Trưa nay gặp nhau ở quán cơm, Sunyata có kể một câu chuyện đọc từ báo Dân Trí và mong muốn cùng nhau làm một điều gì đó cho chị Phượng.
Mình đã lục lọi tìm thông tin trên báo ngày 22/11. Xin gởi các bạn cùng chia sẻ.
http://dantri.com.vn/c167/s167-438369/nguoi-phu-nu-bi-bong-toan-than-mong-duoc-cuu-giup.htmNgọn đèn dầu thiêu rụi một gia đình trẻ hạnh phúcChị Huỳnh Thị Phượng (25 tuổi) kể lại trong đau đớn: “Đến bây giờ em cũng không biết chai đó là dầu hay xăng! Vì khi đi mua, người lớn không có ở nhà nên đứa nhỏ bán cho. Nửa đêm thấy ngọn đèn sắp tắt nên em mới đi ra châm thêm dầu. Trong lúc loay hoay, chai dầu đổ lên người và ngọn lửa phực cháy! Em kêu la, anh Tuấn - chồng em thức dậy lấy nước đổ vào người em, nhưng lửa vẫn không tắt, đến khi anh lấy tấm chăn nhún nước đắp lên người em thì lúc đó ngọn lửa mới tắt hẳn!”
Chị kể đến đó thì đột nhiên người chị bị co rúm lại làm các vết thương trên người chị bị tách ra, có chỗ ứa máu, … Chị bím chặt môi, bàn tay quờ quạo như muốn bám víu vào một cái gì đó, nhưng không thể, vì các ngón tay của chị cũng bị bỏng! Có lẽ chị đau lắm, nước mắt ứa ra!
Cô Nguyễn Thị Khích - mẹ ruột chị Phượng kể tiếp: “Khi cháu nó bị như vậy, gia đình chuyển gấp đến các bệnh viện trong tỉnh Đồng Tháp, nhưng do vết bỏng nặng quá các bác sĩ chuyển cháu lên Bệnh viện chợ Rẫy TPHCM để cấp cứu! Sau 2 tháng nằm điều trị ở đây, cháu Phượng đã qua giai đoạn nguy hiểm, các vết thương đang có dấu hiệu phục hồi thì cũng là lúc số tiền 130 triệu đồng mà vợ chồng tôi chạy hỏi bên ngoài đã cạn sạch! Người ta đòi, không cho gia hạn nữa, tôi đành đưa cháu về nhà, hy vọng người ta thấy bệnh tình của cháu mà động lòng cho khất nợ! Ai ngờ chú ơi! …” Bà Khích nghẹn ngào, nước mắt giàn giụa!
Trong giấy xuất viện của Khoa phỏng bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán chị Phượng bị phỏng lửa dầu 50 % độ II, III (40% độ III) khắp thân. Theo người nhà cho biết, vùng da của chị Phượng bị tổn thương đến 70 % và đã trải qua 9 lần cắt lọc ghép da nên giờ đây trên cơ thể của chị không còn da để cắt lọc nữa.
Bé Trâm còn rất nhỏ, chưa hiểu hết nỗi đau mà chị Phượng phải chịu đừng hàng ngày. Nhưng những tiếng hỏi cha của bé Trâm càng làm chị Phượng đau lòng hơn.
Bé Trâm – đứa con gái mới 3 tuổi đến gần chị, chị Phượng cố gắng nhắc bàn tay của mình lên như để ôm bé Trâm vào lòng. Một cử chỉ đơn giản của bao người mẹ muốn thể hiện sự yêu thương chăm sóc con mình, nhưng với chị Phượng là một điều khó và không biết đến khi nào chị mới thực hiện được!
Thấy thiếu vắng anh Tuấn, chúng tôi hỏi thăm thì bà Khích bùi ngùi cho biết: “Không biết vì lí do gì mà sau khi thằng Tuấn đưa vợ của nó về đây rồi lặng lẽ bỏ đi biệt tích 2 tháng nay, bỏ lại vợ con của nó như thế này, vợ của nó đau lòng lắm!” Sau câu nói ấy, chúng tôi cảm nhận rằng 2 tháng nay ngoài việc hàng ngày chị Phượng phải chịu đựng các vết thương hành hà thì chị còn phải chịu đau đớn của vết thương lòng mà không biết đến bao giờ vết thương này mới lành được đây!
