Khi kết nối Internet cho máy tính bằng thiết bị D-Com 3G của Viettel và sử dụng, bạn sẽ có các nhu cầu: chuyển đổi gói cước, kiểm tra tài khoản, nạp tiền vào tài khoản, xem lưu lượng đã dùng, gửi tin nhắn... Bên cạnh đó là các sự cố, không cài được driver và phần mềm kết nối D-Com 3G vào máy tính, chương trình diệt virus phát hiện chương trình D-Com 3G có file bị nhiễm virus, thiết bị quá nóng... Các kinh nghiệm dưới đây sẽ giúp bạn xử lý nhanh chóng các vấn đề trên.
1.
Kích hoạt thuê baoNếu bạn mua thiết bị D-Com 3G nhưng chưa sử dụng ngay, hãy lắp SIM dùng cho thiết bị D-Com 3G đó vào điện thoại di động và bấm số 900 rồi bấm nút gọi để kích hoạt thuê bao. Nếu không, sau 24 giờ mua thiết bị, thông tin thuê bao mà bạn đã đăng ký ở cửa hàng Viettel sẽ bị hủy. Lúc đó, phần mềm D-Com 3G sẽ hiện thông báo “Không tìm thấy thiết bị” hay “Lỗi kết nối”, bạn phải đem SIM đó ra cửa hàng Viettel để đăng ký lại thông tin thuê bao. Ngoài số 900, bạn không thể dùng SIM này để gọi cho số khác, vì nhà mạng đã chặn dịch vụ thoại.
Hoặc sau khi cắm thiết bị vào máy tính và cài xong phần mềm D-Com 3G, bạn chạy phần mềm này rồi bấm nút Thoại, dùng chuột bấm số 900 rồi bấm nút Gọi. Đến khi nghe được thông báo phát ra loa, bạn bấm nút Gác máy rồi bấm số 900 để gọi lại lần nữa và nghe số tiền trong tài khoản.
2.
Kiểm tra số dư tài khoản và nạp tiềnNếu đang dùng gói cước trả trước, sau khi hết số MB hay GB lưu lượng miễn phí (nếu có), số tiền trong tài khoản D-Com 3G sẽ bị trừ dần theo số MB sử dụng. Để kiểm tra số tiền trong tài khoản, bạn bấm nút Thoại, dùng chuột bấm số 900 rồi bấm nút Gọi, sau đó bấm số 2, xong bấm nút Gác máy. Còn để nạp tiền vào tài khoản, bạn bấm số 1 thay cho phím số 2 rồi nhập mã số nạp trên thẻ cào theo hướng dẫn phát ra loa máy tính.
Trường hợp không có loa, bạn bấm nút Menu, chọn USSD; bấm ô Đã chọn rồi bấm chọn hàng chữ Kiểm tra tài khoản chính để kiểm tra tài khoản chính, bấm chọn hàng chữ Kiểm tra tài khoản khuyến mãi để biết số tiền trong tài khoản khuyến mãi, hoặc bấm chọn hàng chữ Nạp tài khoản rồi bấm dãy số trong thẻ cào nạp tiền vào sau ô mã đang có sẵn các ký tự *100*, nhập hết mã số trong thẻ nạp, bạn bấm phím # rồi bấm nút OK. Sau khi nạp xong, bạn hãy thực hiện lại thao tác kiểm tra tài khoản chính và tài khoản khuyến mãi.
3.
Gửi tin nhắn từ phần mềm D-Com 3GBạn bấm nút SMS rồi bấm nút Tạo tin mới, nhập số điện thoại người nhận vào ô Đến rồi soạn nội dung tin nhắn là tiếng Việt không dấu vào ô trống bên dưới. Khi soạn tin nhắn, bạn sẽ thấy dãy ký tự dạng x/y/z thay đổi dần; trong đó, x là số ký tự trong tin nhắn, y là số ký tự còn lại của 1 bản tin nhắn, z là số bản tin nhắn.
