Hôm nay, tôi muốn ngồi với NGƯỜI TÔI CƯU MANG lâu một chút. Tôi ít thời giờ quá. Thực sự là thế, và có thể thời giờ chỉ là một cái cớ bởi vì người Pháp có câu «Vouloir, c’est pouvoir» - «Muốn là được». Hôm nay, tôi muốn ngồi xuống hẳn hòi và đọc tới nơi tới chốn một bài viết của NGƯỜI TÔI CƯU MANG chứ không ngồi ngấp nghé và đọc phiên phiến như vẫn. Tại sao hôm nay? Tôi không rõ. Và, mỗi khi không tìm ra được lời giải thích cho một chuyện gì đó, tôi ưa nghĩ đến chữ duyên.
Nhờ duyên, hôm nay tôi vào mục Đọc Và Ngẫm, ngồi xuống với bài viết của tác giả HMHai về chuyện phạm lỗi, xin lỗi và tha lỗi. Tôi ngồi lâu hơn dự định. Ngồi thêm sau khi đã đọc xong, để ngẫm. Và ngồi tiếp sau khi ngẫm, để viết.
Trước hết, tôi mở cửa gian phòng mang tên Phạm Lỗi. Vừa bước vào đã hết hồn hết vía, tối tăm mặt mũi, thần hồn nát thần tánh, ba chân bốn cẳng chạy ngược trở ra, vừa chạy vừa la bai bãi : «Em chả!». Nhớ thuở bé, mẹ tôi hay kể câu chuyện người kia có hai chiếc túi ; một chiếc dùng để bỏ hột đậu đen vào khi anh ta tự thấy mình làm điều trái, chiếc kia để cho vào hạt đậu đỏ khi làm điều phải, lâu lâu giở ra đếm xem túi nào nhiều đậu hơn đặng mà kiểm thảo và điều chỉnh. Tôi chưa bao giờ làm được như người này cả vì tôi thấy việc anh ta làm là một đặc nhiệm bất khả thi. Lúc bé, ăn chưa no lo chưa tới, làm sao hiểu biết hết được tất cả các nguyên tắc, quy định, lề luật đặng mà chọn đậu đen hay đậu đỏ. Có chuyện rõ ràng như lén mẹ ăn kẹo trước giờ cơm, tôi biết đó là một hột đậu đen, hay được 10/10 điểm kiểm tra toán xứng đáng hột đậu đỏ. Nhưng rất nhiều chuyện khác tôi không biết phải tính sao. Ví dụ, khi tôi ăn trộm đồ ăn ở nhà đem cho một đứa bạn nghèo trong lớp thì tôi lưỡng lự rất lâu trước hai túi đậu để cuối cùng cho vào mỗi túi một hột. Hột đen cho tội ăn trộm và hột đỏ cho lòng thương bạn. Nhưng trong một ngày, thậm chí một giờ, có rất nhiều chuyện khiến tôi bận rộn liên tục, từ chuyện học chuyện chơi, đến chuyện ăn chuyện ngủ, v.v. Tôi «hành động» còn không kịp nữa, làm sao có thời giờ vắt tay lên trán ngẫm nghĩ coi mình đã tom góp bao nhiêu đậu đen và bao nhiêu đậu đỏ! Cho nên, để mẹ tôi vui, tôi có thử «đỏ, đen» đôi lần và bỏ cuộc rất nhanh. Giờ nghĩ lại, thấy may mắn quá, nếu từ nhỏ mà cứ lo ngồi lựa đậu, gom đậu và đếm đậu, chắc bây giờ tôi không là tôi bình thường mà đã thành một bậc hiền triết, thậm chí một vị Phật sống hoặc một… bà khùng. Mà giữa ba khả năng trên thì phải «siêu» lắm mới cho rằng mình sẽ trở thành Phật, thành Thánh. Tôi chưa siêu tới cỡ đó.
