Tin tốt cho các bạn ở vùng Tam Kỳ Quảng Nam:
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012-05-08
Cuộc sống muôn màu muôn vẻ với những khối óc và trái tim khác nhau. Chính vì thế mà những ước mơ không phải lúc nào cũng đồng điệu.
AFP photo
Một người khiếm thị đang đọc sách chữ nổi, ảnh minh họa
Tuần này, Quỳnh Chi mời quý vị nghe câu chuyện về anh Đặng Ngọc Duy, người ước mơ trở thành thầy giáo không lương.
Vượt qua bóng đêm số phậnNgười ta nói rằng mỗi cái tên đều mang một ý nghĩa riêng của nó, và thậm chí có những cái tên mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Cơ sở mái ấm Hướng Dương cũng vậy. Mang tên Hướng Dương, người sáng lập ra cơ sở này luôn động viên chính mình và những người xung quanh hướng về phía ánh sáng bởi hơn ai hết, anh hiểu rằng cuộc sống mù lòa khó khăn như thế nào.
Nằm tọa lạc một cách khiêm tốn tại một TP Tam Kỳ - Quảng Nam, cơ sở Hướng Dương là một lớp học đặc biệt. Nó đặc biệt vì những trẻ theo học là những em khiếm khuyết về thân thể; và nó đặc biệt vì được hình thành từ ước mơ của người đàn ông mù Đặng Ngọc Duy:
“Tại cơ sở này thì trẻ em có đa tật gồm khiếm thị, khiếm thính, thiểu năng. Tôi cũng thuê người khác về dạy thêm. Nếu là trẻ khiếm thị thì tôi dạy. Đối với những học sinh khác thì tôi cũng truyền dạy kinh nghiệm từ chính bản thân là một người khuyết tật và kết hợp phương pháp sư phạm”.Anh Duy đã rất thành thật khi nói về cái ước mơ của mình. Đó là ước mơ trở thành một thầy giáo dù là thầy giáo không lương để dạy cho các em khuyết tật. Điểm đặc biệt của thầy giáo Duy là chẳng những dạy bằng kiến thức phổ thông mà còn dạy bằng tình thương:
“Khi dạy các trẻ em này thì các em khiếm khuyết về thể chất dẫn đến ảnh hưởng về tinh thần. Cho nên dạy các em rất khó, nhưng yêu thương thì sẽ được”.Ngoài là một thầy giáo, thầy Duy còn là một người anh, người bạn. Tình yêu trẻ của thầy giáo Duy đến từ sự cảm thông và sự trả ơn cuộc đời. Hơn ai hết anh Duy hiểu rằng những người khiếm khuyết cần được bù đắp. Và mỗi lần nghe giọng nói trẻ thơ ngây ngô bên thầy giảng bài, Duy lại nhớ đến chính bản thân mình ngày xưa.
Năm 13 tuổi, khi đang là cậu học sinh lớp 7, một kíp nổ đã cướp đi đôi mắt và một nửa bàn tay trái của Duy.
“Lúc đó tôi đau khổ lắm, chôn thân trong bốn bức tường. Tôi đã từng tuyệt vọng”.Thầy Duy cũng đã không sai khi cho rằng mình đã từng tuyệt vọng. Thầy đã từng nghĩ rằng cuộc đời đã bỏ rơi mình trong bất hạnh và tước đi tất cả những cơ hội sống công bằng. Thế nhưng sau vài năm đánh vật với nỗi buồn, Duy đã tìm cho mình một con đường để bước về phía ánh sáng mặc dù không nhìn thấy nó:
“Nhưng sau một thời gian tôi đã nung nấu quyết tâm của mình. Tôi quyết định đi học lại và làm việc rất nghiêm túc. Tôi nghĩ là mình đã bị thiệt thòi rồi thì việc học có thể tạo cho tôi niềm vui và niềm tin trong cuộc sống. Thế là tôi học rất nhiều nơi”.Duy trở lại học lớp 7 khi đã 18 tuổi – một cái tuổi đủ làm tự ti bất cứ người học trò nào và làm nản lòng nhiều người giáo viên. Để đậu được đại học Quảng Nam, anh Duy phải cố gắng mò mẫm từng quyển sách chữ nổi và tìm ra cách học riêng cho mình:
“Tôi học bằng chữ nổi và học bằng băng cát-sét nhiều lắm. Có những cuốn sách mà muốn chuyển tải kiến thức vào đầu, tôi phải nhờ một người đọc và thu lại vào băng. Rồi tôi nghe lại để học”.Một trái tim nhân hậuThầy Đặng Ngọc Duy đang dạy chữ nổi cho học sinh khiếm thị tại mái ấm Hướng Dương.
