Bài học về sự tha thứ
- Đêm qua trời oi oi, đến tối nay lại mưa to như trút nước.
Những giọt mưa rơi đì độp lên khung cửa kính, vẽ ra mấy vòng nước nhoè nhoè.
Năm tháng đi qua, đời người rồi cũng nhanh chóng nhoè đi - như nước mưa, như nước mắt
- khi khói thời gian phủ chụp lên bao niềm vui, nỗi buồn... Tôi nằm nhìn mưa, suy nghĩ lung tung như đứa bé tự kỷ.
Thoảng hoặc, trong ba động của kiếp sống này, khi vô tình bị ai đó giáng những đòn thật đau, mình có đủ vị tha để không chấp nhặt? Buồn, nhưng thực tế, câu trả lời thường là: không.
Ai đó từng nói: “Tha thứ cũng là một cuộc đấu tranh”.
Tôi - thằng con trai 21 tuổi - học được ở mẹ mình bài học lớn nhất đời: bài học về sự tha thứ.
Mẹ lấy ba khi vừa tròn 20. Có lẽ đời mẹ chưa đi qua hết những năm tháng hoa mộng như chúng tôi ngày nay, khi trở thành vợ, rồi một năm sau đó, thành mẹ của tôi. Nội tôi từng kể: lúc ba dẫn mẹ về cho nội coi mắt, nội đã làm một phép thử. Nội đưa cho mẹ một trái xoài, bảo gọt cho ba ăn.
Mẹ cắt cho ba hai phần ngon nhất ở hai bên quả xoài, còn mẹ thì gặm hột (trong khi cũng với phép thử đó, thím tôi lại cho chú tôi gặm hột).
Nội tấm tắc khi con trai mình biết tìm người vợ tốt, biết lo lắng, chăm sóc cho chồng. Ờ, rồi cũng vì cái “biết lo lắng, chăm sóc” này mà đời mẹ hiếm có lần vui…
Khi tôi 12 tuổi, nhà còn nghèo xơ nghèo xác. Một tô phở ba nghìn đồng mà phải cả hai, ba tháng mới có dịp ăn.
Mỗi khi tôi ăn đến hai tô thì mẹ lại lặng lẽ ngồi im, không ăn gì cả, vì số tiền không đủ để cả nhà tôi ăn bốn tô.
Những lần như vậy, tôi lại hồn nhiên hỏi mẹ: “Sao mẹ không ăn đi? Phở ngon lắm đó!”. Mẹ cười, nhưng hình như mắt ươn uớt.
Tôi, khi ấy khờ dại quá, có biết gì đến điều đó đâu.
Khoảng thời gian ấy, tuy kinh tế chật vật, nhưng nhà tôi hạnh phúc lắm. Ba làm thợ may, mẹ làm uốn tóc (giờ người ta gọi là nail), tôi thì đi học.
Bữa cơm đến lại quây quần cả gia đình, nói cười xôn xao.
Cứ tưởng như vậy là tốt đẹp lắm rồi… Một đêm tháng bảy, mưa dai dẳng, mưa lê thê, mưa buồn nẫu người.
Mẹ con tôi đang ngồi xem tivi thì ba về. Người ba nồng nặc mùi rượu (điều này hiếm khi xảy ra, vì ba không biết uống những thứ có cồn). Ba vào nhà, đứng trước mặt hai mẹ con, rầu rĩ: “Anh đánh bài thua, cầm xe rồi em”.
Mẹ xụi lơ, nước mắt ứa tràn trên mắt. Lặng thinh… Lặng thinh… Trong nhà ngập một mùi đau đớn.
Mẹ không nói được gì, chỉ “ức… ức…” mấy tiếng rồi ngã quỵ xuống nhà. Phải biết, để có được chiếc xe, mẹ và ba phải cật lực làm việc, dành từng đồng từng xu một.
Chiếc xe là công sức, là mồ hôi, là nước mắt, thậm chí là máu… của ba mẹ. Vậy mà ba lại… Nhìn mẹ nằm bất động, tôi chẳng biết nói gì, mà chỉ khóc. Một tuần sau đó là một tuần dài đẫm vị mặn những giọt nước mắt của mẹ.
Bưng chén cơm ăn, nhìn tôi, nhìn ba, mẹ khóc. Ngày ngày tôi chở mẹ từ nhà đến chỗ
làm bằng chiếc xe đạp tí hin của mình rồi tất tả đạp đến trường học. Nhìn dáng tôi dần khuất sau mấy cột đèn, mẹ cũng ứa nước mắt. Ngày lễ, mấy đứa nhỏ được ba mẹ chở đi chơi.
Tụi nó nói nói cười cười vui ơi là vui, còn tôi ngồi ở bậc cửa nhà mình, chơi với hai chiếc xe đồ chơi sút bánh.
Mẹ đi làm về, thấy tôi mải mê với thứ đồ chơi không còn nguyên vẹn, mẹ quăng xách đồ, bỏ vào buồng nằm. Buồng đóng kín, bên trong vẳng ra những tiếng nức nở không ai hiểu…
Rồi ba quyết định vào Sài Gòn để làm ăn. Hôm ba đi, nắng giòn đanh, phủ lên bóng dáng xiên gầy của mẹ khi lặng lẽ nhìn chiếc xe khách dần lăn bánh. Ba đi, nhà vắng hoe.
Mẹ về nấu cơm, dọn ra ba cái chén, ba đôi đũa. Đến giờ ăn, một cái chén và một đôi đũa còn nằm lại trên bàn…
Tôi và mẹ không ai nói với nhau một tiếng nào. Những ngày không ba, nhà buồn kinh khủng.
