Thay mẹ nuôi anh...
Từ nhiều năm qua người dân Tân Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) đã quá quen với hình ảnh cô gái gầy nhỏ chạy trên bờ sông Kiến Giang: “Anh Lợi ơi..., anh Cường ơi..., anh Quốc ơi...! Có ai thấy anh tui ở mô không?”...
Đó là Dương Thị Hồng Nhi, sáu năm qua thay mẹ cha nuôi ba người anh trai điên dại.Gia tài cô bé mồ côi.Với Nhi, quá khứ tuổi thơ hình như đầy ắp bão tố và nước mắt. Cha Nhi - một người lính sống sót của chiến trường khốc liệt ở Quảng Trị, cứ ngỡ sẽ được hưởng trọn sự an nhàn với luống cày nơi làng quê nghèo Tân Ninh - đã ra đi trong một tai nạn thảm khốc khi Nhi mới vừa lên bảy tuổi. Trong sáu người con của ông (ba trai, ba gái) thì ba người con trai lớn lên cứ dại dần rồi điên hẳn.
Ngồi bó gối trong căn nhà trống lạnh, Nhi chậm rãi kể: “Anh cả tên Cường, sinh năm 1966. Hồi nhỏ anh cũng như mọi người, học đến lớp 5 thì bỏ vì học đâu quên đó, suốt ngày lang thang, bạ chi ăn nấy, gặp đâu ngủ đó, vài ngày mới về nhà một lần rồi lại đi. Anh Quốc nhỏ hơn anh Cường hai tuổi, thoáng nhìn thì cũng như một thanh niên bình thường, chỉ có ánh mắt là vô hồn và hung dữ, hễ không vừa ý là đập phá. Người anh trai sau cùng là Lợi, sinh năm 1970, lại như một đứa trẻ, chỉ quanh quẩn trong nhà và đòi ăn”.
Cha mất, gia cảnh càng khó khăn hơn. Nhi nghỉ học ở nhà ngày mùa làm lúa, ngày nông nhàn làm mướn quanh vùng kiếm tiền phụ mẹ nuôi các anh. Những ngày làm dân công hỏa tuyến thời kỳ chống Mỹ trước đây đã làm cho người mẹ già yếu hơn so với tuổi tác, nay lại buồn vì những đứa con điên dại nên càng lâm bệnh nặng, đuối sức dần... Và trước khi nhắm mắt xuôi tay, người mẹ đã gọi Nhi đến trăng trối: “Mẹ biết con sẽ rất khổ. Con là con gái út trong nhà, gia tài mẹ để lại cho con chẳng có gì ngoài ba sào ruộng và ba anh trai điên dại, con ráng thay mẹ lo ba anh, đói no anh em cũng phải đùm bọc nhau...!”. Năm ấy Nhi mới 20 tuổi đầu.
Gánh nặng con gái út.Các chị đều lấy chồng và ở xa quê, một mình Nhi thay cha thay mẹ nuôi các anh.
Bố mẹ ra đi để lại một căn nhà cũ kỹ tồi tàn trống huơ trống hoác. Nhi kể: “Thu nhập chính của cả nhà là từ mấy sào ruộng ít ỏi. Những lúc nông nhàn em lại xin đi làm phụ hồ kiếm thêm tiền chợ. Nhiều lúc đói mệt muốn xỉu nhưng khi nghĩ tới các anh đang ngẩn ngơ chờ em mang cơm về là em tỉnh lại ngay. Người ta nói điên không biết gì nhưng các anh vẫn biết đói, biết khát anh ạ”. Câu nói của Nhi làm tôi chết lặng!
Nhưng nỗi khổ đó vẫn chưa thấm vào đâu đối với sự hành hạ của những người anh điên dại đối với Nhi. Nhiều hôm mải chuyện đồng áng đến tối mịt mới về, cơm chưa kịp chín thì người anh đầu đã nổi cơn bưng nguyên nồi cơm ném thẳng vào người Nhi. Những lúc trái gió trở trời, lưng Nhi tím bầm vì những đòn roi, nắm đấm của cả ba người anh khi lên cơn. Nhi nói: “Người điên có cách biểu hiện vui mừng của người điên! Như đợt rồi, em bị bệnh nằm viện gần nửa tháng trời, khi thấy em về anh Cường mừng lắm, vừa bước vào nhà là anh ấy lấy đá chọi vào đầu em rồi cười...”.
Nhà bé tí, các anh lại hay đập phá nên những ngày đông lạnh Nhi lại một mình lặng lẽ trên cái chõng trước sân để nhường cho các anh ngủ trong nhà. Cả ngày quần quật kiếm tiền nuôi các anh, nhưng đêm đêm Nhi có ngủ thẳng giấc được đâu, phải dậy canh chừng xem có anh nào bỏ nhà đi ra bờ sông không, các anh có đắp chăn đủ ấm không...
Tuổi 26 của Nhi không chỉ bị dằn vặt bởi những lo toan miếng cơm manh áo cho các anh của mình mà còn luôn lảng tránh câu hỏi về tương lai bằng một tiếng thở dài: “Có lẽ số em nó vậy, chỉ mong được khỏe mạnh để nuôi các anh, chừng ấy thôi em đã hạnh phúc lắm rồi”.
Nguồn: Tuổi Trẻ -
Click here