Xóm xa vợ
08/12/2010 10:16
PN - Xóm Bàu Láng, xã Phổ Cường, H.Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi nằm sát chân núi, cách bệnh xá Đặng Thùy Trâm chừng 3km. Gặp tôi ở đầu xóm, bà Hoa vừa nói vừa cười: “Cô về năm ngoái, ông cứ than hoài chứ ở Sài Gòn thì cô làm cũng khá. Cô về, cho ông ấy đi Tây Nguyên hái cà phê cho người ta”. “Khá hơn cô bán vé số không?”. “Còn khuya. Cà phê thua cà pháo. Thế mà ổng không chịu về”. “Sao vậy?”. “Mày là đàn ông, có chịu cảnh suốt ngày nấu ăn và giặt đồ cho con không?”. Tất cả cùng cười. Nhưng, ông chồng bà Hoa chỉ là hiếm hoi “phản thùng”…
Tôi ghé nhà anh Bùi Mày. Con trai anh học lớp 2 đang đá bóng với đám bạn. “Ba cháu đi ăn giỗ”. “Nhớ mẹ không?”. “Đi hoài, nhớ gì”. Trẻ con không nhớ, nhưng chắc chắn cha nó thì nhớ vợ. Xóm chừng 60 hộ thì hai phần ba các bà vợ đi Sài Gòn bán vé số, bỏ lại các ông chồng ở nhà lo cơm nước, giặt giũ, chở con đi học và làm đồng. “Ai phát động chuyện này?”. “Ông Cấp. Đấy, ổng đấy. Dượng Sáu ơi có người tìm”.
Nhà ông khá khang trang. Một đám cháu nội, ngoại sáu đứa đang la hét. “Tao ngán cho đám cháu. Mẹ nó đi, để cháu cho thân già lo, nhưng biết làm sao, mình phải giúp con cái chứ”. “Bác gái đâu?”. Nghe đến đây, ông thả ly trà cái cạch xuống bàn. “Tao và bả là thương binh, đẻ bầy con bốn đứa. Nhà tao là nơi đầu tiên bày ra chuyện đi Sài Gòn kiếm ăn, cũng vì cơ cực. Nhưng bả đi chứ tao thì không, bỏ ruộng cho ai”. Ngồi bên cạnh là anh Hiến, con trai đầu. Vợ anh cũng vào Nam làm thuê. Một tháng vợ anh tích cóp gởi về khoảng ba triệu đồng, hơn hẳn ở nhà làm ruộng. Những khốn khó của nghề nông đã làm “tan nát” xóm làng.
Dân Quảng Ngãi “hành phương Nam” có hai món độc: vé số và mì gõ. Còn loanh quanh miền Trung thì dễ nhận ra họ với tấm bảng mang trên vai, lủng lẳng ví da, kính mát. Đất nghèo nhưng hiếu học. Hễ con đậu đại học là cha mẹ theo, mà phần lớn là mẹ. Đất ít, giá lúa bấp bênh, bệnh dịch gia súc quần đảo đâu đủ cho họ kiếm tiền cho con kiếm chữ, thế là một trong hai đấng sinh thành phải bứt ra. Con đâu mẹ đó, bán hủ tíu, vé số để con nộp học phí, ban ngày con lên giảng đường, mẹ lầm lũi mưa nắng bòn từng đồng, tối về nhường nhau chỗ nằm trong những căn nhà trọ chật chội. Ông Cấp thở dài: “Vào trong ấy thăm mới biết, cũng khổ cực lắm. Ba người mà nằm một chỗ nhỏ hơn chiếc chiếu. Ngán tới cổ, nhưng cuộc sống mà cháu”.
Sự cần cù, đức hy sinh, khả năng vượt khó của người miền Trung có lẽ khỏi bàn cãi. Nhưng, đi làm về mà nghe con la khóc, cơm nước chưa có, nhà cửa như bãi chiến trường trong khi vợ đi vắng, thì không phải người đàn ông nào cũng chịu đựng được. “Cũng ráng chịu thôi anh, miếng cơm manh áo rồi tương lai con cái - anh Hiến phân trần - sáng, 4g tôi đã dậy giặt đồ, nấu ăn, chở các con đi học rồi ra đồng, bận quá thì nhờ ông nội. Trưa, tối cũng vậy”. Bé Lý, con anh Hiến, học lớp 6, thay mẹ, giúp ba trông em. Con nhà khó, đảm đang có khác.
Tiền của người tha hương, đỡ đần cho kẻ ở quê khá nhiều. Cứ đến Tết, họ về, dồn một cục, cộng với sức người lam lũ ở nhà, xây nhà mới, nuôi con cái nên người. “Xóm này giàu thì không, nhưng đói là không có, con cái đều được học hành. Ước mơ làm cha làm mẹ chỉ mong vậy thôi cháu à”.
Trung Việt