Đắng cay phận người phụ nữ gửi con vào chùa
(Dân trí) - Dẫu biết phải sống trong đau nhớ khi cách xa những “khúc ruột” của mình, nhưng chị không thể để 4 đứa con mang bệnh của mình chết đói, không đành lòng chị đã phải gửi hai đứa vào chùa để chúng có cơm ăn.
Chiếc xe cũ nát bên cạnh chị Gái là tài sản giá trị nhất mà mẹ con chị đang có.
Chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Gái (49 tuổi, thôn Tân Sao, xã Ia Yók, huyện Ia Grai), vào một buổi chiều. Đó là căn nhà ẩm thấp, không có đồ đạc nằm khuất sau những bụi rậm, ở nhà chỉ có hai người con bị bệnh mất trí của chị Gái là em Dương Thị Dung (21 tuổi) và em Dương Văn Tài (18 tuổi), đang nằm vạ vật dưới chiếu. Chúng tôi chờ mãi, khi mặt trời khuất núi, đồng hồ đã điểm sang 6h20 tối, mới thấy lờ mờ dáng người phụ nữ người gầy nhom, khắc khổ lọc cọc đạp chiếc xe về.
Chị xin lỗi bảo chúng tôi chờ chị thêm vài phút nữa, không kịp cởi chiếc mũ, rửa đôi tay, chị vội vào nhà đong gạo bắc lên bếp, vì hai đứa con của chị đã đói nhừ ra rồi.
Ngồi bên bếp củi, chị kể cho chúng tôi về cái kiếp khổ hơn cả “loài vật” của mình. Chị Dậu còn có ổ chó để bán, những đứa con lành lặn khôn ngoan. Con trâu còn có lúc thảnh thơi, rống lên vì sản khoái khi đã no bụng cỏ. Còn chị, một con vật trong nhà cũng không có, con thì bệnh, hàng ngày phải nuốt nước mắt vào trong để gượng sống nuôi con: “Ở đây có muốn nuôi con gà, con vịt cũng không được vì rắn rết, chồn,… ở trong bụi rậm nó ra bắt hết”, chị giải thích.
Chị nói, mảnh đất nhỏ này là do người ta thấy thương mẹ con chị nên cho đến ở, kể cả căn nhà xây vài mét vuông che nắng, che mưa của ba mẹ con cũng là nhà “đại đoàn kết”. Nói đến đây, những dòng nước mắt mà lâu nay chị vẫn nén sâu vào đáy lòng bỗng giàn giụa chảy, cổ họng bỗng nghẹn lại run run, khiến chúng tôi vừa chạnh lòng, vừa chua xót cho số phận chị…
Trước đây, chị cũng có đất, có ruộng vườn, nhưng chồng chị đã cùng với người chị gái ruột lao vào cờ bạc, đề đóm. Hết tiền chơi, anh ta lại vay nợ để có tiền thỏa mãn máu cờ bạc của mình. Cách đây 6 năm, anh ta đổ bệnh và chết, để lại cho vợ con mình một khoản nợ “khổng lồ”, khi bị mọi người đến đòi nợ, không còn cách nào khác chị phải bán hết đất đai, ruộng vườn để trả nợ.
Không nơi nương tựa, một mình chị gầy yếu phải dắt theo 4 đứa con bị bệnh ngủ trong những rẫy cà phê, cao su. May mắn, mẹ con chị được một người quen cho dựng cho chiếc lều ở một góc vườn để ở.
Không nghề nghiệp, không mảnh đất cắm dùi để canh tác, sức khỏe luôn bị những cơn đau lưng do thoái hóa cột sống và đau lồng ngực hành hạ. Cộng thêm 4 đứa con nhỏ, đứa nào cũng không có trí, có đứa lại thêm cả điếc, ngọng… ốm yếu. Đã như đẩy chị Gái vào bước đường cùng: “Con mình bị bệnh gì tôi cũng không biết vì không có tiền đưa chúng đi khám. Nhiều lúc nghĩ sống như vậy còn sống làm gì nữa, nhưng nhìn mấy đứa con chúng có biết gì đâu, là lòng mình lại quặn đau. Thôi thì cứ sống như con vật cũng được, đến đâu thì đến”, chị Gái nghẹn ngào.
