Tác giả Chủ đề: Nhân Sinh Quan  (Đã xem 18275 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Ngủ rồi doanminhgai

Trả lời #19 vào: 22-10-2013 08:20:05
Bài viết \\\"DỪNG\\\" thật hay và ý nghĩa , xin cảm ơn onggia và tất cả các tác giả khác trong mục này.

 


Ngủ rồi ONG GIA

Trả lời #18 vào: 19-10-2013 21:10:32
DỪNG


Trong tác phầm chí phèo nhà văn Nam Cao có viết một câu của Thị Nở như thế này “Thôi hãy dừng yêu để về hỏi bà cô đã” có thể cho rằng chữ dừng mà Nam Cao dùng ở đây có thể được coi là từ đắt và là rất đắt trong toàn bộ tác phẩm. Từ dừng vừa diễn tả được một trạng thái một con người vừa vừa là làm bộc lộ nên toàn bộ tính cách của một con người đã xấu ma chê quỷ hờn lại còn không được thật tính.

Và chúng ta hãy để ý sẽ nhận ra trong chữ Nhẫn của Tiếng Hán thì chữ Nhẫn được kết lại bằng hình tượng một thanh đao chặn ngay trên một trái tim. Cái thanh đao kia tượng trưng cho sức mạnh, quyền lực, tội ác…nhưng đã dừng lại bởi vì có trái tim điều khiển nó. Điều đó cũng mang một ý nghĩa và là một bài học trong cách đối nhân xử thế.

   Và bây giờ tôi xin được bàn luận về chữ dừng trong cuộc sống, người ta vẫ thường nói dừng chân, dừng lại, điểm dừng, độ dừng…vậy dừng có nghĩa là Thôi hoặc làm cho thôi vận động, chuyển sang trạng thái ở yên tại một chỗ, không tiếp tục thực hiện cử chỉ, hành động hay lời nói. Như vậy có nghĩa là khi người ta dừng lại hoặc đến độ dừng thì người đó có thể trong trạng thái đứng yên không tiếp tục và cũng không làm thêm một động thái nào nữa cũng có thể dừng để chuyển sang một hướng mới, chấm dứt cái mà ta đang thực hiện.

Nói thì vậy nhưng trong cuộc sống biết được điểm dừng, độ dừng, biết dừng ở đâu, dừng khi nào và dừng như thế nào lại là cả một nghệ thuật mà không phải ai cũng thực hiện được. Cái khó nhất là chúng ta chưa biết dừng và có khi không muốn dừng. Có thể do vô tình hoặc cố ý không biết dừng lại ở đâu và dừng như thế nào.

Tôi lấy ví dụ như trong một cuộc tranh luận thường ngày, hai người đều muốn bảo vệ lý lẽ của mình nên ai cũng cho là mình đúng, chẳng ai nhận mình sai mà tôi cam đoan rằng nếu có sai tôi và bạn cũng sẽ không nhận ngay lúc đó. Vậy thì sự thực thì đã có rồi và không thay đổi còn hai người tranh luận kia đương nhiên sẽ có một người đúng, một người sai hoặc cả hai cùng sai, cả hai cùng đúng ( ở một khái cạnh nào đó ) nhưng điều đó có giải quyết được vẫn đề không ? rất khó. Nếu như một người biết dừng lại, biết im lặng thì đối phương có thể càng thắng thế cho là mình đúng nhưng họ sẽ nghĩ khác khi nhận ra điểm mấu chốt thực sự của vấn đề.


   Cái mà người ta cho là cao cả và thuộc về cảm xúc của con người đáng trân trọng nhất đó là tình yêu mà Nam Cao còn cho rằng dừng yêu được thì thử hỏi có cái gì trong thế giới này mà bản thân mỗi con người không thể dừng lại được nữa. Biết dừng lại, biết nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, khoa học không những thuộc về nguyên tắc sống mà còn phụ thuộc vào trình độ và đạo đức của mỗi con người. Một nhà cầm quân trên mặt trận quân sự nếu như không biết nên dừng hay nên đánh thì cái quyết định đưa ra có thể liên quan đến toàn bộ cục diện chiến trường mà một ví dụ sinh động nhất, thực tiễn nhất đó là Quyết định của Tướng Giáp dừng phương châm đánh nhanh thắng nhanh chuyển sang đánh chắc tiến chắc đó là quyết định mang tính chiến lược bởi một cách nhìn toàn diện của nhà quân sự thiên tài.


   Vậy sao chúng ta không học cho bản thân mình biết dừng lại trước những cám dỗ của cuộc sống, trước những cái mà chúng ta nên dừng, đáng dừng và biết mình phải dừng. chúng ta thường học cách tiến về phái trước mà quên mất cách dừng lại chính vì thế khi không đạt được mục đích ta thường hối hận chỉ vì không biết dừng lại. Học cách để dừng và nhận biết ra điểm dừng cũng là một nghệ thuật.
 
   Ngày nghỉ cuối tuần xin được chi sẻ cùng các bạn đôi chút về cuộc sống. chúc mọi người vui vẻ và biết dừng lại đúng lúc nhé

Trường Giang

 


Ngủ rồi be-buti

Trả lời #17 vào: 21-09-2013 20:00:58
Pháp sư Tịnh Không:
“Vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân” [tất cả không mang theo được, chỉ có nghiệp theo mình].
Một đời tạo nhiều tội nghiệp, thì mang theo tội nghiệp rồi, ngoài tội nghiệp ra, không mang theo được một thứ gì. “Thiện ác họa phước, truy mạng sở sanh” [thiện ác họa phước, theo mạng mà sanh ra], kết quả có được chính là như vậy.
Nhân của khỏe mạnh sống lâu là “bố thí vô úy”, phóng sanh và không sát sanh đều thuộc về bố thí vô úy. Làm cho tất cả chúng sanh thoát khỏi nỗi sợ hãi, xa hết mọi lo lắng, khổ nạn, cái này gọi là bố thí vô úy. Chúng ta giúp người khác thoát khỏi khổ nạn, có được sự bình an, loại bố thì này sẽ được quả báo khỏe mạnh sống lâu.

Khi người khác gặp phải sự hãm hại về mặt tinh thần, thể xác, cảm thấy bị uy hiếp mà bạn có thể bảo vệ họ, làm cho họ không sợ hãi, không lo lắng, đây là bố thí vô úy. Vì thế phóng sanh thuộc về bố thí vô úy. Bạn xem mấy loài động vật nhỏ sẽ bị người ta giết hại để ăn thịt ngay, bạn mua chúng rồi thả chúng về với rừng núi, thả về trong môi trường nước. Chúng không sợ hãi, không còn những lo lắng, đây thuộc về bố thí vô úy. Bố thí vô úy được quả báo mạnh khỏe sống lâu.

Có của mà không chịu bố thí thì sẽ gặt quả báo nghèo khó. ......Tiếc pháp, bản thân hiểu biết pháp thế gian hoặc Phật pháp mà không chịu chỉ lại cho người khác, không chịu tu bố thí pháp thì gặt lấy quả báo ngu si. Bố thí vô úy thì ngược lại, uy hiếp người khác, làm người khác thân tâm không yên, quả báo chính là nhiều bệnh tật, chết yểu.

Thường giúp đỡ người bệnh, bản thân sẽ không sanh bệnh; thường giúp đỡ người già, bản thân sẽ không già yếu. Mặc dù tuổi cao, nhưng sức khỏe còn giống người trẻ tuổi. Trước đây không ít người từng gặp qua lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam ở Đài Trung, lão cư sĩ đã chín mươi lăm tuổi mà không cần người chăm sóc, đi cũng không cần ai dìu đỡ. Ngài khỏe mạnh sống lâu, là quả báo của bố thí vô úy. Ngài dùng Phật pháp, dùng y thuật giúp đỡ rất người người già bị bệnh, vì thế bản thân Ngài có được quả báo thù thắng như vậy. Nhất thiết không được ruồng bỏ người già bệnh tật; ruồng bỏ người già, người bệnh thì sau này bản thân bị bệnh, tuổi đã già rồi, người trẻ tuổi sẽ ruồng bỏ lại bạn. Quả báo chính là như vậy, trồng nhân nào thì có được quả báo nấy. Nhân duyên quả báo, tơ hào chẳng sai.Nghiệp nhân quả báo, tuần hoàn không ngừng. Trong kinh Phật thường nói: “nhân tử vi dương, dương tử vi nhân” [người chết rồi làm dê, dê chết rồi làm người]. Lục đạo là tuần hoàn, hôm nay bạn giết nó, chính là thiếu nó một mạng; đời sau khi nó làm người, bạn biến thành súc sanh, nó lại sẽ giết bạn.

