Tác giả Chủ đề: Biển hẹn  (Đã xem 6425 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Ngủ rồi Tieng Xuan

  • Thành Viên
  • *
  • Bài viết: 1
  • Thích 0
Trả lời #1 vào: 27-04-2010 20:32:13
Biển hẹn
Tác giả: Tiếng Xuân


„Ai nghĩ rằng mình biết hết được kết cuộc của sự việc mà mình vừa mới bắt đầu, thì hoặc là người ấy rất thông thái hay rất điên rồ; trong mọi tình huống người ấy phải thật đau khổ, vì đã đâm vào tim của phép nhiệm màu kỳ diệu.“
Tục ngữ




-   Chị thấy đêm nay đẹp không?
-   Đẹp thật! Mình hôm nay hên lắm đây! Không hẹn mà lại có được trăng tròn, và trời lại đầy sao!
-   Chị đang nghĩ gì?
-   Tôi đang hạnh phúc! Được ngồi đây, trời biển bao la, trăng sao là bạn và có Phong bên cạnh để trò chuyện, tâm sự. Còn hạnh phúc nào hơn! Còn Phong thì sao?
-   Phong cũng xin chia niềm hạnh phúc này với chị. Lần đầu tiên Phong có được những cảm xúc say sưa như bây giờ. Phong chỉ sợ niềm hạnh phúc này sẽ…
-   Tại sao ta không tận hưởng những gì ta đang có mà lại lo sợ vẫn vơ? Phong này, Phong định nghĩa thế nào là hạnh phúc?
-   Hạnh phúc là từ diễn tả trạng thái tuyệt đẹp mà ta có thể cảm nhận được. Nó làm cho ta hân hoan, vui tươi và yêu đời. Điều quan trọng đối với Phong là hạnh phúc phải được xuất phát từ tâm hồn, như Phong đang cực kỳ hạnh phúc vì Phong đang được ngồi đối diện với chị, được trao đổi với chị những điều mà Phong rất quan tâm, và vì Phong có cảm giác là chị cũng có những quan tâm giống như Phong vậy. Vì vậy Phong rất trân trọng những giây phút này, đó là niềm hạnh phúc mà Phong không bao giờ muốn mất đi.
-   Hạnh phúc cũng có nghĩa là cảm giác mà ta có được khi ta mang niềm vui đến cho người khác…Phong có biết là Phong có một diễm phúc to lớn mà rất nhiều người không có không?
-   Điều gì vậy chị?
-   Phong không nhận ra à? Đó là vì Phong mang lại hạnh phúc cho bao người, qua giọng ca ngọt ngào và sự xuất hiện dễ thương trên sân khấu qua những vai diễn đặc sắc.
-   Thật hả chị? Phong được nghe nhận xét này của chị Phong mừng lắm!
-   Tại sao vậy? Phong có biết bao nhiêu công chúng ngưỡng mộ…
-   Vâng! Ý Phong muốn nói từ phía bạn bè thân hữu kìa chị à. Từ lời nói của chị Phong thấy có sự chân thành, trong khi bao giờ Phong cũng có cảm giác là những người khác nói để được một cái gì đó chứ không nghĩ thật lòng. Đó là cái giá Phong phải trả vì nghề nghiệp của mình.
-   Phong có nhiều bạn theo đúng nghĩa của nó không?
-   Thật lòng mà nói là rất ít, còn chị?
-   Dù tôi không phải là người của công chúng nhưng tôi cũng không có nhiều bạn, bạn bình thường thì có nhiều lắm nhưng bạn thật sự thì rất ít. Lúc còn trẻ như Phong tôi đã nghĩ rằng mình có rất nhiều bạn, mỗi lần rủ họ đến nhà chơi là có đến ba bốn chục người. Nhưng càng lớn tuổi mình lại càng thấy thấm thía vì những người mình nghĩ là bạn thật ra không phải. Phong có hiểu ý mình muốn nói gì không?
-   Dạ hiểu. Nhưng nghe chị nói mà Phong cứ tưởng là chị năm sáu chụ tuổi rồi! Chị lớn hơn Phong chừng vài tuổi là cùng chứ gì!
-   Ha ha ha! Nhưng bảo đảm là tôi lớn tuổi hơn Phong là được rồi! À! Phong có biết là Phong có nhiều nét giống em tôi lắm không?
-   Nhưng Phong không muốn làm em của chị đâu nha!
-   Xin lỗi! Tôi chỉ nói là Phong giống em tôi thôi chứ đâu có nói Phong là em tôi đâu mà phản đối dữ vậy?
-   Tại Phong không muốn chị hiểu lầm Phong, chị hiểu ý Phong không?
-   Phong nói gì khó hiểu quá làm sao tôi hiểu được! À, Phong có đông anh em không?
-   Chị đánh trống lãng hay lắm! Tại chị không muốn hiểu thôi chứ có gì khó hiểu đâu, nhất là thông minh như chị!
-   Nhưng Phong có đông anh em không? Phong chưa chịu trả lời gì cả!