Sống thế nào là đúng, và thế nào là sai là một câu hỏi mãi mãi không có câu trả lời. Bởi vì nếu có, con người xưa nay chẳng hao hơi tổn sức cãi nhau, chưởi nhau, giận nhau và chém giết nhau. Đúng-Sai do tiêu chuẩn nào qui định đây? Trục hệ nào? Văn hóa nào? Giáo dục nào? Đạo đức nào? Quyền lợi nào? Thời đại nào? Văn minh nào? Xứ sở nào? Địa phương nào? Chính quyền nào? Hệ thống nào? Tập đoàn nào? Tổ chức nào? Gia đình nào? Cá nhân nào? v.v. Tất cả đều là tương đối. Thành ra, những khi nhớ mẹ và câu chuyện về hai túi đậu, tôi muốn nói với mẹ tôi : «Mẹ ơi, nếu một lúc nào đó, con sống chậm lại – như một đoạn phim quay chậm - để có thể cân nhắc màu đậu thì chỉ hai túi e rằng không đủ. Con sẽ thêm một túi đậu xanh, một túi đậu trắng, một túi đậu nành, một túi đậu ván, một túi đậu ngự, v.v… Hơn nữa, đậu xanh thì còn có thể phân ra đậu xanh cà, đậu xanh nguyên hột, đậu xanh bột, v.v… Chắc chắn, có những lần con phải phân vân rất lâu trước khi cho một hạt đậu vào túi, có những lần con cho đều mỗi túi một hạt, và có những lần không có hạt nào cho túi nào cả!»
Thế nhưng, tương đối tới đâu thì với những gì đã học từ gia đình, sách vở, nhà trường, và đời sống, tôi cũng có nhiều lần không mấy khó khăn trong sự lựa chọn màu đậu (phước bảy mươi đời, tám mươi kiếp!) Thành ra, tôi mới thất thần chạy sút dép ra khỏi gian phòng mang tên Phạm Lỗi trong tâm hồn tôi. Không phải vì tôi sợ phạm lỗi - chỉ những ai không làm gì cả thì mới không phạm lỗi – mà vì tôi trông thấy túi đậu đen của tôi ở trong gian phòng ấy. Nó to quá cỡ thợ mộc! Đó là chỉ mới nói đến những hột đậu đen do chính tôi đã kiểm điểm và tự giác bỏ vào. Còn những hột đậu đen tôi chưa có can đảm bỏ vào hoặc chưa nhìn nhận ra thì không biết bao nhiêu túi cho đủ… Và còn vô vàn những túi đậu đen khác mà tôi đã xúc không tiếc tay khi qui lỗi, kết tội người khác tồn kho hết năm này tháng nọ nằm lềnh khênh ra đó. Nếu tôi không mau mau rời khỏi gian phòng đen đủi này, tôi sẽ bị bóng tối bao phủ và bị mấy cái túi đậu thuộc loại hầm mãi không nhừ này đè ngộp thở.
Nếu Phạm Lỗi là một vấn đề thì Xin Lỗi có thể được xem như giải pháp. Tất nhiên, phải là một sự xin lỗi chân thành từ đáy lòng như tác giả bài viết đã đề cập. Xin lỗi để chuộc lỗi, để không phạm lỗi ấy nữa. (Để giành, phạm lỗi khác bởi vì Nhân Vô thập Toàn, đã sinh ra làm người thì làm sao không phạm lỗi cho được!) Bởi thế, tôi dùng chữ Sự Xin Lỗi, mà không là Lời Xin Lỗi. Lời xin lỗi chỉ là phương tiện chuyển tải lòng hối lỗi. Lời xin lỗi nhiều khi được thốt ra rất dễ dàng, trơn tru mà người nói không hề có lòng xin lỗi tí ti ông cụ nào. Ví dụ, sống ở Pháp một thời gian, tôi thấy người Pháp xin lỗi (và cảm ơn) liền miệng. Đây là một nét văn hóa khác văn hóa xứ ta. Ở bên ta, nhỡ dẫm lên chân ai, tôi nói : «Í, có sao hông?». Bên Tây, tôi không thể không nói : «Oh, pardon!» (Ối, xin lỗi nhé!) trước khi muốn nói gì thêm. Chữ «Pardon» (xin lỗi) được người Pháp thốt ra một cách tự động, quán tính, có khi nhanh hơn cả ý nghĩ. Cho nên, trong rất nhiều trường hợp, nó không chuyển tải lòng hối lỗi. Nó giống như một mũi tên được bắn đi quá vội. Người bắn mũi tên ấy có khi chẳng nhằm vào đâu cả, mũi tên cắm được vào đâu thì cắm, muốn rơi đi đâu thì rơi, không hề chi. Tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh một người chen lấn người khác để tiến lên. Lấn một bước, «pardon» một tiếng, xong lấn tiếp, «pardon» tiếp. Đi được tới đích, không biết bao nhiêu cái huých cùi chõ, cái dẫm chân, cái gạt tay và cái «pardon» đã thi nhau ra lò! «Pardon» ấy hiển nhiên là biết mình có lỗi xô đẩy người khác nhưng không phải để chuộc lỗi, mà để tiếp tục chen lấn, tiếp tục «pardon».
