Tác giả Chủ đề: Lòng hiếu thảo của ngài Xá Lợi Phật  (Đã xem 9488 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Ngủ rồi khoacm09

  • Thành Viên
  • *
  • Bài viết: 12
  • Thích 0
Trả lời #1 vào: 21-08-2010 20:29:27
Lòng hiếu thảo của ngài Xá-lợi-phất
Viết bởi Quảng Trí  

Ngài Xá-lợi-phất và ngài Mục-kiền-liên là hai vị đại đệ tử của đức Phật. Hai Ngài là hai người bạn chí thân của nhau ngay từ thời thơ ấu. Đến khi trở thành đệ tử của đức Phật, hai Ngài vẫn thân nhau còn hơn cả tình huynh đệ ruột thịt.

Thế nhưng, chúng ta chỉ nghe đến hạnh hiếu của ngài Mục-kiền-liên, ít ai nhắc đến hạnh hiếu của ngài Xá-lợi-phất. Thật ra ngài Xá-lợi-phất cũng là một người con chí hiếu.

Ngay từ lúc còn ấu thơ, Ngài Xá-lợi-phất đã là một người con hiếu thảo. Ngài luôn luôn vâng lời cha mẹ, chuyên cần học tập và trở thành một bậc xuất chúng làm vui long cha mẹ. Tuy được sinh ra trong một gia đình quý tộc, song Ngài đối xử với mọi người rất nhã nhặn và hòa ái, rất được lòng mọi người, được bạn bè kính mến.

Đến khi trở thành đệ tử của đức Phật, Ngài chuyên cần tinh tấn tu tập và đã trở thành bậc Tướng quân chánh pháp, là người có trí tuệ siêu việt nhất trong hàng tăng chúng. Càng đạt được quả vị cao thì Ngài càng nghĩ nhiều đến mẹ hiền, càng thương mẹ và ngày đêm thao thức để tìm cách đưa mẹ trở về với Chánh pháp.

Mẹ Ngài là một người thuộc dòng dõi Bà-la-môn, là mẹ của bảy vị A-la-hán (có bảy anh em của ngài Xá-lợi-phất xuất gia làm đệ tử của Phật và đều chứng được quả vị A-la-hán) nhưng mẹ Ngài vẫn luôn cố chấp. Mặc dù Ngài và các em của Ngài đã nhiều lần khuyến hoá nhưng mẹ Ngài vẫn không tin kính Tam bảo, vẫn không chịu từ bỏ đạo Bà-la-môn của mình để theo đạo Phật. Có lẽ là do chưa hội đủ nhân duyên.

Đến khi Ngài cảm thấy thân ngũ uẩn của mình sắp tan rã, sắp đến ngày phải rời bỏ trần thế huyễn mộng để trở về với cảnh giới chơn như bất diệt, Ngài quán xét về nơi nhập diệt của mình: “Ta sẽ nhập diệt nơi nào đây?”, đang quán xét như thế thì hình bóng người mẹ hiền của Ngài lại hiện về, Ngài nhớ đến mẹ hiền. Ngài nghĩ: \\\"Mặc dù bà là mẹ của bảy A-la-hán nhưng bà không tin tưởng gì đức Phật, không tin tôn Pháp và thánh Tăng. Không biết hiện tại bà có chút thiện duyên nào hỗ trợ để bà có thể đạt đến sự tin kính nơi Tam bảo hay không?”

Rồi Ngài dùng Tuệ nhãn quán xét thấy nhất thời mẹ Ngài đang có đủ điều kiện để khai thị được Trực-giác-đạo (Abhisamaya), tức là mở đầu cho những bước tiến nhập vào dòng Thánh. Ngài mừng rỡ và quán chiếu tiếp thì thấy người có duyên để cứu độ mẹ lại chính là Ngài chứ chẳng phải ai khác.

