người bạn ấy ,người bạn mà tôi dành cho quá nhiều tình cảm ,niềm tin lại đẩy tôi vào một tình thế như thế này .
    Nhưng thực sự khi đọc xong bài viết của tác giả tôi cảm thấy như có thế tháo  bỏ dần những suy nghĩ chống lại khái niệm là tha thứ .Phải có những chuyện còn khủng khiếp hơn sự đố kị ghen ghét trong tình bạn nhiều mà người ta vẫn có thể bỏ qua cho nhau thì tại sao tôi không nghĩ đến những gì tốt đẹp hơn ,bỏ qua những gì bạn ấy đã làm .Đúng tôi có thể tha thứ và tôi nhận ra rằng tha thứ không có nghĩa là mọi thứ sẽ trở lại như cái ban đầu .Có thể tôi sẽ không còn thân với người bạn ấy như trước nữa ,nhưng tôi vẫn sẽ làm bạn tốt của bạn ấy ...........
   Mỗi người chúng ta đều nắm giữ chiếc chìa khóa mở cánh cửa tha thứ .Có thể lỗi lầm của người khác với  bạn sẽ làm cho vị trí của người đó trong bạn không còn như ban đầu nhưng hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp ,đối xử với họ bằng những gì tốt nhất mà bạn có thể làm . Mỗi một sự tha thứ sẽ góp vào cho cuộc sống của bạn một bông hoa cho cuộc sống của bạn .Hãy tự tạo cho mình một vườn hoa ngát hương nhé !

 


Ngủ rồi kevin nguyen

  • Thành Viên
  • *
  • Bài viết: 9
  • Thích 0
Trả lời #7 vào: 21-12-2010 23:01:41
phạm lỗi,xin lỗi và tha thứ cho những người biết rút ra bài học gì qua những lỗi lầm mà họ đã gây ra đó mới là vấn đề.phạm lỗi thì dể còn nói xin lỗi thì ko phải ai cũng có đủ can đảm để nói xin lỗi và đó không phải là thói quen của người Việt.
lấy ví dụ.nếu nói tiếng anh ta rất dể nói \\\"i am sorry hay thank you\\\" còn với tiếng việt thì khó khi nói xin lỗi và cám ơn.và cần một thời gian dài để hình thành thói quen.... ;)

 


Ngủ rồi lehoan8x

  • Thành Viên
  • *
  • Bài viết: 1
  • Thích 0
Trả lời #6 vào: 14-11-2010 15:35:01
còn tình yêu thì sao hở bác ? Thật khó để tha thứ. Nếu là tình bạn thì có thể tha thứ. Tình yêu đã bị phản bội rồi thì khó có thể tha thứ lắm.

 


Ngủ rồi banron

Trả lời #5 vào: 11-11-2010 00:07:22
Bài viết của Mach Nha tôi đọc đến mấy lần, thấy rất giống với nhiều trường hợp mà tôi được biết: cái cảm giác nặng nề vì còn nợ ai lời xin lỗi và cảm giác thiếu an bình khi trong lòng chưa thật sự tha thứ cho ai.

Xin chúc mừng bạn đã cất bỏ được cả hai gánh nặng kia.

Bài chia sẻ ấy cũng ngầm nói rằng xin lỗi cũng khó như tha lỗi. Chuyện người bạn gái và chuyện chị giúp việc đều có… thâm niên mười mấy năm trời. Đúng, phải khó khăn thật nên mới để lâu như thế.

Mạch Nha đã làm cho người khác muốn chia sẻ thêm. Trong dòng cảm xúc khi đọc bài này, tôi chỉ xin chọn một ý để bàn riêng: vì sao tha thứ là khó nhất.

Cách giải thích bằng “vết thương nhận lãnh” ấy thực ra trùng với ý được đề cập từ phần một của bài. “Trong cuộc sống, khi có người phạm lỗi thường người ta hay xét đến hậu quả do lỗi (hay tội) đó gây ra mà quyết định hình phạt …
vậy nếu chúng ta biết loại bỏ bớt yếu tố hậu quả khi xét lỗi của người khác thì chắc chắn sẽ trở thành người rộng lượng mà đôi khi chính mình cũng không hay”
.