Nếu thực hiện nhắn tin, bạn không nên soạn tin nhắn dài gồm nhiều bản tin, bởi có thể điện thoại người nhận sẽ không nhận hết bản tin (điện thoại mới nhận tối đa tin nhắn dài 6 bản tin, trong khi các điện thoại đời cũ chỉ có thể nhận được tin nhắn có độ dài từ 1 - 2 bản tin). Hơn nữa, không nên soạn tin nhắn bằng tiếng Việt có dấu, hoặc copy nội dung là tiếng Việt có dấu để dán vào cửa sổ soạn tin nhắn, vì nhiều khả năng là điện thoại của người nhận không đọc được tin nhắn tiếng Việt có dấu.
Mỗi bản tin gửi đi từ phần mềm D-Com 3G sẽ bị trừ 500 đồng trong tài khoản (hoặc cộng dồn vào tiền cước phát sinh trong tháng đối với thuê bao trả trước). Do vậy, nếu bạn soạn 1 tin nhắn dài 3 bản tin thì tài khoản sẽ bị trừ 1.500 đồng sau khi gửi tin nhắn. Trong khi đó, mức cước cho 1 MB dữ liệu sử dụng là 50 đồng hoặc 65 đồng. Như vậy, nếu gửi 1 tin nhắn từ phần mềm D-Com 3G, bạn sẽ bị mất đi khoảng 10 MB lưu lượng Internet sử dụng. Ngoài ra, khi người nhận nhận được tin nhắn và trả lời lại thì có thể tin nhắn trả lời sẽ không “chui” vào được phần mềm D-Com 3G. Sẽ càng tồi tệ hơn nếu bạn dùng phần mềm D-Com 3G gửi tin nhắn ra mạng di động của nước ngoài, bởi mỗi bản tin sẽ bị trừ 2.500 đồng.
4.
Chuyển hình thức thuê bao và giữ số
Nếu đang dùng gói thuê bao trả sau nhưng có cước phí thuê bao quá cao và không dùng hết lưu lượng miễn phí, bạn có thể chuyển xuống gói cước có thuê bao thấp hơn và lưu lượng miễn phí tương ứng cũng ít đi. Hoặc ngược lại, bạn chuyển từ gói cước thấp sang gói cước cao trong trường hợp cần thêm lưu lượng miễn phí hàng tháng cho vừa nhu cầu sử dụng. Trong từng thời điểm, Viettel thường có chương trình khuyến mãi (tặng lưu lượng dùng miễn phí trong tháng) khác nhau cho từng gói cước. Do vậy, nếu việc chuyển đổi gói cước không được hưởng khuyến mãi thì bạn hãy hủy gói cước cũ để đăng ký dùng gói cước mới cùng chương trình khuyến mãi kèm theo.
Còn nếu đang dùng hình thức thuê bao trả sau nhưng lại ít sử dụng, bạn có thể chuyển sang hình thức thuê bao trả trước để tiết kiệm về mặt chi phí. Khi đó, căn cứ vào chương trình khuyến mãi đang áp dụng, bạn chọn cách chuyển đổi hình thức thuê bao, hoặc hủy thuê bao trả sau và mua bộ kit (gồm SIM và tài khoản) sao cho có lợi nhất.
Đối với thuê bao trả sau, sau 60 ngày không thanh toán cước, bạn sẽ bị chặn dịch vụ và có thể bị hủy số sau đó.
Đối với thuê bao trả trước, 10 ngày sau khi tài khoản hết hạn sử dụng, thuê bao sẽ bị khóa 2 chiều. Và đến 60 ngày sau, thuê bao đó sẽ bị hủy. Do vậy, nếu dùng D-Com 3G theo hình thức trả trước, bạn phải nạp tiền (không quy định số tiền nạp, có thể nạp mức thấp nhất là 10.000 đồng) vào tài khoản trước ngày thứ 70 thì thuê bao không bị hủy. Khi dùng theo hình thức này, số tiền trong tài khoản của bạn có thể còn khá nhiều nhưng đã hết hạn sử dụng; do vậy, bạn hãy mua sẵn những giấy nạp mệnh giá 10.000 đồng (hỏi các nơi bán thẻ cào nạp tiền điện thoại, hoặc dùng thẻ ATM để mua - máy ATM sẽ in mã số nạp tiền vào hóa đơn giao dịch) để khi cần dùng thì nạp tiền vào.