Có thể tôi nhầm, nhưng tôi thấy người mình ít « pardon » hơn người Pháp rất nhiều. Ta không có thói quen xin lỗi. Khi mở miệng xin lỗi thì thấy ngường ngượng, phải nói trớ ra thành «Xôi lĩnh» (cho bớt kỳ ?!) hay phải dùng chữ Anh «Sorry», hoặc chữ Pháp «Pardon ». Ngay cả người Việt sống lâu năm ở ngước ngoài cũng thế. Họ chịu ảnh hưởng văn hóa phương Tây, xin lỗi thường hơn người Việt sống trong nước, nhưng cũng ít dùng đích thị chữ «Xin lỗi» của tiếng Việt khi muốn xin lỗi người Việt. Đó là chưa nói đến sự khó khăn của người Việt mình trong việc xin lỗi «kẻ dưới», bao gồm những ai nhỏ vai, nhỏ tuổi, nhỏ cấp, nhỏ tầng, nhỏ lớp, nhỏ… con, v.v… hơn mình.
Trong nước, người mình hình như chỉ nói lời xin lỗi khi «có chuyện thật rồi» và là chuyện thuộc loại không nhỏ như con thỏ ăn cỏ. Đây rõ ràng là khác biệt văn hóa, tạm gọi là «Văn Hóa Xin Lỗi». Tây có thể chê ta bất lịch sự, không biết mở miệng xin lỗi khi làm lỗi. Ta, ngược lại, có thể chê Tây chỉ giỏi xin lỗi bằng miệng, không bằng lòng. Nói tới đây, lại lang mang nghĩ tới một khác biệt văn hóa khác, liên quan đến cách hành xử - chủ yếu qua lời ăn tiếng nói, giữa người Bắc và người Nam ta. Tôi hay nghe người Bắc bị chê là «khéo quá quá sạo», còn người Nam thì «thật quá hóa vụng». Bởi thế, mẹ tôi thường khuyên tôi ráng kết hợp cái khéo của người Bắc với cái thật của người Nam. «Được như thế thì rất hay», mẹ tôi nói. Ngoéo ngược về chuyện xin lỗi, tôi muốn theo nếp nghĩ của mẹ tôi mà đề nghị: Hay ta thử kết hợp cách xin lỗi của Tây và ta vào với nhau : Xin lỗi khi lòng thực muốn cải lỗi và tập xin lỗi thường xuyên hơn, thoải mái hơn, tập thành hơn. Mà, thật ra thì, nhiều khi người ta có thể xin lỗi chỉ bằng một ánh mắt, một cử chỉ nào đó chứ chẳng cần đến ngôn ngữ.
***
Tôi ít thời giờ quá. Dự tính viết bài này cho xong trong một buổi tối nhưng rồi tôi cũng đã đành tắt máy. Khi tôi thức dậy sáng nay, tôi biết mình sẽ lại quay cuồng với những bộn bề có tên và không tên, thường nhật và bất ngờ. Tôi nghĩ đến những dòng chữ dở dang tôi đang viết cho NGƯỜI TÔI CƯU MANG nhân đọc bài viết của tác giả HMHai. Tôi sợ tôi sẽ cho nó chìm trôi như bao nhiêu bài viết khác, và như thế, tôi sẽ không tiếc tay bỏ thêm một hột đậu đen vào chiếc túi của tôi.
Buổi tối hôm qua, thân thể tôi bị vướng bận nhiều việc khiến tôi phải ngưng viết nhưng trí óc tôi không ngừng loay hoay với nhiều câu hỏi xung quanh mấy chữ «Phạm lỗi», «Xin lỗi», «Tha lỗi». Tôi tự hỏi, cho tới hôm nay, có lỗi lầm nào khiến tôi ray rứt không an khi nghĩ đến? Có ai đó tôi còn nợ lời xin lỗi mà tôi chưa đủ can đảm nói ra hoặc tôi muốn nói ra lắm nhưng không còn cơ hội nữa? Có ai đó chẳng bao giờ mong chờ tôi nói lời xin lỗi vì lòng họ đã tha thứ cho tôi từ bao giờ, còn tôi thì cứ vẫn chưa xuôi? Và có ai đó không, vẫn mong chờ tôi tha thứ cho lỗi lầm họ đã gây ra? Tôi trả lời được. Tôi có những tên người, mặt người rất rõ ràng trong «sổ bìa đen» của tôi. Câu hỏi tiếp theo : Làm gì?