Xét hậu quả thì rõ ràng vết thương càng sâu, lỗi của người gây ra càng lớn. Có thể nhiều người cho rằng như thế là đúng, nhưng tôi thì không. Khi một học sinh nghèo bị trộm mất hành trang trên đường lai kinh ứng thí, ta chỉ biết tên ăn trộm ấy đã vớ được một vài món đồ ít giá trị, còn việc lỡ bước công danh của người học trò xui xẻo thì tôi nghĩ rằng tên trộm ấy vô can. Chính cái duyên nghiệp của anh học trò đã làm ra cơ sự chứ hoàn toàn không phải do tên trộm. Nó, nếu có liên can, cũng chỉ liên can như một công cụ trong tay tạo hóa mà thôi.

Chúng ta cảm thấy tha thứ khó hơn xin lỗi còn vì một nguyên nhân chủ quan khác. Khi chưa đủ can đảm để nói lời xin lỗi lần này, ta vẫn ấp ủ dự định sẽ nói trong tuần sau. Nhưng khi chưa đủ tình yêu thương để tha thứ, ta dường như nghĩ rằng kẻ lầm lỗi ấy không đáng được tha. Một dịp trôi qua là trôi qua thêm cả năm trời. Nhân loại vẫn thường dành cho nhau những mối thương tâm như thế.

Quả thật, phạm lỗi dễ, xin lỗi khó, tha lỗi lại càng khó hơn.

 


Mach Nha

  • bạn
Trả lời #4 vào: 09-11-2010 22:19:15
Hôm nay, tôi muốn ngồi với NGƯỜI TÔI CƯU MANG lâu một chút. Tôi ít thời giờ quá. Thực sự là thế, và có thể thời giờ chỉ là một cái cớ bởi vì người Pháp có câu «Vouloir, c’est pouvoir» - «Muốn là được». Hôm nay, tôi muốn ngồi xuống hẳn hòi và đọc tới nơi tới chốn một bài viết của NGƯỜI TÔI CƯU MANG chứ không ngồi ngấp nghé và đọc phiên phiến như vẫn. Tại sao hôm nay? Tôi không rõ. Và, mỗi khi không tìm ra được lời giải thích cho một chuyện gì đó, tôi ưa nghĩ đến chữ duyên.

Nhờ duyên, hôm nay tôi vào mục Đọc Và Ngẫm, ngồi xuống với bài viết của tác giả HMHai về chuyện phạm lỗi, xin lỗi và tha lỗi. Tôi ngồi lâu hơn dự định. Ngồi thêm sau khi đã đọc xong, để ngẫm. Và ngồi tiếp sau khi ngẫm, để viết.

Trước hết, tôi mở cửa gian phòng mang tên Phạm Lỗi. Vừa bước vào đã hết hồn hết vía, tối tăm mặt mũi, thần hồn nát thần tánh, ba chân bốn cẳng chạy ngược trở ra, vừa chạy vừa la bai bãi : «Em chả!». Nhớ thuở bé, mẹ tôi hay kể câu chuyện người kia có hai chiếc túi ; một chiếc dùng để bỏ hột đậu đen vào khi anh ta tự thấy mình làm điều trái, chiếc kia để cho vào hạt đậu đỏ khi làm điều phải, lâu lâu giở ra đếm xem túi nào nhiều đậu hơn đặng mà kiểm thảo và điều chỉnh. Tôi chưa bao giờ làm được như người này cả vì tôi thấy việc anh ta làm là một đặc nhiệm bất khả thi. Lúc bé, ăn chưa no lo chưa tới, làm sao hiểu biết hết được tất cả các nguyên tắc, quy định, lề luật đặng mà chọn đậu đen hay đậu đỏ. Có chuyện rõ ràng như lén mẹ ăn kẹo trước giờ cơm, tôi biết đó là một hột đậu đen, hay được 10/10 điểm kiểm tra toán xứng đáng hột đậu đỏ. Nhưng rất nhiều chuyện khác tôi không biết phải tính sao. Ví dụ, khi tôi ăn trộm đồ ăn ở nhà đem cho một đứa bạn nghèo trong lớp thì tôi lưỡng lự rất lâu trước hai túi đậu để cuối cùng cho vào mỗi túi một hột. Hột đen cho tội ăn trộm và hột đỏ cho lòng thương bạn. Nhưng trong một ngày, thậm chí một giờ, có rất nhiều chuyện khiến tôi bận rộn liên tục, từ chuyện học chuyện chơi, đến chuyện ăn chuyện ngủ, v.v. Tôi «hành động» còn không kịp nữa, làm sao có thời giờ vắt tay lên trán ngẫm nghĩ coi mình đã tom góp bao nhiêu đậu đen và bao nhiêu đậu đỏ! Cho nên, để mẹ tôi vui, tôi có thử «đỏ, đen» đôi lần và bỏ cuộc rất nhanh. Giờ nghĩ lại, thấy may mắn quá, nếu từ nhỏ mà cứ lo ngồi lựa đậu, gom đậu và đếm đậu, chắc bây giờ tôi không là tôi bình thường mà đã thành một bậc hiền triết, thậm chí một vị Phật sống hoặc một… bà khùng. Mà giữa ba khả năng trên thì phải «siêu» lắm mới cho rằng mình sẽ trở thành Phật, thành Thánh.  Tôi chưa siêu tới cỡ đó.

