Tác giả Chủ đề: MÀU THIÊN ĐƯỜNG  (Đã xem 2459 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Ngủ rồi bymyside4

Trả lời #4 vào: 22-01-2011 20:55:26
Đọc câu chuyện của Bạn làm mình nhớ lại 1 câu chuyện ,mình nghĩ sao thì viết vậy heng .  Xin chia sẻ cùng bạn .

Cô giáo :
Con thích búp bê màu hồng hay màu trắng hơn vậy   ?
Em bé :
Con thích búp bê màu hồng  hơn
Cô giáo :
Sao con lại thích búp bê màu hồng hơn vậy ?
Em bé :
Con không biết nữa ,nhưng con thích có búp bê màu hồng hơn
 Cô giáo :
Uh ,Vậy lúc nào đó sẽ mua búp bê màu hồng heng !  
Bây giờ chúng ta ngồi tô tranh cát nha Con ,Con thích không ? Cô sẽ lấy cho Con 1 bức tranh rồi mình sẽ tô nha ?  
Rồi ,Cô lựạ  cho Con một bức rồi ,bây giờ mình cùng tô nào .
Em bé  :
Con thích tô lắm ,Con tô chỗ này trước heng  Cô .
Cô giáo :
Uh,Con tô con Chó trước đi  heng ,cho nó màu vàng đi  .
Từ từ thôi heng ,rồi chuyển sang ngôi nhà nha
Em bé :
Hi,con đang tô đây , Con thích lắm . Ngôi nhà màu đỏ nha Cô
Rồi mình sẽ tô gì nữa đây Cô ?
Cô giáo :
Con tô hoa ,rồi tô cái cây nè ,từ từ kẻo lem sang chỗ khác đó .
…..
Hai Cô trò cứ ngồi thế ,cứ hỏi qua hỏi lại , tô hết thứ này qua thứ khác ,quên đi mọi thứ xung quanh để hoàn thành bức tranh của mình .
Bức tranh cát với đủ màu sắc ,xanh đỏ tím vàng lẫn lộn  . Chúng pha trộn vào nhau không ra hình dạng gì cả . Ai không nhìn thấy hai cô trò tô thì thấy nó xấu xí lắm . Nhưng với cô giáo và em bé bức tranh thật đẹp ,thật nhiều màu sắc  . Nó có ngôi nhà ,có hoa ,lá  và những con vật nữa ,thật đẹp !

Em bé hơn năm tuổi và chưa một lần được nhìn thấy ánh sáng  .
Mình nghĩ em bé cũng đã vẽ ra được một bức tranh cũng có màu  giống với  màu thiên đường của Bạn phải không ? :)

Cảm ơn Bạn về câu chuyện   \\\" Màu thiên đường \\\".

 


Ngủ rồi lehung73

  • Thành Viên Gắn Kết
  • Người Tôi Cưu Mang
  • ****
  • Bài viết: 1.622
  • Thanked: 93 times
  • Thích 1
  • Giới tính: Nam
Trả lời #3 vào: 22-01-2011 19:35:27
Khi ta sống những ngày vui vẻ và bình thường ,nào ai lo lắng và nghĩ tới phải đối mặt như thế nào với những đau khổ của bất hạnh.để rồi ta suy sụp và có thể chối bỏ cả bản thân mình khi đối diện với thực tại bất hạnh kéo đến..phúc cho ai những giây phút này nhìn lại đc sự đáng quý của của cuộc sống.ý nghĩa thật sự của cuộc đời..cuộc đời ko quan trọng là dài hay là ngắn.mà là ta đã làm đc gì cho ta,cho người ..cám ơn Lano .em đã viết một câu chuyện hay và xúc động.
Anh tin rằng bé
Tuấn Anh  sẽ rất thanh thản khi nhắm mắt,và trên cao của thiên đường.Thiên thần nhỏ sẽ vui khi thấy em ra đi ko vô ích ,vì từ đây những bàn tay đã biết nắm chăt lấy nhau..ước nguyện của bé.Màu Thiên Đường  :)

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương.
 