-   Dạ thưa chị em có tất cả là năm anh em, chị chịu chưa?
-   Như vậy là cũng khá đông, như tôi có tất cả là bảy. Anh em tôi đều làm nghề không có chút gì là nghệ sĩ cả, nhưng rất may là mỗi người đều có chút máu nghệ sĩ.
-   Phong thấy chị đúng là rất nghệ sĩ, mặc dù chị là kỹ sư.
-   Vậy à? Thật sự mặc dù tôi không có tài nghệ như Phong nhưng tôi rất mê sinh hoạt nghệ thuật. Hồi còn sinh viên tôi đã cùng các bạn thường xuyên tập hát, đóng kịch, múa, thậm chí có cả cải lương.
-   Ô vậy à! Chị có thể ca cho Phong nghe được không? Ô! Bất ngờ quá!
-   Thôi tôi không dám múa rìu qua mắt thợ đâu! Mà thật sự tôi mê cải lương thật. Có lẽ vì hồi còn nhỏ tôi thường theo Ngoại và Mẹ đi xem cải lương nên tôi đâm ra ghiền.
-   Chị thích ai nhất?
-   Tôi trân trọng nhất cố nghệ sĩ Thanh Nga. Tôi rất thích Vũ Linh, Phương Hồng Thủy, Tài Linh, đặc biệt trong các vai làm mẹ và tôi cũng rất thích giọng ca của Trọng Nghĩa. Nghệ sĩ tôi thích nhất là Lê Thanh Phong! (Một thoáng yên lặng đến giữa chúng tôi).
-   Hân hạnh cho Phong quá! Chị kể cho Phong nghe chị đã sinh hoạt văn nghệ như thế nào đi!
-   Hồi đó tôi sinh hoạt trong nhóm sinh viên khoảng sáu, bảy chục người. Cuối tuần nào tụi tôi cũng tập trung ăn uống, ca hát, chơi thể dục thể thao. Qua đó tụi tôi mới nảy ra ý định làm báo tường, tổ chức đêm văn nghệ để trình diễn cho nhau xem. Có những màn kịch chúng tôi đã tự sáng tác và trình diễn. Có một lần tôi diễn vai một bà mẹ khổ đau vì có đứa con trai trong thời chinh chiến. Tôi đã bật khóc khi nhập mình vào nhân vật. Cảm giác này xao động lạ thường. Chắc tôi không cần tả Phong cũng thấu hiểu được phải không? Cảm giác lúc ấy rờn rợn làm tim tôi như bị tắt nghẽn đi.
-   Nghe chị diễn tả mà Phong cũng thấy rùng mình. Vì chị tả quá đúng cảm giác khi Phong đóng nhập vai, nhất là những vai hợp với mình.
-   Chị ơi chị hãy đi hát với Phong nhé!
-   Thôi đừng nói giởn chơi nghe!
-   Tại sao? Chị có tâm hồn nhiều cảm xúc, những cảm xúc mà một nghệ sĩ chân chính phải có. Chị có những say mê của một con người làm văn nghệ. Chị không chịu hát cho Phong nghe nhưng Phong đoán chị hát rất hay. Và chị… rất xinh…
-   Thôi đừng có nịnh!
-   Phong không nịnh chị đâu! Chị không nhớ hôm nay có hai đứa bé đã khen chị sao? Người lớn nói thì có thể không tin được, nhưng con nít nói thì phải tin. Và ở bãi biển ở đâu người ta cũng nhìn chị hoài, làm Phong hãnh diện được diễm phúc đi bên cạnh chị và bao nhiêu người ganh tỵ với Phong.
-   Phong ơi đừng cho tôi lên quá, té đau lắm!
-   Không có đâu mà, Phong nói thật đó! (Tôi tránh ánh mắt là lạ của Phong)
-   À! Chị nghĩ thế nào về lời đề nghị của Phong?
-   Phong nói giỡn vậy thôi chứ làm gì có chuyện này? Đâu phải ai có tâm hồn đa cảm đều làm nghệ sĩ hết được đâu! Vả lại tôi cũng yêu nghề tôi đang làm, dù nhiều khi căng thẳng lắm! Nhưng nghề nào lại không như thế phải không? Miễn là ta thấy nó thích hợp với ta thôi! Còn việc sinh hoạt văn nghệ tôi xem nó như một khía cạnh của cuộc sống, nó giúp cho cuộc sống không bị đơn điệu mà lại phong phú, sôi động. Phong biết không, vì vậy mà nhiều lúc tôi cảm thấy lòng mình lâng lâng, chơi vơi, nữa tỉnh nữa mê, chẳng hạn như trong lúc này!
 Tôi nhìn Phong, cặp mắt tối đi trong bóng đêm, bắt gặp tia nhìn đầm ấm trong cặp mắt đen của Phong. Thời gian như ngừng lại. Văng vẳng đâu đây tiếng ai đàn dương cầm lã lướt, chơi vơi…
-   Chị thấy lạnh không?
-   Phong nói tôi mới thấy hơi lạnh. Mấy giờ rồi? Ô! Đã hơn hai giờ khuya, mình không đi ngủ sao?
-   Chị mệt không?
-   Thường thì giờ này mình thấm mệt rồi, nhưng hôm nay thì không.