“Tương tùng cộng sanh, cánh tương báo thường” [chung sống với nhau, báo trả lẫn nhau] nếu chúng ta thông suốt hai câu này, thì ngày nay có bị người trên đời này phỉ báng, làm nhục, hà hiếp, tâm chúng ta sẽ bình tĩnh. Vì sao người ta không phỉ báng người khác, không ăn hiếp người khác lại đi ức hiếp ta? Trong đời quá khứ ta đã từng ức hiếp họ, đã từng phỉ báng họ. Hôm nay họ trả lại ta từng món một, món nợ này xong rồi, sau này thiện hạ thái bình, không có chuyện nữa rồi. Vì thế đối với oan gia kẻ thù phải biết xóa bỏ hết tất cả, tâm địa sảng khoái tự tại.

Mặc dù đời này chịu thua thiệt, bị lừa dối, bản thân hiểu được là có lẽ đời trước ta đã ức hiếp người ta, chướng ngại người ta, vì thế hôm nay người ta đến chướng ngại lại ta. Một trả lại một, món nợ này kết thúc ở đây, xóa bỏ tất cả, tâm ý đã được cởi bỏ. Sau khi trả xong, không còn nợ nữa. Nếu không trả hết, vẫn là ôm hận trong lòng, sau này sẽ báo thù; đời đời kiếp kiếp báo qua báo lại, vĩnh viễn không bao giờ dứt. Mà mỗi lần báo thì lại càng nghiêm trọng hơn, vô cùng đáng sợ, vô cùng đáng sợ!

Nhân quả báo ứng, tơ hào chẳng sai. Tài sản chúng ta bị người trộm mất, sao người ta không đi trộm của người khác, chỉ trộm của ta? Chắc là đời trước ta trộm đồ của người ta, bây giờ người ta trộm lại của mình. Món nợ này trả rồi, không có việc gì nữa rồi. ......Vì thế cho dù người ta có hãm hại chúng ta, bất kể thủ đoạn tàn độc mức nào, thậm chí chấm dứt mạng sống chúng ta, cũng không nên tính toán. Tại sao vậy? Nợ đến đây xong rồi, hai bên cùng kết thiện duyên, đời sau thành Phật còn có thể cứu độ người ta. Kết thiện duyên, không tính toán, không bức hại chúng sanh, đấy là tu hành.

Tất cả chúng sanh, trên đời này không thể không có oan gia, không thể không có trái chủ. Vì chúng ta ở trong lục đạo từ vô thỉ kiếp đến nay, không biết đã kết oán thù với bao nhiêu chúng sanh, cũng không biết đã thiếu nợ với bao nhiêu chúng sanh. Luôn luôn là ta thiếu nợ người ta thì nhiều, còn người ta thiếu nợ ta thì ít. Những oan gia trái chủ này, khi nhân duyên có đủ, dù không quen biết, cũng sẽ đòi nợ trả nợ. Việc này được Phật pháp giảng rất thông suốt, mọi người sẽ dễ dàng lãnh hội được. Chúng ta trong một đời này, việc không như ý rất nhiều, đặc biệt là môi trường nhân sự không như ý muốn. Phật dạy chúng ta chỗ nào cũng phải nhẫn nhường, nhẫn nhường là trả nợ, là hóa giải oán thù; không được để bụng, không được tính toán.

Đã biết tướng của chúng sanh lục đạo, cái gì cũng là oan oan tương báo. Thiếu tiền thì trả tiền, thiếu mạng thì đền mạng, tuyệt không có đường thoát đâu. Phật Thích Ca Mâu Ni thành Phật rồi mà còn phải thị hiện “mã mạch chi báo” [quả báo ăn lúa mạch của ngựa]. Trong truyện về Phật Thích Ca Mâu Ni có chép rằng: khất thực không được gì, người ta dùng thức ăn nuôi ngựa để cúng dường Phật. Khổng Phu Tử trong “Tại Trần Tuyệt Lương” [Luận Ngữ, chương 15: Khi ở nước Trần bị tuyệt lương thực, học trò đi theo mắc bệnh, đi không nổi. Tử Lộ buồn rầu gặp Khổng tử nói: “Quân tử cũng có lúc khốn cùng phải không?”. Khổng tử nói: Quân tử gặp cùng khốn thì cố chịu đựng, kẻ tiểu nhân thì lạm dụng, làm liều.] có lúc còn nghèo đến mức không có cơm ăn. Người đại thánh cũng không thể vì cả đời tu thiện tích đức mà không chịu quả báo ác; quả báo là nhân đã trồng trong đời trước.

. Trong kinh Phật nói rất rõ ràng: duyên cha con như thế nào? “báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ”. Người với người, người với tất cả chúng sanh, nói thật ra, đều không ngoài bốn loại nhân duyên lớn này. Duyên đã kết từ nhiều đời nhiều kiếp, chỉ là nặng nhẹ ít nhiều mà thôi. Vì thế không có thứ gì không phải là do tự mình tạo ra cả. Chính vì sự thật như vậy, nên Bồ Tát khởi tâm động niệm đều rất thận trọng, rất để ý. Bồ Tát biết rõ chân tướng sự thật, chắc chắn không sanh ý niệm ác, chắc chắn không làm việc ác. Vì Bồ Tát biết rõ, một niệm ác, một việc sai sau này trong cuộc sống nhất định sẽ có những việc không như ý. Bồ Tát nếu muốn cuộc sống tự tại vô ngại thì chỉ có cách là không tạo nghiệp ác, mới có thể có được cuộc sống như vậy.

Mối quan hệ giữa người với người là “báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ”. ......Bốn mối quan hệ này là sự biến tướng của nghiệp quả bản thân đã làm trong đời trước, hiểu rõ chân tướng sự thật như vậy mới là hiểu biết, thì ra đời người không có chịu thua thiệt, cũng không có được lợi hơn người. Ta bị người ta lừa gạt, cũng vui vẻ, trả xong một món nợ. Có lẽ trong đời trước ta đã lừa gạt người ta, giờ bị người ta lừa gạt lại. Như vậy cũng tốt, món nợ này xong rồi. Bị trộm cũng là do đời trước ta đi trộm đồ người ta, giờ việc này cũng công bằng rồi. Nhân quả vốn là tuần hoàn không dứt, hiểu rõ chân tướng, tâm ý đã được cởi mở xong.

. Con cháu phải dạy dỗ, nuôi dưỡng cho tốt nhưng không nên để lại tài sản cho nó. Phải tu phước cho con cháu, tích đức cho con cháu thì con cháu mới có thể thọ dụng thật sự. Để lại tài sản, con cháu tưởng là của cải có được rất dễ, thì lại dễ sa đọa và tạo nghiệp.

Thường bố thí ân huệ cho người ta, con cháu được báo ân sẽ nhiều; đối với người ta không có ân huệ gì, niệm niệm đều là tự tư tự lợi, thì đâu ra chuyện báo ân? Đều là đến báo oán, đến đòi nợ thôi. Tốn biết bao tâm huyến nuôi dạy con cháu, kỳ vọng vào con cháu, đến cuối cùng làm bạn thất vọng, thật là “phụ ân vi nghĩa, vô hữu báo thường” [vong ơn bội nghĩa, không có báo tốt].

Phật nói là ba đời không vọng ngữ thì lưỡi thè ra có thể liếm tới đầu mũi. Phật ở trong nhân địa, đời đời kiếp kiếp không vọng ngữ, vì thế lưỡi của Phật khi thè ra, có thể phủ trùm cả mặt. Nếu không chịu tu nhân, ở đâu ra quả báo như thế?

