SỢI DÂY KÝ ỨC
(Đoàn Công Lê Huy)
Mùa lũ giáp hạt người nông dân ăn độn đất sét để trừ bữa. Em có thấy lạ không? Nhưng thực ra có thể em đã đọc thấy chi tiết đó trong văn chương hiện thực đầu thế kỷ. Rồi quên?
“Con đói lả ôm lưng mẹ khóc
Mẹ đợ con đấu thóc cầm hơi”
Có thể em đã đọc rồi hai câu thơ Tố Hữu. Và em còn nhớ?
“Có một người nghèo không biết Tết
Mang lì chiếc áo độ thu tàn
Có đứa trẻ thơ không biết khóc
Vô tình bỗng nổi tiếng cười vang”
Đố em biết đó là thơ của ai?
Ừ, có thể trong em cứ nhiều điều nhớ nhớ quên quên. Nhưng đã từng 2 triệu đồng bào ta chết đói thì hẳn rằng không thể em không nhớ!
Và mới chiều nay thôi, đi học về, trên đài văng vẳng những lời nhắn tin: “…Năm đó vì đói mẹ cho em đi theo bà A. Khi đi trong tay em cầm miếng bánh sắn và chỉ mặc duy nhất một tấm áo gụ phía trên. Nay em còn sống, ở đâu xin nhắn cho chị là…”. Lẽ nào em không nghe?
Và vẫn còn bàng bạc trong những trang văn của Hoa Học Trò là nỗi khắc khoải nghèo khó. Mẹ gánh con vào Nam “Dọc đường sim mua”, chị em tranh nhau làm “Giám đốc” để “xử lý” miếng cơm cháy. Và đâu đó bạn bè ta không đủ tiền ăn học, lẽ nào em không biết???
ĐỌC, NGHE , NHỚ, BIẾT để thấy mình còn mắc nợ. Nợ nước non, nợ những người đã hy sinh vì sự sinh thành của dân tộc.
Đất nước mình nghèo khó. Không sống trên kim cương như Nam Phi. Không nằm trên vàng thỏi như Trung Mỹ. Không dạo bước trên mỏ dầu như Cô oét, không ở trên vỉa phân lân như ở Brunây. Đất nước mình nghèo đến tiểu thơ còn đi chân đất, đến những “Mệ” Công Tằng, Tôn Thất lắm lúc còn ngồi quán ăn quà thiếu nợ.
Chắc chắn rồi thế hệ các em sẽ bay lên như diều cả gió. Con diều bay được là nhờ sợi dây. Em luôn phải được nối với thực tế cội nguồn bằng sợi dây ký ức. Ký ức nghèo khó sẽ giúp em nung nấu quyết tâm tích luỹ và làm giàu cho dân tộc chứ không phải để ăn chơi phung phí, chỉ biết có hiện tại và chỉ một mình ta.
Một lần tại Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản, tôi hỏi một nhà ngoại giao rằng anh đi nhiều, anh nghe bạn bè nói gì về lối sống của một số người Việt mình không? Anh trả lời đã từng nghe có người nhận xét rằng: “Người Tây làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Người Nhật làm nhiều ăn ít. Còn Việt Nam ta làm ít ăn nhiều”. Tôi mong người ta đã nhận xét sai. Còn các em thì sao?THÌ EM HÃY GIEO HẠT
(Đoàn Công Lê Huy)
Một em bé 6 tuổi dắt tay bà đi nhặt lon trong quán nhậu. Một người mẹ nghèo đi chân đất ngơ ngác bế con trong bệnh viện. Một bác xe than trong đám tắc đường, than thì vỡ, trời về trưa, bối rối xoay sở trước những lời mắng mỏ, lòng dạ bác thì đương lo lắng bồn chồn… Có lúc nào lòng trắc ẩn của em lên tiếng trước những cảnh đời rất đỗi bình thường bên lối ta qua? Những phút “nhói lòng” có vẻ lạc mốt giữa cuộc sống bận rộn ngày càng tuôn chảy về phía trước? Tôi có một người bạn gái, chị ấy muốn kết bạn với một người con trai biết khóc vì trắc ẩn. “Gặp chưa?” - “Chưa gặp. Người quân tử nay đâu?”
Có phải vì đời sống kinh tế cạnh tranh cho nên ta đi qua nhau ai cũng tỏ ra cứng cỏi vì chỉ sợ yếu mềm là mất điểm, thua cuộc?
Có phải ta quá mải mê học tập, kiếm sống, làm giau nên đôi khi mắt không kịp nhìn, tai không kịp nghe niềm vui, nỗi buồn nhân thế?
Hay có phải thời Kinh tế thị trường quen sống trong một cái “chợ lớn” nên mắt nhìn nhau cũng trơ lì vô cảm bởi so tính lỗ lời, thiệt hơn?
Ngày xưa xã hội có bốn lớp người gọi là “tứ dân”: Sĩ, nông, công, thương. Thương nghiệp, buôn bán xếp cuối cùng, một phần do nền kinh tế nông nghiệp tự cung tự cấp không cần phát triển thương nghiệp. Phần khác do quan niệm “Đức trị” thời ấy coi thường thương nghiệp vì nghĩ rằng “con buôn” là hạng dễ lừa lọc, thiếu đạo đức.
Nghĩ như vậy là cực đoan và dĩ nhiên là không còn phù hợp với nền kinh tế hàng hoá phát triển như bây giờ.
Ngày nay, “thương nghiệp thiếu đạo đức” chỉ là loại thương nghiệp hạng bét, không thể ăn nên làm ra được. Muốn phát triển trong bền vững, doanh nghiệp không chỉ là nghề mà còn là nghiệp, xây dựng căn cơ có uy tín lâu dài. Người xưa nói “Phi thương bất phú”, ngày nay có thêm câu “Phi nhân nghĩa bất thành sự nghiệp”. Như vậy là nhân nghĩa vẫn được đề cao, khẳng định trong thời kinh tế thị trường. Thế giới hiện đại khuyến khích cách làm giàu trong sạch sẽ của lương tri và sự sâu sắc của lòng trắc ẩn. Đó không chỉ là tình mà còn là lý. Ông chủ hãng bút bi Thiên Long - tức nhà doanh nghiệp trẻ Cồ Gia Thọ có lần nói với anh thư ký Toà soạn HHT rằng hàng năm anh giành ra hàng trăm triệu đồng cho các hoạt động tài trợ xã hội - nhân đạo, vì lý do: Lợi nhuận thu từ xã hội góp lại một phần cho xã hội, cũng là để ổn định kinh doanh, cũng là để kinh doanh phát triển vậy.
Làm thân nam nhi ngày xưa phải luôn rèn luyện năm điều: “Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”. Đứng đầu là chữ “Nhân”, là lòng yêu thương con người. Chỉ có quân tử mới có lòng nhân.
Em biết không, đâu phải là sự tình cờ, chữ “nhân” còn có nghĩa là cái hạt. Vậy thì, em ơi, tội gì mình không gieo hạt, vừa được tiếng là người quân tử có nhân, lại vừa gặt được mùa quả ngọt tương lai khi em thành nhà doanh gnhiệp giữa phong ba của đời sống kinh tế thị trường.