Sống thế nào là đúng, và thế nào là sai là một câu hỏi mãi mãi không có câu trả lời. Bởi vì nếu có, con người xưa nay chẳng hao hơi tổn sức cãi nhau, chưởi nhau, giận nhau và chém giết nhau. Đúng-Sai do tiêu chuẩn nào qui định đây? Trục hệ nào? Văn hóa nào? Giáo dục nào? Đạo đức nào? Quyền lợi nào? Thời đại nào? Văn minh nào? Xứ sở nào? Địa phương nào? Chính quyền nào? Hệ thống nào? Tập đoàn nào? Tổ chức nào? Gia đình nào? Cá nhân nào? v.v. Tất cả đều là tương đối. Thành ra, những khi nhớ mẹ và câu chuyện về hai túi đậu, tôi muốn nói với mẹ tôi : «Mẹ ơi, nếu một lúc nào đó, con sống chậm lại – như một đoạn phim quay chậm - để có thể cân nhắc màu đậu thì chỉ hai túi e rằng không đủ. Con sẽ thêm một túi đậu xanh, một túi đậu trắng, một túi đậu nành, một túi đậu ván, một túi đậu ngự, v.v… Hơn nữa, đậu xanh thì còn có thể phân ra đậu xanh cà, đậu xanh nguyên hột, đậu xanh bột, v.v… Chắc chắn, có những lần con phải phân vân rất lâu trước khi cho một hạt đậu vào túi, có những lần con cho đều mỗi túi một hạt, và có những lần không có hạt nào cho túi nào cả!»

Thế nhưng, tương đối tới đâu thì với những gì đã học từ gia đình, sách vở, nhà trường, và đời sống, tôi cũng có nhiều lần không mấy khó khăn trong sự lựa chọn màu đậu (phước bảy mươi đời, tám mươi kiếp!) Thành ra, tôi mới thất thần chạy sút dép ra khỏi gian phòng mang tên Phạm Lỗi trong tâm hồn tôi. Không phải vì tôi sợ phạm lỗi - chỉ những ai không làm gì cả thì mới không phạm lỗi – mà vì tôi trông thấy túi đậu đen của tôi ở trong gian phòng ấy. Nó to quá cỡ thợ mộc! Đó là chỉ mới nói đến những hột đậu đen do chính tôi đã kiểm điểm và tự giác bỏ vào. Còn những hột đậu đen tôi chưa có can đảm bỏ vào hoặc chưa nhìn nhận ra thì không biết bao nhiêu túi cho đủ… Và còn vô vàn những túi đậu đen khác mà tôi đã xúc không tiếc tay khi qui lỗi, kết tội người khác tồn kho hết năm này tháng nọ nằm lềnh khênh ra đó. Nếu tôi không mau mau rời khỏi gian phòng đen đủi này, tôi sẽ bị bóng tối bao phủ và bị mấy cái túi đậu thuộc loại hầm mãi không nhừ này đè ngộp thở.    