Trước tiên, tôi nghĩ đến một người bạn gái rất thân hồi đại học của tôi. Chúng tôi đứt liên lạc sau một cú không phải trời giáng mà là cô ấy giáng xuống đầu tôi. Gần đây, tôi nhận được i-meo của cô. Cô viết dài, khơi gợi chuyện cũ, biện minh, giải thích, bày tỏ và xin tôi tha thứ. Những biện minh, giải thích, bày tỏ ấy không thuyết phục tôi. Duy nhất có một điều tôi tin, ấy là cô thực đã bị dày vò suốt mười mấy năm qua và muốn xin lỗi để trút bớt gánh nặng trong lòng. Cô nói, cho dù tôi có tha thứ cho cô hay không thì cô cũng đã bắt đầu cảm thấy một cảm giác yên ả len lỏi trong lòng sau khi nói lời xin lỗi. Một nửa trái tim tôi mừng cho cô, vì tôi biết sự khó chịu của cảm giác mang nặng túi tội lỗi trên lưng cũng như sự dễ chịu khi trút bỏ được nó. Một nửa trái tim kia của tôi trì lại. Tôi chưa sẵn sàng tha thứ.
Tôi trở lại diễn đàn NGƯỜI TÔI CƯU MANG, đọc lại đoạn văn của tác giả HMHai về sự tha thứ. Tác giả viết: «Tha thứ cũng là điều khó làm nhất, và cũng không dễ dàng học được!» Tôi đồng ý. Tôi đang trải nghiệm điều này với người bạn cũ. Tôi không biết tại sao tha thứ lại có thể khó làm đến thế. Tôi cố giải thích như sau: Khó hay dễ tùy thuộc vào vết thương ta nhận lãnh. Nếu vết thương đó quá sâu thì nỗi đau khiến ta chỉ muốn nằm xuống, úp mặt vào tường cho yên thân chứ chẳng còn sức đâu mà đi tiếp với người đã khiến ta đau đến thế.
May thay, không phải vết thương đời nào cũng đau sâu và không phải hễ cứ mỗi lần đau là mỗi lần nhớ mãi bởi vì con người mang trong mình một khả năng kỳ diệu, ấy là sự lãng quên. Không nhờ lãng quên, ở đây tôi muốn nói đến lãng quên những thương đau do người khác gây ra cho mình, con người sẽ không thể nào sống sót nổi. Một điều nhiệm màu khác giúp con người có thể tha thứ dễ dàng, có khi vô điều kiện, một cách hết sức tự nhiên, đó là: Tình Yêu. Có người con nào dám nói trong đời mình chưa bao giờ làm điều gì khiến cha mẹ mình buồn phiền? Thế mà, có cha mẹ nào thèm ngồi đó mỗi chút mỗi ghi sổ, để bụng, thù dai đối với con mình từ khi nó chào đời? Nếu con người có thể đem chỉ một phần nhỏ tình yêu bao la vô bờ bến của mẹ giành cho con đối đãi với tha nhân thì chắc chắn sự tha thứ sẽ đến dễ dàng hơn.
Tôi đã trả lời người bạn cũ ấy của tôi. Tôi nghĩ, nếu tôi im lặng, cô sẽ cảm thấy bị trừng phạt. Mười mấy năm tự ray rứt đã là một trừng phạt không nhỏ cho cô. Tôi khuyên cô đừng nghĩ đến chuyện cũ nữa và hãy sống đời sống của cô cho an lành, thế là okay rồi.
