Tác giả Chủ đề: Cảm thụ văn chương: tình trạng xây nhà từ nóc  (Đã xem 13572 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Ngủ rồi banron

Trả lời #1 vào: 11-02-2013 18:42:43
Thành ngữ “xây nhà từ nóc” một dạo được các huấn luyện viên bóng đá nước ngoài dùng để chỉ thực trạng bóng đá Việt Nam khi thấy chúng ta mải chạy theo thành tích mà quên (hoặc không quên nhưng bỏ lơ) đào tạo tài năng trẻ, mải lo xây cái V-league “chuyên nghiệp” mà không biết các giải dưới cũng quan trọng vì nó cung cấp tài năng đồng thời làm bệ phóng cho các đội bóng muốn lên chuyên nghiệp trong tương lai.

Tình trạng dạy và học môn văn hiện nay cũng có phần tương tự: học sinh cấp 3 thiếu nền tảng về từ vựng, điển cố, những viên gạch văn chương cần thiết để có khả năng đọc hiểu, cảm nhận cái “tình và ý” của một tác phẩm thể loại nhạc hay thơ.

Viên gạch đầu tiên là từ vựng, nhất là từ Hán-Việt. Một thời gian dài chúng ta xem nhẹ việc dạy cho học sinh hiểu những từ vựng gốc Hán dù biết rằng đến hai phần ba tiếng Việt có nguồn gốc từ chữ Hán(*). Bạn khó có thể viết hay nếu không biết đôi lúc nên dùng “nhân loại” thay cho “loài người”, “hồi tưởng” thay cho “nhớ lại”, “thanh danh” thay cho “tiếng tốt” hay “thư sinh” thay cho chữ “học trò”.

Viên gạch thứ hai là điển cố. Điến tích có thể xuất phát từ trong văn học sử Việt Nam hay văn học nước ngoài. Những cụm từ như “kết cỏ ngậm vành”, “chim sa cá lặn”, “giấc mộng kê vàng”, “mối sầu vạn cổ”… học sinh cần hiểu điển tích mới cảm nhận được thâm ý của tác giả bản nhạc hoặc bài thơ.

Viên gạch thứ ba là những hình ảnh mang một ý nghĩa đã thành khái niệm chung. Những hình ảnh đó phải được hiểu giống nhau bởi đa số dù không nhất thiết là tất cả(**). Ví dụ: hoa rụng trên sông, lá rơi bên thềm, mưa dập gió vùi là những hình ảnh gợi buồn man mác; bèo dạt, mây trôi, hoa tàn, trăng khuyết… là những hình ảnh nuối tiếc hoặc chia ly; ong bướm lả lơi muốn nói lên mối quan hệ hơi quá tự do trong thanh niên nam nữ theo quan niệm phong kiến … Những cụm từ này nhiều vô kể. Nhiệm vụ của môn văn là giúp học sinh biết cách dùng từ chính xác khi viết và hiểu chính xác khi đọc. Không biết thì tra từ điển hoặc hỏi thầy cô chứ không nên tự suy diễn.

Khi bình một bài thơ, giáo viên không được dạy theo kiểu… chém gió vì điều đó rất nguy hiểm. Khi cho các em học thuộc lòng một câu văn mẫu được phán ra bởi người lớn, nếu câu mẫu đó đúng thì chúng ta thực sự đang xây nhà từ nóc, còn sai thì khỏi phải nói đến tác hại của nó. Hãy dạy cho học sinh biết cảm thụ văn chương thật sự. Mức độ cảm nhận ít hay nhiều chưa quan trọng. Cái quan trọng là phải đi đúng hướng.

Học đàng hoàng một cách căn bản, học sinh sẽ được trang bị khá đầy đủ những “viên gạch” từ ngữ để bước vào giai đoạn học cách hành văn để tự diễn đạt. Giỏi văn nghĩa là có khả năng đọc hiểu chính xác văn bản của người khác và diễn đạt mạch lạc suy nghĩ của mình. Ai biết làm thơ nữa thì càng tốt nhưng tối thiểu cũng phải có khả năng cảm nhận được cái tình và ý của một bài thơ.

Phần dưới đây tôi xin chú thích những ý đánh dấu hoa thị bên trên.

(*): Ngoài một số lớn từ Hán-Việt, tôi xin nêu những trường hợp xuất phát từ tiếng Hán mà ta vẫn tưởng là thuần Việt để các bạn tham khảo:
- Vũ là múa, vụ là mùa, vũ là mưa: Ba chữ múa, mùa, mưa đâu dễ tự nhiên mà có phần phát âm gần giống nhau như trên. Chữ v biến thành m.
- Trảm là chém, trản là chén, trà là chè: Ba chữ chém, chén, chè cũng vậy. Chữ tr thành ch; m và n giữ nguyên.
- Phủ là búa, phụ là bụa (quả phụ = góa bụa), phù là bùa: ph thành b, dấu hỏi thành dấu sắc, dấu nặng thành dấu huyền hoặc giữ nguyên…
Còn rất nhiều ví dụ như thế.

(**): Khi tác giả đứng trên triết thuyết khác nhau thì cách nhìn vạn vật cũng khác. Ví dụ: Mãn Giác Thiền Sư là bậc chân tu, Ngài nhìn ngoại vật theo kiểu “đối cảnh vô tâm” tất nhiên không có u sầu chi hết. Với Ngài, hoa này rụng xuống thì hoa khác nở ra. Vạn vật sinh sôi rồi tàn tạ thuận theo lẽ tự nhiên là điều tốt đẹp cớ sao lại buồn. Cho nên Ngài mới viết:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
(Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai)

Nhưng các nhà thơ đời thường của chúng ta thì không đạt đạo như thế. Họ có trái tim rất nhạy cảm và đầu óc tinh tế nên dễ “đau nỗi đau trần thế” hơn chúng ta. Trong khi ta chỉ dửng dưng nhìn giọt mưa vật lý bình thường thì họ lại hân hoan trong giọt nắng, chìm say trong giọt sầu, giọt đắng và còn nhâm nhi ngày tháng với những “giọt buồn không tên”…

Chúc cả nhà một mùa xuân mới yên vui.