Nếu Phạm Lỗi là một vấn đề thì Xin Lỗi có thể được xem như giải pháp. Tất nhiên, phải là một sự xin lỗi chân thành từ đáy lòng như tác giả bài viết đã đề cập. Xin lỗi để chuộc lỗi, để không phạm lỗi ấy nữa. (Để giành, phạm lỗi khác bởi vì Nhân Vô thập Toàn, đã sinh ra làm người thì làm sao không phạm lỗi cho được!) Bởi thế, tôi dùng chữ Sự Xin Lỗi, mà không là Lời Xin Lỗi. Lời xin lỗi chỉ là phương tiện chuyển tải lòng hối lỗi. Lời xin lỗi nhiều khi được thốt ra rất dễ dàng, trơn tru mà người nói không hề có lòng xin lỗi tí ti ông cụ nào. Ví dụ, sống ở Pháp một thời gian, tôi thấy người Pháp xin lỗi (và cảm ơn) liền miệng. Đây là một nét văn hóa khác văn hóa xứ ta. Ở bên ta, nhỡ dẫm lên chân ai, tôi nói : «Í, có sao hông?». Bên Tây, tôi không thể không nói : «Oh, pardon!» (Ối, xin lỗi nhé!) trước khi muốn nói gì thêm. Chữ «Pardon» (xin lỗi) được người Pháp thốt ra một cách tự động, quán tính, có khi nhanh hơn cả ý nghĩ. Cho nên, trong rất nhiều trường hợp, nó không chuyển tải lòng hối lỗi. Nó giống như một mũi tên được bắn đi quá vội. Người bắn mũi tên ấy có khi chẳng nhằm vào đâu cả, mũi tên cắm được vào đâu thì cắm, muốn rơi đi đâu thì rơi, không hề chi. Tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh một người chen lấn người khác để tiến lên. Lấn một bước, «pardon» một tiếng, xong lấn tiếp, «pardon» tiếp. Đi được tới đích, không biết bao nhiêu cái huých cùi chõ, cái dẫm chân, cái gạt tay và cái «pardon» đã thi nhau ra lò! «Pardon» ấy hiển nhiên là biết mình có lỗi xô đẩy người khác nhưng không phải để chuộc lỗi, mà để tiếp tục chen lấn, tiếp tục «pardon».

Có thể tôi nhầm, nhưng tôi thấy người mình ít « pardon » hơn người Pháp rất nhiều. Ta không có thói quen xin lỗi. Khi mở miệng xin lỗi thì thấy ngường ngượng, phải nói trớ ra thành  «Xôi lĩnh» (cho bớt kỳ ?!) hay phải dùng chữ Anh «Sorry», hoặc chữ Pháp «Pardon ». Ngay cả người Việt sống lâu năm ở ngước ngoài cũng thế. Họ chịu ảnh hưởng văn hóa phương Tây, xin lỗi thường hơn người Việt sống trong nước, nhưng cũng ít dùng đích thị chữ «Xin lỗi» của tiếng Việt khi muốn xin lỗi người Việt. Đó là chưa nói đến sự khó khăn của người Việt mình trong việc xin lỗi «kẻ dưới», bao gồm những ai nhỏ vai, nhỏ tuổi, nhỏ cấp, nhỏ tầng, nhỏ lớp, nhỏ… con, v.v… hơn mình.  

Trong nước, người mình hình như chỉ nói lời xin lỗi khi «có chuyện thật rồi» và là chuyện thuộc loại không nhỏ như con thỏ ăn cỏ. Đây rõ ràng là khác biệt văn hóa, tạm gọi là «Văn Hóa Xin Lỗi». Tây có thể chê ta bất lịch sự, không biết mở miệng xin lỗi khi làm lỗi. Ta, ngược lại, có thể chê Tây chỉ giỏi xin lỗi bằng miệng, không bằng lòng. Nói tới đây, lại lang mang nghĩ tới một khác biệt văn hóa khác, liên quan đến cách hành xử - chủ yếu qua lời ăn tiếng nói, giữa người Bắc và người Nam ta. Tôi hay nghe người Bắc bị chê là «khéo quá quá sạo», còn người Nam thì «thật quá hóa vụng». Bởi thế, mẹ tôi thường khuyên tôi ráng kết hợp cái khéo của người Bắc với cái thật của người Nam. «Được như thế thì rất hay», mẹ tôi nói. Ngoéo ngược về chuyện xin lỗi, tôi muốn theo nếp nghĩ của mẹ tôi mà đề nghị: Hay ta thử kết hợp cách xin lỗi của Tây và ta vào với nhau : Xin lỗi khi lòng thực muốn cải lỗi và tập xin lỗi thường xuyên hơn, thoải mái hơn, tập thành hơn. Mà, thật ra thì, nhiều khi người ta có thể xin lỗi chỉ bằng một ánh mắt, một cử chỉ nào đó chứ chẳng cần đến ngôn ngữ.

