Chào cả nhà, BIMMIC viết lên đây trường hợp này, mong cả nhà xem xét, cho ý kiến:
Anh Nguyễn Tấn Bình, 43 tuổi, hiện trú tại tổ 25 phường An Khê, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng bị mù từ năm 14 tuổi. Trong một lần đi đào hố trồng cây, anh đào trúng quả mìn còn sót lại trong chiến tranh. Qủa mìn phát nổ đã vĩnh viễn cướp đi đôi mắt của anh. Tưởng rằng cuộc sống từ đây đã chấm hết thì đến năm 1999, anh Bình gặp được chị Nguyễn Thị Tường Vy, sinh sau anh 4 tuổi. Chị Vy bị cận thị nặng từ lúc sinh ra, mắt trái 19 độ, mắt phải 16 độ. Nhà nghèo ko có điều kiện chữa trị nên con mắt trái đã mù hẳn sau đó không lâu, con mắt phải mắt phải cũng mờ dần, nhưng may là hiện vẫn còn khoảng 10 - 20% thị lực.
Năm 2001, anh chị sinh đứa con gái đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Thị Hiền Nhi, 5 năm sau thì em gái của Nhi cũng ra đời, đặt tên là Nguyễn Thị Hiền Linh.
Năm 2003, anh chị bắt đầu đi bán hàng rong dạo để có tiền nuôi con. Hàng ngày, trên một chiếc xe đẩy đã cũ, anh chị chất đầy hàng hóa gồm chổi các loại, giẻ lau nhà, quạt giấy... rong ruổi khắp các ngả đường ở đà nẵng để mưu sinh. Anh đẩy xe còn chị dẫn đường và bán cho khách. Vất vả đủ bề nhưng mỗi ngày 2 vợ chồng cũng kiếm được 50 - 70 ngàn đồng, đủ để 4 miệng ăn sống qua ngày.
Để có vốn làm ăn, anh chị đã vay mượn khắp nơi, gồm của Hội người mù, ngân hàng chính sách... với số tiền khoảng 15 triệu đồng. Trong mấy năm liên tục, đây là một trong những gia đình sử dụng nguồn vốn hỗ trợ một cách có hiệu quả của quận Thanh Khê.
Tuy nhiên, gánh nặng chi tiêu, nhất là chi phí học hành cho các cháu mỗi lúc mỗi cao đã khiến cho nguồn vốn của anh chị liên tục bị thâm hụt. Theo anh Bình, tiền học mỗi tháng của 2 cháu hiện khoảng 1,2 triệu đồng. Nhiều lúc đến hạn nộp tiền cho các con mà chưa kịp chuẩn bị, anh chị phải lấy tiền vốn ra để đóng cho con. Số vốn ngày càng thu hẹp đồng nghĩa với việc hàng hóa mang đi bán cũng ngày càng ít đi, nguồn thu nhập vì vậy cũng giảm xuống đáng kể.
Mùa mưa lại sắp đến, thời gian đi bán cũng bị thu hẹp, trong khi thời gian hoàn trả nguồn vốn vay của các tổ chức cũng đã gần đến. Anh chị đang lo không biết làm sao để trả được số tiền trên, và nếu lấy vốn làm ăn để trả thì sẽ sống bằng gì trong quãng thời gian tiếp theo.
Mưu sinh đối với người bình thường đã khó, với người bệnh tật lại cơ cực đủ bề. Có niềm tin, ý chí, nghị lực không thôi chưa chắc đã vượt qua được cái đói, cái nghèo...