Người yêu người sống để yêu nhau...\\\" Ta xót xa trước những cảnh đời bất hạnh. Ta rơi nước mắt khi đọc những dòng tin về cái chết, về bị thương. Ta ám ảnh khi biết có những người từng ngày càng tiến gần hơn đến vực thẳm. Và chắc chắn, ta sẽ rất day dứt khi có những việc trong tầm tay mà vì lý do nào đó, ta chần chừ, để đến một ngày hối hận thì đã muộn. Sự sống... Ngắn. Và có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào! Nhất là với những người không được quyền tự định đoạt cuộc sống của mình. Ở ngay rất gần chúng ta, có những người như thế...
Như là em Phan Quốc Thắng - học sinh trường Quốc Học, gia cảnh rất khó khăn, tính mạng em hiện như ngàn cân treo sợi tóc. Các bạn, là cựu học sinh Quốc Học, là người Huế, là bạn của Tiếp Lửa Tài Năng, hay chỉ là đang đọc những dòng này, xin bạn đọc kỹ bài báo dưới đây, và làm ơn, giúp em những gì có thể...
(Dân trí) - Nhận tin báo của BS Tô Hưng Thụy, BV TƯ Huế về trường hợp một HS lớp 11 mắc căn bệnh lạ có khả năng đột tử bất cứ lúc nào, mà hoàn cảnh gia đình khó khăn đến nỗi mẹ em phải xin cho em vào ở trại trẻ mồ côi.
Theo BS Thụy, bệnh nhân là cháu Phan Quốc Thắng (SN 1994), hiện đang là HS lớp 11 trường THPT chuyên Quốc Học Huế. Em vào viện Trung Ương Huế ngày 27/2/2011 vì mệt ngực và ngất, điện tâm đồ có hội chứng Brugada.
Bệnh này chiếm gần 50% những trường hợp đột tử ở những người có cấu trúc tim bình thường. Bệnh có thể xảy ra trên thanh niên ở mọi nơi trên thế giới, nhưng khá phổ biến ở nhóm những thanh niên khu vực Châu Á và Đông Nam Á. Từ lâu, người Thái đã đặt tên cho bệnh là Lai Tai, người Philipines gọi bệnh là Bangungut, người Nhật đặt tên bệnh là Pokkuri... đều có nghĩa là đột tử vào ban đêm ở những thanh niên.
“Một điều rất nguy hiểm là khi chúng tôi kích thích thăm dò điện sinh lý ở Thắng thì gây cơn nhịp nhanh thất rất dễ dàng. Đây là một dấu hiệu chứng tỏ cháu đang mắc hội chứng Brugada nặng. Nếu từ 1 đến 2 lần ngất nữa có thể cháu sẽ bị đột tử” - BS Thụy cho hay.
Phan Quốc Thắng trong lần điều trị do ngất cách đây 2 tuần ở BV Trung ương Huế đã được các BS phát hiện hội chứng Brugada nặng
Bệnh lần đầu tiên phát hiện năm 1986 trên 1 bệnh nhi người Ba Lan, được đặt tên theo 3 anh em nhà Bác sĩ họ Brugada. Tỷ lệ đột tử do bệnh trong cộng đồng là 26 đến 38 trường hợp trong 100.000 dân mỗi năm. Tỷ lệ này ở Lào cao hơn :1 trường hợp trong 1000 dân mỗi năm. Riêng ở BV Trung ương Huế trong hàng chục năm qua chỉ tiếp nhận 20 bệnh nhân, trong số đó gần 1 nửa đã chết.
“Thêm vào đó, hội chứng Brugada là bệnh về kênh ion natri của tế bào cơ tim di truyền trong gia đình, do gene SCN5A gây các rối loạn nhịp thất ác tính như nhanh thất và rung thất gây đột tử ở những người trẻ tuổi hoặc trung niên. Em Thắng có tiền sử gia đình bố là Phan Văn Thanh đã đột tử vào năm 2006 khi mới 43 tuổi vì hội chứng Brugada. Trước đột tử vài ngày bố em cũng có triệu chứng tương tự ngất rồi tỉnh lại. Sau đó 5 ngày bệnh nhân đột tử luôn trong đêm khi đang ngủ. Vì vậy em đang mang căn bệnh này theo gene di truyền từ bố, có thể Thắng đã bị bệnh từ lâu nhưng nay mới bùng phát, rất nguy hiểm cho tính mạng”.