Vả lại Ngài tự nghĩ: \\\"Mình đã bao phen dẫn dắt cả nhân loại lẫn chư thiên nương vào Tam bảo, chứng được Thánh quả, chẳng lẽ mình không thể tẩy trừ được tư kiến sai lầm của chính mẹ mình hay sao?\\\".

Sau đó Ngài quyết định hóa độ mẹ để đền đáp ơn sinh thành dưỡng dục. Nhất tâm như thế rồi, Ngài đến xin đức Thế tôn cho Ngài trở về quê hương mình để báo hiếu mẹ hiền trước khi nhập diệt. Được sự chấp thuận của đấng Đạo sư, Ngài cùng với bào đệ của mình là Đại đức Cunda và mời thêm 500 vị tỷ kheo cùng trở về ngôi làng Nàlakà, nơi chôn nhau cắt rốn của Ngài.

Về đến sân nhà, Ngài tự ý bước thẳng vào căn phòng cũ của mình. Rồi Ngài nhân danh mẹ Ngài mời tất cả chư Tỳ-kheo đến những chỗ dành riêng cho họ để nghỉ ngơi.

Ít lâu sau, Ngài cảm thấy một sự đau đớn lan tràn cả thân xác, Ngài vội lên nằm trên chiếc giường năm xưa của mình và nhập vào đại định. Những Tỳ-kheo có bổn phận hầu hạ Ngài liền túc trực quan sát. Họ thấy da mặt Ngài lúc đỏ lúc xanh, nhưng đức Trưởng lão vẫn nằm im thiêm thiếp, phong thái vẫn bình an. Kế đến từ hạ thân của Ngài thải ra một chất nước. Thì ra Ngài đang bị bệnh dịch tả hoành hành. Những học trò của Ngài phải thay phiên nhau tẩy uế.

Bà mẹ Ngài thoạt đầu có vẻ đố kỵ những vị Tỳ-kheo kia, nhưng khi thấy họ chăm sóc con bà một cách tận tình và kính trọng thì nảy sinh thiện cảm. Rồi càng theo dõi bệnh tình của con bà càng lo sợ. Lúc bấy giờ, chính bà lại nhận thấy sự có mặt của năm trăm vị Tỳ-kheo kia quả là một điều cần thiết cho bà.

Trong khi Ngài đang nhập định thì có bốn vị Thiên vương đến chiêm bái Ngài lần cuối, tiếp theo là các vị Đại Phạm Thiên vương cũng đến vấn an Ngài. Mẹ Ngài thấy chư Thiên đến rồi đi như thế, bèn tự hỏi: “Họ là ai vậy kìa? Ai mà đến tôn kính con ta như thế rồi lại đi?”. Bà tới tận cửa phòng của đức Trưởng lão để hỏi thăm Ðại đức Cunda về bịnh trạng của Ngài. Ðại đức Cunda vốn thấu rõ ý muốn của Ðại đức Xá-lợi-phất từ trước nên bước vào trong bạch với Ngài rằng:

- Bạch đức Trưởng lão, vị đại Tín nữ đã đến.

Ðại đức Xá-lợi-phất liền cho mời mẹ vào và hỏi:

- Vì sao thân mẫu lại đến đây vào giờ bất thường này?

Bà trả lời:

- Này con! Thân mẫu đến để thăm con. Con hãy nói cho thân mẫu biết những người vừa rồi đến thăm con đầu tiên là ai vậy?

- Thưa thân mẫu! Ðó là bốn vị Thiên vương.

Nghe thế bà liền hỏi:

- Như thế thì con còn cao quí hơn những vị đó nữa ư?

Ðức Trưởng lão đáp:

- Họ chỉ là những bậc hộ trì Phật pháp. Khi đức Bổn sư đản sinh, chính họ là những vị đến hầu hạ đầu tiên. Trong giáo lý giải thoát, họ ví như những người cận vệ luôn luôn có uy quyền trong tay để bảo vệ một vị Phật tổ.

