HMHai Ngày gửi: 23-07-2008 Lúc 19:41
Tìm ra cái đúng trong mớ hỗn độn những ý kiến bất đồng là một nghệ thuật, bước đầu tiên là nên tìm hiểu kiến thức của mỗi người từ đâu mà có? Và mức độ đáng tin cậy của chúng như thế nào?
Ba nguồn cho sự hiểu biết
1. Nhờ người khác mà biết:
Đây là nguồn lớn nhất cho kiến thức. Sách vở, báo chí, bài giảng của thầy cô, học hỏi từ bạn bè…tất cả những kiến thức thu thập được đó đều là nhờ người khác mà biết.
Ngay cả ngày sinh của mình cũng vậy. Thật dễ giận nếu có ai nghi ngờ bạn không biết chính xác ngày sinh của mình. Nhưng thực ra không ai chắc chắn 100% về chuyện đó cả, chỉ là nghe nói lại thôi chứ ta chưa bao giờ nhìn lên tường lúc mới lọt lòng để ghi lại cho chính xác!
Sẽ ra sao nếu không may chúng ta nhận được thông tin sai từ đầu? Chịu thôi, hay nói cách khác, nguồn kiến thức này nằm ngoài sự kiểm soát của mình.
2. Tự trải nghiệm mà biết:
Lửa thì nóng còn nước đá thì lạnh. Quá dễ. Điểm đặc biệt ở đây là phải tự cảm nhận mới biết được cái vô cùng đơn giản đó. Chưa từng sờ tay vào cục nước đá mà hiểu được cái lạnh của nó là điều không thể. Kiến thức trải nghiệm này có được nhờ đi nhiều, thực hành nhiều và tích lũy dần theo năm tháng.
Tuy nhiên đã gọi là cảm nhận thì không ai giống ai. Độ sáng-tối, nóng-lạnh, xa-gần, cảm giác ngon- dở, vui-buồn… tùy thuộc vào tình trạng cơ thể và tâm lý.
Vậy có thể nói, những kiến thức dạng này mang tính chủ quan.
3. Do suy luận mà biết:
Dựa vào những điều đã biết rồi suy ra những điều chưa biết, đây là một khả năng đặc biệt chỉ bộ não người mới có. Ví dụ ta chưa hề đi Hà Nội, nhưng nếu ta biết quãng đường từ tp HCM đi Huế khoảng 1.000 km, và từ Huế đi Hà Nội khoảng 700 km thì nếu ba nơi này cùng nằm trên một trục đường thì khoảng cách tp HCM – Hà Nội khoảng 1.700 km.
Nhưng nếu như kiến thức có sẵn hoặc phụ thuộc vào người khác (nguồn thứ nhất), hoặc tự trải nghiệm mà có (nguồn thứ hai) thì những kiến thức do suy luận cũng mang tính chủ quan và không chắc chắn.
Nghệ thuật tìm ra chân lý
Vậy khi gặp bất đồng ý kiến, nghệ thuật tìm ra chân lý không phải ở chỗ tiếp tục chứng minh điều mình nói mà là ngược lại ta phải tìm cách hiểu rõ hơn ý kiến của người khác. Mặc dù không nhất thiết phải đồng ý, nhưng nhờ suy nghĩ theo chiều hướng mới nên kiến thức của chúng ta được soi rọi bởi một luồng ánh sáng khác, từ một góc độ khác và từ đó ta trở nên sáng suốt hơn.
Càng nhiều thành viên trong nhóm tỏ ra sáng suốt thì sẽ có hiệu ứng cộng hưởng và cái đúng sẽ được tìm ra. Ngược lại nếu mỗi người chỉ ôm lấy ý kiến của mình thì chân lý sẽ như con thuyền không buộc dây, lững lờ trôi ngày càng xa bến đỗ, bỏ lại trên bờ mấy vị thông minh nhưng khuôn mặt thiếu hẳn niềm vui vì vẫn còn vướng trong vòng cương tỏa của sự bất đồng ý kiến...