***
Tôi ít thời giờ quá. Dự tính viết bài này cho xong trong một buổi tối nhưng rồi tôi cũng đã đành tắt máy. Khi tôi thức dậy sáng nay, tôi biết mình sẽ lại quay cuồng với những bộn bề có tên và không tên, thường nhật và bất ngờ. Tôi nghĩ đến những dòng chữ dở dang tôi đang viết cho NGƯỜI TÔI CƯU MANG nhân đọc bài viết của tác giả HMHai. Tôi sợ tôi sẽ cho nó chìm trôi như bao nhiêu bài viết khác, và như thế, tôi sẽ không tiếc tay bỏ thêm một hột đậu đen vào chiếc túi của tôi.

Buổi tối hôm qua, thân thể tôi bị vướng bận nhiều việc khiến tôi phải ngưng viết nhưng trí óc tôi không ngừng loay hoay với nhiều câu hỏi xung quanh mấy chữ «Phạm lỗi», «Xin lỗi», «Tha lỗi». Tôi tự hỏi, cho tới hôm nay, có lỗi lầm nào khiến tôi ray rứt không an khi nghĩ đến? Có ai đó tôi còn nợ lời xin lỗi mà tôi chưa đủ can đảm nói ra hoặc tôi muốn nói ra lắm nhưng không còn cơ hội nữa? Có ai đó chẳng bao giờ mong chờ tôi nói lời xin lỗi vì lòng họ đã tha thứ cho tôi từ bao giờ, còn tôi thì cứ vẫn chưa xuôi? Và có ai đó không, vẫn mong chờ tôi tha thứ cho lỗi lầm họ đã gây ra? Tôi trả lời được. Tôi có những tên người, mặt người rất rõ ràng trong «sổ bìa đen» của tôi. Câu hỏi tiếp theo : Làm gì?

Trước tiên, tôi nghĩ đến một người bạn gái rất thân hồi đại học của tôi. Chúng tôi đứt liên lạc sau một cú không phải trời giáng mà là cô ấy giáng xuống đầu tôi. Gần đây, tôi nhận được i-meo của cô. Cô viết dài, khơi gợi chuyện cũ, biện minh, giải thích, bày tỏ và xin tôi tha thứ. Những biện minh, giải thích, bày tỏ ấy không thuyết phục tôi. Duy nhất có một điều tôi tin, ấy là cô thực đã bị dày vò suốt mười mấy năm qua và muốn xin lỗi để trút bớt gánh nặng trong lòng. Cô nói, cho dù tôi có tha thứ cho cô hay không thì cô cũng đã bắt đầu cảm thấy một cảm giác yên ả len lỏi trong lòng sau khi nói lời xin lỗi. Một nửa trái tim tôi mừng cho cô, vì tôi biết sự khó chịu của cảm giác mang nặng túi tội lỗi trên lưng cũng như sự dễ chịu khi trút bỏ được nó. Một nửa trái tim kia của tôi trì lại. Tôi chưa sẵn sàng tha thứ.

Tôi trở lại diễn đàn NGƯỜI TÔI CƯU MANG, đọc lại đoạn văn của tác giả HMHai về sự tha thứ. Tác giả viết: «Tha thứ cũng là điều khó làm nhất, và cũng không dễ dàng học được!» Tôi đồng ý. Tôi đang trải nghiệm điều này với người bạn cũ. Tôi không biết tại sao tha thứ lại có thể khó làm đến thế. Tôi cố giải thích như sau: Khó hay dễ tùy thuộc vào vết thương ta nhận lãnh. Nếu vết thương đó quá sâu thì nỗi đau khiến ta chỉ muốn nằm xuống, úp mặt vào tường cho yên thân chứ chẳng còn sức đâu mà đi tiếp với người đã khiến ta đau đến thế.

May thay, không phải vết thương đời nào cũng đau sâu và không phải hễ cứ mỗi lần đau là mỗi lần nhớ mãi bởi vì con người mang trong mình một khả năng kỳ diệu, ấy là sự lãng quên. Không nhờ lãng quên, ở đây tôi muốn nói đến lãng quên những thương đau do người khác gây ra cho mình, con người sẽ không thể nào sống sót nổi. Một điều nhiệm màu khác giúp con người có thể tha thứ dễ dàng, có khi vô điều kiện, một cách hết sức tự nhiên, đó là: Tình Yêu. Có người con nào dám nói trong đời mình chưa bao giờ làm điều gì khiến cha mẹ mình buồn phiền? Thế mà, có cha mẹ nào thèm ngồi đó mỗi chút mỗi ghi sổ, để bụng, thù dai đối với con mình từ khi nó chào đời? Nếu con người có thể đem chỉ một phần nhỏ tình yêu bao la vô bờ bến của mẹ giành cho con đối đãi với tha nhân thì chắc chắn sự tha thứ sẽ đến dễ dàng hơn.
Tôi đã trả lời người bạn cũ ấy của tôi. Tôi nghĩ, nếu tôi im lặng, cô sẽ cảm thấy bị trừng phạt. Mười mấy năm tự ray rứt đã là một trừng phạt không nhỏ cho cô. Tôi khuyên cô đừng nghĩ đến chuyện cũ nữa và hãy sống đời sống của cô cho an lành, thế là okay rồi.