-   Vậy Phong vào phòng mang cho chị áo ấm rồi mình nói chuyện tiếp đến sáng nghe chị?
-   Thôi được rồi, mình sẽ thức tới sáng. Lúc trời sắp sáng Phong thích đi dạo biển với tôi không? Đó là sở thích mà tôi không bao giờ bỏ khi ra đến biển.
-   Chị không cho Phong cũng đi theo, vì đó cũng là say mê của Phong. Chị có thấy là mình có nhiều say mê giống nhau không? (Phong lại nhìn tôi đầm ấm). À quên, chị chờ Phong giây lát Phong vào lấy áo cho chị nhé!
 Còn lại mình tôi ngồi nhìn ra biển. Tiếng sóng lao xao đánh vào bờ, để lại những vệt bọt biển trắng xóa trên nền cát ướt trong bóng đêm dày đặt. Trên nền trời đen thẳm trăng và sao  sánh vai nhìn xuống mĩm cười với tôi. Phong trở lại với chiếc áo len trong tay, choàng áo lên vai tôi rồi hỏi:
-   Chị đở lạnh chưa?
-   Cám ơn Phong, Phong không lạnh sao?
-   Dạ không, nhưng Phong thấy đói bụng. Mình ăn gì nha chị?
-   Giờ này mà ăn gì được sao?
-   Sao lại không? Nhà hàng mở cửa suốt đêm mà! Chị thích ăn gì?
-   Ăn mì được không?
-   Đúng ngay chóc! Phong biết thế nào chị cũng muốn ăn mì!
-   Sao hay vậy?
-   Vì Phong cũng muốn ăn mì. Phong đã nói chẳng những mình có nhiều cảm nghĩ giống nhau mà bao tử chúng ta cũng thích nhiều món giống nhau.
-   Ha ha ha! Phong nói quá rồi đến lúc nào đó Phong sẽ nói là mình có thể đọc được ý nghĩ của nhau lắm à!
-   Nếu được như vậy thì hay biết mấy! Vì Phong muốn biết chị nghĩ gì về Phong lắm lắm!
-   Phong không biết tôi nghĩ gì về Phong à? Tôi đã nói cho Phong nghe rồi mà, Phong quên rồi sao?
-   Nhưng Phong còn muốn biết nhiều hơn những gì chị nói thì chị nghĩ thế nào?
-   Vậy thì Phong là người tham lam lắm! Và bao tử của mình cũng đang chờ ăn đây!
-   Ô xin lỗi chị! Để Phong gọi họ đến để mình đặt món ăn nhé!
Chúng tôi cùng lặng yên thưởng thức tô mì nóng thơm. Phong gấp những lát ớt đỏ tươi bỏ vào tô cho tôi. Tôi chạnh nhớ tới một điều thú vị nhưng không nói ra, nhìn lên thì bắt gặp nụ cười tủm tỉm của Phong. Chúng tôi hiểu ý nhau bật tiếng cười dòn dã.
-   Chị đừng so sánh Phong với con giáp thứ 11 hoặc là con giáp thứ tư nha!
-   Lại muốn làm kẻ lừa dối đáng yêu phải không? (Phong và tôi cùng nghĩ đến một vở tuồng cải lương xã hội rất dí dõm)
-   Không! (Nét mặt của Phong bỗng lộ nét hóm hĩnh). Phong không muốn là kẻ lừa dối, chỉ muốn được đáng yêu thôi!
-   Lại tham lam nữa rồi!
-   Sao lại tham lam? Tham lam là khi nào Phong muốn được rất nhiều người yêu mình, đằng này Phong chỉ muốn được một người duy nhất yêu mình thôi!
-   Thôi đừng giỡn nữa. Giờ này mà có tô mì nóng ăn ngon quá chừng!
-   Chị lại đánh trống lãng nữa rồi!
-   Ai biểu Phong cứ cà rởn hoài làm chi! Bây giờ Phong cho tôi biết sắp tới Phong có vở nào mới trên sân khấu không?
-   Rất tiếc là không. Nhưng Phong sẽ thâu DVD 2 vở mới.
-   Rất tiếc là Lê Thanh Phong cũng như bao nghệ sĩ tài hoa khác rất ít xuất hiện trên sân khấu với những vở diễn thật đặc sắc.
-   Phong cũng tiếc điều này lắm! Những chú bác anh chị khác cũng vậy. Nhưng chị cũng thấy đó, cải lương bây giờ muốn có được một vở diễn đặc sắc như ngày xưa rất khó. Mặc dù có rất nhiều khán giả sẵn sàng đến với sân khấu thay vì ở nhà xem băng hoặc DVD, nhưng họ cần các vở diễn có giá trị và đúng theo thị hiếu. Làm nghệ sĩ như tụi Phong, chắc chị cũng có thể cảm nhận được, ai lại không muốn trình diễn trên sân khấu trực tiếp với khán giả để tiếp nhận những cảm xúc, nhiệt tình của khán giả.
