Pháp sư Tịnh Không:
“Vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân” [tất cả không mang theo được, chỉ có nghiệp theo mình].
Một đời tạo nhiều tội nghiệp, thì mang theo tội nghiệp rồi, ngoài tội nghiệp ra, không mang theo được một thứ gì. “Thiện ác họa phước, truy mạng sở sanh” [thiện ác họa phước, theo mạng mà sanh ra], kết quả có được chính là như vậy.
Nhân của khỏe mạnh sống lâu là “bố thí vô úy”, phóng sanh và không sát sanh đều thuộc về bố thí vô úy. Làm cho tất cả chúng sanh thoát khỏi nỗi sợ hãi, xa hết mọi lo lắng, khổ nạn, cái này gọi là bố thí vô úy. Chúng ta giúp người khác thoát khỏi khổ nạn, có được sự bình an, loại bố thì này sẽ được quả báo khỏe mạnh sống lâu.
Khi người khác gặp phải sự hãm hại về mặt tinh thần, thể xác, cảm thấy bị uy hiếp mà bạn có thể bảo vệ họ, làm cho họ không sợ hãi, không lo lắng, đây là bố thí vô úy. Vì thế phóng sanh thuộc về bố thí vô úy. Bạn xem mấy loài động vật nhỏ sẽ bị người ta giết hại để ăn thịt ngay, bạn mua chúng rồi thả chúng về với rừng núi, thả về trong môi trường nước. Chúng không sợ hãi, không còn những lo lắng, đây thuộc về bố thí vô úy. Bố thí vô úy được quả báo mạnh khỏe sống lâu.
Có của mà không chịu bố thí thì sẽ gặt quả báo nghèo khó. ......Tiếc pháp, bản thân hiểu biết pháp thế gian hoặc Phật pháp mà không chịu chỉ lại cho người khác, không chịu tu bố thí pháp thì gặt lấy quả báo ngu si. Bố thí vô úy thì ngược lại, uy hiếp người khác, làm người khác thân tâm không yên, quả báo chính là nhiều bệnh tật, chết yểu.
Thường giúp đỡ người bệnh, bản thân sẽ không sanh bệnh; thường giúp đỡ người già, bản thân sẽ không già yếu. Mặc dù tuổi cao, nhưng sức khỏe còn giống người trẻ tuổi. Trước đây không ít người từng gặp qua lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam ở Đài Trung, lão cư sĩ đã chín mươi lăm tuổi mà không cần người chăm sóc, đi cũng không cần ai dìu đỡ. Ngài khỏe mạnh sống lâu, là quả báo của bố thí vô úy. Ngài dùng Phật pháp, dùng y thuật giúp đỡ rất người người già bị bệnh, vì thế bản thân Ngài có được quả báo thù thắng như vậy. Nhất thiết không được ruồng bỏ người già bệnh tật; ruồng bỏ người già, người bệnh thì sau này bản thân bị bệnh, tuổi đã già rồi, người trẻ tuổi sẽ ruồng bỏ lại bạn. Quả báo chính là như vậy, trồng nhân nào thì có được quả báo nấy. Nhân duyên quả báo, tơ hào chẳng sai.Nghiệp nhân quả báo, tuần hoàn không ngừng. Trong kinh Phật thường nói: “nhân tử vi dương, dương tử vi nhân” [người chết rồi làm dê, dê chết rồi làm người]. Lục đạo là tuần hoàn, hôm nay bạn giết nó, chính là thiếu nó một mạng; đời sau khi nó làm người, bạn biến thành súc sanh, nó lại sẽ giết bạn.
“Tương tùng cộng sanh, cánh tương báo thường” [chung sống với nhau, báo trả lẫn nhau] nếu chúng ta thông suốt hai câu này, thì ngày nay có bị người trên đời này phỉ báng, làm nhục, hà hiếp, tâm chúng ta sẽ bình tĩnh. Vì sao người ta không phỉ báng người khác, không ăn hiếp người khác lại đi ức hiếp ta? Trong đời quá khứ ta đã từng ức hiếp họ, đã từng phỉ báng họ. Hôm nay họ trả lại ta từng món một, món nợ này xong rồi, sau này thiện hạ thái bình, không có chuyện nữa rồi. Vì thế đối với oan gia kẻ thù phải biết xóa bỏ hết tất cả, tâm địa sảng khoái tự tại.
Mặc dù đời này chịu thua thiệt, bị lừa dối, bản thân hiểu được là có lẽ đời trước ta đã ức hiếp người ta, chướng ngại người ta, vì thế hôm nay người ta đến chướng ngại lại ta. Một trả lại một, món nợ này kết thúc ở đây, xóa bỏ tất cả, tâm ý đã được cởi bỏ. Sau khi trả xong, không còn nợ nữa. Nếu không trả hết, vẫn là ôm hận trong lòng, sau này sẽ báo thù; đời đời kiếp kiếp báo qua báo lại, vĩnh viễn không bao giờ dứt. Mà mỗi lần báo thì lại càng nghiêm trọng hơn, vô cùng đáng sợ, vô cùng đáng sợ!
Nhân quả báo ứng, tơ hào chẳng sai. Tài sản chúng ta bị người trộm mất, sao người ta không đi trộm của người khác, chỉ trộm của ta? Chắc là đời trước ta trộm đồ của người ta, bây giờ người ta trộm lại của mình. Món nợ này trả rồi, không có việc gì nữa rồi. ......Vì thế cho dù người ta có hãm hại chúng ta, bất kể thủ đoạn tàn độc mức nào, thậm chí chấm dứt mạng sống chúng ta, cũng không nên tính toán. Tại sao vậy? Nợ đến đây xong rồi, hai bên cùng kết thiện duyên, đời sau thành Phật còn có thể cứu độ người ta. Kết thiện duyên, không tính toán, không bức hại chúng sanh, đấy là tu hành.