 


Ngủ rồi HMHai

Trả lời #16 vào: 21-09-2013 13:41:25
Nhân Sinh Quan: Khi bị mất niềm tin
(Viết theo đề nghị của Jessie Nguyen và Truong Nguyen)

Tôi thề tôi chẳng yêu ai

Vì người ta cứ phụ tôi hoài

Bây giờ tôi chẳng còn tin

Trong nhân gian có kẻ chung tình…


(Cho vừa lòng em – Nhạc sĩ: Mặc Thế Nhân, Ca sĩ: Chế Linh)

(Tiếng Việt có cái khó là nhiều khi một câu nói nếu không cẩn thận sẽ tạo ra hai cách hiểu khác nhau. Ở đây khi ta nói: “bị mất lòng tin” thì chưa rõ là “không còn tin tưởng ai nữa” hay “không được ai tin tưởng nữa”. Vì thế bài này tôi xin nói rõ là viết cho câu hỏi: “Phải làm gì khi trong lòng ta thực sự không còn dám tin ai?”)

Bài hát này một thời vang lên khắp các quán cà phê nhạc, phòng trà với giọng hát đặc biệt của ca sĩ Chế Linh. Bạn nào từng chia tay một mối tình đầu thôi cũng đã đủ thấy thấm thía cái thất vọng não nề. Huống hồ với những ai cứ bị phụ tình hoài, dăm ba lần dang dở thì làm sao mà không mất lòng tin nơi con người cho được. Trong tuổi đôi mươi, ký ức là miền lưu giữ những cảm xúc khó phai nhưng đồng thời cũng là nghĩa trang chôn giấu nỗi đau của những cuộc tình dang dở.

Tôi chia sẻ, đồng cảm với những con tim tan vỡ ấy nhưng nghiêm túc mà nói, suy nghĩ của cá nhân tôi lại không giống với quan điểm trên về việc để mất niềm tin vào cuộc đời, vào con người và vào thế giới quanh ta.

Bày tỏ điều này tôi xin nói phần căn bản trước rồi mới đến các điểm có thể tranh luận sau.

   1. Phần căn bản:

Như đã đề cập trong bài trước, niềm tin là một hình thái tư tưởng đặc biệt chỉ có ở loài người. Động vật cũng có hệ thần kinh hoạt động rất tốt giúp chúng sinh tồn trong thế giới tự nhiên, vài loài vật thông minh còn có thể “hiểu” một lượng lớn thông tin khác nữa như ta thường thấy trong các chương trình xiếc thú. Nhưng niềm tin-hình thái tư tưởng đặc biệt- thì không con vật nào có, chỉ hiện diện ở loài người, trong đời sống tâm lý mà thôi. Cho nên có thể nói đời sống con người bắt buộc phải có niềm tin.

Vấn đề niềm tin không thể được giải quyết bằng IQ một cách đầy đủ, nó liên quan tới EQ nhiều hơn. Tin hay không tin là công việc của nhận định, phán đoán, là tiếng nói của kinh nghiệm chứ không chỉ đơn thuần là những con số thống kê hay dựa trên công thức toán học thông thường.

“Đánh mất niềm tin”, ở vào trạng thái “không còn tin ai được nữa” là thực sự đã lâm vào tình trạng khủng hoảng về đời sống tâm lý, đòi hỏi được xem xét cẩn thận và xử lý chính xác. Khi làm việc với người bị mất niềm tin, các chuyên viên tư vấn có thể đưa ra nhiều hướng giải quyết tùy kinh nghiệm và kiến thức của họ. Các lời khuyên có thể khác nhau nhưng nhất thiết phải nhằm đưa đương sự về trạng thái bình thường của đời sống con người, đời-sống-có-niềm-tin.

2. Những điểm có thể tranh luận:

Theo tôi, câu nói “một lần thất tín, vạn sự không tin” dùng để tự răn mình thì được chứ dùng để phán xét người khác thì hết sức nguy hiểm và rất thiếu công bằng. Không thể kết luận cẩu thả cho một chuyện quan trọng như thế. Công bằng phải là không tin một người trong việc này nhưng vẫn có thể tin chính người ấy ở lĩnh vực khác. Không tin người này nhưng vẫn còn tin những người khác. Hàng ngày ta vẫn gặp nhiều ví dụ đấy thôi: dùng chó để giữ nhà thì được chứ không thể dùng nó để bắt chuột như mèo. Ngược lại, có thể tin mèo giải quyết nạn chuột trong nhà nhưng đừng tin nó có thể giúp mình canh trộm. Cuộc đời ta đi từng bước từ ngây thơ như tờ giấy trắng đến kinh nghiệm tràn trề tất phải có khi tờ giấy đó bị lem mực hay chép sai nhiều lỗi. Kinh nghiệm trên đời cũng từ chỗ sai lầm sơ suất mà ra. Tin sai người thì rút kinh nghiệm chứ chẳng việc gì nghỉ chơi hết cả cộng đồng rồi tự giam hãm mình trong vòng vây của sự cô đơn, sầu oán.

Có bạn đã phản biện rằng bây giờ nếu đưa người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu sẽ có nguy cơ bị người nhà nạn nhân… đánh. Lý do? họ cho rằng chính anh đã gây tai nạn cho con cái họ chứ đời làm gì có người tốt tới mức không gây tai nạn mà vẫn sẵn lòng giúp người khác như anh! Bạn ấy hỏi tôi: anh còn tin vào lòng người và dám đưa nạn nhân đi cấp cứu để bị đánh không?

Trước hết tôi xin chia buồn với các nhà quản lý xã hội nếu lòng tin xuống tới mức độ điêu tàn như thế. Thay vì trả lời câu hỏi này, tôi xin giới thiệu đầy đủ bức tranh rồi bạn tự quyết định sẽ chọn điều gì.

Ta hàng ngày vẫn sống với những điều lẽ-ra-không-nên-có, vẫn chấp nhận nó không phải vì tấm lòng bao dung của mình. Vẫn đi xe máy trên đường dù biết rằng mình có thể bị vướng vào tai nạn giao thông; vẫn ghé quán bên đường đầy khói bụi dù nó đã mấy lần làm ta đau bụng; vẫn gửi con vào nhà trẻ dù báo chí đăng tin có bé bị tai nạn khi đang ở trong trường… Hóa ra, ta vẫn ngày ngày chấp nhận những chuyện lẽ ra không nên có ấy chẳng qua là vì không còn lựa chọn nào khác tốt hơn!

Vậy giúp người bị nạn dù có nguy cơ bị hiểu lầm, nên chăng? Nếu không giúp có phải vì ta còn có lựa chọn nào khác tốt hơn (mà vẫn giúp được nạn nhân)?

Tôi vẫn tin rằng xác suất bị đánh vì đưa nạn nhân đi cấp cứu cùng lắm cũng chỉ bằng xác suất chính mình bị tai nạn giao thông, hay xác suất bị đau bụng khi ăn ngoài quán, hay xác suất con mình bị tai nạn khi đi nhà trẻ như đã nói trên thôi chứ chẳng cao hơn. Thế mà ta đã chấp nhận cái lẽ-ra-không-nên-có này một cách dễ dàng đồng thời phản bác cái lẽ-ra-không-nên-có kia một cách hùng hồn cơ đấy.

Trở lại với đề tài: “Phải làm gì khi trong lòng ta thực sự không còn dám tin ai?” như lời bài hát, tôi chỉ xin chia sẻ mấy ý về cách suy nghĩ và hành động khi là “người trong cuộc” như sau.

- Đời ta không thể đơn giản chấm hết chỉ sau một cuộc tình! Hãy từ từ, tự cho phép mình thong thả mà suy ngẫm cái được cái mất trong câu chuyện này. Có chắc người yêu vừa chia tay là tốt nhất cho ta trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai không?

- Dang dở này chắc gì hoàn toàn là một điều không may mắn. Biết đâu cuộc đời đã ban tặng cho ta một nỗi đau vô cùng cần thiết để trưởng thành hơn và biết cư xử đúng mực hơn với người yêu mới sau này?

- Bây giờ là dịp quay về với những mối quan hệ gia đình, bạn bè mà ta dường như đã có lúc bỏ quên trong thời gian qua khi đang say đắm trong tình yêu. Thử dồn một phần yêu thương cho “những người còn lại” ấy xem cuộc sống thay đổi thế nào, biết đâu sẽ phát hiện ra nhiều điều thú vị…

Ở trên tôi lấy cái được mất trong chuyện tình yêu để bàn cho gọn, nhưng những nguyên tắc suy nghĩ và hành động thì vẫn có thể áp dụng cho những tình huống khác. Chẳng hạn với chuyện tin tưởng bạn bè hợp tác làm ăn, ta thử đổi lời bài hát thành “bây giờ tôi chẳng còn tin trong nhân gian có kẻ chung tiền làm ăn đàng hoàng…” xem hát lên nghe có lọt không.

