Một cõi đi về
Trịnh Công Sơn
Triết học Ấn Độ nói rằng nếu ở nơi này vừa có một kẻ bỗng dưng giàu lên thì lập tức ở một nơi khác sẽ có một kẻ mất hết sản nghiệp.
Chiều nay ở sân bay vừa đưa tiễn những người thân đi xa. Về nhà, người bạn tôi nói: ở nơi này vừa thiếu đi bốn người thì lập tức ở nơi xa xôi kia nhận được thêm bốn người...
Có một nỗi buồn ở nơi này thì sẽ có một niềm vui ở chốn khác.
Có một trái tim khổ nạn ở người này thì tất nhiên sẽ có một trái tim hân hoan ở kẻ khác.
Những ai đã đi đến với đời thì phải có lúc lìa xa nó. Một cõi đi về...
Trong Phật giáo một trong những \\\"hạnh\\\" cao nhất là hạnh bố thí.
Cho kẻ này nhưng sẽ nhận lại ở kẻ khác.
Thanh Tùng nói với tôi: Tôi muốn làm một điều gì đó thật tốt đẹp cho người đã khuất, người vợ một đời lo âu tận tuỵ vì tôi.
Vợ Tùng đã một đời cho Tùng nhiều quá thì sẽ nhận được quà tặng ở một nơi khác. Tùng biết cách cho thì vợ Tùng sẽ nhận được. Những đứa con của vợ Tùng sẽ nhận được. Những thân quyến, bạn hữu của bạn Tùng sẽ nhận được.
Chết là sự tan biến của thể xác. Nhưng sống không chỉ là sự tồn tại của thân xác. Nhiều người còn sống mà tưởng chừng như đã chết. Nhiều người chết mà vẫn còn sống trong trí nhớ mọi người.
Trước khi mất vợ Tùng nói với tôi: Nếu khoẻ, em về lại nhà và sẽ chỉ làm hai điều này thôi. Mang quà mỗi ngày cho những người nghèo đau ốm trong bệnh viện và chiều chiều làm đồ nhậu cho các anh với anh Tùng để nghe các anh nói chuyện đời, chuyện nghệ thuật.
Trong câu chuyện đời chung, kẻ này quên thì người kia phải nhớ. Một ý tưởng chợt tắt để làm mầm chuyển hoá cho một ý tưởng khác nảy sinh.
Cái mất không bao giờ mất hẳn
Cái còn không hẳn mãi là còn.
Sóng nhạc - 1990
[/i]
[video]http://www.youtube.com/watch?v=v6wODCN4HG0&feature=related[/video]