Lá lốt tên khoa học là Piper lolot C.DC., thuộc họ hồ tiêu (Piperaceae). Lá lốt là loại cây thảo sống nhiều năm, cao 30 - 40 cm hay hơn; thân có rãnh dọc. Lá đơn, nguyên, mọc so le, hình tim, có 5 gân chính tỏa ra từ cuống lá; cuống có bẹ ở gốc ôm lấy thân. Cụm hoa là một bông đơn mọc ở nách lá. Quả mọng chứa một hạt.
Phân bố và sinh thái: lá lốt là cây đặc hữu của miền đông Đông Dương, mọc hoang và cũng được trồng khắp nơi.
Chế biến làm thực phẩm: lá lốt là loại rau có thể dùng ăn sống như các loại rau thơm, hoặc dùng làm gia vị nấu canh ốc, lươn, ếch, ba ba, cá… cho có mùi thơm, bớt tanh và chống dị ứng. Cũng dùng gói thịt bò, thịt heo để nướng chả, hoặc dùng làm rau xào thịt bò ăn cho có mùi thơm.
Người ta đã biết thành phần dinh dưỡng của lá lốt tính theo g%: protid 4,3, glucid 5,4, cellulose 2,5 và theo mg%: calcium 260, phosphor 980, sắt 4,1, natrium 15, kalium 598, ??- caroten 4050 và vitamin C 34.
Sử dụng làm thuốc: lá và thân cây đều được sử dụng làm thuốc. Lá lốt (tất bát) có vị cay thơm, tính ấm, làm tan hơi lạnh, giúp tiêu hóa, thông khiếu và trị tê thấp. Còn dùng chữa ói mửa, miệng ứa nước trong, đờm lạnh, mũi chảy nước và dùng ngoài để đắp mụn nhọt.
- Chữa đau bụng đi lỏng, buồn nôn, nấc cụt, lấy lá lốt rửa sạch, nhai nuốt nước.
- Chữa đau gấp ngang lưng, sưng đầu gối, hoặc bàn chân tê buốt, dùng lá lốt, ngải cứu liều lượng bằng nhau, giã nát, rồi thêm giấm chưng nóng, đắp, chườm.
- Chữa viêm xoang chảy nước mũi đặc, dùng lá lốt vò nát nhét vào lỗ mũi.
Lá lốt còn dùng ăn cho chắc chân răng, hoặc dùng nấu cao ngậm chữa sâu răng, nhức răng.
TS. Võ Văn Chi, nguyên giảng viên Đại học y dược TP.HCM
trích
http://www.khoahocphothong.com.vn/news/detail/6504/vi-thuoc-tu-la-lot.html