Dông dài kể chuyện riêng ở đây, tôi không có ý gì khác hơn là muốn xác nhận sự khó khăn của việc tha thứ, muốn tìm hiểu tại sao tha thứ lại khó đến độ gần như bất khả thi. Làm sao  có thể hóa giải được khó khăn này? Tôi rất muốn tha thứ cho tất cả những ai đã làm tôi buồn phiền, đau khổ vì tôi hiểu đó chính là cách duy nhất tự giải phóng mình khỏi đau khổ.  Vì thế, như một đóng góp nhỏ nhoi, tôi thử đem chuyện này ra mổ xẻ hòng mong qua đó mà bản thân mình cũng như bất cứ ai đang tìm cách tự giải phóng như tôi có thể thực hiện được lời khuyên của tác giả HMHai ở cuối bài viết: «Còn nếu ai đó lỡ mắc lỗi với bạn, thì bạn cũng hãy rộng lượng bỏ qua. Nếu được như vậy, tôi tin là niềm vui không chỉ đến với người được tha lỗi, mà chính bạn cũng thấy vui và thanh thản hơn nhiều…»                          

Đó là nói chuyện tha thứ. Còn về chuyện xin lỗi, đêm qua, tôi cũng nghĩ đến nhiều người mà tôi muốn xin lỗi. Và tôi thấy xin lỗi cũng khó không thua gì thứ lỗi. Bởi vậy, tôi muốn bắt đầu bằng một lời xin lỗi có vẻ ít khó nhất. Lời xin lỗi này, tôi muốn nói từ rất lâu rồi, tôi đã có rất nhiều dịp để nói, và tôi chưa bao giờ nói!

Cách đây mười hai năm, trong một lần về thăm nhà sau chuyến đi xa, tôi đưa mẹ tôi một cái túi, trong đó cất vài món nữ trang quý. Tôi không muốn đeo chúng khi đi lang thang ngoài đường nên muốn nhờ mẹ giữ hộ. Mẹ tôi tính người cẩn thận, thay vì chỉ cần cho cái túi vào tủ khóa lại, bà đem đi dấu ở một chỗ bí mật khác vì thời gian đó, nhà tôi bị trộm vặt liên miên do thay đổi ngưéơi giúp việc liên tục khiến mẹ tôi lo ngại. Vài tuần sau, khi tôi xin lại mẹ túi nữ trang, tôi thấy mẹ đi tìm rất lâu. Sau đó, bà hớt hải vào phòng, nhìn tôi với ánh mắt thất thần và gương mặt rịn mồ hôi. Mẹ nói: «Mất rồi, mẹ không thấy đâu nữa». Thời gian quá gấp, tôi sớm tới giờ trở về bên chồng và mấy món nữ trang kia chính là bông tai và nhẫn cưới của tôi. Tôi nghĩ đến chồng tôi khi anh biết tôi đã làm mất chúng và tôi mất bình tĩnh theo mẹ. Thế là, sau khi tìm kỹ lại không thấy, tôi đồng ý để mẹ chất vấn chị giúp việc mới. Tôi thấy có gì đó cấu nhéo trong lòng khi mẹ yêu cầu chị mở giỏ đồ cá nhân của chị ra cho mẹ xét, nhưng tôi không ngăn mẹ. Chúng tôi không thấy món đồ cần tìm trong giỏ chị.

Sau đó, mẹ tôi bình tĩnh dần. Mãi lúc sau, khi tôi đang ngồi rầu rĩ trong phòng, bà tủm tỉm cười, đem vào đưa cho tôi túi nữ trang. Tôi mừng rỡ, hỏi mẹ ở đâu ra, thì mới hay mẹ đã nhớ ra chỗ dấu bí mật kia mà lúc đầu, do quýnh quáng, bà cứ nhớ nhầm là bà cất nó trong tủ!

