Đã vào tuổi \\\"xưa nay hiếm\\\" nhưng bà Đinh Thị Lục, ở
thôn Hòa Bình, xã Đức Thủy (Đức Thọ) lại phải ra đồng mỗi sáng bất kể trời nắng hay ngày mưa để mò cua, xúc tép sống đắp đổi qua ngày và nuôi đứa con trai độc nhất bệnh tật.
Khi chúng tôi hỏi về gia cảnh, bà Lục rưng rưng hai hàng nước mắt rồi buông gọn một câu: \\\"Phận tui nó bạc như vôi\\\". Chng 15 phút câu chuyện bị \\\" đứt\\\", bà Lục dần bình tâm trở lại rồi kể về gia cảnh của mình.
Ngôi nhà xập xệ, thủng mái nên cứ đến trời mưa là hai mẹ con bà Lục lại phải chạy ra quán trước cửa trú nhờ.
Bà sinh năm 1940, trong một gia đình nghèo. Vừa bước qua tuổi 20,bà lập gia đình với ông Phan Văn Cậy, người ở thôn Tường Vân, xã Đức Long. Ở với nhau chưa được bao lâu, ông Cậy lên đường nhập ngũ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rồi hy sinh. Bà Lục trở thành góa phụ.
Thương người con dâu sau gần 20 năm lấy chồng, rồi lại chịu cảnh \\\"không chồng\\\", phía gia đình ông Cậy đã quyết định cho bà \\\"đi\\\" bước nữa.
Ông Trần Đức Kính ở thôn Hòa Bình, xã Đức Thủy là người chồng thứ 2 của bà. Ông Kính là một người thương binh, góa vợ đã có 3 người con.
Tưởng rằng, khi hai con người bạc phận này đến với nhau cuộc sống của họ sẽ có được ngày “cam lai”, nhưng trớ trêu thay, càng về sau cuộc sống của người đàn bà đa đoan này lại càng rơi vào bế tắc.
Sau một thời gian lấy ông Kính, bà Lục sinh hạ người con gái đầu lòng. Thế nhưng, khi hai vợ chồng chưa kịp nhìn đứa con lớn thì họ đã mất đi “khúc ruột” của mình vì người con lâm trọng bệnh qua đời.
Năm 1984, bà sinh người con thứ 2 đặt tên là Trần Đức Giáp. Tuy nhiên, Giáp chỉ có lớn nhưng không có khôn. Sinh Giáp chưa được bao lâu ông Kính đã qua đời.
Nói đến đây bà Lục nghẹn ngào: “Khổ lắm nhưng biết cậy ai hả chú. Hồi ấy các con ông ấy (con ông Kính) còn nhỏ nên cũng chẳng giúp được gì. Ông nhà tôi lại đi quá sớm.Thằng Giáp lại bệnh tật liên miên. Có lẽ tôi đã gánh hết cái khổ ở đời này rồi”.
Xót cảnh chị dâu sau gần 20 năm tựa cửa chờ chồng, giờ lại quá nghèo khổ, những người em trai của ông Cậy đã thống nhất với nhau rồi đề xuất với chính quyền địa phương xin chuyển số tiền tuất của liệt sỹ Phan Văn Cậy về cho bà Lục hưởng.
Đến thôn Hòa Bình (Đức Thủy) hỏi về gia cảnh bà Lục thì nghe ai cũng xót xa. “Các chú thấy đó, cả ngôi nhà ngói lụp xụp chẳng còn viên nào lành lặn. Trời nắng còn ở được chứ trời mưa là hai mẹ con nhà bà lại phải chạy ra hàng quán trước cửa để trú nhờ. Được thằng con trai lại bị bệnh thường bỏ nhà đi hết ngày, khi thấy đói mới về. Có những lúc trời nắng bà đi mò cua về nấu cơm chưa kịp ăn thì thằng Giáp lên cơn nó đem đỗ hết, rứa là bà phải nhịn”, chị Phan Thị Hà, hàng xóm với bà Lục xót xa.
Nói về hoàn cảnh của bà Lục, ông Nguyễn Nghiêm - Chủ tịch UBND xã Đức Thủy cho biết: “Hộ bà Lục là trường hợp đặc biệt khó khăn của xã. Bà được đứa con trai độc nhất thì bị bệnh không có khả năng lao động. Hai mẹ con bà sống chỉ dựa vào số tiết tuất của ông Cậy để lại cùng với 180 nghìn đồng từ tiền chế độ hỗ trợ cho người tàn tật của anh Giáp. Trường hợp bà Lục, anh Giáp chính quyền xã đã không để lọt một sự trợ cấp nào”.
Nguồn : Baohatinh