Chúc cả nhà vui.

 


Ngủ rồi ONG GIA

Trả lời #15 vào: 19-09-2013 08:53:34
Một quãng thời gian không ngắn mà cũng chưa dài trên con đường lan tỏa lòng nhân ái của Diễn đàn NTCM. Trong những năm qua dd đang ngày một trưởng thành và lớn mạnh từ số lượng thành viên cho tới quy mô tổ chức các chương tình hoạt động ngày càng được nhân rộng, khả năng tài chính cũng đang đi vào ổn định.

    Có rất nhiều thành viên đến với diễn đàn cũng vì nhiều mục đích khác nhau. Có người vào để tìm hiểu, có thành viên vào dd để đóng góp ủng hộ nhân rộng lòng nhân ái trên dd, có thành viên chỉ đăng ký rùi không tham gia hoạt động của dd nữa, cũng cá biệt có một vài thành viên gia nhập dd với mục đích chưa được thân thiện...thế nhưng chung một con đường, vững một niềm tin, hướng về lòng nhân ái.

    Trong một không gian ảo – thế giới mạng có khi chẳng bao giờ các thành viên trên dd có thể tụ hội đông đủ để cùng nhau thực hiện các hoạt động trên dd. Có những thành viên chẳng bao giờ gặp nhau thậm chí chẳng biết mặt nhau nhưng vần tin, vẫn gửi, vẫn trao cho nhau một niềm tin vào lòng nhân ái. Có rất nhiều hỏi tôi rằng: Liệu có nhiều người tốt thế không? Và có cần thiết phải làm thế không trong khi đó không phải là trách nhiệm của bản thân mỗi người trong xã hội ?....

    Mỗi thành viên của dd hãy luôn tin tưởng rằng cho đi sẽ nhận lại được nhiều hơn và cái quý hơn đó chính là cho lòng mình nhẹ nhàng và thanh thản mỗi khi ta làm một việc gì đó có ích cho xã hội. Đến với NTCM gắn bó với những thăng trầm của dd bản thân mỗi thành viên đều cảm thấy mình đang được đóng góp một phần nhỏ bé cho xã hội.


“Người tôi cưu mang” luôn chào đón bạn, dù bạn là ai, ở đâu, và bất cứ tuổi nào…
“Người tôi cưu mang” sẽ không thành công nếu thiếu bạn!


                                             Trường Giang

 


Ngủ rồi hoahongtrang

Trả lời #14 vào: 17-09-2013 16:18:13
Cám ơn anh HMHai, bài viết nhẹ nhàng, sâu lắng và rất thực tế, dễ đi vào lòng người.

 


Ngủ rồi HMHai

Trả lời #13 vào: 13-09-2013 01:18:58
Nhân Sinh Quan: Niềm tin và công việc từ thiện

1. Một người đàn ông tay cầm tờ vé số xé đi sau khi dò kết quả trên một tấm bảng viết nguệch ngoạc bên đường. Giải độc đắc của tờ vé số ấy là 1.5 tỷ đồng, sao anh ta không đòi dò với bản gốc kết quả xổ số hay bản photo có công chứng mà chỉ tin vào những dòng chữ viết bằng phấn kia?
 
Một đứa bé tám tuổi nín khóc khi nghe mẹ bảo: “Con ngoan rồi chiều nay đi làm về mẹ sẽ mua truyện tranh cho”. Truyện tranh là thứ nó mê nhất, sao nó không yêu cầu mẹ mua trước rồi nó mới tin?
 
Một cô gái chấp thuận sống chung trọn đời với một người khi anh ta nói: “Anh sẽ lo lắng cho em, khi thuận lợi cũng như lúc gian nan”. Cuộc đời dài dằng dặc đầy bấp bênh phía trước, sao cô gái không đề nghị anh ta “đặt cọc” một số tiền kha khá trước để được yên tâm?
 
Đó chính là vì người ta có niềm tin. Niềm tin là một hình thái tư tưởng đặc biệt chỉ có ở loài người.
 
Niềm tin được xây dựng bằng nhiều cách khác nhau. Tôi xin chia sẻ vài nguyên tắc dưới đây để các bạn tham khảo.
 
- Nói cho người ta nghe không bằng làm cho người ta thấy. Thấy mới tin.
- Muốn xác tín thì hãy tự mình đến tận nơi chứng kiến chứ không nên dựa hết vào sự suy luận, phân tích từ xa.
- Niềm tin có được nhờ may mắn không bền lâu bằng niềm tin có được do công sức bỏ ra với kết quả rõ ràng.
- Đừng lo người khác không đủ sáng suốt để nhận ra, hãy tập trung làm tốt công việc thì mọi người sẽ tin mình.
- Giá trị của một người không phụ thuộc vào số tiền đang có trong tài khoản hay sức khỏe, tài năng mà phụ thuộc nhiều nhất vào uy tín của người đó.
 
2. Khi nói về từ thiện, về con cá hay cần câu, ta nên xác định trước chuyện này: Mọi người sinh ra và lớn lên, dù giàu hay nghèo đều có một gánh nặng phải mang. Riêng đối với nguời nghèo thì trong nhiều trường hợp, gánh nặng đó họ không thể tự mình mang nổi. Con cá và cần câu là hai phương thức giúp người tồn tại song song chứ chúng chưa bao giờ phủ định lẫn nhau. Chỉ là cách nào phù hợp hơn trong mỗi tình huống, thời điểm, điều kiện thực hiện cụ thể mà thôi.
 
Trong công việc từ thiện, người tổ chức phải coi việc xây dựng lòng tin là quan trọng nhất. Xây dựng lòng tin với hai đối tượng làm việc trực tiếp là Người Nghèo và Mạnh Thường Quân có định hướng rõ ràng:
 
- Với người nghèo, thông qua đối xử (của cho và cách cho), hãy xây dựng cho họ niềm tin vào cuộc sống, cảm thấy được tôn trọng, yêu thương và nhất là nói rằng mình tin vào tương lai của họ.
- Với Mạnh Thường Quân, thông qua tính minh bạch của mỗi hoạt động, hãy xây dựng niềm tin vào giá trị nhân văn mà công việc từ thiện này đang mang lại, tin rằng những người góp của và những người góp công đang hợp tác tốt và biết tôn trọng lẫn nhau.
 
Theo tầm nhìn của “Người Tôi Cưu Mang”, mục tiêu lớn nhất của nhóm không phải là giúp được càng nhiều người nghèo càng tốt. Đó chỉ là mục tiêu lớn thứ hai thôi. Mục tiêu lớn nhất của NTCM là nói với những người đang đủ ăn đủ mặc, tự lo cho bản thân mình được, rằng để hạnh phúc họ phải biết thương và giúp người nghèo. Tin vào lòng nhân ái nghĩa là để cho tình thương dẫn dắt chúng ta trong đời.
 
Không có niềm tin sẽ không còn đời sống đúng nghĩa mà chỉ là một dạng tồn tại của vật chất mà thôi. Lý trí phải được xếp sau lương tri, sau lẽ phải. Đời chỉ đẹp khi tình thương lên ngôi và được phục tùng bởi tất cả các loại tài năng cùng lý trí. Đừng dạy cho người đàn ông kia giữ mãi tấm vé số trật cho tới khi dò được bản gốc. Đừng dạy cho đứa bé kia đòi mẹ mua quà trước khi nghe lời nín khóc và đừng bao giờ làm cho cô gái đang hạnh phúc khi nhận được lời cầu hôn chân thành bỗng dưng để cái vật chất tầm thường chen ngang vào thiên đường đôi lứa. Hạnh phúc mỏng manh không nằm trong lý trí, hạnh phúc là câu chuyện của trái tim có niềm tin.
 
Trên cõi đời này suy cho cùng, mọi người đều đang đi tìm hạnh phúc, có phải vậy không?
 
Chúc cả nhà vui.