- Sau khi họ đi rồi thì vị đến kế tiếp là ai thế?

- Thưa thân mẫu, đó là vua trời Sakka.

- Này con yêu quí! Ðối với đức vua trời kia, con có cao thượng hơn không?

Ðại đức Xá-lợi-phất trả lời:

- Thưa thân mẫu! Vị ấy chỉ như vị Sa-di là người theo hầu hạ và mang vác những vật dụng của một Tỳ-kheo. Khi đức Bổn sư từ trên cõi trời Ðao lợi trở về, vị trời Sakka đã mang bát và y phục của Ngài để tiễn Ngài từ thiên giới đến cõi trần với một lòng tôn kính.

Bà lại hỏi tiếp:

- Và khi vị trời Sakka đi rồi, những vị đến sau đã dùng hào quang làm sáng cả căn phòng này là ai vậy?

- Thưa tín nữ thân mẫu, đó là các vị Giáo chủ, những Ðại Phạm Thiên, những Thiên sứ của chính thân mẫu đấy.

- Vậy, con là người cao cả nhất? Này con quí mến của mẹ, con còn cao quí hơn những Ðại Phạm Thiên mà xưa nay thân mẫu hằng ngưỡng mộ ư?

- Vâng, thưa thân mẫu. Vào ngày đức Bổn sư ra đời, thân mẫu nào biết rằng chính bốn vị Ðại Phạm Thiên ấy đã đón rước Ngài trong một dãi lụa đầy hào quang vàng chói.

Khi nghe vậy, mẹ Ngài bèn nghĩ: “Nếu oai lực của người con trai mình như thế thì oai lực vô biên của đấng Bổn sư của con ta còn vĩ đại biết dường nào?”.

Trong khi bà đang phân xét như vậy, bất chợt một sự kính ngưỡng đối với Tam bảo bỗng phát sinh và hỷ lạc tràn ngập cả tâm hồn bà.

Ðức Trưởng lão quán biết rằng, sự hỷ lạc và niềm tin đã bừng lên trong tâm hồn người mẹ, đây chính là lúc mà Ngài phải thuyết pháp để báo ơn sinh thành, dưỡng dục. Ngài dịu dàng hỏi:

- Thưa thân mẫu! Thân mẫu đang suy nghĩ gì vậy?

Bà trả lời:

- Thân mẫu đang suy nghĩ: “Nếu con trai của mình mà có phước hạnh như thế thì ân đức của Phật Thích Ca Cồ Ðàm còn to lớn biết là dường nào?”.

Ðại đức Xá-lợi-phất liền tiếp lời:

- Ngay giây phút đức Bổn sư ra đời, ngay giờ khắc Ngài chứng được quả giải thoát vĩ đại và sau khi đạt đến sự Toàn giác rồi, Ngài bắt đầu chuyển pháp luân. Không có một đấng nào có phước đức ngang hàng với đức Phật. Không có một đấng nào có sự an trụ, có trí tuệ, có sự giải thoát, có độ thuần thục và sự thấu triệt chân lý cao hơn đức Phật.

Tiếp theo, Ðại đức Xá-lợi-phất liền cắt nghĩa cho bà một cách chi tiết những lời tán dương vừa rồi. Và cứ thế, Ngài đã lần lượt giúp mẹ thấu hiểu hết ân đức của Phật đến ân đức của Pháp, và đến ân đức của Tăng.

Khi người con cao thượng của bà sắp chấm dứt bài pháp, mẹ Ngài liền đắc quả Dự lưu (Tu-đà-hoàn). Và bà nói:

- Này người con đáng kính của mẹ! Này ngài Upatissa (tên của Ngài), tại sao trước đây con không làm như thế để dắt dẫn mẹ? Tại sao trong suốt những năm qua con không ban bố cho mẹ một sự hiểu biết bất tử này?