Ngủ rồi thaispkdkc

  • Tích Cực
  • **
  • Bài viết: 152
  • Thích 0
Trả lời #2 vào: 22-01-2011 15:19:38
Màu thiên đường thật đẹp, hi vọng bé Tuấn Anh sẽ tiếp tục ước mơ với màu thiên đường của mình. Cám ơn lano thật nhiều vì bài viết này! Rất xúc động.

 


Ngủ rồi lano

  • Thành Viên
  • *
  • Bài viết: 39
  • Thích 0
Trả lời #1 vào: 22-01-2011 14:46:31
Tuấn Anh hướng mặt về phía tôi, trán nhăn lại, miệng mím chặt tỏ ý nghi  ngờ. Dù biết cậu bé không nhìn thấy nhưng tôi vẫn cười thật dịu dàng, giá nhìn thấy nụ cười của tôi, ắt hẳn mọi hoài nghi trong cậu sẽ tan biến hết.
-   Cháu có thể vẽ tranh thật ư? – Tuấn Anh hỏi lại tôi lần thứ 5.
-   Thật chứ, thậm chí cháu sẽ vẽ rất đẹp! – Tôi xoa đầu cậu bé, cái đầu đã trọc lóc nhẵn thín sau tám lần hóa trị.
Tuấn Anh lại tỏ vẻ suy nghĩ. Mười một tuổi, mỗi lần suy nghĩ, khuôn mặt cậu hệt như ông cụ non.
Đôi mắt Tuấn Anh đã mù hẳn, hậu quả của ung thư não giai đoạn cuối. Nhưng vẻ linh lợi trên khuôn mặt ngây thơ không hề mất đi. Cậu bé khiến tôi nhớ tới khuôn mặt bé bỏng thánh thiện trong bức tranh “Đức mẹ và Chúa hài đồng” của Leonardo De Vinci. Với đôi má bầu bĩnh, sống mũi thẳng nhỏ nhắn và cái miệng chúm chím, nhìn cậu bé như một thiên thần.
Thiên thần của tôi thường ngồi trầm ngâm bên cửa sổ giường bệnh, mặt hướng ra ngoài dù chẳng thấy gì. Cậu bé im lặng theo dõi từng động tĩnh xung quanh. Tạo hóa lấy đi cái này thì sẽ cho lại cái khác tốt hơn, Tuấn Anh không nhìn được, nhưng cậu có khả năng nghe cực nhạy. Cậu phân biệt được tiếng bước chân của từng người. Ban đầu, tôi cũng kinh ngạc vì cậu bé gọi đúng tên mình khi vừa bước tới bên cạnh.
-   Cô Nguyên ơi, cái hồ sen ngoài kia còn hoa không?
Tôi đưa mắt nhìn ra ngoài. Từ giường Tuấn Anh nhìn ra cửa sổ sẽ thấy một hồ sen nhỏ nằm giữa sân bệnh viện. Bây giờ đã đầu thu, sen đã tàn hết. Nhưng không hiểu sao tôi chẳng muốn thông báo cái tin là sen trong hồ chỉ còn lại mỗi đài hoa cho thằng bé. Tôi bịa chuyện:
-   Ồ, sen nở rộ khắp hồ đấy Tuấn Anh ạ! Có bông màu hồng, có bông màu trắng, đẹp lắm! Cô hái cho cháu một bông nhé!
Cậu bé lắc đầu:
-   Đừng hái cô ạ! Để vậy ngắm mới đẹp! Giá mà cháu nhìn thấy, cháu sẽ vẽ một bức tranh.
Một câu nói lừa phỉnh nữa sắp tuôn ra khỏi cổ tôi đã bị lời của Tuấn Anh chặn lại. Tôi nhìn cậu bé. Khuôn mặt bình thản đến lạ lùng. Hình như đôi môi thoáng chút phụng phịu. Tôi ngồi xuống bên cạnh, nhẹ nhàng cầm lấy bàn tay gầy gò xanh xao đầy những vết bầm vỡ ven vì kim tiêm của cậu bé. Tôi muốn nói một lời an ủi, nhưng không biết nói thế nào.
-   Cô ơi, con còn có thể vẽ tranh không cô?
Tuấn Anh quay sang tôi hỏi. Lạy Chúa, may mà cậu bé không nhìn thấy sự bối rối của tôi trước câu hỏi ấy. Tôi thấy mắt mình nhòa đi. Phải đến hai phút, tôi mới trả lời được.
