Xin chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ với Xích lô SG, mình cũng đã từng suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này (đôi lúc cũng thấy lẩn thẩn), đúng là bây giờ chúng ta cần thay đổi \\\"đời sống mới\\\", nhưng câu chuyện chỉ nhắn nhủ hàm ý rằng: Văn hoá ứng xử với xã hội thì thời nào cũng cần thiết, và chúng ta có thể thay đổi cách ứng xử cho phù hợp, nhưng sự tôn trọng với những người đã khuất dù đó là ai và trong bât cứ hoàn cảnh nào thì cũng ko bao giờ lỗi thời. Văn ko hay nên mượn bài báo của tác giả Phạm Phú Phong bàn về vấn đề này mà mình đã từng được đọc 1 lần trong sách của tác giả, nay tìm thấy có trên mạng nên chia sẻ cùng mọi người.
Lời chào tương lai
(Phạm Phú Phong)Một người bạn đồng nghiệp có lần đã than phiền với tôi rằng, có hôm chở con đi trên đường, gặp đám tang đi ngang qua anh ngả mũ chào, mọi người nhìn anh cứ như người từ hành tinh khác đến. Con anh giận dỗi, cho anh là người hâm, vì chung quanh anh không ai làm thế. Anh trở nên lạc lõng giữa mọi người và con anh lấy đó làm xấu hổ. Nghe chuyện, tôi đành an ủi bạn: “Biết làm sao được. Đừng trách cháu, thời buổi này nó thế!”.
Những giá trị văn hóa đích thực có bao giờ lỗi thời, cổ hủ?
Hằng ngày, do phải vật lộn với miếng cơm manh áo trong thời buổi kinh tế thị trường, làm cho người ta không quan tâm đến những hành vi nhỏ nhặt, nhưng lại là cơ sở, là nền tảng văn hóa. Ngay cả trong các giáo trình giảng dạy về cơ sở văn hóa Việt Nam trong các nhà trường, người ta cũng chỉ quan tâm đến những điều lớn lao, những triết lý sâu xa, mà quên đi những ứng xử trong thực tiễn đời sống. Thời này, mấy ai còn lưu tâm giáo dục con cái trong quan hệ xã hội “Giấy rách phải giữ lấy lề”, trong nhà phải kính trên nhường dưới, ra đường gặp người lớn phải vòng tay cúi đầu chào, gặp đám tang phải ngả mũ... chứ chưa nói đến chuyện lớn lao như câu \\\"kiến nghĩa bất vi\\\"… Những chuyện quá nhỏ nhặt và xưa như trái đất ấy, vậy mà đôi khi nó góp phần hình thành nhân cách, bản lĩnh con người.
Ngay cả trong các giáo trình giảng dạy về cơ sở văn hóa Việt Nam trong các nhà trường, người ta cũng chỉ quan tâm đến những điều lớn lao, những triết lý sâu xa, mà quên đi những ứng xử trong thực tiễn đời sống.
Cũng có thể xã hội thay đổi làm cho quan niệm xã hội cũng thay đổi, và thế hệ chúng tôi đã trở nên lạc hậu. Nhưng là người làm cha, làm mẹ, ai chẳng sống vì mục tiêu lớn nhất là giáo dục con cái nên người. Tôi giải thích với con tôi rằng, ngả mũ chào đám tang đi qua không phải là hành vi mê tín mà chính là đạo lý làm người. Đó là cái chào đưa tiễn cuối cùng, thể hiện tính người của con người để tiễn đưa sự giã biệt trần gian, đi về thế giới bên kia. Tôi không biết thế hệ nào được giáo dục cẩn thận hơn, thế hệ nào tiếp thu tốt hơn, đúng hơn bản sắc truyền thống văn hóa của dân tộc. Nhưng thế hệ chúng tôi, thế hệ quốc văn giáo khoa thư (thời đó, cái gì là đạo đức, là tốt đẹp, là văn hóa đều đồng nghĩa với Quốc văn giáo khoa thư hoặc Luận lý giáo khoa thư), từ bé đã ý thức được rằng: \\\"Mỗi khi nghe tiếng quốc ca/ Đứng gần nghiêm chỉnh, đứng xa hướng về\\\". Bây giờ, ngay trong các buổi lễ trang nghiêm, sao vẫn cứ lộn xộn bát nháo cả lên. Mặc cho ai chào cờ cứ chào, việc mình mình cứ làm. Ngay cả khu phố tôi ở, mấy năm liền được công nhận danh hiệu là khu phố văn hóa, nhưng lá cờ ở cổng xóm luôn treo chúc đầu xuống đất. Bạn tôi, nhà báo Nguyễn Việt, đã từng viết bài than thở về vấn đề này rằng \\\"Phải trồng cây chuối mới nhìn ra Tổ quốc\\\"! Thử hỏi, làm gì có chuyện ra đường gặp đám tang đi qua còn ngả mũ chào?