-   Tôi thấy mà buồn cho tình hình cải lương ngày nay. Ngày xưa có bao nhiêu gánh hát mọc lên như nấm, Kim Chung 1 chưa đủ nên phải lập Kim Chung 2, Thanh Minh Thanh Nga, Dạ Lý Hương vâng vâng và vâng vâng. Nhưng Phong này, tình hình cải lương sa sút như vậy, nhưng những nghệ sĩ nổi tiếng như Phong vẫn được khán giả yêu mến và ngưỡng mộ như ngày nào. Các bạn tuy trăn trở lo âu nhưng chắc nghĩ mình không làm được gì nên cứ để vậy cho ngày tháng trôi qua?
-   Phong nghĩ phần lớn các anh chị vẫn cố gắng hoạt động theo sức của mình để đưa sân khấu trở lại thời vàng son ngày xưa. Một số khác thì không muốn nghĩ ngợi xa xôi gì. Họ hạnh phúc là được hát, dù giàu hay nghèo gì. Đây cũng là quan niệm của rất nhiều nghệ sĩ cải lương trong đó dĩ nhiên là có cả Phong.
-   Phong nói đúng! Tôi công nhận điều này đúng vì khi xem những vở tuồng, nhất là những vở hay, tôi thấy tất cả nghệ sĩ đều nhập vai thật đắc lực. Tôi biết là các vai nhỏ không nhận được nhiều thù lao, nhưng khi nhìn họ hát lên những lời ca ngọt ngào và diễn xuất thật trung thực thì tôi nghĩ, họ không thể hát hay như vậy nếu chỉ hát vì tiền. Đó là cái đẹp tuyệt vời của đời nghệ sĩ.
-   Chị thấy không? Chính vì vậy mà Phong không lo là một ngày nào đó sẽ không còn có cải lương, vì cải lương đã thâm nhập vào trái tim của người dân Việt Nam.
-   Phong biết không, tôi suy nghĩ và ao ước cải lương sẽ được thịnh vượng trở lại để các cháu nhỏ, các thế hệ tương lai có thể cùng bố mẹ đi xem cải lương vào dịp cuối tuần, như tôi ngày xưa đã được diễm phúc ấy. Tôi nhận thấy rằng, qua cải lương các em có thể hấp thụ một tình yêu quê hương tha thiết qua lời ca tiếng nhạc như rót vào tim. Thêm vào đó, các em còn học được những điều răn dạy sống sao cho trọn với tình người, với cha mẹ, anh em, bạn bè, xứ sở. Không phải nói để tự khen mình, nhưng tôi thấy mình có phước hơn thế hệ trẻ ngày nay vì mình đã được hấp thụ nhiều tinh hoa của văn hóa dân tộc qua cải lương. Và chính vì vậy tôi càng cảm mến những người nghệ sĩ như Phong, trong thời thế tất bật ngày nay, vẫn một lòng hát lên những bài vọng cổ thương yêu quê mẹ.
-   Chị khen Phong nhiều quá! Thực sự thì Phong chỉ dám nói cho mình thôi. Phong đã được sinh ra và lớn lên trong khung cảnh êm đềm của vùng quê miền Tây, chung quanh là đơn sơ, là mộc mạc nhưng lại đầy tình yêu thương. Phong có diễm phúc được nghe những bài ca dao ngọt ngào, những lời mẹ ru con êm ả, những tiếng đàn áo nảo. Những âm điệu ấy thấm vào tim mình hồi nào không biết.
Gương mặt Phong rạng rở hẳn lên, đôi mắt đen lấp lánh những ngôi sao sáng, hơi thở hấp tấp, dồn dập. Tôi biết là mình đang được thưởng thức cảm xúc của một nghệ sĩ chân chính,  tuôn ra như dòng thác chảy dồn dập từ trên nguồn xuống đáy vực sâu, hùng hồn, rạo rực. Tôi có cảm giác tim mình cũng đang nhịp theo nhịp đập của con tim nóng bỏng ấy.
-   Phong đã cho tôi tìm lại được niềm tin, niềm tin rằng gia tài vô giá của quê hương mình là vần điệu cải lương Nam Bộ sẽ muôn đời tồn tại trong lòng ta và trong lòng quê hương yêu dấu này. Phong nghĩ thế nào? Nếu có cách nào đó mình duyệt lại các vở cải lương đã được thu băng, tìm ra các vở nào đã được bán chạy nhất, tốt nhất là qua các nhà phát hành, theo tôi đoán những nhà phát hành này không có nhiều lắm, rồi đem những vở này  soạn lại để mang lên sân khấu.
-   Như vậy chúng ta có thể bảo đảm đáp đúng thị hiếu của khán giả để lôi kéo nhiều người trở lại với sân khấu. Rồi từ đó cải lương có cơ sở, khuyến khích các soạn giả sáng tác thêm nhiều vở tuồng hay để có thể vươn lên. Chị nói rất hợp lý! Vậy thì cụ thể chúng ta phải làm như thế nào?
-   Câu trả lời sẽ được bàn trong thời gian sắp tới. Bây giờ trời đã bắt đầu sáng, tôi đề nghị mình gọi cà phê uống rồi ta đi dạo biển!


