Xin gửi các anh chị đọc cho vui, đăng trên Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 24.10.2012:
2.000 đồng và nụ cười ấm lòng
2.000 đồng và nụ cười ấm lòng
Năm 2008, quán cơm 2.000 đồng Người tôi cưu mang xuất hiện ở Sài Gòn, sau đó được nhân ra nhiều nơi. Mới đây, thêm quán cơm 2.000 đồng mang tên Nụ cười ra đời như tiếp tục khẳng định sức lan tỏa của lòng nhân ái.
1. Ngày đầu khai trương, quán nấu 200 suất cơm, hết veo chỉ trong vài giờ. Tổng cộng các chi phí là 14.000 đồng/suất. Quán bán ba ngày thứ Hai, Tư, Sáu hằng tuần. Để bù đắp khoản chênh lệch này, phải có sự chuẩn bị và cần đến lòng hảo tâm của các mạnh thường quân. Nhưng chính ngay trong ngày đầu tiên ấy đã xuất hiện những tình cảm ấm lòng.
Một người đàn ông chạy xe máy mang đến quán 100 ký gạo. Mọi người ngỡ có sự nhầm lẫn vì quán không đặt mua gạo. Người chở gạo nói gọn lỏn: “Có người nào đó bảo tôi đưa gạo đến quán và họ đã trả tiền rồi”. Chưa hết ngạc nhiên thì có một cuộc điện thoại gọi đến quán hỏi đã nhận được 100 ký gạo chưa, đầu dây không chịu cho biết tên, chỉ nói mình là một người vừa ăn cơm ở quán Nụ cười.
Một học sinh lớp 4 đến quán ăn cơm xong, 5 phút sau, em quay lại, nói nhỏ với các tình nguyện viên: “Chị bán cho em một suất nữa. Nhưng em không ăn và em vẫn trả tiền. 2.000 đồng!”. Thì ra em muốn ủng hộ cho quán cơm bằng cách mua thêm một suất nữa… Dù là những ý nghĩ ngây thơ nhưng có lẽ đó là điều dễ thương mà dĩa cơm 2.000 đồng đã làm được.
Xúc động nhất là quán cơm Người tôi cưu mang đã cử năm thành viên đến Nụ cười để phụ giúp trong những ngày đầu. Anh Nguyễn Hồng Ánh, quản lý quán cơm Người tôi cưu mang, trực tiếp quan sát, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức, giới thiệu các nguồn cung cấp thực phẩm tốt, giá cả phù hợp.
Bữa ăn tại quán cơm 2.000 đồng Nụ cười. Ảnh: NT
2. Trong dự liệu của người chủ xướng quán Nụ cười, quán không chỉ giúp người khó khăn no lòng đỡ dạ một bữa ăn mà còn là nơi kết nối những tấm lòng, vì vậy mọi dự liệu phục vụ cho khách đến ăn phải chỉn chu tươm tất từ món ăn, chỗ ngồi đến chỗ để xe. Chỉ 2.000 đồng nhưng suất ăn có ba món mặn, xào, canh và tráng miệng; cơm bảo đảm đủ no, bày sẵn trong từng khay inox sạch bong; xe đạp có người canh giữ.
Số người phục vụ từ nấu nướng đến tiếp tân vệ sinh cũng khá lớn, sẽ là khoản chi đáng kể nếu phải thuê mướn. Thế nhưng từ một thông tin trên mạng Facebook và những câu chuyện truyền miệng với nhau, nhiều bạn trẻ và cả những người có tuổi đã liên hệ làm tình nguyện viên cho quán. Có người cha háo hức đăng ký vào mùa hè tới xin cho con (đang là du học sinh) đến đây làm tình nguyện viên.
3. Quán Nụ cười nằm ở vị trí khá đắc địa, thoáng mát yên tĩnh ít có ở Sài Gòn: 6 Hồ Xuân Hương, quận 3. Ngay chuyện tìm mặt bằng cho quán cũng đã thấy tấm lòng và quyết tâm kiên trì của người tạo dựng. Có chỗ đã thỏa thuận giá, chuẩn bị phương án sửa chữa thì chủ nhà đổi ý vì sợ phức tạp khi cho thuê mở quán cơm xã hội. Có chỗ chủ khách đã thỏa thuận thì vướng thủ tục với chính quyền.… Ngày khai trương đã định cứ phải dời đi dời lại mấy lần.
Ở vị trí mới này, người chủ nhà biết được mục tiêu tốt đẹp của quán đã tự ý hạ giá cho thuê 10 triệu đồng mỗi tháng, coi như góp phần vào việc nghĩa.
4. Chị Tuyết, làm nghề mua ve chai, cùng với chồng và con trai 11 tuổi cùng là khách quán cơm 2.000 đồng. Nhà ở Hậu Giang nhưng vì vỡ nợ phải lên đây mưu sinh qua ngày. Chị nói những quán cơm 2.000 đồng thế này giúp cho người nghèo rất nhiều trong những tháng ngày gian khó kiếm sống ở thành phố.
Tiền thiêng liêng: Những đóng góp dù ít, dù nhiều đều xuất phát từ tấm lòng hướng thiện. Những đồng tiền đó rất dễ thương, rất đáng quý nên chúng ta gọi là tiền thiêng liêng, phải được trân trọng, chuyển hết cho người thụ hưởng.
Khoảnh khắc: Chúng ta kính trọng và biết ơn các nhà hảo tâm với lòng không phân biệt, cho dù đóng góp món tiền kếch xù hay chỉ vài khoản tiền nhỏ. Lòng tốt dù chỉ hé lộ trong khoảnh khắc thì cũng đủ chúng ta thấy ấm lòng.
(Trích 10 quy tắc ứng xử tại quán cơm Nụ cười)
Vì sao không phải là 5.000, 6.000 đồng?
Quán cơm 2.000 đồng là một hình thức từ thiện. Lấy 2.000 đồng với ý nghĩa giúp người nghèo tự tin vô quán, trả 2.000 đồng để nhận khay cơm và thấy mình như một thực khách.
NGUYỄN HỒNG ÁNH, quản lý quán cơm Người tôi cưu mang, 14/1 Ngô Quyền, phường 5, quận 10
GIÁC LÂM