Tác giả Chủ đề: KHÔNG NÊN TRỘM CẮP  (Đã xem 3459 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Ngủ rồi be-buti

Trả lời #1 vào: 25-07-2014 10:44:42
ĐIỀU LÀNH THỨ HAI: KHÔNG NÊN TRỘM CẮP

Trộm cắp là do lòng tham lam, ham muốn. Sống được thảnh thơi, an nhàn, có nhiều của cải tài sản và được ăn ngon, mặc đẹp, mà chẳng cần phải làm lụng vất vả như bao nhiêu người khác. Hòa Thượng Thiện Hoa dạy: “Người không gian tham, trộm cắp là người yêu chuộng công bình, tôn trọng của cải kẻ khác như của mình”. Tiền bạc là huyết mạch của con người, nếu không có nó đời sống sẽ vất vả. Nếu của cải mình làm ra mà bị người ta lấy hết thì mình có đau lòng không? Mình mất của thì mình xót xa, tiếc nuối, thì người mất của cũng đau khổ như thế. Có nhiều người bị trộm cắp mất hết của cải, vàng bạc, thất vọng nến nỗi phải quyên sinh. Vả lại, của phi nghĩa thường vô ngõ trước ra ngõ sau, tiêu hao như nước soi, cát chảy. Manh tâm giành giựt cho lắm, chết rồi cũng hai bàn tay không. Người không trộm cắp luôn sống an vui vì không sợ bị tù tội, hoặc có người thù oán mình. Nếu mọi người giữ giới không nên trộm cắp thì nhà nhà được an vui, của đánh rơi cũng không có ai lượm, quên đóng cửa cũng chẳng có ai mất đồ. Nghe nói ngày xưa bên Trung Hoa, thời vua Nghiêu, vuaThuấn, thái bình thạnh trị, người ta ngủ cũng chẳng cần đóng cửa, đồ đạc có đánh rơi cũng không ai lượm, tôi thích lắm. Không ngờ ngày nay, tại các nước văn minh trên thế giới, nếu ai mất của, đi báo cảnh sát thì người ta cho biết có người nhặt được rồi. Tôi biết một phật tử tại Nhật bảo rằng một hôm cô có việc cần đi gấp, cô rời khỏi nhà cả ngày, không khóa cửa, về nhà đồ đạc vẫn còn nguyên. Cô TH ở California nói, có một hôm, cô về nhà thì thấy cửa mở toang, cô hoảng sợ, không dám vô nhà, cô gọi cảnh sát đến, họ đưa cô vào nhà, lục soát khắp nơi, thấy không mất gì cả. Thì ra, khi rời khỏi nhà cô không khóa cửa, gió thổi mở tung cửa mà thôi. Tại Việt Nam, thỉnh thoảng ta cũng thấy đăng trên báo những tấm lòng vàng, lượm được gói tiền, hoặc cái bóp của ai đánh rơi, được thông báo để chủ nhân đến nhận lại. Nhưng những tấm lòng vàng ấy ngày càng hiếm hoi.

Người phật tử thọ năm giới thì không bao giờ khởi ý trộm cắp, dù trái cà, trái bí, cây đinh, cọng kẽm, nếu người ta không cho thì mình không được tùy tiện lấy đi. Từ nó suy ra, tất cả những gì không phải của mình thì mình không được lấy, không nhận, không sử dụng. Bây giờ, giả sử có người lượm được tờ giấy bạc 50.000 đồng Việt Nam hoặc tờ giấy 100 đô la, đưa lên máy phóng thanh mà gọi chừng hai lần thì đến lần thứ ba sẽ có người nhảy ra nhận là mình mất (mặc dù người ấy không có tờ giấy bạc ấy!). Trong cuộc sống hàng ngày, tại các xí nghiệp, nếu công nhân mà đi trễ, về sớm thì dễ bị sa thải. Công nhân viên làm việc mà lấy văn phòng phẩm đem về nhà để cho mình và gia nình mình xài là ăn cắp của công! Sử dụng máy photocopy để sao giấy tờ cá nhân của mình, thậm chí sao chụp tài liệu tu học để tặng bạn bè (nghĩ rằng mình làm phước, giúp người tu hành, sẽ được phước), không ngờ lòng tốt ấy cũng là ăn cắp của công, làm việc riêng. Có nhiều người đến sở làm mà đọc báo, đọc tiểu thuyết, nghe nhạc, trang niểm, hoặc cùng bạn bè ra quán cà phê tán gẫu hàng giờ... tất cả đều ăn cắp giờ làm việc mà thôi. Là phật tử, thọ trì năm giới hay mười giới nều phải ghi nhớ điều ấy, nếu rơi trúng vào một trong những niều kể trên tức là phạm giới thứ hai: Không trộm cắp.

Kinh MƯỜI ĐIỀU LÀNH dạy: “Nếu không trộm cắp mà còn bố thí thì sẽ được mười quả báo phước lành như sau:

            1/ Tiền của có dư, không bị vua quan, giặc giã cướp mất, không bị nạn lũ lụt trôi, lửa cháy, hay con cái phá tán.

            2/ Được nhiều người kính mến và tin cậy.

            3/ Không bị ai lừa dối gạt gẫm.

            4/ Xa gần đều khen ngợi lòng ngay thẳng của mình.

            5/ Lòng được an ổn, không lo sợ về sự tổn hại nào.

            6/ Tiếng lành đồn xa.

            7/ Ở chỗ đông người lòng không khủng khiếp.

            8/ Tiền của, tánh mạng, nhan sắc, sức khỏe an vui, biện tài vô ngại.

            9/ Thường sẵn lòng bố thí cho tất cả chúng sanh.

         10/ Khi chết được sanh lên cõi Trời.

Thật vậy, làm phước được phước. Chẳng phải mình mong cầu, mà phước ấy vẫn tự đến với mình. Lời Phật dạy: “Bố thí bất trụ tướng thì phước đức như hư không”. Điều này chúng tôi đã nghiệm thấy trong cuộc đời mình cũng như trong cuộc đời của các cư sĩ theo tu học với chúng tôi. Chẳng những mình không tham lam của người mà còn bỏ đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình ra để bố thí, cúng dường thì những người ấy không bao giờ lâm vào cảnh nghèo đói. Các phật tử làm việc ở nước ngoài thường dễ bị thất nghiệp, vì hãng xưởng làm ăn, buôn bán ế ẩm, nhưng các phật tử thuần thành, thường hành hạnh bố thí đều gặp may mắn. Họ không bị cho nghỉ việc, hoặc nếu có thôi việc ở nơi này thì họ liền tìm được một nơi khác còn tốt hơn chỗ cũ.

Người giàu sang mà bo bo giữ của cải, không làm phước, bố thí, giúp người nghèo khó, bệnh tật thì đêm nằm ngủ không yên. Có của cải quý báu trong nhà thì tối ngày không dám rời nhà nửa bước, sợ gia nhân ăn cắp, hoặc ăn trộm cạy cửa lấy đồ, đêm ngủ không yên, nghe tiếng động tịnh thì lại tỉnh giấc, nơm nớp lo sợ ăn cướp... Giữ giới không trộm cắp là thực tập TÂM BUÔNG XẢ. Tâm buông xả thì thảnh thơi, an nhàn, không có gì phải lo toan.

Vậy quý Phật tử phải thường xuyên giữ giới không trộm cắp, và tập bố thí, buông xả thì thân tâm, an lạc, phước lành tăng trưởng.