Tôi không biết sau đó và cho tới bây giờ, mẹ tôi có lần nào mở lời xin lỗi chị Chín, người giúp việc tội nghiệp của chúng tôi không. Riêng tôi, có đôi lần về sau, gặp lại chị, chớm mở miệng mà nói không ra chuyện. Không hiểu tại sao! Có lẽ, đúng là do tôi thiếu lòng cam đảm giữa con người với con người. Thiếu tính cởi mở và dân chủ trong quan hệ chủ-tớ.

Bây giờ, tôi muốn chính thức xin lỗi chị. Chị hãy là người đầu tiên nghe tôi xin lỗi. Xin chị bỏ qua cho tôi. Tôi biết chị đã không còn nghĩ đến việc này từ lâu bởi vì bao năm nay, bao giờ chị cũng giành cho gia đình tôi và riêng tôi những săn sóc vô cùng tận tụy mặc dù lâu lâu tôi mới về nhà một lần.      

Xin cho tôi được chuộc lại hột đậu đen mà tôi đã gieo trồng!

Mạch Nha
Choisy-Le- Roi

 


Ngủ rồi knight

  • Thành Viên
  • *
  • Bài viết: 28
  • Thích 0
Trả lời #3 vào: 08-09-2010 23:11:37
\\\"LOÀI NGƯỜI RẤT THAM LAM,HỌ CHÁN GHÉT TUỔI THƠ VỘI VÃ LỚN LÊN RỒI LẠI AO ƯỚC ĐƯỢC TRỞ LẠI TUỔI THƠ 1 LẦN NỮA.HỌ ĐÁNH MẤT SỨC KHỎE ĐỂ KIẾM TIỀN RỒI LẠI ĐỔ TIỀN RA ĐỂ TÌM LẠI SỨC KHỎE. HỌ SỐNG NHƯ THỂ HỌ KHÔNG BAO GIỜ PHẢI CHẾT VÀ HỌC CHẾT NHƯ THỂ HỌ CHƯA BAO GIỜ ĐƯỢC SỐNG.\\\"
Tất cả mổi chúng ta đều có những sai lầm, quan trọng là chúng ta có nhận ra và sửa sai được không.Một người bạn trước đây của tôi(không biết giờ anh ta có coi tôi là bạn hy không) đã nói: \\\"Khi một cái đinh được đóng lên bức tường bằng gỗ thì khi lấy đinh ra, nó sẽ để lại trên bức tường một cái lỗ và không còn nguyên vẹn\\\". Đúng là bất kỳ cái gì cũng có dấu vết của nó. Ví dụ như da thịt của chúng ta nếu chúng ta cứ mãi bảo vệ nó để không bao giờ bị trầy xước, bị thương thì da chúng ta sẽ mãi mỏng manh, mềm yếu và có thể bị bất cứ thứ gì xuyên thủng. Nhưng nếu bị thương một lần rồi thì vết thương đó sẽ để lại vết sẹo dày và chính vết sẹo đó sẽ tự bao bọc cho lớp da thịt của chúng ta có thể chống đỡ với nhiều vết thương mới xảy đến.
Có thể anh bạn đó đang đọc những gì tôi viết thì anh ấy cũng hiểu những gì tôi muốn nói. Cảm ơn vì những lời nói thành thực, và tôi hy vọng các bạn hãy nói thành thực với những người bạn của mình, dù cho những gì bạn nói ra có thể làm người ta buồn. Nhưng rồi nỗi buồn sẽ qua đi và để lại cho mỗi người một sự vững tin sau này.
Chúng ta sẽ tiếp tục với những mục tiêu của mình, người ta thường nói nếu cùng một mục tiêu và một con đường thì \\\"thù cũng có thể biến thành bạn\\\". CHúng ta sẽ sát cánh bên nhau cùng vì cuộc sống của chính chúng ta. Khi chúng ta đau nhưng chúng ta không cảm thấy mình đau, tức là chúng ta không đau. CÒn khi chúng ta đau và cảm nhận được nó thì khi đó là chúng ta đã đau thật sự.
Tôi và các bạn hãy cùng nhau vượt qua mọi nỗi đau, hãy bỏ qua những lỗi lầm dù cho vì lý do gì đi chăng nữa để cùng nhau sống hạnh phúc bên những người thân yêu. :cheer:  :cheer:  :cheer:

 


Ngủ rồi bamecon

  • Thành Viên
  • *
  • Bài viết: 2
  • Thích 0
Trả lời #2 vào: 09-05-2010 22:16:31
Cám ơn bác HMHAI đã nói lên được sự thật mà tôi tin rằng ai trong chúng ta cũng biết và nhận ra. Nhưng để nói lên được lời \\\" xin lỗi\\\" và cũng như rộng lòng \\\" tha thứ\\\" thì không phải ai cũng làm được... Và thật không sai khi chính tôi cũng đã từng phải tự mình suy nghĩ hãy tập \\\"tha thứ\\\" cho lòng nhẹ nhõm hơn...  :)

Many thanks.