---------------------------------------------------------------------



 Buổi sáng ở biển vẫn đẹp dạt dào như mọi ngày. Ánh mặt trời theo ngọn sóng chiếu lấp lánh trên mặt biển. Những đàn chim biển bay từng đàn, rọi hình trên khung mặt trời tròn trịa, từ từ nổi lên từ mặt nước. Các chiếc tàu đánh cá bắt đầu ra khơi, cũng có chiếc quay trở lại. Ánh mặt trời lung linh rọi vào thành tàu với các lớp sơn màu đỏ, vàng, xanh, tạo một vẻ đẹp kỳ lạ, nhìn hoài không chán.
Phong và tôi đi chân đất sát mặt nước. Trời còn hơi mát nên tôi vẫn khoát chiếc áo ấm của Phong trên vai.
-   Bây giờ trời còn mát chứ lát nữa mặt trời lên cao là nóng liền!
-   Chính vì vậy mà tôi thích đi dạo biển sớm, một phần vì trời mát dễ chịu một phần vì mê nét đẹp thiên thần của biển khi mặt trời bắt đầu lên. Phong không lạnh sao? Tôi lấy áo của Phong rồi còn hỏi vớ vẩn phải không?
-   Đâu có! Phong đem theo áo đó để phòng hờ sợ chị lạnh đó chớ!
-   Không ngờ có người lo lắng cho tôi đến thế! Cám ơn nhiều nghe! Tôi cũng không tính chuyện mình ngồi cả đêm ngoài trời nên không đem áo ấm theo.
-   Bây giờ chị có mệt lắm không?
-   Không! Nhưng tối nay về đến Sài Gòn chắc quỵ quá! Tôi không quen thức khuya!
-   Lỗi tại Phong đề nghị…
-   Không hề gì cả! Trái lại tôi thấy đêm qua có rất nhiều điều sẽ làm tôi nhớ hoài! Ô! Phong nhìn kìa đoàn người kéo lưới, mình lại đó xem đi!
 Tôi cảm thấy niềm hạnh phúc ngập tràn trong tim vì lại được diễm phúc thưởng thức cảnh kéo lưới trên bãi biển của miền quê hương yêu dấu. Khung cảnh này đến nay tôi thường đọc được từ những cuốn sách truyện và đem lòng yêu mến nó. Bây giờ nó hiện thực trước mắt, bên cạnh tôi lại có Phong!
-   Chắc chị ít khi nào thấy cảnh này phải không?
-   Đúng vậy! Phong lại đoán đúng nữa rồi!
-   Chị có nhiều điểm thú vị thật! (Phong vừa nói vừa cười tủm tỉm). Nhìn chị người ta sẽ nghĩ là dân vùng thành thị chưa hề biết dân dã là gì!
-   Tôi ở vùng nhà quê đâu có ra biển thường đâu mà thấy cảnh này! Chỉ có cái là bao nhiêu lần đọc sách tả cảnh biển buổi sáng rồi nó in vào tâm trí hồi nào không biết. Vả lại tôi nói là ở nhà quê chứ kỳ thật tôi chỉ ở vùng chợ và chỉ biết đi học rồi đi làm chứ không biết gì hơn cả.
-   Còn Phong thì không lạ gì nó! Từ nhỏ Phong đã theo anh đi bắt cá, không ở biển nhưng ở kinh, rạch và sông.
-   Như những em trước mặt mình phải không? Nhưng bắt như vậy rồi chừng nào mới có đủ?
-   Thì có còn hơn không! Của mấy anh em góp lại cũng đủ để kho một nồi cá kho.
-   Rồi làm sao đi học?
-   Vùng của Phong trường mở cửa lúc 8 giờ. Nếu thức dậy lúc 6 giờ thì được rồi! Chị thấy tội nghiệp không? Phong không được sướng như chị hồi nhỏ đâu!
-   Biết ai sướng hơn ai? Phong thì sống trong thiên nhiên, như mấy em ở đây, suốt ngày ngoài biển, sống đơn sơ nhưng tâm hồn lại thoải mái! Còn những người như tôi suốt ngày ngồi ở bàn giấy, tâm hồn lúc nào cũng bị thu hẹp giữa bốn bức tường kín mít. Vì vậy mà tôi rất hạnh phúc khi được giải thoát và được đi giữa thiên nhiên như vầy.
-   Vậy tại sao chị lại không thực hiện những điều chị thiết tha mong muốn? Việc gì đã cản chị?
-   Tại mình mâu thuẩn với chính mình và vì mình không có đủ can đảm để dứt bỏ…
-   Chị sợ sẽ hối hận phải không?
-   Nhiều khi mình phải có những ước mơ ngoài tầm tay với thì cuộc đời mới thi vị. Phong nghĩ xem, nếu mình đều đạt hết dễ dàng những điều mình mong ước thì cuộc đời còn gì là hấp dẫn nữa?
-   Chị nói đúng! Nhưng cũng có những điều, như chị đã nói, cần phải có nhiều can đảm và cương quyết lắm thì mới đạt được. Nhưng chị Hà Vân ơi! Nếu đạt được những điều ấy thì có thể chị tìm thấy một chân trời mới trong cuộc sống, nó sẽ mang đến cho chị sức sống mới. Còn không chị sẽ suốt đời sống trong khung cũi với những mơ ước xa xôi, và những chuổi ngày sẽ lần lượt trôi qua…
-   Có những giấc mơ mà nó chỉ đẹp khi là giấc mơ. Vì khi sực tỉnh nó sẽ biến thành sự thật phủ phàng. Nó sẽ làm ta thất vọng và mất mát…
-   Vậy có cách nào làm cho ta không thức tỉnh để được ở mãi trong mơ không chị?
-   Có chứ! Vì giấc mơ bao giờ cũng tiềm ẩn trong tâm hồn, sâu tận đáy tim ta. Nó bao giờ cũng ấp ủ bên ta như người bạn đồng hành trung tín.
-   Như chị và Phong đang là bạn đồng hành đi dạo biển phải không? Nắng đã lên rồi, chị thấy nóng chưa?
-   Mãi nói chuyện mà tôi quên cả nóng. Vậy mình xuống biển tắm đi!
 Phong và tôi cởi áo khoát ngoài rồi cùng chạy xuống biển. Những ngọn sóng xanh đập vào người làm bắn tung bọt nước trắng xóa. Tôi vừa bơi vừa nhìn nền trời xanh biếc mà ngây ngất, ngây ngất được nằm giữa quê hương yên bình, giữa vùng biển bao la, giữa bầu trời thanh thản. Ôi quê hương yêu dấu! Ta đã về với em! Xin hãy ôm tôi vào lòng và đừng bao giờ xa tôi nữa, hãy cùng tôi cười vang lên để mừng ngày hội ngộ, hãy cùng tôi cầu nguyện để ta không bao giờ xa nhau nữa, ta sẽ đời đời có mãi bên nhau…
-   Phong có biết là tôi đang hạnh phúc lắm không? Tôi sung sướng và tưởng như mình đang say…
-   Đúng là chị mê biển thật! Phong tưởng chỉ có mình Phong là có thể mê biển điên dại thôi!
-   Tôi mê biển lắm Phong à! Có thể vì đó là những ấn tượng đẹp mà tôi còn giữ mãi từ hồi còn thơ ấu. Thuở ấy mỗi năm tôi và các anh chị em đều được theo ba má ra đây một tuần để nghĩ mát, được ở một nơi gọi là “nhà nghĩ mát công chức”. Tôi còn nhớ mỗi lần đi tắm biển về đều đi ngang qua hàng dương đầy bóng mát, rồi cả nhà quây quần bên mâm cơm thịnh soạn chưa từng thấy! Sau này Mẹ tôi mỗi lần kể đến đều nhắc tới bác giúp việc đã chuẩn bị cho chúng tôi bữa ăn ngon như thế. Mẹ tôi nói tội nghiệp bác ấy vì làm nghề lặn dưới biển để tìm tôm cá nên tai đã bị điếc vì nước vô hoài, không chữa được nữa.
-   Thời thơ ấu của chị đẹp thật! Nghe chị nói mà Phong cũng ghen lây!
-   Thì Phong cũng có thời thơ ấu đẹp quá chừng vậy! Cái đẹp thô sơ của vùng quê thôn dã! Vì đẹp vậy nên mới có một Lê Thanh Phong dễ thương với bao câu hát lời ca ngọt ngào tươi mát!
-   Chị làm Phong mắc cở quá hà!
-   Thôi đừng làm bộ! Ngoài tôi ra chắc Phong đã được khen đầy tai rồi còn lạ gì nữa mà mắc cở!
-   Nhưng chỉ có chị khen Phong mới thấy mắc cở!
-   Vậy chút nữa hát cho tôi nghe nha!
-   Xin tuân lệnh!


