Tình yêu có từ ngày xửa… ngày xưa!
Người viết về đề tài này thường chịu ảnh hưởng nhiều từ kinh nghiệm của chính bản thân cũng như tính thời đại, nên thường nghĩ rằng yêu là chuyện của thời hiện đại, của giới trẻ, nghĩa là thời ông bà xa xưa chưa thực sự có tình yêu.
Luận điểm này còn được hỗ trợ thêm bởi vài thực tế lịch sử. Ngày xưa lễ giáo phong kiến quá khắt khe đã hạn chế tình cảm nam nữ. Văn chương lại chỉ đề cao thi phú mà coi thường truyện tình. Họ gọi truyện là “tiểu thuyết”, tức những sản phẩm nhỏ nhặt, không đáng gọi là văn chương.
Sang đầu thế kỷ 20, cuộc chiến giữa phong trào Thơ Mới và Thơ Cũ đánh dấu một bước phát triển lớn trong văn học Việt Nam. Kết quả là một chiến thắng dành cho Thơ Mới. Từ đó, thơ chứa đựng ân tình lên ngôi. Những thiếu nữ có học lúc bấy giờ chìm trong một khung cảnh mới của tình yêu. Họ mơ mộng nhiều hơn, vui sướng và đau khổ cũng nhiều hơn. Nhiều người thuộc lòng những bài thơ “Hai sắc hoa Ti gôn”, “Màu thời gian” hay “Màu tím hoa sim”… Liệu có phải tình yêu nam nữ chính thức bắt đầu từ lúc này không?
Lần giở những văn bản cũ thì thấy câu trả lời không phải như vậy.
Nếu yêu là nhớ
Ai nhớ người yêu bằng vua Tự Đức? Khi người thiếp mất, nhà vua vô cùng buồn rầu vì không thể gặp nàng được nữa. Vua nhớ hình bóng nàng ngồi trước gương, thấy phòng còn phảng phất mùi hương. Nhà vua viết hai câu thơ:
“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi”
Thơ tình ngày nay cũng chỉ mong viết được như thế.
Nếu yêu là mong là đợi
Một bài hát gần đây có câu: “Giận hờn hai hôm dài như một tháng” là để diễn tả nỗi nhớ nhung.
Ngày trước Kim Trọng nhớ người yêu như thế nào? Ta thử đọc kỹ đoạn sau
Chàng Kim từ lại thư song,
Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây.
Sầu đong càng lắc càng đầy,
Ba thu dồn lại một ngày dài ghê.
Một ngày dài bằng ba năm chứ một tháng đã ăn thua gì!
Nhưng câu “ba thu dồn lại một ngày dài ghê” không phải của Nguyễn Du. Ông mượn ý một câu thơ cổ trong Kinh Thi, tập văn học được Khổng Tử san định từ hơn ba trăm bài thơ lưu truyền trong dân gian trước đó, những bài thơ đã được làm cách đây gần 3.000 năm.
“Nhất nhật bất kiến, như tam thu hề”
(Một ngày không gặp, tưởng chừng ba năm)
Cùng thời với Khổng Tử, Phật Tổ Như Lai đã thuyết giảng cho mọi người biết về cái khổ ở đời và cách diệt khổ. Tứ diệu đế- một chương tuyệt tác trong kinh Phật- đã nêu một trong những cái khổ ấy là “Ái biệt ly khổ”, có gì đau khổ cho bằng xa người mình yêu.
Phương Đông như thế, phương Tây cũng không khác. Đọc Kinh Thánh Cựu Ước, thiên Nhã Ca ta gặp rải rác nhiều vần thơ rất tình tứ, những lời được nói từ hơn 5.000 năm trước:
“Anh như con chim bay trên bầu trời
Anh như con nai nhảy trên sườn đồi…
Hãy đến đây in dấu lên trái tim em
Hãy đến đây in dấu lên cánh tay em
Vì anh là duy nhất…”
Tóm lại, tình yêu có từ lâu lắm rồi, có từ khi con người biết đọc biết viết, mà cũng có thể là từ khi con người bắt đầu biết nói.
Đề tài cũ như thế mà lặp lại mãi vẫn không làm ai thấy chán, chẳng đặc biệt sao?
Chúc cả nhà vui.
Banron