Việc giữ số ở thuê bao dùng trong D-Com 3G cũng không thật cần thiết, bởi bạn có thể đăng ký mua lại thuê bao khác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi cần dùng D-Com 3G nhưng số thuê bao đã bị hủy và không thể đăng ký mua ngay được thì bạn sẽ thấy được tác dụng của việc giữ số thuê bao. Hơn nữa, mỗi số chứng minh nhân dân chỉ đăng ký được 3 thuê bao của một nhà mạng di động.
5.
Xem lưu lượng đã dùngBạn bấm nút thống kê và bấm vào thẻ Dữ liệu truyền để biết lưu lượng đã dùng trong ngày, tháng hoặc năm. Sau một phiên sử dụng, lưu lượng đã dùng (bao gồm tải lên và tải xuống) sẽ được cập nhật vào cơ sở dữ liệu lưu trên máy tính người dùng, bạn bấm thẻ Bản ghi dữ liệu để xem. Do vậy, nếu xóa cơ sở dữ liệu hoặc đem thiết bị D-Com 3G sang máy khác dùng thì sẽ không thấy được lượng dữ liệu đã dùng.
Căn cứ vào thống kê lưu lượng tải xuống và tải lên (cộng 2 giá trị này và so với 1 MB ứng với mức giá 50 đồng hay 60 đồng) sau khi vào một trang web, bạn có thể tính ra chi phí để xem một trang web. Hay 1 giờ lướt web, hoặc gửi (hoặc tải) một file có dung lượng biết trước.
6.
Tốc độ trong phần mềm D-Com 3G và tốc độ trong các phần mềm khác
Phần mềm D-Com 3G sử dụng đơn vị tính là bit nên sẽ lớn hơn gấp 8 lần tốc độ mà bạn thấy được trên các cửa sổ download file hay chương trình tăng tốc download file tính bằng đơn vị Byte. Do 1 Byte = 8 bit, nên bạn lấy tốc độ trong các cửa sổ chương trình nhân với 8 thì được giá trị tương đương với tốc độ hiển thị trong cửa sổ phần mềm D-Com 3G.
Ví dụ: Nếu bạn thấy tốc độ download trong cửa sổ download của Firefox, Internet Explorer, Orbit, Internet Download Manager (IDM)... là 100 Kb/s thì tốc độ hiển thị trong cửa sổ D-Com 3G sẽ là 800 Kb/s, hoặc 200 Kb/s thì sẽ là 1.6 Mb/s...
7.
Chọn 3.6 Mbps hay 7.2 Mbps?
Trên lý thuyết, chỉ số định mức tốc độ truyền dữ liệu của thiết bị modem USB 3G 7.2 Mbps của Viettel, MobiFone, VinaPhone... sẽ gấp đôi loại có tốc độ truyền 3.6 Mbps. Tuy nhiên, với tốc độ 3G mà các nhà mạng ở Việt Nam đang triển khai thì tốc độ truyền dữ liệu thực tế giữa 2 thiết bị là như nhau, bằng chứng là tốc độ hiển thị trên cửa sổ chương trình kết nối chưa vượt qua con số 3.6 Mbps. Có thể, về sau các nhà mạng sẽ tăng tốc độ truyền lên trên 3.6 Mbps, lúc đó loại 7.2 Mbps mới phát huy được sức mạnh của nó. Do vậy, hiện giờ bạn mua loại có tốc độ 3.6 Mbps hay 7.2 Mbps đều được. Tuy nhiên, nếu giá loại 7.2 Mbps không đắt quá 100.000 đồng so với loại 3.6 Mbps thì bạn có thể mua để đón đầu tốc độ.
8.
Thiết bị quá nóngThực tế, khi hoạt động, các thiết bị modem 3G không nóng đến mức như vỏ đĩa cứng hay miếng nhôm tản nhiệt của card màn hình hay miếng nhôm tản nhiệt của chipset cầu bắc trên mainboard, chúng chỉ nóng âm ấm mặc dù dùng trong một thời gian dài. Do vậy, nếu chỉ dùng bình thường (không download liên tục dữ liệu) trong một thời gian ngắn mà nó quá nóng, bạn hãy nhanh chóng ngắt kết nối USB của nó, để nguội và thử dùng ở máy tính khác với các công việc tương tự xem nó có nhanh nóng không.