Tất cả chúng sanh, trên đời này không thể không có oan gia, không thể không có trái chủ. Vì chúng ta ở trong lục đạo từ vô thỉ kiếp đến nay, không biết đã kết oán thù với bao nhiêu chúng sanh, cũng không biết đã thiếu nợ với bao nhiêu chúng sanh. Luôn luôn là ta thiếu nợ người ta thì nhiều, còn người ta thiếu nợ ta thì ít. Những oan gia trái chủ này, khi nhân duyên có đủ, dù không quen biết, cũng sẽ đòi nợ trả nợ. Việc này được Phật pháp giảng rất thông suốt, mọi người sẽ dễ dàng lãnh hội được. Chúng ta trong một đời này, việc không như ý rất nhiều, đặc biệt là môi trường nhân sự không như ý muốn. Phật dạy chúng ta chỗ nào cũng phải nhẫn nhường, nhẫn nhường là trả nợ, là hóa giải oán thù; không được để bụng, không được tính toán.
Đã biết tướng của chúng sanh lục đạo, cái gì cũng là oan oan tương báo. Thiếu tiền thì trả tiền, thiếu mạng thì đền mạng, tuyệt không có đường thoát đâu. Phật Thích Ca Mâu Ni thành Phật rồi mà còn phải thị hiện “mã mạch chi báo” [quả báo ăn lúa mạch của ngựa]. Trong truyện về Phật Thích Ca Mâu Ni có chép rằng: khất thực không được gì, người ta dùng thức ăn nuôi ngựa để cúng dường Phật. Khổng Phu Tử trong “Tại Trần Tuyệt Lương” [Luận Ngữ, chương 15: Khi ở nước Trần bị tuyệt lương thực, học trò đi theo mắc bệnh, đi không nổi. Tử Lộ buồn rầu gặp Khổng tử nói: “Quân tử cũng có lúc khốn cùng phải không?”. Khổng tử nói: Quân tử gặp cùng khốn thì cố chịu đựng, kẻ tiểu nhân thì lạm dụng, làm liều.] có lúc còn nghèo đến mức không có cơm ăn. Người đại thánh cũng không thể vì cả đời tu thiện tích đức mà không chịu quả báo ác; quả báo là nhân đã trồng trong đời trước.
. Trong kinh Phật nói rất rõ ràng: duyên cha con như thế nào? “báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ”. Người với người, người với tất cả chúng sanh, nói thật ra, đều không ngoài bốn loại nhân duyên lớn này. Duyên đã kết từ nhiều đời nhiều kiếp, chỉ là nặng nhẹ ít nhiều mà thôi. Vì thế không có thứ gì không phải là do tự mình tạo ra cả. Chính vì sự thật như vậy, nên Bồ Tát khởi tâm động niệm đều rất thận trọng, rất để ý. Bồ Tát biết rõ chân tướng sự thật, chắc chắn không sanh ý niệm ác, chắc chắn không làm việc ác. Vì Bồ Tát biết rõ, một niệm ác, một việc sai sau này trong cuộc sống nhất định sẽ có những việc không như ý. Bồ Tát nếu muốn cuộc sống tự tại vô ngại thì chỉ có cách là không tạo nghiệp ác, mới có thể có được cuộc sống như vậy.
Mối quan hệ giữa người với người là “báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ”. ......Bốn mối quan hệ này là sự biến tướng của nghiệp quả bản thân đã làm trong đời trước, hiểu rõ chân tướng sự thật như vậy mới là hiểu biết, thì ra đời người không có chịu thua thiệt, cũng không có được lợi hơn người. Ta bị người ta lừa gạt, cũng vui vẻ, trả xong một món nợ. Có lẽ trong đời trước ta đã lừa gạt người ta, giờ bị người ta lừa gạt lại. Như vậy cũng tốt, món nợ này xong rồi. Bị trộm cũng là do đời trước ta đi trộm đồ người ta, giờ việc này cũng công bằng rồi. Nhân quả vốn là tuần hoàn không dứt, hiểu rõ chân tướng, tâm ý đã được cởi mở xong.
. Con cháu phải dạy dỗ, nuôi dưỡng cho tốt nhưng không nên để lại tài sản cho nó. Phải tu phước cho con cháu, tích đức cho con cháu thì con cháu mới có thể thọ dụng thật sự. Để lại tài sản, con cháu tưởng là của cải có được rất dễ, thì lại dễ sa đọa và tạo nghiệp.
Thường bố thí ân huệ cho người ta, con cháu được báo ân sẽ nhiều; đối với người ta không có ân huệ gì, niệm niệm đều là tự tư tự lợi, thì đâu ra chuyện báo ân? Đều là đến báo oán, đến đòi nợ thôi. Tốn biết bao tâm huyến nuôi dạy con cháu, kỳ vọng vào con cháu, đến cuối cùng làm bạn thất vọng, thật là “phụ ân vi nghĩa, vô hữu báo thường” [vong ơn bội nghĩa, không có báo tốt].
Phật nói là ba đời không vọng ngữ thì lưỡi thè ra có thể liếm tới đầu mũi. Phật ở trong nhân địa, đời đời kiếp kiếp không vọng ngữ, vì thế lưỡi của Phật khi thè ra, có thể phủ trùm cả mặt. Nếu không chịu tu nhân, ở đâu ra quả báo như thế?