 


Ngủ rồi HMHai

Trả lời #12 vào: 11-09-2013 00:54:36
Nhân Sinh Quan - Tình Liên Đới

Ta thường thấy cây mọc thành rừng, chim sống thành đàn. Từ loài hổ báo cho đến những con vật hiền lành như gấu trúc hay bồ câu, không một con vật nào phải sống riêng lẻ. Thế nhưng loài người được xem là bá chủ thế giới, sở hữu bộ não linh mẫn xem ra lại kém thông minh hơn loài vật ở chỗ đó: chúng ta thường tự giết mình bằng cách phá hủy các mối quan hệ một cách dễ dãi, thiếu suy xét để rồi phải sống trong nỗi cô đơn.
 
Một câu hỏi được đặt ra: Chúng ta có cần phải coi trọng hầu hết các mối quan hệ, với tất cả mọi người không, hay chỉ cần lo giữ một vài mối quan hệ với một số ít người là đủ?
 
Đa số sẽ trả lời là chỉ cần và chỉ có thể quan tâm đến một số hữu hạn các mối quan hệ với một số ít người mà thôi. Các công trình nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một người trung bình có khoảng trên dưới 10 mối quan hệ sâu sắc cộng với tối đa 150 mối quan hệ bình thường nữa thôi chứ không hơn. Đấy, nghiên cứu lẫn suy luận đều nghiêng về tính hữu hạn như thế cả.
 
Nhưng hôm nay tôi muốn trình bày một ý khác. Đó là tất cả mọi người trên thế giới này đều có mối liên hệ với nhau. Vì thế giới quá rộng lớn và phức tạp, ta thường nghĩ mình nhỏ bé và không có liên quan gì với những người xa lạ, nhất là những người ta chưa hề gặp bao giờ. Giống như các tế bào da ở chân tay không biết rằng “sức khỏe” của chúng có liên quan đến hoạt động của các tế bào chuyên tiếp nhận oxy ở phổi, hay các tế bào tóc không biết cuộc sống của chúng cũng phụ thuộc vào các tế bào tham gia sản xuất adrenalin ở tuyến thượng thận. Với đời sống con người cũng vậy, thử nhìn lại trên mình sẽ thấy ta đang hưởng thụ sức lao động của rất nhiều người. Chiếc áo ta đang mặc có vải được sản xuất bởi những người công nhân Việt Nam, được may bằng một chiếc máy may Nhật Bản, công ty may đó lại đang vận hành với phần mềm máy tính sản xuất tại Mỹ. Ta đang đeo trên tay chiếc đồng hồ có giọt mồ hôi của người thợ châu Phi. Hay người thân của ta vừa qua cơn nguy kịch trong phòng cấp cứu nhờ sự chăm sóc tận tình của các nhân viên y tế. Hoặc ta kịp bay sang Singapore dự một cuộc họp quan trọng nhờ tinh thần làm việc có trách nhiệm cao của các nhân viên trong hãng hàng không…
 
Rõ ràng phụ thuộc rất nhiều người nhưng tại sao ta vẫn cảm thấy không việc gì phải… mang ơn ai hết? Đó là vì chúng ta nghĩ mọi thứ đã được thanh toán sòng phẳng rồi. Áo này ta đã mua, tiền vé máy bay này ta đã trả, chi phí khám bệnh này ta cũng không thiếu nợ ai. Thế là nghĩ ngay rằng đời này chẳng cần gì hết, chỉ cần... tiền thôi!
 
Ôm một đống tiền vào rừng sống một mình được không? - Không.
 
Có tiền nhưng khi có chuyện cần nhờ người khác không ai sẵn lòng giúp thì có sống được không? - Không.
 
Có tiền, có bác sĩ ở gần giúp nhưng không có thiết bị y tế, thuốc đặc trị được cung cấp từ một nước xa xôi nào đó thì có sống được không? – Không.
 
Đó chính là định nghĩa của tình liên đới. Chúng ta đang sống trong tình liên đới một cách rõ ràng dù ít quan tâm. Mỗi hành động dù nhỏ đều có thể gây ra một hiệu ứng liên miên bất tận. Chẳng hạn bạn mua hết phần trái cây còn lại trong giỏ để một người bán hàng rong được về nhà sớm với con cái, niềm vui ấy sẽ kéo dài sang những đứa con và cả gia đình rồi các thành viên gia đình đó sẽ làm vui lây những người họ gặp. Niềm vui lan tỏa này ta có được mà không phải trả thêm một khoản phí nào. Mỗi ngày mỗi giờ khi tiếp xúc với bao nhiêu người là có bấy nhiêu người được hưởng niềm vui hoặc phải chịu buồn bởi cách cư xử của chúng ta.
 
Với những người có vị trí đặc biệt- những bậc đại nhân- thì ảnh hưởng họ gây ra cho thế giới còn lớn lao hơn rất nhiều. Tôi xin kể lại một chuyện vui trong lịch sử cho các bạn nghe: chỉ với một cái gật đầu của vua Tây Ban Nha, cả nước Braxin nói tiếng Bồ Đào Nha!
 
Thế kỷ 15 là thời hoàng kim của các nhà hàng hải, đặc biệt là ở hai nước Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Nước nào có đội hàng hải mạnh sẽ có nhiều khả năng xâm chiếm thuộc địa và thu về lợi lớn. Thời kỳ đó, Giáo hội Công giáo có quyền lực bao trùm lên cả vương quyền, nhiều thánh lệnh của Giáo hội được các vị vua châu Âu xem là công lý. Trong thời kỳ đó, các Giáo Hoàng Eugene IV, Alexandre VI và nhiều vị khác đã ban cho hai vua Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha quyền sở hữu những vùng đất họ phát hiện. Khi có sự tranh chấp, các bên thương thuyết với nhau và kết quả phải được Giáo Hoàng chấp thuận. Một trong những lần tranh chấp là vấn đề thuộc địa Nam Mỹ. Cuộc tranh chấp Nam Mỹ được giải quyết trong đợt thương thuyết kéo dài từ ngày 18/8/1493 đến ngày 7/6/1494. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cuối cùng đã ký hiệp ước Tordesillas, theo đó Tây Ban Nha chịu nhượng lại nước Braxin cho Bồ Đào Nha. Hiệp ước này được Giáo Hoàng Julius ra thánh lệnh chấp thuận. Từ đó, người dân Braxin nói tiếng Bồ Đào Nha.
 
Chuyện này không có gì lạ. Chẳng hạn với Philippines, ngay cả tên nước cũng là tên vua Philip đệ nhị của Tây Ban Nha và người Philippines bên cạnh tiếng Tagalog (tiếng mẹ đẻ), họ nói tiếng Tây Ban Nha trong gần 4 thế kỷ rồi mới chuyển sang nói tiếng Anh khi trở thành thuộc địa của Mỹ.
 
Với Việt Nam, chúng ta dùng chữ Hán trong gần một ngàn năm lệ thuộc Trung Hoa. Có một giai đoạn chữ Nôm thể hiện tính tự cường nhưng không phát triển nổi thành quốc ngữ. Đến thế kỷ 15-16, các nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha đặt nền móng tiếng Việt theo hệ Latin. Sau đó, cách viết tiếng Việt được thiết lập khá hoàn chỉnh do công của vị Giám mục người Pháp tên là Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ). Sau này, tiếng Việt được hoàn thiện thêm nhờ nỗ lực của các nhân tài như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Hiến Lê... Nhờ đó, giờ đây chúng ta có tiếng Việt hoàn chỉnh để lưu giữ văn hóa nước nhà
 
Những người đã khuất vẫn còn ảnh hưởng đến cuộc đời ta qua công trình của họ. Thế giới hiện nay hàng triệu người phòng tránh nhiều loại bệnh nhờ phương pháp chủng ngừa do Louis Pasteur phát minh từ mấy thế kỷ trước. Nhân loại văn minh lên nhờ những bộ óc siêu việt của Newton, Faraday hay Einstein. Loài người không thể sống tách rời mà thực sự ảnh hưởng lẫn nhau qua tình liên đới. Tôi muốn nói rằng mỗi hành động, lời nói của chúng ta đều mang lại ảnh hưởng cho người khác dù ít hay nhiều. Vị trí của bạn càng cao thì ảnh hưởng càng lớn cả tích cực lẫn tiêu cực, nhất định không thể không thận trọng.
 
