Chào Opla và cả nhà,
Bài giải nghĩa thành ngữ “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” của GS. Nguyễn Đức Dân trên báo Tuổi Trẻ mà Opla đưa lên cho các bạn xem lại đã có ảnh hưởng đến nhiều độc giả, và chắc chắn nhiều bạn trẻ ham học sẽ ghi nhớ làm kiến thức cho mình.
Rất tiếc trong trường hợp này GS đã giải thích sai.
Có người đã gửi thư cho Tòa Soạn cũng như cho GS. Nguyễn Đức Dân nhưng đến nay thì bên nào giữ ý kiến của bên đó.
Ở đây, tôi chỉ xin nói một điểm nhỏ, đó là khi lập luận cho lý thuyết “lấy hai cực làm tổng thể” kiểu “thượng vàng hạ cám”, GS cuối cùng đã bảo vệ cho thành ngữ “Thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” chứ không phải là “Thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”.
Lẽ ra nên giải thích rằng trong câu thành ngữ đó, thượng và hạ là những động từ. Thượng cẳng chân là đưa chân lên, hạ cẳng tay là giáng cánh tay xuống. Thành ngữ mô tả cuộc nói chuyện mà vấn đề đã không được giải quyết bằng lời mà phải dùng quyền cước.
Ở bài thứ hai, bạn đọc gởi thư về hỏi thêm những thành ngữ “phi logic” khác như “cao chạy xa bay”, “mẹ tròn con vuông”, “mình đồng da sắt”, “con ông cháu cha”… GS đã giải thích đúng phần dùng cặp nghĩa biểu trưng, nhưng không nói tại sao lại ghép “cao chạy xa bay” chứ không phải là “cao bay xa chạy” như bản gốc tiếng Hoa “cao phi viễn tẩu”.
Cuối cùng, các thành ngữ trên thực ra không phải là phi logic, mà trong ngôn ngữ ta có một hình thức logic khác với logic toán học mà thôi. Để thuyết minh cho cái logic đặc biệt này, tôi xin đưa ví dụ bằng một câu hỏi vui: khi ta nói “thời gian trôi đi” thì theo bạn, thời gian trôi về tương lai hay trôi về quá khứ?
Chúc cả nhà vui vẻ.
Thân