Mong mỏi của người phụ nữ “mình trần” “Em không trách gì chồng mình nếu anh Tuấn thật sự bỏ mẹ con em! Thân thể em thế này, bây giờ em chỉ mong mau hết bệnh để giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ và em có thể chăm sóc cho bé Trâm là em mãn nguyện lắm rồi!” Nói xong chị Phượng nhắm nghiền đôi mắt và hai hàng nước mắt tuôn chảy trên gương mặt chịu nhiều bất hạnh.
Bé Trâm thấy mẹ khóc, không biết chuyện gì cũng khóc theo. Bé Trâm định chồm lên người chị Phượng nhưng bà Khích kịp ngăn lại và bế bé Trâm ra ngoài, bà nói: “Hễ cháu nó ngủ thì thôi còn không thì hỏi cha của nó! Có lúc không có chúng tôi ở nhà, cháu Trâm nắm lấy tay của mẹ nó lôi kéo đòi cha làm các vết thương trên mu bàn tay của mẹ nó rách da, chảy máu, … làm mẹ nó đau nhưng tui nghĩ mẹ nó đau lòng nhất là việc thằng Tuấn bỏ đi!”
Nghe những lời tâm sự của bà Khích, những người đến thăm chị Phượng đều sụt sùi nước mắt.
Được biết, lao động chính trong gia đình chị Phượng giờ chỉ có minh ông Huỳnh Văn On, 55 tuổi – cha ruột chị.
Ông On tâm sự: “Con cái rơi vào tình cảnh như thế này thì bổn phận làm cha mẹ dù như thế nào mình cũng lo! Nhưng ngặt nỗi trong nhà không còn thứ gì quý giá để cầm cố nữa (có cái nền nhà đã cầm cố rồi - PV), tiền công ba cọc ba đồng của tôi thì chỉ đủ mua gạo và mấy chai thuốc sát trùng cho cháu thôi!.
Theo chúng tôi được biết nguyên nhân ông bà On đưa chị Phượng về nhà là vì số tiền 130 triệu đồng (chi phí cho 2 tháng chị Phượng nằm viện - PV) mà ông bà đã đi hỏi vay nóng bên ngoài đã vượt “ngưỡng” và thời gian cho vay nên họ buộc gia đình phải trả. Trong lúc cùng đường, vợ chồng ông On chỉ biết năn nỉ các bác sĩ cho xuất viện để bảo hiểm thanh toán rồi lấy số tiền đó trả nợ cho người ta.
Bà Khích bùi ngùi cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng, sau khi trả nợ cho người ta thì họ sẽ cho mượn lại, ai ngờ họ thấy gia đình không có đất đai, tài sản gì đáng giá nên không cho mượn nữa! Tôi và cha nó cũng cố chạy hỏi khắp bà con, nhưng anh em cũng nghèo như chúng tôi thì lấy đâu ra 2, 3 triệu bạc mà cho mượn, đành lòng để cháu nằm nhà như thế này! Bà lại ôm mặt khóc!
Xót xa trước tình cảnh của chị Phượng, chị Nga - một bạn đọc Dân trí đã ủng hộ ngay 5.000.000 đồng với hy vọng sẽ có nhiều nhà hảo tâm khác góp sức để sớm đưa chị Phượng nhập viện trở lại. Vì theo chị, nếu để lâu các vết lở sẽ nhiều và lan rộng ra các vùng da khác, khi đó nguy cơ nhiễm trùng da là điều khó tránh khỏi.
Theo chị Trần Thị Lùn - chủ tịch Hội phụ nữ xã Mỹ Thành Bắc cho biết: “ Khi chúng tôi hay tin đã vận động bà con hỗ trợ được một ít cho gia đình. Gia đình ông On là một trong những hộ nghèo nhất trong xã, nay còn phải chăm sóc cho chị Phượng như thế này thì càng khó khăn hơn. Nên qua báo Dân trí, chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm giúp đỡ để chị Phượng mau chóng được nhập viện trở lại, có cơ may được cứu sống”.