Ngày mai, khi đi làm bạn hãy nhớ biết coi trọng từng mối quan hệ với các thành viên trong tổ chức của mình. Một mình bạn không thể làm tròn trách nhiệm mà phải có họ. Ngày mai, khi có ý kiến trên diễn đàn hay báo chí, bạn hãy nhớ là phải hết sức cân nhắc trước khi phát biểu, nhất là những lúc tranh luận vì có thể gây hậu quả tiêu cực cho nhiều người... Tóm lại, đừng quên rằng chúng ta luôn sống trong tình liên đới.
 
Chúc cả nhà vui.
HMHai

 


Ngủ rồi love_noborder

Trả lời #11 vào: 06-09-2013 14:13:46
“ Xin cho con một niềm tin
Tin vào chính bản thân mình….
Xin cho con một lòng nhân,
Tình thương lan tỏa bao người
Nhìn đời bằng ánh mắt từ bi
Trải rộng tấm lòng vị tha….”

Hôm nay tình cờ nghe bài hát này, love_noborder cảm nhân rằng, tất cả mọi người, mếu chúng ta  sống đúng trên tinh thần như vậy, thậm chí là sống và làm theo trong tất cả mọi hành động và suy nghĩ, thì hạnh phúc tự nhiên sẽ đến với mình.
“ Tin vào chính bản thân mình” . Đó là niềm tin vào khả năng của bản thân ta,  tin vào nhân quả. Từ đó, ta sẽ cố gắng vươn lên, sống thế nào đó để làm thay đổi cuộc đời và số mệnh của mình. Tin vào bản thân là tin vào sự thay đổi của chính mình để làm tốt hơn, hoàn thiện hơn, đóng góp nhiều nhất cho xã hội, để từ đó , thay đổi  vận mệnh của chính mình. Không ai có thể giúp được chúng ta ngoại trừ chính bản thân ta, ngoại trừ sự thay đổi từ trong ý nghĩ và hành động thực tế của chính bản thân ta trong mọi hoạt động của cuộc sống đời thường....
Thử nghĩ xem, nếu ta yêu thương họ, không ghét họ, không oán hận người khác, chúng ta sẽ không bao giờ có kẻ thù. Một vị Tổng thống độc tài, một nhà tài phiệt, một đại ca giang hồ, một người cho vay nặng lãi, một kẻ trộm cắp ..., vì luôn luôn gây thù ,oán hận với người khác, nên đi đâu cũng sợ bị ám sát, sợ bị cướp giật, sợ bị thanh toán...., đi đâu cũng nơm nớp lo âu...  Còn nếu ta sống biến thù thành bạn, sống không hại người, sống bằng tình cảm chân thành thì chúng ta cứ vô tư ra đường, không sợ gì cả. Hạnh phúc ở đấy chứ còn đâu nữa???
‘ Xin cho con một lòng nhân” đó là sự tìm lại chính bản thân mình. Con người ta sinh ra trong cuộc đời, phải sống và đối mặt với môi trường sống của sự tranh giành, hơn thua, ghen tỵ, chiến tranh, giết choc  và thù hận, vì thế rất dễ dàng đánh mất đi tính người. Vì thế, vấn đề ‘ xin một lòng nhân” là xin để lấy lại cho mình tính NGƯỜI, với lòng thương yêu chân thành, đó là sự biết đặt mình vào vị trí của người khác để quán xét, để có hành động phù hợp, để cùng nhau sống trong hạnh phúc, trong hòa bình, trong tình thương yêu của đồng loại.
Từ \\\" Xin\\\" ở đây theo thiển ý của love_noborder không có nghĩa là \\\"cơ chế xin cho\\\" mà đây là lời nhắc nhở chính bản thân mình. Đó là sự van xin chính bản thân mình, van xin chính bản thân ta hãy từ bỏ những hành động và ý nghĩ xấu để trở hành người tốt, để trở về  với bản chất nhân văn , nhân bản của con NGƯỜI.
‘ Nhìn đời bằng ánh mắt từ bi, trải rộng tấm lòng vị tha” là sự nhìn nhận cuộc đời, nhìn nhận mọi người xung quanh theo hướng tích cực, bằng sự hiểu biết và kinh nghiệm sống của mình. Từ đó, ta nhìn nhận và đối xử với người khác bằng sự bao dung, bằng tình cảm chân thành, bằng chính sự cao thượng để tất cả mọi người cùng nhau hướng  thiện, hướng về tương lai  tốt đẹp hơn.
Nhìn đời bằng ánh mắt từ bi , vị tha là từ bỏ tất cả những hận thù, những oán hận cuồng si, những ghen ghét giận hờn để từ đó thấu hiểu nhau trong giao tiếp, trong đối nhân xử thế, để tạo nên một môi trường thân thiện, đoàn kết, nhân văn và nhân bản. Đó là sự cảm ơn chân thành đến người nông dân một nắng hai sương khi ta bưng bát cơm ăn, dù ta không biết họ là ai cả. Đó là sự cảm ơn cuộc đời đã cho ta trải qua những khó khăn gian khổ trong quá khứ để ta có được cuộc sông ngày hôm nay. Đó là sự cảm ơn những người đã hại ta trong cuộc sống đã tôi luyện ta thành thanh sắt cứng răn thay vì sự thù hận….
Tôi còn nhớ, nhà thơ Tố Hữu có viết \\\" Sống cho ta, sống cả cho người\\\". Phải chăng đó cũng là một nhân sinh quan mà tất cả chúng ta cũng nên tham khảo.

Thân ái,

 


Ngủ rồi HMHai

Trả lời #10 vào: 03-09-2013 23:01:21
Nhân Sinh Quan: Quan niệm về danh thiếp

Có nhiều người không cần danh thiếp (name card), mà nếu có in danh thiếp thì họ cũng chỉ in tên, số diện thoại liên lạc chứ không cần ghi chức danh. Đó là những người mà cái tên của họ lớn hơn chức danh.
 
Có nhiều người ngược lại, khi đưa danh thiếp cho ai họ chỉ cảm thấy tự tin nếu chức danh tương đối cao như giám đốc công ty, quan chức cao cấp hay giáo sư, tiến sĩ. Đó là những người mà tên tuổi không lớn bằng chức danh.
 
Ta đang xây dựng hình ảnh của mình theo hướng nào trong hai hướng đó?
 
Tôi xin kể chuyện về hai vị học giả nổi tiếng nhất cho các bạn nghe. Trước năm 1975 ở Miền Nam có học giả Nguyễn Hiến Lê là người học vấn rất uyên thâm. Ông được mọi người từ học sinh, thầy cô giáo đến quan chức chính quyền nể trọng vì những đóng góp lớn lao cho văn hóa Việt Nam qua hơn 100 tác phẩm được in về các lĩnh vực lịch sử, văn chương, ngữ pháp, toán hình học và đại số, triết học và sách học làm người. Được vị học giả này khen một câu, với nhiều trường hợp còn có giá trị hơn cả một bản chứng nhận tài năng. Tôi xin ví dụ: Một nhà sư trẻ hồi đó được Nguyễn Hiến Lê khen là có tài và tư cách sau này trở thành Thiền sư nổi tiếng trên toàn thế giới- Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Hay một thanh niên trẻ được khen là có ý chí vươn lên để học thành tài chính là Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc rất quen thuộc của chúng ta. Cách đây mấy năm có dịp gặp bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc tôi có nói “Em thích những quyển sách và những bài thơ của Thầy như mọi người, nhưng cái em thích nhất là trong Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê, thầy được vị học giả đáng kính đó nhắc và khen tới 4-5 lần”.
 
Ở Miền Bắc khi đó có một học giả khác là Đào Duy Anh. Đây là người có lai lịch đặc biệt và có ảnh hưởng bao trùm lên ngành Sử học Việt Nam. Để các bạn dễ hình dung tôi xin nói sơ như vầy: Ông soạn Từ điển Pháp-Việt khi chưa đến 30 tuổi, soạn từ điển Hán-Việt sau đó vài năm, viết các tác phẩm có giá trị về Triết học và Lịch sử. Ông đào tạo ra 3 trong 4 “Tứ trụ triều đình” trong ngành Sử và khảo cổ Việt Nam (GS. Trần Quốc Vượng, GS. Đinh Xuân Lâm, GS Phan Huy Lê và GS Hà Văn Tấn). Một “đại đệ tử” của GS Trần Quốc Vượng là nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội hiện nay.
 