-   Có thể chứ! Ludwig van Beethoven bị điếc mà vẫn chơi đàn rất hay đấy thôi!
-   Cái ông nhạc sĩ người Đức mà hôm trước cô kể cho cháu nghe ấy hả cô? Nhưng cháu chả cần nổi tiếng như ông ấy, cháu chỉ cần có thể vẽ được tranh, nhìn được các màu sắc như trước đây là được rồi!
Tôi xoa tay Tuấn Anh trong tay mình, im lặng vì bất lực. Làm sao tôi có thể giúp cậu bé bây giờ? Ngày hôm qua, chính tôi tình cờ nghe thấy bác sĩ thông báo với mẹ Tuấn Anh, cậu chỉ còn ba mươi ngày để tồn tại trên cuộc đời này.
Người mẹ, khuôn mặt được trang điểm rất kĩ, khi đó dúi vào tay bác sĩ một phong bì dày cộm. Tôi đoán trong ấy toàn những tờ polime mệnh giá cao nhất. Nhưng vị bác sĩ đeo kính trắng phúc hậu kia lắc đầu. Tôi nghe rõ từng lời ông ấy nói với người đàn bà quý phái:
-   Điều bà cần làm cho con trai bà lúc này, là hãy yêu thương nó, chứ không phải chi tiền cho tôi!
Bác sĩ đi rồi, người mẹ đút vội phong bì vào túi xách da báo sang trọng đeo bên sườn. Bà ta lướt qua tôi, sải bước nhanh về phòng Tuấn Anh, nhìn cậu bé nằm thiêm thiếp trên giường qua cửa sổ giây lát rồi rảo thẳng ra cồng bệnh viện. Tôi hụt hẫng tự hỏi nếu Tuấn Anh biết mẹ mình thờ ơ bước qua như thế thì sẽ phản ứng ra sao? Nhưng rồi tôi tự an ủi mình, may mà Tuấn Anh không nhìn thấy.
Bố Tuấn Anh chiều qua vào thăm cậu bé. Người đàn ông có khuôn mặt phúc hậu ôm chặt con trai trong tay, hôn hít khắp người nó và hỏi đủ điều.
-   Mẹ có hay vào thăm con không?
Tuấn Anh vòng đôi tay bé nhỏ qua cổ bố, nũng nịu lắc đầu. Trên khuôn mặt thiên thần, tôi nhìn thấy niềm hạnh phúc ruột thịt đang lan tỏa. Hình như cậu bé gần gũi bố hơn là mẹ.
-   Sao cả bố và mẹ không cùng vào thăm con?
Tuấn Anh hỏi và ngước mắt nhìn bố, đôi mắt phủ kín màu trắng đục vô hồn.
-   Khi nào thuận lợi bố mẹ sẽ cùng vào! – Người bố hôn lên tóc con, trầm giọng.
Tôi bước đến nhẹ nhàng và đứng ngoài cửa sổ, len lén nhìn hai bố con Tuấn Anh. Tôi không muốn phá vỡ những giây phút vui vẻ hiếm hoi mà cậu bé có được.
-   Cô Nguyên, cô vào đây đi! – Tuấn Anh gọi khi nghe tiếng bước chân của tôi – Rồi cậu bé quay sang bố - Cô ấy thương con lắm bố ạ, cô ấy kể chuyện hay nữa!
Bố cậu bé nhìn tôi, gật đầu:
-   Nghe nói cô hay sang chăm sóc cho cháu Tuấn Anh, tôi rất cảm ơn! Chúng tôi bận công việc quá nên không vào thăm cháu thường xuyên được.
Tôi khẽ cười, không nói gì, cũng không hỏi thêm gì. Tuấn Anh đã kể cho tôi nghe về ga đình của cậu. Bố mẹ li thân. Người anh sinh đôi tên Hùng Anh sống với mẹ, Tuấn Anh sống với bố. Cậu bé kể những chuyện đó cho tôi với giọng nói trầm trầm, không buồn không vui. Có thể khi đã quá buồn rồi, cậu bé không thể buồn thêm nữa chăng?
