Em thì cũng có nhiều chuyện khi đi xác minh muốn chia sẻ cùng cả nhà lắm. Xin bắt đầu từ chuyến đi Kon Tum vừa qua.
Nơi em đến trong chuyến đi ấy là xứ Hơ Moong thuộc tỉnh Kon Tum. Đến tận nơi, nhìn thấy tận mắt, nghe kể những câu chuyện từ chính những người dân nơi đây mới hiểu hết được cuộc sống của bà con vùng đất xa xôi đầy cách trở này.
Thông tin thêm về xứ Hơ Moong.
Nhấn vào đâyXứ Hơ Moong thuộc huyện Sa Thầy, giáp ranh biên giới Campuchia, gần ngã ba biên giới 3 nước Đông Dương. Là nơi tái định cư của hơn 5000 người dân, chủ yếu là dân tộc Rơ Ngao. Cách đây 5 năm, khi thủy điện Plêi Krông đi vào hoạt động, đồng bào dân tộc được di dời đến nơi ở mới, là những khu tái định cư với những ngôi nhà cấp 4 khang trang, với diện tích 70 mét vuông, nền nhà lát gạch bông, tường gạch, mái tôn vững chắc. Ngoài ra mỗi hộ còn được nhà nước đền bù một khoản tiền. Sau khi có tiền trong tay, nhà nào cũng sắm sửa đầy đủ tivi, đầu máy, dàn loa, xe máy...
Để rồi mấy năm sau … đến miếng ăn họ cũng còn không lo nổi.
Anh Hường, cha xứ ở làng Kơ Tu kể, có gia đình sau khi nhận được tiền đền bù của nhà nước thì mua liền một lúc 4, 5 chiếc xe máy. Khi đã sử dụng hết tiền đền bù thì xe máy cũng bỏ xó vì chẳng còn tiền mà đổ xăng. Có trường hợp vi phạm luật giao thông, bị cảnh sát giao thông giữ xe thì bỏ luôn vì chẳng còn tiền để mà đóng phạt chuộc xe ra. Thậm chí anh còn cho biết có gia đình đói ăn quá, chấp nhận đổi cả chiếc xe máy chỉ để lấy mấy bao gạo để cả nhà qua những bữa đói ăn.
Khó khăn lớn nhất với bà con nơi đây là họ không có đủ đất sản xuất, hoặc nếu chủ đầu tư khu tái định cư có khai hoang cấp đất thì đất cũng quá xấu, không thể canh tác được.
Chỉ vào một chiếc xe công nông hiếm hoi trên đường đang vận chuyển những bao sắn, anh Hường nói, đó là chiếc xe công nông duy nhất ở làng Kơ Tu này. Rất ít hộ biết dùng tiền đền bù của nhà nước để lo làm ăn, mà chủ yếu là lo sắm đồ và tiêu xài thoải mái.
Bà con ở đây sống thoải mái lắm, không lo nghĩ gì cả, mặc kệ dù ngày mai có chết đói đi chăng nữa thì hôm nay vẫn cứ phải nghe nhạc cho thỏa thích, uống cho say cái đã. Nghe anh nói mà giật mình, chẳng lẽ bà con nơi đây suy nghĩ hạn chế đến như vậy sao?
Có lên tận nơi mới thấy, bà con dân tộc nhận thức còn thấp quá. Có được tiền trong tay là họ thoải mái tiêu xài, sắm sửa, để đến khi thiếu ăn thì vội vàng bán hết những gì mình vừa mới có.
Nếu chỉ vô tình đi ngang qua những dãy nhà tái định cư khang trang như thế này mà không vào tận nơi để tìm hiểu thì có lẽ không bao giờ tôi có thể biết được cuộc sống của bà con nơi đây lại nhiều khó khăn bất cập đến thế.
Có một điều lạ nữa tôi chợt nhận ra trên đường đi là trẻ con trong làng rất nhiều. Anh Hường cho biết, nhà nào trung bình cũng 5, 6 đứa. Đó là trung bình, chứ có nhà còn nhiều hơn. Trời đất, vậy là lại thêm một khó khăn nữa với đồng bào dân tộc mà cũng chỉ vì do kém hiểu biết mang lại. Con cái đông, mà đất sản xuất thì thiếu, họ lấy gì lo cho những đứa trẻ ấy bây giờ.
Trước mỗi nhà đều có 1 đám trẻ con người gầy gò, đen nhẻm đang chơi đùa với nhau, tôi tự hỏi liệu miếng ăn hàng ngày mà họ còn không lo nổi thì những đứa trẻ này sẽ được chăm sóc như thế nào.
Trên đường trở về TP. Kon Tum, anh Bymyside4 có hỏi tôi một câu: “Không biết khi nào thì ở cái làng này mới có một đứa đi học đại học nhỉ ?” Câu hỏi này khó trả lời quá. Giá mà tôi biết được câu trả lời thì hay biết mấy.
Tạm biệt làng Kơ Tu, chúng tôi ra đi trong những ánh nhìn tò mò của bọn trẻ con trong làng. Nhìn trong mắt chúng, tôi thấy một tương lai thật xa vời, một tương lai khi mà bọn trẻ không còn lo đói ăn, khi mà đứa nào cũng được đi học, được chăm lo đầy đủ như những người bạn đồng trang lứa ở miền xuôi.
Giảng đường đại học ư ? Liệu có phải là giấc mơ của bọn trẻ con làng Cơ Tu...
Blue_Gem