Cả xóm lo vót đũa để cô bé nghèo được đi học ĐH
“Từ ngày biết mình đậu đại học, em và gia đình vui lắm, nhưng cứ nghĩ đến kiếm tiền đâu để đủ ăn học suốt 4 năm trời lại khiến cả nhà phấp phỏng lo âu...\\\" - đó là nỗi trăn trở của cô tân sinh viên nghèo Lê Thị Lệ Thủy.
Được tin cô học trò nghèo Lê Thị Lệ Thủy xuất sắc thi đậu vào khoa Kinh tế - Luật Trường ĐHQG TPHCM với 23 điểm, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Hữu Thái ở xóm 2 Phú Hương, xã Hương Xuân huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh giữa cơn mưa tầm tã. Trong ngôi nhà tranh xiêu vẹo, dột nát của ông Thái, mọi người đang tụ tập đông đúc.
\\\"Mấy bữa ni khi biết tin cháu Thủy đậu đại học nên anh em, bà con lối xóm sang giúp gia đình tui vót đũa hy vọng bán được giá để có tiền cho nó đi học\\\" - ông Thái cho biết.
Ông Thái vui buồn lẫn lộn: “Mấy đêm ni hầu như cả nhà tui làm đến gần sáng. Tui bị bệnh tật, khó đi lại nhưng phải gắng sức vì con. Đôi lúc buồn ngủ díu mắt, muốn lên giường ngủ một tí nhưng nghĩ đến tiền mô mà cho con đi nhập học. Vậy là không tài mô mà đi ngủ được, uống vài ly nước chè nấu đặc cho tỉnh táo là làm đến sáng luôn”.
Cả nhà Thủy tập trung vót đũa mong có tiền cho con nhập học.
“Cau ni mua nợ bà con đó. Bây giờ cau đắt nên mỗi tạ cau tươi cũng mua hết hơn 300 ngàn, về phải phơi cả tháng trời mới vót được đũa. Làm việc cật lực mong sao góp được ngày ít chục ngàn mong sao có chút tiền cho cháu Thủy được đi học” - bà Huấn nhìn con gái ứa nước mắt.
Ông bà nội của Thủy năm nay đã ngoài tuổi 80, đau ốm liên miên nhưng cũng cố gắng giúp vợ chồng anh Thái và các cháu một tay. “Biết cháu đậu đại học nhưng ông bà cũng không có tiền cho cháu đi học. Sang đây giúp chúng nó được cái gì hay cái đó mong sao cháu Thủy thực hiện được ước mơ vào giảng đường đại học” - bà Lê Thị Trọng, 82 tuổi, tâm sự.
Bà Lê Thị Trọng - bà nội Thủy nay đã già yếu nhưng vẫn giúp con cháu một tay.
Riêng Thủy, từ khi biết tin đậu đại học, em vừa vui lại vừa buồn. “Vui lắm vì em đã ráng hết sức thi đậu cho cha mẹ mừng. Nhưng vừa rồi để có tiền đi thi trong Sài Gòn cả nhà đã phải tích góp nhiều tháng và vay mượn nhiều nơi. Bây giờ cứ nghĩ đến kiếm tiền đâu để đủ ăn học suốt 4 năm trời lại khiến cả nhà lo âu” - Thủy nhỏ nhẹ nói, giọng buồn rầu.
Thủy cho biết thêm: “Có lẽ nào con đường học tập của em chỉ dừng tại đây. Không, dù thế nào em cũng phải cố gắng. Em sẽ làm thêm kiếm tiền để học”.
Thủy chỉ bảo bài vở cho em.
Rời gia đình Thủy ra về mà chúng tôi cũng thấy chạnh lòng. Không biết mọi nỗ lực của gia đình em có tích góp nổi số tiền cho em vào Sài Gòn nhập học không? Liệu vóc dáng nhỏ yếu của cô học trò vốn sinh ra thiếu tháng có đủ sức vừa bươn chải làm thêm vừa phấn đấu học giỏi để nuôi giấc mơ thoát nghèo?
Theo Dân Trí