Mỗi ngày, đứng trên sân thượng nhà tôi ở thành phố Huế, nhìn xuống đường Điện Biên Phủ, thấy những đám tang đi qua, tôi buồn đến nao lòng. Hóa ra, trên đoạn đường chỉ dài 2.221 mét này (hình thành từ năm 1898, với tên gọi là Nam Giao, năm 1956 đổi thành Lam Sơn và từ 1977 đến nay là Điện Biên Phủ) là đường đi về phía tương lai của kiếp người. Đoạn đường các vua nhà Nguyễn đã từng đi qua, chuyến đi cuối cùng. Chỉ nhìn qua đám tang, cũng có thể hình dung ra cả một thế giới, một xã hội với đầy đủ thập loại chúng sinh. Qua quy mô của chuyến đi cuối cùng này, có thể nhận ra cương vị xã hội, hành trạng cuộc đời, danh phận của từng người. Là cửa ngõ phía tây thành phố Huế trước khi đến với nghĩa trang Ngự Bình, nghĩa trang liệt sĩ thành phố, nên hầu như ngày nào cũng có đám tang đi qua, có ngày đến hàng chục đám, với chiêng kèn, tụng kinh gõ mõ, hương hoa, vàng mã rợp trời…
Gần đây, có thêm nghĩa trang mới ở phía Bắc, nên đường đến Ngự Bình có giảm bớt. Ở Huế, chưa có lò hoàn vũ, chưa có nhà hỏa thiêu. Tôi đã từng vào nhà hỏa thiêu Bình Hưng Hòa, TP.Hồ Chí Minh để hỏa táng người anh đầu của tôi. Sau khi thực hiện các nghi lễ, người ta đẩy quan tài vào một lò kính chịu nhiệt, bật lửa ga, bốn tiếng đồng hồ sau, hết ga lửa tắt, người ta xả khói bay ra, lấy cào cào tro ở giữa lò vào một cái hũ đặt lên cân và lạnh lùng thông báo \\\"Đạt yêu cầu”, rồi lấy xi măng trắng khèn nắp hũ lại đưa tôi mang vào chùa gửi. Còn tro chung quanh lò, người ta cào vào một cái rổ có lót bao ni lông. Tôi hỏi tro đó để làm gì, thì được trả lời: \\\"Đó là tro gỗ ván của cái hòm, dùng làm phân bón lê-ghim\\\". Tôi sợ ở đó còn rơi rớt chút nào da thịt của anh tôi, nên năn nỉ xin về. Chiều đó, tôi ngồi bên bờ sông Sài Gòn, rải tro xuống dòng nước với một tâm trạng buồn khôn xiết. Một người đàn ông cân nặng sáu, bảy mươi cân, đốt có bốn giờ đồng hồ, chỉ còn hai cân tám! Đúng là kiếp người như cánh mỏng phù du. Sau lần đó, tôi nhìn mọi sự đời đều là vô nghĩa lý, giành giật, đấu tranh mà làm gì?
Suy cho cùng, người ta không chọn để được sinh ra và cũng có thể không chọn được đường đời truân chuyên lắm nẻo, nhưng có thể chọn được đường đi cuối cùng, vì đã nhìn thấy được cuối con đường, cái đích của cuộc đời, tương lai của mỗi phận đời là ở nghĩa trang. Cũng như người bạn tôi, tôi vẫn cứ “lạc hậu” theo nền giáo dục “cũ kỹ” của thế hệ chúng tôi và bảo ban con cháu mình phải biết ngả mũ chào mỗi khi thấy một con người đang đi về phía tương lai. Gần đây, hành vi ứng xử này gặp thêm một việc khó khăn hơn là khi đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm, không thể dừng lại bên lề để giở mũ ra chào, tôi đành phải đưa tay lên vành mũ khẽ nghiêng chào.
Cái khẽ nghiêng đầu thấm đẫm văn hóa Việt ấy, phải chăng đang ngày càng mai một ?
http://baoquangnam.com.vn/van-hoa-van-nghe/van-hoa/18854-loi-chao-tuong-lai.html