Ở mọi máy tính, nếu nó vẫn nhanh nóng, bạn hãy liên hệ với nơi bán để họ kiểm tra và bảo hành. Ngược lại, nếu nó chỉ nóng ở máy tính của bạn hoặc một vài máy tính khác, bạn hãy kiểm tra lại bộ nguồn trong máy tính của bạn. Thực tế, nếu máy tính dùng bộ nguồn không đạt chất lượng, điện thế ở các cổng USB có thể quá 5 V hoặc bé thua xa 5 V thì cũng làm thiết bị cắm vào cổng USB mau nóng, hoặc không hoạt động được. Nếu biết về điện tử, bạn dùng chức năng đo volt kế DC của đồng hồ vạn năng đo 2 đầu dây dẫn màu đỏ và đen của đầu cắm nguồn ổ đĩa cứng để biết điện thế tương đương của cổng USB.
9.
Tắt thiết bị trước khi rút ra khỏi cổng USB
Giống như đĩa flash USB, máy nghe nhạc MP3, MP4... modem 3G cũng được nạp chương trình điều khiển (firmware) để tương tác với máy tính. Do vậy, khi nó đang hoạt động, nếu bạn không tắt kết nối USB mà rút nó ra khỏi cổng USB thì có thể gây ra tình trạng sốc điện làm hỏng firmware. Để tắt kết nối USB, bạn bấm chuột trái lên biểu tượng kết nối ở khay đồng hồ và chọn Eject hay Safely remove...
Đối với các thiết bị khác, việc hỏng firmware có thể do virus máy tính. Tuy nhiên, đối với D-Com 3G của Viettel, một nhân viên kỹ thuật của Viettel cho biết: “Viettel đã lường trước khả năng D-Com 3G bị nhiễm virus nên khách hàng có thể yên tâm sử dụng. Khi xảy ra sự cố, hãy liên hệ với bộ phận hỗ trợ kỹ thuật của Viettel qua số (08) 62500119 rồi bấm số 3”.
10.
Lưu ý đến dây nối USBĐa số người dùng máy tính để bàn đều dùng dây nối USB hoặc hub USB (gồm nhiều đầu cắm USB) để tiện cắm các thiết bị USB. Do vậy, khi cắm modem 3G vào dây nối USB hoặc hub USB, nếu kết nối mạng Internet chập chờn, bạn hãy thử cắm nó trực tiếp vào cổng USB trên thùng máy xem tình trạng chập chờn có hết không. Thực tế, nếu dây nối USB hoặc hub USB không đạt chất lượng thì điện năng và tốc độ truyền dữ liệu trên cổng USB của chúng cũng bị suy giảm so với khi cắm trực tiếp vào cổng USB trên thùng máy tính. Do vậy, nếu dùng thì bạn phải mua loại cáp nối USB tốt và hub USB tốt.
Việc dùng dây nối USB tốt và hub USB tốt cũng có thể thực hiện cho laptop trong trường hợp cổng cắm USB trên laptop quá chật hoặc laptop quá mỏng, hoặc bảo vệ cổng cắm USB của modem USB 3G.
11.
Phần mềm D-Com 3G bị phát hiện có virusHiện tại, khi cài đặt và chạy phần mềm D-Com 3G của Viettel có trong modem USB D-Com 3G, một số chương trình diệt virus máy tính như Avira AntiVir, ArcaVir, Ikrus, VBA32... phát hiện có virus trong file BICodec.dll nằm trong thư mục C:\\\\Program Files\\\\D-com 3G\\\\Component. Tuy nhiên, đại diện của bộ phận hỗ trợ kỹ thuật Viettel cho hay: “Trong file BICodec.dll có dùng các lệnh để thực hiện kết nối nên một số chương trình diệt virus nhận nhầm file này có virus. Do vậy, khách hàng hãy yên tâm sử dụng. Hiện tại, chúng tôi đang tìm cách khắc phục. Trong thời gian chờ đợi, khách hàng hãy tắt tính năng bảo vệ theo thời gian thực của chương trình diệt virus đang dùng để cài hoặc chạy D-Com 3G, sau đó bật lại tính năng bảo vệ đã tắt”.