--------------------------------------------------------------------


-   Chiều nay về Sài Gòn, chị và Phong sẽ từ giả nhau. Chị có còn nhớ Phong không? (Phong nhìn tôi buồn bả)
-   Phong không hiểu tôi, hay nói đúng hơn là Phong vẫn chưa hiểu tôi sao mà hỏi câu đó?
-   Nhiều lúc Phong nghĩ là đã hiểu chị, nhưng có lúc lại không chắc lắm!
-   Tại sao vậy? Bộ tôi khó hiểu lắm sao?
-   Phong không biết trả lời chị làm sao! Nhưng không hiểu sao Phong vẫn có cảm giác là chị có gì bí ẩn, sâu kín. Phong biết mình không có quyền đòi hỏi ở chị một điều gì cả, nhưng bao giờ Phong cũng muốn chia xẻ với chị những nỗi buồn vui.
-   Cám ơn Phong nhiều lắm! Gần hai ngày nay mình đã chia xẻ buồn vui với nhau Phong không thấy sao?
-   Phong thấy chứ và sẽ luôn trân trọng nó! Nhưng Phong có cảm giác là chị có tâm sự nào đó mà không muốn nói ra. Xin lỗi chị không phải Phong tò mò nhưng Phong xốn xang lắm khi nghĩ rằng chị có điều gì bận tâm hoặc ưu tư…
 Không gian chung quanh chúng tôi yên lặng và trầm xuống. Phong và tôi ngồi cạnh bên nhau trên bật thềm nhà Phật nhìn ra biển. Mặt biển buổi trưa vẫn mênh mông và bao la. Tầm mắt nhìn ra khơi xa vút mà không sao tìm ra đoạn cuối của chân trời.
-   Phong đoán đúng, tôi đang có một nỗi buồn…
 Tôi không nói nữa vì sợ nếu nói tiếp sẽ bật thành tiếng khóc. Những nỗi niềm u uất từ bấy lâu nay bất chợt kéo về dồn dập. Phong cầm lấy tay tôi, đôi mắt nhìn tôi đầy nét ưu tư. Thời gian như ngừng lại, không gian như chìm đắm vào ánh mắt đó, tha thiết, chơi vơi…
-   Phong đừng lo, tôi không sao đâu! (Tôi vừa nói vừa rút tay ra khỏi tay Phong). Mai này khi chia tay nhau tôi sẽ nhớ hoài những buổi gặp gở này, với người nghệ sĩ đa cảm đã cho tôi những giây phút đầm ấm. Nó sẽ giúp tôi có thêm nghị lực để vượt qua những trở ngại khó khăn đang cản bước chân mình.
-   Chị nói giống như là mình sẽ không gặp nhau nữa! (Phong nhìn tôi hoảng hốt). Mình sẽ không gặp nhau nữa sao chị?
-   Tôi không biết! Nhưng dù gì đi nữa tôi sẽ giữ mãi trong lòng những kỹ niệm sâu sắc này…
-   Chị nói vậy mà không nghĩ gì tới Phong sao? Chị và Phong đã tình cờ quen nhau, thầm tạ ơn trời đã tìm được người tri kỷ. Chị đã gieo vào lòng Phong những mơ ước và cho Phong những giây phút huyền diệu. Rồi bỗng dưng chị nói tiếng giã từ cắt đoạn. Chị làm như vậy mà không nghĩ tới Phong sao? Chị nghĩ là Phong sẽ chịu nổi những ray rức khi phải xa chị mà không có hy vọng gặp lại hay sao? Tại sao chị không cho Phong chia xẻ những lo lắng ưu tư? Chị biết là Phong sẵn sàng chia sẽ bất cứ một điều gì làm cho chị buồn mà…
-   Tôi biết! Nhưng Phong ơi nếu nói ra được thì tôi đã nói ra rồi! Nhưng hãy hiểu cho tôi, Phong và tôi là hai thế giới khác nhau, ta gặp nhau như gặp tri ân nhưng mỗi người phải trở về với cuộc sống và vị trí riêng mình, với trách nhiệm và bổn phận…
-   Trách nhiệm và bổn phận gì cấm ta có được hạnh phúc hả chị? Chị có nhớ là mình đã định nghĩa từ hạnh phúc là gì không?
-   Nhớ chứ! Chính vì vậy mà Phong đừng buồn khi không còn gặp tôi nữa. Vì hạnh phúc có ý nghĩa cao cả của nó, nhất là có ý nghĩa lâu dài, theo tôi nghĩ. Chúng ta không gặp nhau nữa để những giờ phút cao đẹp này bao giờ cũng giữ nét thanh cao, để cuộc đời không thể nào tàn phá. Hãy tha lỗi cho tôi nếu vì vậy mà tôi làm cho Phong buồn. Nhưng hy vọng thời gian sẽ trả lời những câu hỏi của Phong mà hôm nay tôi không thể trả lời được.