Chị gái và hai người con bị bệnh mất trí.
Để có tiền mua gạo cho con, chị đạp chiếc xe cà tàng đi hàng chục cây số đường đồi núi, lầy lội để nhổ cỏ thuê cho các rẫy cà phê. Nhưng con thì còn nhỏ, mang bệnh, mà nghề này chỉ theo mùa vụ, trời mưa thì không đi làm được, cho nên không đủ tiền mua gạo cho con. Nhìn những đứa con ngây dại của mình, cứ rên khóc vì đói, bất lực, chị đành mang hai đứa con út vào chùa để nhờ nuôi: “Một đứa 15 tuổi tôi nhờ các sư ở chùa Minh Trơn, huyện Mang Yang Nuôi. Còn một đứa mới 10 tuổi, các sư ở chùa Nhân Từ dưới Bình Định nhân nuôi. Không nỡ xa con nhưng chúng quá nhỏ, không ai trông nom, chăm sóc, đói ăn nên tôi nhờ chùa nuôi để chúng được sống tốt hơn”, chị cho biết.
Còn Dung và Tài, tuy đã lớn tuổi nhưng do thiếu ăn và bệnh tật nên người gầy nhom, còi cọc như đứa trẻ mới lên 10. Mỗi buổi sáng, chị phải dậy thật sớm nấu cơm cho con ăn sáng, ăn trưa rồi đùm cơm, đạp xe hơn chục cây số đường đồi dốc để đi làm cho đến chiều tối mới về: “Thương con lắm nhưng cũng không biết làm sao được, cứ nấu nồi canh và nồi cơm để đó trưa chúng ăn thì ăn”, nói đến đây lòng chị lại như xát thêm muối vào ruột. Bởi, nghề nhổ cỏ của chị cũng chỉ kiếm theo mùa vụ, và thời tiết, nếu tháng này có việc mà nghỉ một ngày tức là tháng sau không có việc, trời mưa là ba mẹ con chị nhịn ăn hai ngày.
Vất vả là vậy, nhưng mỗi tháng tiền công của chị cũng chỉ được vài trăm, nhiều lắm cũng chỉ được một triệu: “Có lúc hai đứa sốt hơn 10 ngày nhưng mình cũng phải đi làm, đau xót lắm nhưng không đi làm thì không có tiền mua gạo ăn, tháng sau mưa hoặc không có việc thì chỉ có nhịn đói thôi. Cũng chỉ biết nấu nồi cháo để đó chúng ăn được lúc nào thì ăn thôi”, chị khóc.
Tận cũng của nỗi khổ, thân hình chị héo hon như cọng cỏ khô, đã không biết từ lúc nào chị không biết cười là gì nữa, cũng không còn khái niệm của hai chữ “hạnh phúc” là gì. Bởi với chị, đau khổ đã xâm chiếm hết cõi đời rồi, chỉ biết dù ốm đau cũng cố đi làm để có tiền mua những hạt gạo rẻ nhất để về cho ba mẹ con ăn: “Chỉ thương mấy đứa nhỏ, ngày này qua tháng nọ chỉ biết đến cơm với rau, hoặc cháo trắng thôi”, chị ngậm ngùi.
Nhìn cảnh lầm lũi của ba mẹ con tôi tự hỏi: Cũng kiếp làm người nhưng sao kiếp của họ lại mạt đến vậy? có thể không nhiều, nhưng một chút chia sẻ của cộng đồng sẽ thắp lên một ngọn nến ấm áp trong căn nhà ẩm thấp có ba mảnh đời bất hạnh ấy.
ko biết diễn đàn mình có ai biết Ia Grai là ở đâu ko ah, cuong.nguyen mù tịt ko biết ở đâu luôn...