Photo courtesy of vietnamnet
Khi tốt nghiệp đại học cũng là lúc thầy Duy có cả một thư viện băng cát sét. Anh Duy tốt nghiệp đại học cách đây 4 năm, năm anh 31 tuổi. Trong lúc nhiều bạn bè cùng trang lứa bộn bề với những cuộc chạy đua trong công việc, anh Duy đã chọn cho mình một con đường khác mà đối với anh là có ý nghĩa hơn:
“Xuất phát điểm tôi là một người thiệt thòi với tuổi thơ không trọn vẹn, rất mất mát. Cơ sở Hướng Dương ra đời là trả lại những gì tôi đã nhận được từ cuộc sống, để gởi đến những em thơ bất hạnh”.Cơ sở mái ấm Hướng Dương được thành lập từ 4 năm nay, cưu mang khoảng 20 em bất hạnh từ những vùng xa và vùng núi hẻo lánh. Thầy Duy tâm sự, vì các em nhỏ bé, lại đến từ một nơi hoang sơ, nên nếu không có những người tâm huyết thì ước mơ của các em chỉ có núi rừng thấu hiểu. Thầy tâm sự, mặc dù không nhìn thấy ánh sáng và bước đi không vững nhưng nếu thầy có thể làm bất cứ điều gì để các em bất hạnh đi nhanh hơn, thấy xa hơn thì thầy sẽ làm:
“Từ khi thành lập cho đến bây giờ thì cơ sở luôn gặp khó khăn. Lúc đầu ba mẹ tôi cũng không đồng ý vì cho rằng việc này lớn lao quá. Nhưng mà tôi quyết tâm và tin tưởng rằng mình đi đúng hướng”.Cơ sở Hướng Dương được thành lập trên một căn nhà cũ, những dụng cụ được lấy từ nhà thầy Duy và với những đồng tiền đầu tiên dành dụm từ việc bán những quyển sách được đọc thu vào băng cát-sét. Và thầy Duy bắt đầu ước mơ của mình với 10 bộ bàn ghế cũ kỹ và một tấm bảng đen như thế.
Dưới những cơn mưa to mùa lũ xứ Quảng, sờ đôi tay run bần bật của các em vì lạnh, lửa lòng thầy Duy càng cháy. Thầy Duy kể rằng, những lúc đó là những lúc thầy cầm đàn hát và đọc thơ cho các em. Hát để trải lòng. Hát để hòa cùng nỗi bất hạnh của những người khiếm khuyết:
“Nhưng mà cho đến bây giờ cũng còn nhiều khó khăn về tài chính. Ngoài 16 em đang theo học thì còn có nhiều em khác đến xin. Nhưng tôi tự an ủi là mình cứ trải lòng với đời thì đời sẽ trải lòng với ta. Khi buồn hay vui gì thì tôi cũng đàn và hát. Tôi cũng có một tập thơ dù không hay nhưng cũng được viết thành bài hát”.Khuyết tật chỉ là trở ngại Một cụ bà bị khiếm thị trên đường phố Hà Nội. AFP photo
Bàn tay trái của thầy Duy chỉ còn một nửa nhưng những phím đàn thì nguyên vẹn, tròn trịa một cách lạ thường. Mái ấm Hướng Dương luôn tràn ngập tiếng cười và những khúc hát tình tang. Những nốt nhạc của thầy không não nề chua xót mà toát lên một sự lạc quan tinh khôi. Trong những bài thơ thầy làm, bật lên được một tình yêu nước và sự tự hào về con đường mình đã trải qua, trong đó, thầy Duy chưa bao giờ có những bước thụt lùi:
“Trong những quyển sách từng đọc, tôi thích nhất một quyển sách được một người bạn tặng. Có một câu nói trong quyển sách ấy làm kim chỉ nam cho tôi là “Có thể tôi không đi nhanh nhưng chắn chắn tôi không đi thụt lùi”.Nhiều người không may mắn bị khuyết tật nhưng đó chỉ là trở ngại. Nếu có trở ngại mà vượt qua được thì có ý nghĩa vô cùng. Hãy cứ coi đó là thử thách. Phải luôn lạc quan tin tưởng, muốn làm việc gì chỉ cần có quyết tâm là làm được”.
Ước mơ của thầy Duy là trở thành một giáo viên không lương để những trẻ em bất hạnh có thể nuôi sống được mình nhờ những kiến thức của thầy Duy truyền giảng. Thầy Đặng Ngọc Duy tâm sự, có nhiều nhân vật trên thế giới mà thầy ngưỡng mộ. Nhưng sự ngưỡng mộ không dành cho những thành công của họ mà dành cho cái nghị lực và ngọn lửa luôn cháy bổng, vươn lên trong tâm hồn.
Thầy Duy tâm sự, nếu Hirotada Ototake của Nhật Bản từng viết tự truyện
“Tôi không bất hạnh” thì thầy Duy cũng có thể nói
“Tôi không bất hạnh”. Thầy Duy cho rằng làm được những điều tốt và có ý nghĩa trong cuộc sống thì con người sẽ cảm nhận được niềm vui và thấy được ý nghĩa của việc mình sinh ra.