Cụ thể, ở máy tính xài chương trình diệt virus Avira Antivir, trước khi chạy chương trình D-com 3G, bạn bấm chuột phải lên biểu tượng cây dù đỏ ở khay đồng hồ và bỏ dấu chọn trước hàng chữ AntiVir Guard enable, khi đó biểu tượng cây dù đang mở sẽ bị thay thế bằng biểu tượng cây dù xếp lại. Sau đó, bạn bấm chuột phải lên biểu tượng cây dù xếp và bấm chọn lại hàng chữ AntiVir Guard enable.
12.
Không cài được D-Com 3G
Tình trạng này có thể xảy ra khi bạn gỡ và cài lại chương trình D-Com 3G. Khi đó, bạn cắm D-Com 3G vào cổng USB, quá trình nhận diện và cài đặt driver cho nó diễn ra tự động và hiện thông báo, đã cài thành công driver cho thiết bị và thiết bị đã sẵn sàng hoạt động. Tuy nhiên, bạn mở cửa sổ My Computer thì không thấy ổ đĩa chứa file cài đặt chương trình D-Com 3G như lần đầu tiên sử dụng nên không cài được chương trình này, đồng nghĩa với việc không dùng được thiết bị để kết nối Internet cho máy tính.
Gặp phải trường hợp này, bạn hãy cắm thiết bị D-Com 3G sang một máy tính khác và đợi quá trình nhận diện và cài đặt driver xong, bạn mở cửa sổ My Computer rồi bấm chuột phải lên biểu tượng ổ đĩa D-Com 3G và chọn Explorer, sau đó copy toàn bộ các file cài đặt (khoảng 20 MB) trong ổ đĩa đó vào một đĩa flash USB. Xong, cắm đĩa flash USB đó vào máy tính không cài được chương trình D-Com 3G và chạy file Install.exe (nếu dùng loại 7.2 Mbps, bạn vào thư mục Windows nằm bên cạnh các thư mục Linux, Mac thì mới thấy file này) để cài.
13.
Cẩn thận với dữ liệu chia sẻ khi kết nối 3G
Mới đây, Trung tâm an ninh mạng Bkis đã công bố các kết quả nghiên cứu ban đầu về vấn đề an toàn mạng khi dùng kết nối Internet qua thiết bị modem USB 3G. Họ cho biết, các máy tính kết nối Internet bằng thiết bị modem USB 3G hoặc điện thoại kết nối Internet qua tính năng 3G của cùng một nhà mạng sẽ tạo thành một mạng LAN, và hacker có thể dùng phần mềm chuyên dụng để dò địa chỉ IP của tất cả các máy tính và điện thoại trong mạng LAN 3G đó. Do vậy, nếu máy tính hoặc điện thoại của bạn có chia sẻ (share) thư mục (folder) hay ổ đĩa thì hãy tắt tính năng share trước khi kết nối 3G. Và khi không cần kết nối Internet 3G, bạn hãy tắt và rút thiết bị modem USB 3G ra khỏi máy tính, hoặc tắt kết nối 3G trên điện thoại di động hay các thiết bị cầm tay, laptop có tính năng 3G.
Ngoài ra, bạn hãy cài thêm các phần mềm tạo tường lửa (firewall) để bảo vệ máy tính hoặc điện thoại, ngăn chặn việc dò địa chỉ IP hay xâm nhập vào máy tính, điện thoại. Thực tế, một chuyên gia của Bkis đã trình diễn lại việc hacker dò tìm địa chỉ IP của điện thoại có kết nối 3G rồi âm thầm gửi các gói dữ liệu đến để người dùng bị nhà mạng tính nhiều cước phí lưu lượng phát sinh. Chuyên gia này thử nghiệm gửi 1 file có dung lượng 10 MB đến một điện thoại di động qua địa chỉ IP, ngay lập tức số tiền trong tài khoản của điện thoại đó bị trừ khoảng 20.000 đồng, do nhà mạng tính 10 MB lưu lượng phát sinh khi file đó gửi đến và 10 MB bị dội và trả về khi điện thoại nhận xong file.(
http://webtinhoc.vn)