Sau năm 1975, Học giả Đào Duy Anh vào Sài Gòn, người đầu tiên ông đi tìm là Học giả Nguyễn Hiến Lê.
 
Nhà của Học giả Nguyễn Hiến Lê ở đường Kỳ Đồng. Ông vốn né tránh các cuộc tiếp khách để dành thời gian soạn mấy bộ Triết học Trung Quốc. Thường thì vợ ông ở dưới nhà, nghe khách xưng danh thấy không phải người ông thường gặp thì cáo lỗi với khách chứ không để mất thời giờ của ông, dù là quan chức chính quyền hay tướng lĩnh quân đội cũng vậy. Hôm Đào Duy Anh đến thăm cũng vì cách ấy mà không gặp được, ông bèn viết tên để lại và hẹn hôm sau lại đến.
 
Hôm sau Nguyễn Hiến Lê vừa nghe người nhà bảo có khách là Đào Duy Anh đến vội chạy xuống tiếp liền. Ta nên biết rằng hai người chưa hề gặp nhau trước đó và khi viết tên mình trên mảnh giấy để lại, Đào Duy Anh đã không viết kèm theo chức danh hay học hàm học vị gì.
 
Tôi cũng như các bạn, những người tài năng vào hạng bình thường. Chúng ta nhiều khi quá lo lắng cho chức danh mà quên đi chính cái tên của mình. Xây dựng thương hiệu cho bản thân tuy khó nhưng được chỗ thuận lợi là chủ động hoàn toàn, không phụ thuộc vào người khác vì nó thực ra chẳng có gì nằm ngoài hai chữ Nỗ Lực và Hy Sinh mà ai cũng có thể tự do lựa chọn.
 
Chúc cả nhà vui.

 


Ngủ rồi Đỗ Quyên

Trả lời #9 vào: 25-07-2013 06:55:00
@love_noborder:

Rất tâm đắc với suy nghĩ này của lnbd. Nhưng sự thay đổi này có bị chi phối bởi thời gian không ? Có khi con người ta \\\"giác ngộ\\\" quá muộn màng... LOL...Chừng ấy muốn thay đổi gì cũng không còn kịp nữa. :)

ĐQ

Hãy cố gắng học hỏi và tiến bộ dù chậm chạp.
 


Ngủ rồi love_noborder

Trả lời #8 vào: 24-07-2013 17:28:48
Chào cả nhà,
Có một thực tế mà love-noborder trải nghiệm trong cuộc sống, và thấy rất đúng, đó là :
Thay đổi suy nghĩ/ thai độ ===>Thay đổi hành vi ===>  thay đổi số mệnh ===> thay đổi cuộc đời.
Thực tế, sự thay đổi trên vẫn không nằm ngoài quy luật nhân quả của cuộc đời.
Mong cả nhà suy ngẫm,

 


Ngủ rồi be-buti

Trả lời #7 vào: 22-07-2013 21:38:58
Cách để đạt được giàu sang, thông minh, khỏe mạnh sống lâu :

Lão Pháp sư Tịnh Không giảng Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác:


Phát tâm bố thí cho tất cả chúng sanh, quả báo chính là tiền của. Rất nhiều hào môn quý tộc, đại phú trưởng giả trong xã hội ngày nay có của cải hùng hậu. Của cải này do đâu mà có? Họ tự kiếm ra hay vận may đến, và tại sao chúng ta không kiếm ra được? Xin nói thành thật, của cải này trong mệnh đều có. Trong mệnh của họ có, không luận từ nghề nghiệp nào. Nghề nghiệp chỉ là cái duyên. Bất cứ nghề nghiệp nào cũng có thể kiếm ra tiền, đều có thể giàu sang. Nếu trong mệnh không có, người ta đem tặng bạn cả ngân hàng cũng không qua được hai tháng là phá sản. Đạo lý này phải hiểu. Tiền của không phải do tranh giành mà được cũng không phải có thể kiếm ra. Tôi nghe nói có một quyển sách xuất bản tên là “Chí phú bí quyết”. Đó đều là giả. Chúng ta mua về xem chỉ giúp họ phát tài vì bán được sách, ngoài ra không có lợi ích gì. Tất cả phải có trong mệnh, thời xưa nói “Công danh phải có mệnh”. Công danh chính ngày nay chúng ta gọi là học vị. Học vị là do mệnh, làm quan cũng do mệnh, phát tài nhiều ít cũng do mệnh. Làm sao trong mệnh của họ có được? Vì nhân đời trước đã trồng, họ trồng cái nhân thù thắng nên quả báo đời này thù thắng. Nhân không thù thắng thì quả báo cũng liền có kém khuyết. Do đây có thể biết, tu nhân mới có được quả.

Cho nên Phật dạy bảo chúng ta, tu tài bố thí thì được tiền của, tu pháp bố thí thì được thông minh trí tuệ, tu vô úy bố thí thì được khoẻ mạnh sống lâu. Tiền cũng cần, thông minh cũng cần, khoẻ mạnh sống lâu càng cần hơn, nói chung ba thứ quả báo này đều cần đến. Nếu không tu ba loại nhân này, ngày ngày khởi vọng tưởng thì không thể thành tựu được. Có cầu Phật Bồ tát, Phật Bồ tát cũng không thể nào giúp đỡ. Nên nhớ, Phật Bồ tát không thể ban phước cho chúng ta. Nếu trong mệnh không có, Phật Bồ tát đến ban cho chúng ta, vậy thì con người cần gì phải tu nữa. Mỗi ngày nịnh bợ Phật Bồ tát là được? Không hề có việc này, nịnh bợ cũng vô ích. Phật Bồ tát thương mà không thể giúp. Chúng ta thường nói: “được Phật Bồ tát bảo hộ, gia trì”. Sự bảo hộ, gia trì đó không gì khác hơn là đem những đạo lý này nói rõ, đem chân tướng sự thật nói tường tận cho chúng ta. Chúng ta hiểu được đạo lý, y theo phương pháp Phật dạy, chính mình tu tập thì liền có quả báo thù thắng, đó là gia trì của Phật Bồ tát, vạn nhất không nên mê tín.

Do đó, người chân thật thông hiểu, chân thật giác ngộ sẽ biết nên đặt tiền ở đâu cho tốt. Xã hội hiện tại thường đầu tư vào cổ phiếu, đất đai, đủ loại phương pháp để kinh doanh tiền của. Trong hai năm kinh tế không, một trăm vạn biến thành mười vạn, dẫn đến rất nhiều người tự sát. Kinh Phật nói: “Tài vi năm nhà cộng hữu”, không phải chúng ta có tiền của, chẳng qua là tiền của hiện ra trước mắt để chúng ta xem thấy và cảm giác nó thuộc sở hữu của mình mà thôi. Phật dạy bố thí, cúng dường cha mẹ, cúng dường Tam Bảo, bố thí tất cả chúng sanh, tiền của chúng ta sẽ không bao giờ thiếu. Phải ghi nhớ, tiền dùng không thiếu là tốt, không cần phải tích luỹ, không cần nhiều. Nhiều tiền của, tai nạn liền đến, cho nên phải biết xả tài. Nhà Nho cũng nói “tích nhi năng tán”, xả ra mới là người thông minh. Người Trung Quốc hay cúng thần tài, ai cũng muốn phát tài, nhưng người thời trước có trí tuệ, thông minh, họ không mê tín.

Chúng ta kinh doanh buôn bán, phải lấy Phạm Nặc làm mô phạm. Ông là người có trí tuệ, có học vấn, không luận làm bất cứ việc gì ông đều thành công. Cho nên phải hiểu tán tài, biết kết ân huệ với tất cả chúng sanh, trong Phật pháp chúng ta gọi là kết duyên, khi chúng sanh nhận ân huệ thì chúng ta có thể gặp nạn hay sao? Không thể. Không có gì ăn sẽ tự nhiên có người đưa đồ ăn đến, không quần áo mặc sẽ có người đưa quần áo đến, không thiếu thứ nào. Thậm chí không có nhà ở cũng sẽ có người đưa nhà cho ở, vô cùng tự tại. Chỉ cần chịu tu bố thí thì phước báu tự nhiên. Cho nên không cần đầu tư tiền vào ngân hàng, để ở đâu cũng không đáng tin bằng bố thí cho tất cả chúng sanh. Nhất định số tiền đó không thể mất, hơn nữa còn có lợi tức gấp nhiều hơn lợi tức trong bất cứ hình thức đầu tư buôn bán nào. Tôi nói lời này là lời chân thật.

