Vợ bệnh tật bán vé số nuôi chồng mù
Qua sự giới thiệu của một người bạn, chúng tôi tìm đến căn phòng trọ số 52/12A Đường Nguyễn Huệ, Phường 2, TP.Vĩnh Long tỉnh Vĩnh Long,. Đây là nơi trú ngụ của đôi vợ chồng già yếu, bệnh tật hơn nhiều năm nay, họ vẫn đang từng ngày mưu sinh trên những tờ vé số vừa phải chống chọi với nhiều chứng bệnh trong người, đau lòng hơn, ông bà vừa mất đi người con trai duy nhất mà yêu thương do chứng bệnh ung thư đường ruột.
Căn phòng chừng 15m2 nằm lọt thỏm trong con hẻm nhỏ thuộc hẻm 52, truớc mắt chúng là cảnh ông Trần Văn Xinh, đang lom khom quét dọn bàn thờ của đứa con trai ông đã chết cách nay gần ba tháng, ông cho biết vợ ông là bà Nguyễn Thị Bé, 58 tuổi cũng vừa đi ra lộ bán vé số, “giờ chỉ còn lại mình ông, không biết làm gì nên dọn dẹp bàn thờ và nhìn vào ảnh cho đỡ nhớ thương con”. Ông Xinh gượng ghịu và nghẹn lời chia sẻ
Quan sát căn phòng chật hẹp của ông bà chúng tôi chỉ nhìn thấy một vài chiếc ghế nhựa, dưới nền gạch là 1 chiếc chăn đã sẩm màu đen đúa được đặt trên hai chiếc gối nhợt nhạt, cạnh đó là 1 chiếc tủ ly bạc màu cũ kỉ, bên trên là chiếc lư chiếc lon sửa bò chế lại để cấm nhang, và di ảnh của con trai ông được dựng sát tường nhà.
Hoàn cảnh của vợ chồng ông Xinh, bà Bé thì rất đỗi thương tâm, tuy mới ở cái tuổi ngoài sáu mươi nhưng trông ông già lụm khụm như một cụ ông sấp sỉ tám mươi do lưng còng tóc bạc hơn nhiều so với cái tuổi của ông, hiện tại thì đôi mắc ông Xinh thì không còn thấy rõ do biến chứng của nhiều căn bệnh gây nên, vậy mà ngày nào ông cũng lụi hụi nấu cơm và làm mọi việc trong phòng, còn bà Bé vợ ông thì phải đi bán vé số từ tờ mờ sáng, đến trưa mới về mua cho ông ổ bánh mì, trái bắp hay họp xôi gì đó để ông dằng bụng, ăn cơm xong rồi bà lại cầm xấp vé số đi bán tiếp “ Bả đi bán mỗi ngày khoảng 50 vé lời cũng khoảng trên dưới 50 ngàn, nhưng cũng không đủ đắp đỗi qua ngày,có hôm đói lắm nhưng cũng phải ráng chờ”, ông Xinh bộc bạch thêm. Ông còn kể về người con trai vừa bỏ ông bà ra đi là anh Trần Văn Hồng, năm nay 36 tuổi nhưng đã bỏ ông mà đi cách nay gần ba tháng “ Ngày xưa nó hiền và có hiếu lắm, chạy xe lôi mà lúc nào về thì cũng mua ăn ngon về cho cha mẹ, tiền chạy được bao nhiêu thì đưa hết không giữ lấy một xu nào, từ khi nó bị hai lần tai nạn giao thông vào năm 2002 thì sức khoẻ của nó không còn như trước nữa…!” Nói đến đây ông như rưng rưng tay vịnh di ảnh của con, ông lặng im bỏ lửng câu nói rồi nhìn chằm vào bức ảnh. Rồi ông Xinh kể tiếp về đứa con trai quá cố của mình như uất nghẹn “ Có nỗi đau nào hơn cảnh tre già khóc tiễn măng non hả chú?”.
Được biết người con trai quá cố của vợ chồng ông Xinh hồi còn sống thì cũng hết sức đáng thương, từ khi bị tai nạn thì sức khoẻ suy dần, cơn bệnh tâm thần phân liệt cũng đeo bám anh từ đó,dù cha mẹ anh đã bán cả nhà đất của gia đình nhưng cũng không chữa khỏi được bệnh cho anh, khoảng cuối năm 2004, trong lúc điên điên tĩnh tĩnh, anh bỏ nhà đi biệt tích, đến gần sáu năm sau, gia đình ông Xinh bất ngờ nhận được thư con trai gửi về một trại nuôi dưỡng người tâm thần ở Quận Thủ Đức, TP.HCM. Sau đó ông bà lại vay hỏi mượn tiền theo địa chỉ đón con về, lúc bấy giờ tình trạng bệnh của anh Hồng như có phần thuyên giảm nhưng các bác sĩ vẫn ra toa thuốc uống mỗi ngày để cầm cự bệnh tình, thời gian đó cả ông và bà đều cố sức làm thuê, làm mướn để lo thang thuốc cho con, bà mẹ thì mỗi ngày đi bán vé số, còn ông Xinh thì ai thuê gì làm nấy…Một năm sau đó, bệnh của anh Hồng như nặng hơn do số tiền mà ông bà Xinh làm ra không đủ để đáp ứng bệnh tình của con, lúc bấy giờ ông bà phải đi vay hỏi và cầm cố ngôi nhà đang ở để chạy chữa cho con, “ Vợ chồng tôi chết lặng khi nghe bác sĩ cho biết nó đang mắc trong người chứng bệnh ung thư thời kì cuối không còn cách nào chữa được, thế là nó đã ra đi”, ông nhìn vào di ảnh đứa con trai rồi đưa vội vai áo quệt qua lau gìong nước đang vụt ra từ mi mắt.
Chị Nguyễn Thị Xuân Trang, 32 tuổi, một người hàng xóm của ông bà chia sẻ “ Hoàn cảnh của ông bà là rất tội nghiệp, nhà đất thì đã bán hết để trị bệnh cho con nhưng người con đã chết rồi, giờ hàng ngày bà phải đi bán vé số nuôi ông do ông bị mù từ lâu rồi không chữa được, bà cũng đang mang bệnh thấp khớp, huyết áp, thiếu máu ….nhiều lúc không đứng dậy nổi nhưng bà vẫn cố gắng đi bán vé số kiếm tiền mua thuốc cho 2 người, thu nhập bấp bênh lắm, ở đây ai cũng nghèo nên không thể giúp được gì nhiều cho ông bà cũng buồn lắm chứ!”.
Bà Đỗ Ngọc Phương, người phụ trách chi hội phụ nữ của phường cho bết “ Trường hợp của gia đình ông Trần Văn Sinh thì hết sức khó khăn, tất cả những người trong nhà đều bệnh, lúc khoẻ mạnh ông bà đã cố sức làm thuê làm mướn kiếm tiền chạy chữa bệnh cho con trai, nhà đất cũng không còn, cả căn phòng mà ông bà đang ở cũng thuê lại của người ta mỗi tháng 400 ngàn đồng, ông bà sống điềm đạm nên xóm giềng ai cũng thương cũng mến, đây là một trường hợp đặc biệt khó khăn tại địa phương đang cần lắm sự giúp đỡ, đùm bọc của toàn xã hội.
Mọi người muốn giúp đỡ hoàn cảnh này xin gửi về địa chỉ trên. Xin cảm ơn
.TRUNG TÍNH