Bỗng dưng một ngày trong email, tin nhắn hoặc địa chỉ mạng xã hội của bạn xuất hiện những đường link kèm theo tấm ảnh với nội dung thương tâm: những đứa trẻ bị những căn bệnh hiểm ác, những đứa trẻ thiếu ăn ở châu Phi… cần được bàn tay chia sẻ của cộng đồng.
Chủ nhân của những đường link từ thiện đó đề nghị bạn thực hiện hành vi khá “nhẹ nhàng”: chuyển (hoặc chia sẻ) thông điệp này đến những địa chỉ email (địa chỉ chat hoặc mạng xã hội) khác. Cứ mỗi chia sẻ, nạn nhân trong bức ảnh sẽ được nhận 1 USD (tương đương với 22.000 đồng) từ Facebook, Yahoo hoặc Gmail…! Lần đầu nhận được email này, bà Ngọc Liên (quận 3, TP.HCM) liền thực hiện ngay. Bà bỏ ra vài chục phút để chuyển những thông điệp thương cảm ấy tới những người bạn trong danh sách.
Nhìn hình ảnh này thì ai cũng muốn chia sẻ đường link để bệnh nhân được nhận 1 USD. Chỉ tiếc là nó không có thật. Ảnh: Facebook
Tuy nhiên, khi những loại thông điệp thương tâm đề nghị chia sẻ như vậy cứ cách vài ngày lại xuất hiện, bà Liên bắt đầu nghi ngờ. Khi đọc kỹ thì bà thấy: nội dung những đường link không nêu rõ tên tuổi, địa chỉ của nạn nhân, cũng như không ghi rõ cách thức họ nhận được tiền từ Yahoo chat, Gmail hay mạng xã hội. Chị Lê Hải (Tân Bình, TP.HCM) kể rằng, chị nhận được hàng chục đường link từ thiện như vậy nhưng chưa bao giờ chuyển cho ai. Hỏi chuyện, chị nói: “Nếu Facebook, Yahoo, Gmail có lòng tốt như vậy thì việc gì họ phải làm công việc đó? Họ cứ mang tiền tới những đối tượng cần sự giúp đỡ”. Còn chị Nguyên Thuỵ (Gò Vấp, TP.HCM) nghi ngờ: “Chắc chắn đó không phải là mong muốn của Yahoo hay Facebook vì xét cho cùng, những “đại gia” đó đâu rảnh để làm phiền khách hàng của mình như vậy.”. Cũng như chị Hải, chị Thuỵ chưa một lần chuyển những thông điệp đó, cứ thấy xuất hiện là chị lập tức “delete”.
Ông Phạm Hồng Phước, một chuyên gia về mạng internet, nói: “Tôi không tin những nạn nhân sẽ nhận được tiền dựa trên số lượng email phát tán”. Theo ông Phước, việc chuyền cho nhau những đường link như vậy có nhiều mục đích khác nhau: hoặc là những chủ nhân đó muốn thu thập email mà hệ thống của họ không quét được để bổ sung vào kho dữ liệu cá nhân cho những hành vi “đen tối” sau này. Hoặc là những thông điệp đó chứa virút gián điệp để ăn cắp tài khoản email hoặc dữ liệu có trong máy tính. Người sử dụng internet cần tỉnh táo với những thông tin này.
Tháng 10.2011, khi ông chủ của Apple Steve Jobs qua đời, các chuyên gia an ninh mạng của Panda Security đã phát hiện một liên kết trên Facebook có thông tin: tặng 50 iPad 2 miễn phí để “Tưởng nhớ Steve Jobs”. Liên kết này nhanh chóng nhận được năm lượt “like” mỗi giây và đã có hơn 90.000 người hâm mộ tham gia theo hình thức “chuyển mail cho nhau” để cùng tham gia. Để có cơ hội sở hữu iPad 2, người tham gia phải đóng lệ phí “bảo hiểm dịch vụ tin nhắn” là 1,42 euro/tin nhắn. Theo các chuyên gia của Panda Security, người nhắn chỉ nhận được những tin nhắn không có nội dung. Còn người tham gia thì mất toi tiền, dù số tiền rất nhỏ.
Khi search nội dung “đường link từ thiện” trên Google, bạn có thể thấy phần hỏi và đáp của Yahoo Việt Nam có giải đáp vấn đề này: “Có những tin nhắn nói là “có người đang bệnh, bạn hãy gửi tin đến những người khác để Yahoo ủng hộ 200 đồng” có đúng không các bạn?” Câu trả lời hay nhất được chọn là: “Chắc chắn là không phải vì có mấy lý do sau đây: 1. Yahoo không thể sàng lọc tin nhắn nào của bạn là tin nhắn ủng hộ, tin nào là tin nhắn riêng, tin nào là spam; 2. Yahoo không quản lý tất cả các tin nhắn của cộng đồng; 3. nếu có ý ủng hộ thì Yahoo không làm thế này. Đấy có thể chỉ đơn giản là một tin nhắn spam, nhưng biết đâu sau này nó sẽ trở thành một tin nhắn mang tính chất lừa đảo... ví dụ như hướng dẫn nạp tiền vào một tài khoản nào đó!” Có lẽ câu trả lời từ các mạng xã hội hoặc Gmail cũng chẳng khác hơn.
TRỌNG TOÀN (Báo Saigon Tiếp thị)
Nguồn:
http://sgtt.vn/Ban-doc/158969/Thuc-hu-nhung-duong-link-tu-thien.html