Bố Tuấn Anh về rồi, cậu bé lại ngồi trầm ngâm bên cửa sổ. Tôi không biết cậu bé nghĩ gì. Nhưng tôi không chịu đựng được trước thái độ bình thản ấy, thà Tuấn Anh  khóc lóc, than thở hay nhõng nhẽo tôi sẽ thấy nhẹ nhõm hơn. Tôi thấy mình vô lí. Tôi và cậu bé chẳng dây mơ rễ má, tại sao tôi lại thấy nhói đau trong lồng ngực mỗi khi nghĩ đến cái chết đã được định trước của thiên thần bé bỏng ấy? Phải chăng đó là mối liên hệ giữa những con người yếu đuối  đang từng giờ đối mặt với Tử thần?  
Mỗi ngày, sau khi ra khỏi giường bệnh, tôi lại qua phòng chăm sóc đặc biệt. Bốn bức tường trong phòng cậu bé treo đầy tranh, toàn của cậu tự vẽ. Trước khi nhập viện, Tuấn Anh là học sinh xuất sắc nhất của lớp vẽ ở một trường danh tiếng trong thành phố. Ai cũng nói cậu bé có tài năng thiên bẩm này sẽ làm rạng danh nền hội họa đất nước nay mai. Nhưng số phận an bài rồi, cuộc đời cậu bé phải rẽ sang hướng khác khi bị chẩn đoán ung thư não giai đoạn cuối.
Tôi đoán là Tuấn Anh khó ngủ, bởi khi tôi đến, cậu bé đã ngồi bên cửa sổ hướng mặt ra ngoài.
Nghe bước chân tôi, cậu bé lên tiếng mà không quay lại:
-   Đêm qua cháu mơ thấy thiên đường đấy cô ạ!
-   Thật vậy ư? – Tôi hỏi và thấy lòng gợn lên một chút lo lắng, những người sắp chết thường có những giấc mơ kì lạ.
-   Cháu định vẽ một bức tranh về thiên đường – Tuấn Anh nói – Nhưng cháu không biết nên dùng màu gì để vẽ, cháu quên mất màu sắc rồi cô ạ!
Tôi cười, đặt một cái hôn lên vầng trán đã sưng phồng lên của cậu bé rồi ngồi xuống bên cạnh. Thiên thần của tôi hôm nay mặc bộ đồ màu xanh biển bằng lụa mỏng. Cô y tá chăm sóc cậu bé thật khéo chọn, bộ quần áo làm cho vóc hình Tuấn Anh trông bớt tiều tụy hơn.
-   Tuấn Anh này, cô  sẽ mua cho cháu một giá vẽ và hộp màu nhé?
-   Mẹ hứa sẽ mua cho cháu từ ba hôm trước, nhưng hôm nay vẫn chưa thấy mang vào! – Tuấn Anh nói, tôi tưởng cậu bé đang giận dỗi, nhưng thực ra là không.
-   Chắc mẹ bận công việc, để lát nữa cô mang giá vẽ qua cho cháu nhé!
Tuấn Anh gật đầu và nhoẻn một nụ cười. Tôi biết cười là cử chỉ khó khăn nhất của bệnh nhân u não, bởi khi cười, cơn đau lại ập đến. Nhưng thiên thần của tôi không hề tỏ ra đang bị đau. Cậu bé xoay người nằm xuống và khẽ bảo:
-   Cháu buồn ngủ lắm, cháu ngủ một chút. Chiều cô mang giá vẽ qua cho cháu nhé! Cháu muốn vẽ một bức tranh thiên đường.
Như đã hứa, tôi để yên cho Tuấn Anh ngủ. Tôi ôm giá vẽ đợi cậu bé ngoài hành lang.
Tuấn Anh vừa tỉnh giấc đã gọi tôi:
-   Cô Nguyên ơi! Cô đưa cháu ra cạnh cái hồ sen nhé! Cháu sẽ vẽ ở đó!
Tôi bế cậu bé một bên tay, thiên thần của tôi nhẹ bẫng. Một tay cầm giá vẽ nhỏ và túi màu, hai chúng tôi tiến về phía hồ sen của bệnh viện.