Ngài Xá Lợi Phất nhìn mẹ và mỉm cười thanh thản. Đến đây Ngài mới yên tâm mà ra đi. Thế là tâm nguyện cuối cùng của Ngài, và cũng là lòng hiếu thảo của một người con chí hiếu đã được thưc hiện. Ngài quả thật xứng đáng là người đệ tử xuất sắc nhất của đức Phật. Đức Phật dạy rằng: “Hạnh hiếu là hạnh Phật, gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật vậy”. Ngài Xá Lợi Phất đã học theo tâm hạnh của Phật, thực hiện lời dạy của đức Phật, tìm cách báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Mẹ của Ngài xét về vật chất thì không thiếu, trong gia đình lại có người hầu hạ cho nên về vấn đề phụng dưỡng thì Ngài không lo lắm. Hơn nữa, dù cho có phụng dưỡng cha mẹ đầy đủ đến đâu cũng chỉ làm cho cha mẹ tạm vui trong đời sống hiện tại chứ không thể giúp cha mẹ thoát khỏi trầm luân sanh tử được. Chỉ có cách làm cho cha mẹ cải tà quy chánh, bỏ ác làm lành, tin kính Tam bảo và sống theo giáo pháp của đức Phật mới là cách báo hiếu đúng đắn nhất và cao cả nhất. Ngài Xá Lợi Phất hiểu rõ điều đó hơn ai hết, cho nên Ngài luôn trăn trở. Vì thế, đến khi nhân duyên đã hội đủ, mặc dầu thân xác của Ngài phải chịu nhiều đau đớn do tứ đại sắp rã rời, Ngài vẫn không từ nan, vẫn tìm cách để khuyến hóa mẹ mình. Bằng trí tuệ và lòng hiếu thảo của mình, Ngài đã đưa mẹ trở về với Chánh pháp, dẫn dắt mẹ dự vào hàng thánh đệ tử của đức Phật.

Không chỉ trong hiện kiếp Ngài là một người con hiếu. Theo trong Túc sanh truyện thì trong nhiều kiếp của quá khứ Ngài cũng đã từng là người con chí hiếu. Trong truyện Lakkhana Jãtaka, ngài Xá-lợi-phất sinh làm một trong hai anh em con một gia đình nọ. Người em (tiền thân ngài Xá-lợi-phất) rất thông minh, còn người anh thì ngu tối. Cả hai đã giúp đỡ cha mẹ bằng cách chăn dắt một đàn gia súc trên đồi. Từ nhà họ đến nơi cho đàn gia súc ăn phải trải qua một khu rừng nguy hiểm. Bằng trí thông minh của mình, người em đã đưa đàn gia súc đến nơi một cách an toàn, bảo vệ tài sản của gia đình, đem lại ấm no cho gia đình và làm cho cha mẹ yên lòng .

Theo truyện Abbhantara và Supatta, ngài Xá-lợi-phất không chỉ hiếu thảo với cha mẹ mình mà còn giúp bạn mình tìm phương cứu chữa cho mẹ của bạn thoát qua cơn bệnh hiểm nghèo.

Chính lòng hiếu thảo của Ngài xá Lợi Phất đã góp phần rất lớn trong việc thành tựu phẩm chất đạo đức và trí tuệ của một bậc thánh ở nơi Ngài.

Lòng hiếu thảo là rất quan trọng đối với mỗi người. Người nào không có lòng hiếu thảo thì không còn là một con người nữa, vì người đó đã đánh mất nhân tính của mình. Cha mẹ là vị đại ân nhân của mình mà mình còn không thương yêu, giúp đỡ, thì thử hỏi mình còn có thể thương yêu ai thật lòng nữa?! Để trở thành một con người tốt trong xã hội thì trước hết mình phải là một người con hiếu thảo đối với cha mẹ. Lòng hiếu thảo là nhân tố tối quan trọng để cấu thành nhân cách của một con người.
theo PhapLuan