Dông dài kể chuyện riêng ở đây, tôi không có ý gì khác hơn là muốn xác nhận sự khó khăn của việc tha thứ, muốn tìm hiểu tại sao tha thứ lại khó đến độ gần như bất khả thi. Làm sao có thể hóa giải được khó khăn này? Tôi rất muốn tha thứ cho tất cả những ai đã làm tôi buồn phiền, đau khổ vì tôi hiểu đó chính là cách duy nhất tự giải phóng mình khỏi đau khổ. Vì thế, như một đóng góp nhỏ nhoi, tôi thử đem chuyện này ra mổ xẻ hòng mong qua đó mà bản thân mình cũng như bất cứ ai đang tìm cách tự giải phóng như tôi có thể thực hiện được lời khuyên của tác giả HMHai ở cuối bài viết: «Còn nếu ai đó lỡ mắc lỗi với bạn, thì bạn cũng hãy rộng lượng bỏ qua. Nếu được như vậy, tôi tin là niềm vui không chỉ đến với người được tha lỗi, mà chính bạn cũng thấy vui và thanh thản hơn nhiều…»
Đó là nói chuyện tha thứ. Còn về chuyện xin lỗi, đêm qua, tôi cũng nghĩ đến nhiều người mà tôi muốn xin lỗi. Và tôi thấy xin lỗi cũng khó không thua gì thứ lỗi. Bởi vậy, tôi muốn bắt đầu bằng một lời xin lỗi có vẻ ít khó nhất. Lời xin lỗi này, tôi muốn nói từ rất lâu rồi, tôi đã có rất nhiều dịp để nói, và tôi chưa bao giờ nói!
Cách đây mười hai năm, trong một lần về thăm nhà sau chuyến đi xa, tôi đưa mẹ tôi một cái túi, trong đó cất vài món nữ trang quý. Tôi không muốn đeo chúng khi đi lang thang ngoài đường nên muốn nhờ mẹ giữ hộ. Mẹ tôi tính người cẩn thận, thay vì chỉ cần cho cái túi vào tủ khóa lại, bà đem đi dấu ở một chỗ bí mật khác vì thời gian đó, nhà tôi bị trộm vặt liên miên do thay đổi ngưéơi giúp việc liên tục khiến mẹ tôi lo ngại. Vài tuần sau, khi tôi xin lại mẹ túi nữ trang, tôi thấy mẹ đi tìm rất lâu. Sau đó, bà hớt hải vào phòng, nhìn tôi với ánh mắt thất thần và gương mặt rịn mồ hôi. Mẹ nói: «Mất rồi, mẹ không thấy đâu nữa». Thời gian quá gấp, tôi sớm tới giờ trở về bên chồng và mấy món nữ trang kia chính là bông tai và nhẫn cưới của tôi. Tôi nghĩ đến chồng tôi khi anh biết tôi đã làm mất chúng và tôi mất bình tĩnh theo mẹ. Thế là, sau khi tìm kỹ lại không thấy, tôi đồng ý để mẹ chất vấn chị giúp việc mới. Tôi thấy có gì đó cấu nhéo trong lòng khi mẹ yêu cầu chị mở giỏ đồ cá nhân của chị ra cho mẹ xét, nhưng tôi không ngăn mẹ. Chúng tôi không thấy món đồ cần tìm trong giỏ chị.
Sau đó, mẹ tôi bình tĩnh dần. Mãi lúc sau, khi tôi đang ngồi rầu rĩ trong phòng, bà tủm tỉm cười, đem vào đưa cho tôi túi nữ trang. Tôi mừng rỡ, hỏi mẹ ở đâu ra, thì mới hay mẹ đã nhớ ra chỗ dấu bí mật kia mà lúc đầu, do quýnh quáng, bà cứ nhớ nhầm là bà cất nó trong tủ!
Tôi không biết sau đó và cho tới bây giờ, mẹ tôi có lần nào mở lời xin lỗi chị Chín, người giúp việc tội nghiệp của chúng tôi không. Riêng tôi, có đôi lần về sau, gặp lại chị, chớm mở miệng mà nói không ra chuyện. Không hiểu tại sao! Có lẽ, đúng là do tôi thiếu lòng cam đảm giữa con người với con người. Thiếu tính cởi mở và dân chủ trong quan hệ chủ-tớ.
Bây giờ, tôi muốn chính thức xin lỗi chị. Chị hãy là người đầu tiên nghe tôi xin lỗi. Xin chị bỏ qua cho tôi. Tôi biết chị đã không còn nghĩ đến việc này từ lâu bởi vì bao năm nay, bao giờ chị cũng giành cho gia đình tôi và riêng tôi những săn sóc vô cùng tận tụy mặc dù lâu lâu tôi mới về nhà một lần.
Xin cho tôi được chuộc lại hột đậu đen mà tôi đã gieo trồng!
Mạch Nha
Choisy-Le- Roi