Hôm qua mình cũng vừa đọc báo Sài gòn TT về trường hợp Thầy Hải.
http://sgtt.com.vn/Loi-song/123555/Diem-tua-cho-chong.htmlTiếp sức người thầyĐiểm tựa cho chồngSGTT - Ngày ngày, cô giáo Nguyễn Thị Kim Nguyệt vẫn xếp hàng chờ nhận những phần cơm từ thiện ở bệnh viện Chợ Rẫy. Ngày ngày, cô vẫn ngồi bên giường bệnh, chăm cho chồng nhấp từng giọt nước. Ngày ngày, người phụ nữ ấy là điểm tựa cho chồng trong cuộc chiến với căn bệnh hiểm nghèo…
Nỗi niềm bên giường bệnh
Tiếng trống trường vẫn đều đặn điểm nhịp thời gian
Chỉ có anh phải rời xa bục giảng
Trang giáo án vẫn còn đang soạn dở
Bài tập học trò chấm vội chưa xong…Cô Nguyệt đọc những câu thơ mình viết cho tập san kỷ niệm ngày thành lập trường trong nước mắt. Những ngày ấy, chồng cô – thầy Trương Thanh Hải – đang phải trải qua ca phẫu thuật đau đớn cắt bỏ cẳng chân phải. Cô nghẹn ngào: “Không nói thành lời, nhưng trong ánh mắt của anh, tôi đọc được nỗi khát khao cháy bỏng được trở về trường lớp; hay ước mơ được đưa con, đón con đi học mỗi sớm, mỗi chiều, nhưng giờ đây, nó đã trở thành nỗi ám ảnh rồi…”
Ngày ấy, cô Nguyệt là giáo viên dạy văn, thầy Hải là giáo viên dạy sử của trường THPT Tiểu La, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Cả hai đều nặng gánh gia đình nên kết hôn khá muộn. Năm 37 tuổi, cô Nguyệt mới sinh cho chồng đứa con đầu lòng. Năm 40 tuổi, được sự giúp đỡ của họ hàng và bạn bè, hai vợ chồng mới xây dựng căn nhà nho nhỏ và sinh em bé thứ hai.
Niềm vui chưa trọn, còn chưa kịp chụp cho con bức ảnh kỷ niệm thì tai hoạ ập đến: chân thầy Hải đột nhiên xuất hiện một khối u. Năm 2008, sau khi xét nghiệm, một bệnh viện kết luận đó là u lành. Tuy nhiên, sức khoẻ thầy cứ cạn dần. Vào một ngày cuối năm 2009, thầy Hải không thể tiếp tục đứng lớp do chân phải có triệu chứng bị liệt. Lần này, cô Nguyệt đưa chồng ra Đà Nẵng và được bệnh viện nơi đây xác định thầy Hải bị u tuỷ.
Một lần nữa, do không đủ tiền phẫu thuật, hai vợ chồng quyết định điều trị theo phương pháp đông y. Bệnh tình thầy Hải chẳng những không thuyên giảm mà ngày càng trở nặng. Cho đến giữa tháng 4 năm nay, khi cô Nguyệt đánh liều vay nặng lãi đưa chồng vào bệnh viện Chợ Rẫy điều trị thì đã quá muộn…
“Nhiều đêm ở bệnh viện không ngủ được, mình hỏi chồng răng mà anh không chịu ngủ. Nhưng mình cũng có ngủ được đâu. Phần thương chồng. Phần nhớ con…” – mỗi lần nhắc đến con thơ, người mẹ ấy lại nghẹn ngào. Hai đứa trẻ giờ được gửi hai nơi: đứa lớn năm tuổi, cô gửi cho bà ngoại; đứa nhỏ mới 16 tháng tuổi ở với người dì.
Thời gian đầu chữa trị ở Đà Nẵng, hai vợ chồng bế con theo. Thế nhưng không ngờ, bệnh thầy Hải cứ nặng dần. Khi cô Nguyệt đưa chồng vào TP.HCM chữa trị thì cũng là lúc hai vợ chồng phải gạt nước mắt xa con.
Trên con dốc cuộc đời
Cô Nguyệt (thứ ba, từ trái sang) giữa dòng người xếp hàng chờ nhận cơm từ thiện.
Nghề giáo không cho thầy cô sự giàu có về vật chất, nhưng cái tình đồng nghiệp, cái nghĩa với học trò ở vùng đất nổi danh hiếu học của miền Trung đã cho đôi vợ chồng nhà giáo này niềm hạnh phúc để luôn vững tâm với nghề. Thế nhưng, ai ngờ đâu, chính cái khối u nhỏ xíu ở chân đã trở thành nỗi ám ảnh không chỉ của riêng thầy mà còn là nỗi đau của cả gia đình.
Dẫu biết con đường chiến đấu với bệnh tật của chồng còn dài lắm, nhưng người vợ ấy luôn tâm niệm, dù còn một tia hy vọng ở đâu đó, cô vẫn bền lòng. Cái dáng vẻ vốn đã mong manh của cô càng mảnh mai gầy gò thêm theo những ngày thầy nằm viện.
Khi quyết định đưa thầy vào TP.HCM điều trị, cô Nguyệt đã đánh liều vay nóng 50 triệu đồng với số tiền lãi phải trả mỗi tháng bằng cả tháng lương của mình. Cộng với số tiền vay mượn bà con và tạm ứng ở trường, cô gom góp được 90 triệu đồng. Với vợ chồng nhà giáo nghèo, số tiền ấy đáng giá bằng nhiều năm lương giáo viên. Và cô tính cách trả là sẽ đi làm thêm trong những ngày hè thầy nằm viện.
Thế nhưng, công việc ở một đô thị xa lạ không dễ tìm như cô nghĩ. Nên ngày ngày, người vợ ấy tiết kiệm mọi chi phí bằng cách qua bữa với những suất cơm từ thiện ở bệnh viện. Nghiệt ngã là vậy, nhưng dường như tình yêu, sự hy sinh luôn như một ngọn lửa ẩn giấu sau cái dáng vẻ yếu đuối này. Để mỗi ngày trôi qua, cô tiếp tục là điểm tựa cho chồng đi tiếp quãng đời còn lại.
Khi những dòng này đến với độc giả thì thầy Hải vừa trải qua đợt phẫu thuật thứ hai. Cô Nguyệt dự định sẽ đưa chồng về bệnh viện ở Đà Nẵng điều dưỡng để gần gia đình. Con đường gian nan phía trước của hai vợ chồng nhà giáo còn dài thăm thẳm. Một thế hệ học trò nữa của thầy Hải cũng vừa chia tay thời học trò. Và cũng có thể, đây là thế hệ học trò cuối cùng của người thầy giáo ấy. Thế nhưng, dù thế nào đi nữa, có một điều chắc chắn, đó mãi là ký ức tuyệt đẹp, là niềm hạnh phúc của con người có một thời đứng trên bục giảng.
bài: Yến Trinh, ảnh: Minh Thái
Mong các bạn chung tay san sẻ để cô giáo Nguyễn Thị Kim Nguyệt vơi đi gánh nặng, và để thầy Trương Thanh Hải có điều kiện chữa trị căn bệnh hiểm nghèo. Mọi đóng góp xin gửi về địa chỉ: ......
Mời quý vị cùng chia sẻ câu chuyện này bằng ngôn ngữ hình ảnh qua chương trình Tiếp sức người thầy được phát trên kênh HTV9 lúc 21g40 phút thứ Ba ngày 8.6. Bạn đọc cũng có thể xem lại phim này tại website: sgtt.com.vn/media.