 


Ngủ rồi trangvitgioi

  • Thành Viên Gắn Kết
  • Người Tôi Cưu Mang
  • ****
  • Bài viết: 3.816
  • Thanked: 942 times
  • Thích 8
Trả lời #1 vào: 11-03-2010 23:29:19
1. Phạm lỗi
Trong cuộc sống, khi có người phạm lỗi thường người ta hay xét đến hậu quả do lỗi (hay tội) đó gây ra mà quyết định hình phạt. Sự phạm lỗi xảy ra rất thường xuyên, tuy nhiên chỉ những lúc gây ra hậu quả mới phải đến chốn pháp đình. Chẳng hạn y sĩ chích nhầm thuốc cho bệnh nhân xảy ra nhiều nhưng chỉ khi gây chết người thì mới có chuyện. Hồi còn làm việc cho một Sở Y Tế, một lần nằm bệnh viện tôi cũng đã bị y tá chích nhầm, may mà không sao. Hay việc lỡ tay đánh rơi một vật cũng thế. Làm vỡ một cái chén, các bà nội trợ ở cõi trần chỉ việc lo dọn mảnh vỡ, trong khi cũng chỉ vì tội đó mà biết bao nàng tiên đã bị đày xuống trần gian.
 
Con người vốn yếu đuối và đau khổ, vậy nếu chúng ta biết loại bỏ bớt yếu tố hậu quả khi xét lỗi của người khác thì chắc chắn sẽ trở thành người rộng lượng mà đôi khi chính mình cũng không hay.
 
2. Xin lỗi
Nếu việc phạm lỗi vẽ nên bức tranh khu rừng chết, khô cằn, ảm đạm thì xin lỗi sẽ như một bông hoa nhỏ nhắn, hiếm hoi, không sặc sỡ nhưng nổi bật trên nền khô cháy đó. Hầu hết mọi người đều muốn ngắm nhìn cảnh đẹp, muốn sống vui vẻ chan hòa nhưng nhiều khi không biết phải làm sao. Cây cỏ không đủ điều kiện ra hoa vì thiếu mưa thiếu nắng, ta ngại ngùng khi nói lời xin lỗi vì thiếu can đảm và chân thành.
 
Vậy, nếu bạn đã có sự chân thành thì hãy… can đảm lên!

3. Tha lỗi
Trên hết, sự tha thứ mới là nguồn mạch của tình yêu và niềm vui sống cho con người. Tha thứ cũng là điều khó làm nhất, và cũng không dễ dàng học được! Xét trên một khía cạnh nào đó, mắc lỗi cũng như mắc nợ. Và vì thế, tha nợ cũng là tha lỗi. Ồ, vậy thì ta có thể tập được chứ!
 
Bạn hãy thử tìm xem có ai nợ mình một món tiền nho nhỏ (so với mức thu nhập của mình) mà đang rất khó khăn không thể trả nổi hay không. Một ngày đẹp trời bạn nói với người ấy rằng: “Hãy làm việc vui vẻ và đừng bận tâm đến món nợ đó nữa”, và đừng quên kèm theo một nụ cười thật chân thành. Nếu bạn làm được điều đó, tôi tin rằng gánh nặng sẽ được cất đi cho niềm vui ập đến! Bạn hãy nghĩ xem, có phép thuật nào tạo ra được điều kỳ diệu như thế không? Tôi e rằng không có…
 
Lời cuối tôi chỉ muốn nói, làm người khó mà tránh được lỗi lầm. Nếu lỡ phạm phải thì bạn hãy can đảm nói tiếng xin lỗi, còn ai đó lỡ mắc lỗi với bạn, thì bạn cũng hãy rộng lượng bỏ qua. Được như vậy, tôi tin là niềm vui không chỉ đến với người được tha lỗi, mà chính bạn cũng thấy vui và thanh thản hơn nhiều…
 
HMHai