Xin chào,
Dưới đây là một tin tức cũ từ tháng 12, mình có bạn muốn giúp hoàn cảnh này nhưng mình không có cách để xác minh gia đình này đã có người giúp đỡ chưa. Mong các bạn giúp đỡ tìm thông tin dùm mình xem họ có còn cần giúp đỡ nữa hay không.
Cảm ơn các bạn nhiều,
Jas
http://vnexpress.net/gl/doi-song/cau-chuyen-cuoc-song/2011/12/4-nguoi-dan-ba-trong-can-nha-toi-tan/Không biết đời tôi có mắc nợ gì với trời đất mà vô duyên xấu số đến lạ thường. Tôi mù lòa, cả 3 con gái không lấy được chồng mà còn mang trọng bệnh\\\", bà cụ Lâm Thị Giản (87 tuổi) trầm ngâm kể về gia đình mình.
Từ nhiều năm nay, người dân xóm Biên Quản, xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương (Nghệ An) đều thở dài thương xót khi nhắc đến tình cảnh gia đình của bà góa phụ Lâm Thị Giản. Trong căn nhà nhỏ trống trải ấy, bên cạnh cụ bà gần 90 tuổi ăn nằm một chỗ, điếc đặc và mù lòa còn có 3 người phụ nữ khác cứ sống vật vờ như cái bóng.
Con gái đầu lòng của cụ Giản là Lâm Thị Chiến (51 tuổi). Sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, lớn lên bà Chiến tham gia thanh niên xung phong rồi lỡ mất thời con gái. Không lấy chồng nhưng bản năng làm mẹ khiến người phụ nữ nghèo quyết tâm \\\"xin\\\" được một đứa con trai. Năm 1985, sau khi sinh con như mong muốn thì người phụ nữ mắc bệnh thủng bàng quang.
Từ ngày mắc bệnh, bà Chiến chỉ ăn nằm một chỗ, phải có người phục vụ vì đặc thù của căn bệnh quái ác này là nước tiểu cứ tự nhiên chảy cả ngày lẫn đêm gây nặng mùi, nhiễm trùng viêm loét toàn thân... Suốt 26 năm nằm liệt một chỗ, không có tiền đến bệnh viện phẫu thuật, người phụ nữ nghèo tiều tụy như một cái xác không hồn, thỉnh thoảng phải xuống thành phố Vinh nằm viện để điều trị các triệu chứng viêm nhiễm toàn thân.
Tháng 11 vừa qua, sau cơn đau dữ dội, bà Chiến được đưa xuống Bệnh viện đa khoa Thái An (Vinh, Nghệ An) điều trị, các bác sĩ phát hiện nhiều khối sỏi lớn ở thận, cần phải phẫu thuật gấp. Người con trai duy nhất Lâm Văn Quế đã phải chạy vạy ngược xuôi vay mượn tiền bạc để mẹ phẫu thuật. Mổ xong, căn bệnh thủng bàng quang lại càng nặng hơn.
Người con thứ hai của cụ Giản là bà Lâm Thị Hường (47 tuổi). Từ khi sinh ra, bà Hường đã bị bệnh thần kinh, mỗi khi trái gió trở trời lại lên cơn điên nằm lăn lóc giữa đường giữa chợ. Nhiều lúc bà còn cầm gậy gộc đánh đập cả mẹ lẫn chị em trong nhà. \\\"Có lần bà ấy lên cơn, cả xóm trưởng lẫn chủ tịch xã đều đến để giúp đỡ nhưng cũng bị đánh đập, chửi bới nên ngậm ngùi bỏ về\\\", một người hàng xóm cho biết.
Con gái thứ ba của cụ Giản là bà Lâm Thị Lịch (43 tuổi). Cũng như người chị gái, từ nhỏ Lịch không được nhanh nhẹn, khôn khéo như những người khác. Lớn lên không thể kiếm được một tấm chồng, người đàn bà vốn \\\"không được bình thường\\\" cho lắm lại mang trong mình nhiều căn bệnh như cột sống, thận, xoang...
Mọi hy vọng và nguồn sống duy nhất trong ngôi nhà ấy đặt lên vai anh Quế (26 tuổi) - con trai của mẹ Chiến. Sinh ra không biết bố mình là ai, tuổi thơ của Quế gắn liền với những ngày tháng dọn giường chiếu, giặt quần áo nồng nặc mùi nước tiểu cho mẹ cùng những trận đòn roi, mắng chửi khi người dì ruột lên cơn và những ngày đói quay đói quắt vào mùa giáp hạt...
Không đầu hàng số phận, thương bà, thương mẹ và các dì, Quế luôn cố gắng đỡ đần gánh vác mọi việc trong gia đình. Phải bỏ học sớm vì quá nghèo, từ gần chục năm nay, Quế trở thành trụ cột trong gia đình. Ngày ngày anh phải đi phụ hồ và làm thuê đủ mọi việc như gánh phân thuê, phun thuốc trừ sâu, dọn chuồng trâu bò... với mong muốn có đủ tiền để nuôi 5 miệng ăn trong nhà và đưa bà, mẹ cùng các dì đi chữa bệnh.
Nhiều lúc mẹ và các dì ốm mà không có tiền đi chữa bệnh, Quế đã phải vay nóng rồi làm không công trả nợ. Khi ngân hàng chính sách xét duyệt cho hộ nghèo được vay vốn để làm ăn, Quế được vay 15 triệu đồng nhưng thay vì làm ăn lại phải đưa mọi người đi chữa bệnh. Đến nay sắp hết hạn, anh chưa biết lấy đâu ra tiền để trả nợ.
Hầu như tháng nào Quế cũng phải đưa mẹ đi viện chữa bệnh.
\\\"Ước mơ lớn nhất của tôi là có tiền để đưa mẹ ra Hà Nội hoặc TP HCM phẫu thuật chữa bệnh thủng bàng quang, đưa các dì xuống bệnh viện tâm thần để khám, điều trị và giúp bà ngoại mổ mắt\\\", người thanh niên tâm sự trong nước mắt.
Nói về hoàn cảnh bi đát này, ông Trần Đình Thơ - Phó chủ tịch UBND xã Thanh Giang cho biết đây là hộ nghèo điển hình của xã. \\\"Từ khi nhà nước có chính sách bình xét hộ nghèo đến nay, gia đình cụ Giản đều nằm ở đầu bảng. Chỉ trừ anh Quế là khỏe mạnh, còn tất cả mọi người trong nhà đều không được bình thường, có vấn đề về thần kinh và mắc trọng bệnh. Gia đình nghèo ấy rất cần sự hỗ trợ, chung tay của cộng đồng\\\", ông Thơ cho biết.
Độc giả quan tâm xin liên hệ: Lâm Văn Quế - xóm Biên Quản, xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Điện thoại: 01648.202.125.