BS Nguyễn Cửu Lợi, Trưởng khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch, BV Trung ương Huế trao đổi: “Đây là trường hợp đầu tiên một cháu trẻ tuổi có triệu chứng về bệnh Brugada. Cháu có thể chết bất cứ lúc nào kể cả khi không bị những rung động mạnh về tâm lý hay thể chất. Vì vậy, tính mạng của cháu có thể nói là ngàn cân treo sợi tóc. Cách duy nhất để chữa căn bệnh là phải cấy máy phá rung ICD vào ngực (trị giá khoảng 200 triệu đồng) chứ không thể phẫu thuật hay cho uống thuốc được. Chúng tôi đã liên hệ với BS Nguyễn Viết Nhân, BV ĐH Y Dược Huế - người chuyên giúp đỡ cho các trường hợp tim khẩn cấp và đã được hứa giúp 20 triệu. Chúng tôi rất hy vọng báo Dân trí, bạn đọc và các nhà hảo tâm giúp cháu vì trễ ngày nào là nguy hiểm ngày ấy”.
Qua buổi làm việc với lãnh đạo trường THPT chuyên Quốc Học, chúng tôi được biết Thắng có hoàn cảnh rất khó khăn.
Mẹ em, chị Lê Thị Hiếu sinh sống tại Cụm 7, thôn Thủy Thanh Chánh, xã Thủy Thanh, Hương Thủy phải nuôi một người anh trai của Thắng là Phan Quốc Việt sinh năm 1992 đang học năm thứ 1 Đại Học Bách khoa Đà Nẵng, và cậu em là Phan Mạnh Tùng sinh năm 2003.
Chị Hiếu hiện đang là công nhân công ty CP gạch Tuynel TT-Huế với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Sau khi chồng chết, chị không còn đủ khả năng nuôi con nên đã
gửi Thắng vào sống ở trại mồ côi số 140 Nguyễn Trãi, TP Huế.
Ba mẹ con trong căn nhà đã không còn người cha
Cô giáo chủ nhiệm Trần Thị Hiền lớp 11/5 nơi Thắng theo học trao đổi “Em Thắng là một trường hợp đặc biệt sống ở trại mồ côi vì mẹ em không nuôi nổi cả 3 anh em, nhưng em rất có ý chí phấn đấu trong học tập. Thật sự khi nghe được tin này, chúng tôi đã rất buồn vì em luôn vui tươi, hòa nhã với bạn. Có vài lần trong năm học, em kêu mệt rồi xin nghỉ nhưng khi đó tôi chưa biết bệnh của em”.
Thầy Nguyễn Phước Bửu Tuấn, Hiệu trưởng THPT chuyên Quốc Học Huế nói: “Tôi sẽ tìm cách báo gấp với các bạn trong lớp Thắng và trước toàn trường, huy động sự giúp đỡ của toàn thể giáo viên, học sinh để có kinh phí phụ giúp Thắng được mổ. Hiện Thắng sẽ được miễn học thể dục để tránh bị ngất do mệt”.
Chị Hiếu, mẹ cháu Thắng đi đón Thắng ngoài trường sau khi biết tin cháu bị hung bệnh đã vào gặp chúng tôi. Chị nghẹn ngào nói: “Khi chồng mất, tất cả mọi gánh nặng đổ lên đầu em. Phải nuôi mẹ chồng già và 3 con, em không đủ sức nên mới gạt nỗi đau lên Huế xin Thắng cho vào trại trẻ mồ côi. 2 tuần trước, nghe con ngất xỉu phải nhập viện, em bỏ việc chạy lên thăm con mới nghe các bác sĩ nói cháu bị bệnh như cha vậy. Bệnh cháu có khả năng chết nếu lên cơn ngất đột ngột. Với số tiền quá lớn, em không biết làm gì hơn. Tiền em không đủ, nếu cháu cần gấp chắc phải xin mẹ chồng bán căn nhà ở quê để chữa cho con anh ơi”.
Nước mắt người mẹ đau xót vì con mắc bệnh hiểm nghèo
Thắng cho biết thời gian ở trong trại mồ côi em phải cố gắng hết sức để học dù môi trường phức tạp, không mấy ai học nên em phải tự động viên mình để học tốt. Kết quả 1 năm rưỡi cấp 3 em được loại khá “cứng”. “Hiện ước mơ em là thi vào ĐH Bách khoa Đà Nẵng để đỡ gánh nặng cho mẹ. Dù biết mắc trọng bệnh và có vài lần mệt từ đầu năm 2011 trở lại, nhưng em phải cố gắng học tốt để đậu đại học”, đôi mắt Thắng vẫn ánh lên niềm hy vọng.
Những ngày này chị Hiếu buổi sáng đưa Thắng bằng xe máy lên Huế học, chiều chị lại tới chở con về nhà để lo cho con ăn no và có sức khỏe. Người chị gầy xọp đi vì lo lắng. Hiện gia đình em Thắng vẫn chưa tìm ra cách để có tiền chữa chạy cho em, trong khi chỉ cần 1-2 lần ngất do bệnh gây ra đột ngột là em có thể từ giã cõi trần bất cứ lúc nào.