Hoa tàn hết, chỉ còn những tán lá xanh phủ kín mặt nước và vài đài sen sót lại trên hồ. Tôi không có ý định nói dối Tuấn Anh lần thứ hai nên hy vọng là cậu bé đừng bắt tôi đếm xem trên hồ có bao nhiêu bông sen để vẽ.
-   Cô đã đặt giá vẽ cho cháu chưa?
-   Rôi, để cô chỉ cho cháu nhé!
Tôi cầm tay Tuấn Anh, đặt lên giá vẽ trước mặt. Tuấn Anh rờ rẫm chung quanh để định hình. Rồi cậu bé lại cầm bảng màu, nắn thử từng cây cọ. Một lát, cậu bé quay sang hỏi tôi:
-   Cô ơi, thiên đường có màu gì?
Tôi bất ngờ trước câu hỏi của Tuấn Anh, ấp úng một lúc, tôi đành thú thật:
-   Cô cũng không biết nữa, cô chưa bao giờ mơ thấy thiên đường cả!
Tôi định rằng, cô từng nghĩ đã chạm được thiên đường, nhưng kể từ khi vào bệnh viện này, cô chẳng màng tới nó nữa. Nhưng tôi đã kiềm lại được. Tuấn Anh mới mười một tuổi, không nên để cậu bé biết rằng tôi đã tuyệt vọng. Bệnh tật đưa tôi đến với vạch số 0 của cuộc đời, không hy vọng, không ước mơ, không định hướng. Tôi muốn chết khi chồng tôi dẫn đứa con nhỏ ra khỏi nhà, anh nói đời anh còn dài, anh phải kiếm tìm hạnh phúc mới và không thể vì tôi thêm nữa.
Nhưng gặp Tuấn Anh, tôi lại thôi ý nghĩ ngu xuẩn đó. Cậu bé đã cho tôi biết thế nào là lòng kiên cường khi phải đối mặt với cái chết để giữ lấy sự sống qua thái độ bình thản tự tại của mình. Hình hài bé nhỏ kia gánh nỗi đau còn nặng gấp nhiều lần tôi. Cha mẹ bỏ rơi, về mặt tinh thần, và cả tuổi đời còn quá ít.
-   Cô để cháu ở một mình, bao giờ vẽ xong cháu gọi cô nhé?
Tuấn Anh đề nghị, và tôi đành đồng ý, tôi không muốn làm cậu bé phật lòng.
Tôi đi dạo loanh quanh gần đó và suy nghĩ về đủ thứ. Tôi gặp Tuấn Anh đã được bốn tháng mười hai ngày. Và có thể hai mươi chín ngày nữa, chúng tôi phải tạm biệt nhau. Giá mà tôi có thể làm gì đó để thay đổi điều này, tôi không muốn thiên thần của tôi phải ra đi sớm như vậy. Nước mắt rớt xuống môi mặn chát. Tôi nắm chặt hai bàn tay, tự mắng mình yếu đuối. Cái chết là sự giải thoát cho mọi đau đớn, tại sao tôi lại muốn Tuấn Anh phải đau đớn hơn nữa? Cậu bé đã từng lên cơn co giật, đã từng phải nằm sấp quằn quại rên la vì hóa trị thẳng tủy sống. Nhưng cậu bé không khóc. Tại sao lại kiên cường đến vậy Tuấn Anh? Giá mà tôi có thể nhường cậu bé tất cả thời gian còn lại của tôi. Ít ra cậu bé cũng còn vài năm để vẽ tranh, bởi đó là ước mơ lớn nhất của cậu. Tình thương con người thật kì lạ, tôi cảm thấy Tuấn Anh như một phần máu thịt của tôi vậy.
Có tiếng xôn xao phía hồ sen, tôi hoảng hốt quay lại. Ai đó đang bế thốc Tuấn Anh chạy thẳng về phòng cấp cứu. Tôi quýnh cả chân không đi nổi. Đã xảy ra chuyện gì rồi. Tôi tự trách mình, tại sao lại để Tuấn Anh một mình chứ? Tôi thấy ngực đau tức. Khối u di căn nơi xưng ức nhói lên tê buốt. Tôi quỵ xống. mắt mờ đi. Tôi gọi với theo, kiệt sức:
-   Tuấn Anh!