Đêm, bão về, gió ào ào trên mái. Hai mẹ con ôm nhau thấp thỏm sợ gió cuốn phăng mái tôn ộp ẹp. Nhà dột, hai mẹ con lại dùng khăn, dùng chậu,..
loanh quanh hứng chỗ này một ít, lau chỗ kia một tí. Cuộc sống buồn như tiếng thở dài. Mưa buồn nẫu nuột chảy trên trời, rồi thi thoảng lại đi hoang vào đôi mắt hun hút của mẹ.
Những giọt mưa nóng hổi, xót buốt. Mưa rát cả lòng con, mẹ à! Mấy bà hàng xóm không biết chuyện, bảo mẹ rằng có được người chồng thương vợ thương con, đi xa chí thú làm ăn.
Mẹ cười. Nụ cười hình như cũng đau. Dạo ấy, trong xóm có nhà cô kia chồng đi ngoại tình, một ngày đùng đùng về đòi ly dị.
Cô ấy qua tâm sự với mẹ. Khi cô ấy ra về, tôi nghe mẹ lầm bầm một mình: “Cũng may chồng mình không có cái tính ấy. Cũng may…”.
Gió lại vô duyên tạt vào mắt ai những hạt bụi cồm cộm… Ba đi cũng được nửa năm, chỉ một lần thư về. Mẹ không oán, ngược lại, trước mặt tôi lúc nào cũng kể ba là một người đàn ông rất tốt, là người cha rất thương con. Hình như mẹ sợ hình ảnh về một người cha lý tưởng vỡ vụn trong tôi, nên lúc nào cũng hết sức giữ gìn.
Mẹ lao vào làm việc nhiều hơn, ở lại làm khuya hơn, dậy đi làm sớm hơn, cặm cụi cắt từng mái tóc, tỉ mẩn tỉa tót từng bộ móng tay, móng chân của khách. Me bán cả chiếc nhẫn bà ngoại cho hồi mẹ mới cưới ba để có thêm tiền chuộc xe về.
Thậm chí mẹ còn bán luôn cả mái tóc dài mượt mà, đen nhánh của mình. Hàng xóm ai cũng xuýt xoa tiếc rẻ, mẹ cười xoà: “Em cắt ngắn cho mát, lại hợp môđen nữa, mấy chị ạ”.
Ai biết đâu, đêm về, mỗi lần soi gương chải tóc là mỗi lần mẹ thẩn thờ. Tóc dài mượt mềm thời con gái còn đâu, còn lại chăng là chứng tích của cuộc đời với vô vàn nhọc nhằn đã làm biến dạng những gì vốn đẹp đẽ và đáng ước mơ… Ngày ba về cũng là ngày mẹ dành dụm gần đủ tiền để chuộc xe. Ngày ba về, không lộ ra, nhưng ai cũng biết mẹ vui.
Mẹ nói nhiều, cười nhiều (tất nhiên là khóc cũng nhiều). Hôm chuộc xe về, mẹ làm một bữa ăn thịnh soạn cho cả nhà.
Vừa và chén cơm, mẹ vừa cười, vừa khóc, mếu máo nói: “Cuối cùng ba con cũng về”. Một câu nói đơn giản vậy mà làm cả ba và tôi xúc động kỳ lạ.
Đời, khi ấy, cũng đẹp hơn những ngày đen tối xưa rất nhiều…
Tháng ngày làm đau đáu những chuyện xưa.
Tháng ngày cũng làm lãng quên điều gì đã cũ.
Chuyện buồn gia đình tôi giờ đã là dĩ vãng, lâu lâu mọi người hay nhắc lại như một chuyện đùa của thuở nào xa lắm lắm. Nay nhà tôi đã khá hơn trước nhiều lắm.
Mẹ vẫn làm nghề cũ, ba thì chuyển sang làm nghề tự do, còn tôi đã là sinh viên đại học.
Nhiều khi, bực bội một ai đó, tôi lại về tâm sự với mẹ. Lúc nào nghe xong, mẹ cũng bảo: “Bỏ qua được thì bỏ qua đi con. Nghĩ hoài chỉ mệt óc thêm”.
Tôi cười, đùa với mẹ: “Đời này không ai thực lòng bỏ qua cho nhau đâu mẹ à.
Ngoài mặt thì tha thứ, nhưng trong bụng lại ghim gút đợi ngày trả lại cả vốn lẫn lãi đó mẹ. Ai đâu mà hiền như mẹ!” – “Cha mày! Nói như mày chắc đời này ai cũng là kẻ thù của nhau hết à?” – “Chứ còn gì nữa, mẹ!” – “Thôi đi ông tướng.
Đi tắm nhanh rồi ra ăn cơm. Ở đó nói bậy bạ hoài”. Tiếng cười vang vang… Mưa chưa ngớt.
Tôi vực mình ra khỏi những suy nghĩ mông lung. Với tay lấy đĩa nhạc Trịnh Công Sơn bỏ vào máy, giai điệu du dương phát ra : “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi… để gió cuốn đi…”. Gửi tấm lòng vào gió, vị tha với cuộc đời, sẽ thấy cuộc sống này đẹp và đáng yêu biết mấy.
Bấm nút điện thoại gửi cho đứa bạn một tin nhắn: “Tao hết giận mày rồi, nhưng mai phải dẫn tao đi ăn kem chuộc lỗi nghe chưa…”. Nhắm mắt… chìm vào giấc ngủ… mơ một cơn mơ bình yên…
(St)