Bản thân tôi là thí dụ, mười phương cúng dường đến cho tôi, tôi thảy đều đem bố thí hết. Tôi đến bất cứ nơi nào, trên người không cần mang theo một đồng, nghĩ cái gì thì người ta đều đưa đến cúng dường, thậm chí dùng không hết. Thật tự tại. Thọ dụng trên đời sống vật chất là tuỳ tâm sở dục. Bản thân tôi đời trước không có phước. Phước báu này của tôi là tu được từ lúc nào? Sau khi học Phật hiểu rõ được đạo lý tôi mới thật làm, vậy thì phương pháp bố thí này, đại sư Chương Gia dạy cho tôi, tôi thật làm, đã làm rất có hiệu quả, tôi tin sâu không nghi, chân thật tin tưởng, đại sư dạy tôi “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”. Chỉ cần chịu bố thí, đến khi thiếu kém thứ gì, trong lòng vừa nghĩ thì liền có người đưa đến. Những năm đầu tu tương đối ít nhưng tôi cũng đã có cảm ứng. Khi tôi đang cầu học, đời sống rất gian khổ khó khăn. Tôi mong muốn kinh sách, muốn nghiên cứu kinh giáo, trong lòng vừa nghĩ thì đại khái không đến một tháng có người mang đến. Đến nay tôi chỉ nhớ lần thời gian dài nhất là sáu tháng tôi mới có được quyển sách mình cần, đó là quyển Trung Quán Luận Sớ. Còn các quyển khác như Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao, tôi vừa mới học Phật, trong lòng nghĩ muốn thì liền sau một tháng có người mang đến. Chân thật “Hữu cầu tất ứng”. Miễn là mong cầu đó đúng lý đúng pháp thì đều cảm ứng. Tôi luôn hiểu rõ đạo lý này, thấu suốt chân tướng sự thật.

Nhiều năm đến nay kể từ 26 tuổi học Phật, lão sư dạy bảo, tôi chăm chỉ làm, càng làm cảm ứng càng không thể nghĩ bàn. Cho nên từng câu từng chữ trên kinh Phật, tôi tin sâu không nghi, y giáo phụng hành, rồi chính mình được lợi ích. Bố thí tài được tài phú, bố thí ăn uống thì được ăn uống, bố thí quần áo được quần áo, bố thí phòng ốc được phòng ốc, linh nghiệm vô cùng. Bố thí Phật pháp được thông minh trí tuệ, được biện tài vô ngại, đó là điều mọi người đều cần đến. Chúng ta phải tu pháp bố thí, cúng dường. Bố thí vô uý rất đơn giản, thuận tiện chính là ăn chay. Ăn chay để từ nay về sau không hại tất cả chúng sanh.

 


Ngủ rồi doanminhgai

Trả lời #6 vào: 22-07-2013 08:40:20
Chào anh HMHai!

Sáng đầu tuần vào đọc bài của anh thật hay và ý nghĩa. Cảm ơn anh về bài viết rất nhiều. Chúc anh luôn mạnh khỏe, hạnh phúc.

 


Ngủ rồi HMHai

Trả lời #5 vào: 21-07-2013 19:30:49
Nhân Sinh Quan - Lời dạy của người xưa

Hôm trước tôi nhận được phản hồi từ một bạn như sau: “Bài anh viết khó đọc quá. Với em những bài về đề tài thời sự xã hội thì được chứ văn chương thì… chỉ đọc nửa chừng thôi. Mấy nhà thơ nhà văn anh nêu tên làm ví dụ em chỉ biết có 1-2 người”.

Bạn ấy nhận xét rất chân thành. Trong những cái tên thi sĩ thời tiền chiến như Tản Đà, Hồ Dzếnh, Đoàn Phú Tứ… mà tôi đề cập bạn ấy chỉ biết mỗi một tên Hàn Mặc Tử. Mà biết là do nghe bài hát Hàn Mặc Tử của Nhật Trường chứ không phải biết đó là tác giả những câu thơ một thời làm các nữ sinh điên đảo:

“Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn kia hóa dại khờ”


Hay:

“Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”


Nghe xong tôi định viết tiếp chuỗi bài cảm thụ văn chương đồng thời “hạ mức độ” xuống thấp hơn một bậc nhưng chợt nghĩ, ở trên đời này mỗi người có một lĩnh vực riêng. Hãy để họ tự do lựa chọn, trong công việc cũng như giải trí. Tôi cứ tiếp tục phục vụ bằng các bài viết của mình một cách tự nhiên thôi. Điều đó cũng phù hợp với Nhân Sinh Quan mà mình đang nói đến.

Hôm nay tôi muốn giới thiệu với các bạn một Nhân Sinh Quan đặc biệt, được truyền lại một cách hết sức súc tích qua câu nói của người xưa:

“Hình hài của mẹ cha cho
Trí khôn đời dạy, đói no tự mình”


Ra đường ta thấy bao nhiêu người là bấy nhiêu số phận. Thường đa số đều nghĩ rằng sinh ra khỏe mạnh thì may mắn hơn gầy yếu, xinh đẹp thì sướng hơn xấu xí, thông minh thì may mắn hơn trì độn… Xét thành công bên ngoài thì có thể như thế thật, nhưng để đạt được hạnh phúc thật sự thì tôi tin rằng tất cả mọi người dù sinh ra như thế nào cũng đều có xuất phát điểm giống nhau.

-   “Hình hài của mẹ cha cho” là một mầu nhiệm. Tình thương của người mẹ nghèo dành cho đứa bé dặt dẹo xanh xao cũng sâu thẳm không kém tình thương của người mẹ giàu sang dành cho đứa bé xinh tươi bụ bẫm. Ngày bố mẹ của Nick Vujicic đón nhận đứa con không có tay chân của mình trong bệnh viện chắc họ không ngờ rằng tình thương của họ hai mươi năm sau đã mang lại cho thế giới một nhà diễn thuyết tài ba. Bản thân Nick cũng đã cảm nhận hồng ân của Tạo hóa ban cho mình thông qua thân thể khiếm khuyết đến mức điêu tàn ấy.

-   “Trí khôn đời dạy” là một chân lý. Chỉ những bài học ở đời mới khiến ta khôn ra. Không một trường đai học nào có thể giúp cho sinh viên mới ra trường biết làm việc hiệu quả ngay lập tức. Kiến thức, kỹ năng chỉ là chuyện nhỏ, thái độ mới là chuyện lớn. Mà nhà trường không thực sự dạy cho ta làm cách nào để có thái độ đúng đắn với công việc và với mọi người. Thái độ đúng đắn đó ta chỉ có thể học được từ trong trường đời.

-   “Đói no tự mình” thì không cần bàn cãi. Có làm thì mới có ăn. Trừ phi bạn hưởng gia tài triệu đô, chuyện áo cơm dứt khoát phải do bản thân mình tự lo liệu. Rất may chân lý lại chỉ đơn giản thế này: tất cả những ai siêng năng làm việc đều có thể kiếm đủ ăn ngày hai bữa.

Tôi không mong con mình học giỏi nhất lớp, không mong con mình đẹp đẽ, nổi bật nhất trường. Tôi chỉ mong con mình khi đi học thì biết chuyên cần và lúc đi làm thì thật siêng năng. Đừng ham ngồi mát ăn bát vàng, hãy mong có cơ hội làm một công việc tốt đẹp và được lãnh đồng lương một cách đàng hoàng.

Tóm lại, hãy biết ơn sinh thành của cha mẹ, hãy học thái độ đúng đắn khi đối xử với mọi người và hãy siêng năng làm việc để tự lo cho bản thân cũng như lo cho người khác. Đó là cách sống dựa trên nhân sinh quan hợp lý như lời dạy của người xưa.

Mời các bạn đọc lại một lần nữa:

Hình hài của mẹ cha cho
Trí khôn đời dạy, đói no tự mình.


Chúc cả nhà luôn vui.