*

Tôi tỉnh dậy trong phòng bệnh, ngạc nhiên thấy mình còn sống. Cửa sổ mở toang, ánh sáng đầu ngày tràn vào ấm áp, máy điện tâm đồ chạy tin tin bên cạnh. Tay chân được nẹp kĩ vào thành giường. Lủng lẳng trên đầu là chai hóa chất được bọc giấy đen cẩn thận. Tôi chưa kịp gọi thì đã có người bước vào. Người phụ nữ có khuôn mặt nhợt nhạt vì không trang điểm. Bà ta cầm theo một bức tranh loang lổ màu sắc.
-   Cô là Nguyên? – Bà ta hỏi, nhìn tôi bằng ánh mắt đau khổ.
Tôi khẽ gật đầu. Người phụ nữ quỳ sụp xuống bên cạnh, nức nở.
-   Tuấn Anh đi rồi, Nguyên ơi! Nó gửi lại cho chúng ta cái này đây!
Tôi gượng nhìn bức tranh trên khổ giấy 30 nhân 40 trải ra trên ngực mình. Một bông hoa sen màu xanh, bốn năm bàn tay đủ màu xanh đỏ tím vàng lẫn lộn đang nắm chặt nhau thân thiết. Những khuôn mặt cười tươi, những dòng chữ ngệch ngoạc ghi tên năm người, trong đó có tên tôi. Cuối bức tranh, có dòng chữ xiêu vẹo màu đỏ: “Màu Thiên đường con không vẽ được, nhưng màu đó có trong ánh mắt yêu thương mọi người nhìn con. Tuấn Anh vĩnh biệt!”
Mẹ Tuấn Anh gục đầu khóc bên giường tôi, bà nấc lên từng tiếng:
-   Tôi có lỗi với Tuấn Anh! Vì giận bố nó mà tôi không quan tâm tới nó, tôi là người mẹ chẳng ra gì!
Tôi không khóc, tôi bảo mẹ Tuấn Anh hãy treo bức tranh của cậu trên đầu giường của tôi. Đó là bức tranh đẹp nhất mà tôi từng thấy. Bà ta lặng lẽ làm theo. Đến lúc ra về, bà nhìn tôi thật lâu rồi thông báo:
-   Cả nhà tôi đã về bên nhau, chúng tôi sẽ làm lễ ba ngày cho Tuấn Anh vào ngày mai, cô phải khỏe để tới dự nhé!
Tôi khẽ gật đầu.
Người mẹ đi rồi, tôi mới òa khóc. Nước mặt lăn qua thái dương, ngấm ướt gối.
Màu của thiên đường tôi đã thấy rồi, thấy qua đôi mắt mù lòa từ cậu bé của tôi.
Nhưng sao lòng tôi nặng trĩu thế này?
Tại sao thiên thần của tôi phải đánh đổi mạng sống để chúng tôi được nhìn thấy nó?
Tôi muốn đạp tan mọi thứ, muốn gào lên:
 “Không, hãy trả thiên thần lại cho tôi! Hãy trả thiên thần lại cho tôi!”
Nhưng tôi không làm thế, tôi biết Tuấn Anh đã mãn nguyện rồi. Cuối cùng, bố mẹ cậu cũng đã nhận ra, đâu là thiên đường. Và cậu bé tội nghiệp của tôi cũng đã được giải thoát khỏi thế tục khổ đau mà cậu bình thản chấp nhận bấy lâu.
Đó là hồng ân của số phận chăng?
Lano