-   Không, không, không! Phong không muốn nghe chị nói những lời giã biệt như vậy! Chị đã quên hết những mơ ước mà mình đã thổ lộ với nhau hay sao? Tuy không nói ra nhưng Phong hiểu đó là những giao ước giữa chị và Phong. Chị không thể nào ra đi để lại mình Phong với những dự định cao đẹp ấy. Phong không biết những ưu tư của chị có liên hệ gì đến Phong hay không, nếu có thì dù buồn nhưng Phong vẫn cảm kích vì được dự phần trong tâm tư của chị. Nhưng dù thế nào nữa, chị Hà Vân, xin chị hãy nghĩ đến những điều cao quý mà chị đã nói với Phong: Mang được hạnh phúc cho người là niềm hạnh phúc của ta. (Phong ngừng lại giây lát). Chị muốn cùng Phong tìm cách đưa cải lương về lại sân khấu. Chị có nhớ không? Dù không nói ra nhưng Phong biết là chị, cũng như Phong, bao giờ cũng ôm ấp trong tim hình ảnh của một nước Việt Nam tươi sáng, của con người Việt Nam hạnh phúc, trong đó chỉ có tiếng cười giòn tan của các trẻ thơ và ánh mắt diệu hiền của bà Mẹ Việt Nam ngàn đời cao cả. Chị không muốn cùng Phong thực hiện hoài bảo này sao?
 Ánh mắt Phong sáng rực lên, giọng nói dồn dập hòa lẫn vào nhịp tim thổn thức. Trước mặt tôi là một người con trai dũng cảm, đa tình và tràn đầy sức sống, với tất cả niềm tin và hy vọng cho tương lai và cho quê hương.
 Tôi cầm tay Phong đứng lên rồi nói:
-       Dĩ nhiên là tôi muốn điều đó! Trong một phút yếu lòng tôi đã để tâm hồn mình bị lôi cuốn theo những làn sóng chơi vơi mà quên đi lý tưởng cao đẹp. Không! Tôi không thể nào để Phong một mình với những hoài bảo thiêng liêng của tuổi trẻ. Ta sẽ cùng nhau xây dựng tình người và xây dựng quê hương.


---------------------------------------------------------------------


Chào Phong!

Tôi đã về lại trời Tây và đã đi làm lại bình thường. Chung quanh tôi là bốn bức tường giá lạnh với những kệ sách và giấy tờ vô linh hồn. Trước mặt tôi là khung cửa sổ nhìn ra cảnh Âu Châu mùa thu dày đặc sương mù, các hàng cây trụi lá màu xám xệt đứng sừng sững giữa trời u ám. Chắc là Phong ngạc nhiên và tức giận lắm khi đọc những dòng chử này. Tôi xin Phong cố gắng đọc hết bức thư này rồi hãy quyết định có còn muốn liên hệ tiếp tục với tôi hay không.
Tôi không phải là một người Việt đã bao lâu sống và làm việc ở vùng quê Việt Nam hẻo lánh như tôi đã nói với Phong. Tôi là một Việt Kiều đã xa xứ rất lâu. Tôi đã về thăm nhà đến nay mười lần kể từ lúc ra đi. Dù ở xa, tôi vẫn nhìn thấy được hình ảnh quê hương thân thiện, nghe được giọng ca cải lương ngọt ngào êm ái qua các cuộn băng video. Rồi trong những băng cải lương mới nhất tôi đã nhìn thấy Phong. Từ đó tôi không quên được hình dáng dễ mến và giọng ca truyền cảm của Phong. Trong lần về Việt Nam vừa qua, không hiểu trời xuôi đất khiến thế nào mà tôi đã tình cờ gặp và quen Phong, một Lê Thanh Phong hiện hữu, có thật. Chắc tôi không cần diễn tả dài dòng thì Phong cũng hiểu tôi hạnh phúc biết bao qua những giây phút đầu tiên ấy. Vì Phong đến nhà Tiến Dũng, em họ của tôi, chơi thường mà không gặp tôi, nên trong lần gặp đầu tiên này tôi mới nói dối là mình ở quê thật lâu mới lên Sài Gòn một lần. Tại sao tôi lại nói dối? Vì tôi muốn được cư xử giống như một người trong nước. Đã có nhiều câu chuyện nói về Việt Kiều về quê thăm nhà, tốt có mà xấu cũng không thiếu, do đó thật tình mà nói tôi muốn lột đi cái bao Việt Kiều để tiếp xúc với Phong mà không có yếu tố bên ngoài nào chi phối.
Dù bây giờ tôi đã nói thật xuất xứ của tôi, nhưng tôi hy vọng điều này không chi phối tình tri kỷ của chúng ta. Tôi chờ thư phúc đáp của Phong. Nhưng nếu không có thư phúc đáp thì tôi cũng hiểu và chấp nhận. Dù gì chăng nữa thì sự gặp gỡ vừa qua của Phong và tôi đã mang đến cho tôi niềm tin mới trong cuộc sống để tôi đi tiếp con đường mà mình đã vạch ra từ thuở đầu đời.

“À ơi! Gió đưa tàu dừa nước xạc xào,
Mỗi lần xa xứ lòng nao nao nhớ về…”


Trần Hà Vân


---------------------------------------------------------------------


Chị Hà Vân kính mến,
đúng là Phong có giận chị thật sau sự mừng rỡ nhận được tin chị. Nhưng cơn giận qua nhanh nhường lại cho sự thú vị đã được chị bật mí. Vì tuy chẳng nói ra nhưng ngay từ đầu Phong đã ngờ ngợ về sự xuất hiện của chị. Tại sao lại có thể có một phụ nữ nhà quê như thế, từ sắc diện, cách đi đứng, ăn mặc, cử chỉ đến cách ăn nói đều rất lạ. Phong nghi lắm nhưng không dám hỏi. Phong rất thú vị và thầm nhủ: Hóa ra không phải Phong là kẻ lừa dối đáng yêu mà chính ra là chị! Chị đáng yêu nhưng lại không muốn được yêu, chị rất dễ thương nhưng không thương dễ chút nào!
Bây giờ thì ta đã hiểu nhau rồi, chị đừng bận tâm nữa nghe! Phong mong là mình sẽ tiếp tục liên lạc thường xuyên để tâm sự và trao đổi với nhau về những dự định mà ta đã bắt đầu trong lần gặp gỡ vừa qua.
Rất tiếc là Phong phải dừng lại ở đây vì đã tới giờ đi hát.
Bây giờ là 2 giờ khuya. Phong vừa diễn xong vở cải lương hồ quảng Dương Quý Phi. Vừa về đến nhà là Phong tiếp tục viết thư này cho chị liền. Hồi trưa này vừa nhận được thư chị Phong đã viết trả lời ngay để chị khỏi trông.
Vở diễn hôm nay có đông khán giả, chật cả rạp! Khi nhìn xuống khán giả Phong thấy nhớ chị quá chừng! Phong nhớ dáng dấp của một cô gái trí thức tóc đen dài có đôi mắt to đen long lanh, nhớ đến phong cách nghiêm trang của ai khi theo dõi vở diễn và những tràng vỗ tay chân thành khuyến khích. Nói cho cùng vở diễn hôm nay không đúng như Phong mong muốn, nhưng vì thị hiếu khán giả và vì không có vở tuồng nào mới nên đành phải diễn đi diễn lại những vở tuồng thuộc thể loại này. Thú thật Phong thích diễn tuồng xã hội hơn. Nó gần gũi và “thật” hơn. Nhưng như chị đã khuyên, ta phải làm sao cho cải lương trở về sân khấu thì bước đầu phải hát những vở nào khán giả ưa chuộng, rồi sau đó mới nghĩ đến việc lèo lái cải lương tiến lên. Khán giả cải lương đại diện cho đa số người dân trong xã hội mà người đời thường gọi là “bình dân”. Khác với nhiều người phê bình cải lương, Phong thấy sự “bình dân” này, dù nhiều khi vì nó mà nhà hát thiếu sự yên lặng và nghiêm trang, nhưng nó nói lên sức sống, tâm tình, ưu tư, khát vọng của đám đông, vì cải lương là cho đại chúng chứ không phải cho một số ít người cho mình là có trình độ văn hóa cao nên xem thường cải lương. Chính vì tính quần chúng này mà cải lương đóng vai trò quan trọng trong các chương trình giải trí lành mạnh và có trách nhiệm trong việc giáo dục quần chúng, như có lần Phong đã được nghe chị nói.
Phong nói về mình nhiều quá phải không? Nhưng Phong cảm thấy và rất mong chị cũng thích đọc những dòng tâm sự này. Bây giờ đã ba giờ khuya rồi. Phải chi có chị ở bên Phong bây giờ để mình nói chuyện tới sáng nhỉ! Nhưng thế nào rồi chị cũng sẽ về lại Sài Gòn để mình thực hiện tiếp những đêm không ngủ nghe chị.
Hẹn chị ở thư sau. Chị nhớ hồi âm càng sớm càng tốt nghe!

Thân ái,
Lê Thanh Phong

















[/size]