Bài tiếp theo của Nguyễn Văn Nhuận
ngày 27/3/2012 trên VnExpress:
Phương án nhân rộng mô hình quán cơm 2000 đồng
Khi đã có sự đồng lòng rộng khắp, sự giúp đỡ của chính quyền các cấp, nhân lực tình nguyện cần thiết thì “nhạc trưởng” nên tổ chức một cuộc hội thảo góp ý, sau đó đăng ký hoạt động đúng với luật pháp Việt Nam để triển khai nhân rộng mô hình quán cơm 2000 đồng.
> Cùng góp sức nhân rộng quán cơm 2000 đồng
Trên một bài viết ngắn không thể viết hết đầy đủ, chi tiết, chỉ có thể ghi được những dự thảo sơ bộ về kế hoạch này. Tôi xin ghi dự thảo mong được quý bạn góp ý bổ sung.
DỰ THẢO PHƯƠNG ÁN THỰC HIỆN
I. Nguồn thu tài chính cho chương trình:
1. Vận động và tiếp nhận nguồn thu từ các nhà hảo tâm, các Mạnh Thường Quân, các tổ chức..
2. Nguồn thu cố định từ thương quyền “Quán cơm 2000 đồng”:
Đây là nguồn thu quan trọng nhất, với sức lan tỏa trên các báo và comment của quý bạn về chuyện quán cơm 2000 đồng trên các trang mạng thì vô hình chung chương trình đã có “thương hiệu” và rõ ràng rằng nếu sức lan truyền càng rộng khắp thì thương hiệu có thương quyền gần như khắp quốc gia, giá trị thương hiệu ngày càng lớn.
Như vậy thì ban tổ chức chương trình sau khi đăng ký hoạt động, tổ chức ngay một cuộc thi vẽ logo “Quán cơm 2000 đồng”. Đồng thời đăng ký bảo hộ thương quyền.
Thương quyền quán cơm 2000 đồng sẽ nhượng quyền khai thác quảng cáo cho các công ty sản xuất hàng Việt Nam chất lượng cao để quảng bá sản phẩm khắp mọi miền đất nước, chỉ riêng nguồn thu này là không hề nhỏ.
Tôi tin rằng giá trị nhượng quyền quảng cáo của quán cơm 2000 đồng sẽ có hiệu quả thực tế lớn hơn rất nhiều lần cho các công ty Việt Nam so với việc nhà nước chi ngân sách để đưa hàng Việt về nông thôn.
Vì toàn bộ người dân Việt Nam sẽ mua những sản phẩm quảng cáo theo quán cơm, vì họ biết rằng đằng sau sản phẩm mà họ mua của công ty có thấp thoáng bóng dáng của người thân và con em của họ đến với quán cơm 2000 đồng. Có lẽ các bạn và các công ty Việt Nam biết rõ điều này.
3. Chương trình sẽ tổ chức những hoạt động cho các bạn tình nguyện viên dưới thương hiệu “Quán cơm 2000 đồng”. Nên tổ chức các hoạt động cho những tình nguyện viên để tạo sự gắn kết công đồng và có nguồn thu thêm cho chương trình. Vì lớp trẻ hiện nay, mỗi người có một tài năng riêng, chương trình nên khéo tập hợp lại các bạn có cùng khả năng để hoạt động.
Ví dụ: Khi được ban tổ chức cho phép sử dụng thương hiệu “Quán cơm 2000 đồng” thì ở các trường đại học các bạn tổ chức chương trình ca nhạc nghệ thuật “Cơm 2000 đồng với sĩ tử mùa thi”.
Các bạn thể hiện khả năng ca hát và nghệ thuật của mình, chương trình được bán vé với giá chấp nhận được thì chương trình đã có thêm một nguồn thu. Nên tránh tình trạng đặt thùng quyên góp ở các chương trình này để giữ gìn thương hiệu, đồng thời “dưỡng tâm” cho các nhà hảo tâm vì trong cuộc sống của chúng ta, họ còn nhiều việc phải làm chứ không phải riêng quán cơm 2000 đồng.
II. Phương án tổ chức thực hiện
1. Nhân sự: yếu tố con người chuyên nghiệp là điều rất quan trọng để tổ chức thực hiện cho nên ban tổ chức chương trình nên tuyển một số nhân viên được tập huấn đào tạo chính quy bài bản, nghiêm khắc, cùng hoạt động bên cạnh các tình nguyện viên.
Nhân viên chính thức được nhận lương hàng tháng, tình nguyện viên được nhận phụ cấp tính theo thời gian và phong cách phục vụ.
2. Địa điểm quán cơm 2000 đồng:
Địa điểm để mở quán hiện nay rất khó khăn, nên chăng chúng ta triển khai thêm phương án những xe lưu động “Quán cơm 2000 đồng” để có thể cơ động trực tiếp đến các nơi cần thiết.
Nếu có phương án này thì ban tổ chức chương trình nên phát động một cuộc thi “Sáng tác nhạc hiệu cho quán cơm 2000 đồng”, nhạc hiệu phải mang hồn dân tộc để giúp cho những người khiếm thị, tàn tật có thể nghe được và vẫy tay với xe.
Ban tổ chức nên so sánh lợi ích của việc thuê mặt bằng cố định và thuê xe tải để làm thêm quán cơm lưu động
3. Chất lượng thức ăn và đồ dùng của quán
Phải đánh tan suy nghĩ của mọi người “của rẻ là của ôi”, “của cho là bố thí” thì muốn phục vụ và phong cách bán như thế nào cũng được.
Nhân viên chuyên nghiệp của quán phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ, buộc phải kiểm tra vệ sinh an toàn nguyên liệu thực phẩm trước khi chế biến, phải chế biến đúng chuẩn và chúng ta phải hiểu rằng: Người nghèo khi dùng phải thực phẩm nhiễm độc, ôi thiu thì họ sẽ mắc bệnh và họ không có tiền chữa bệnh. Như thế thì vô tình chúng ta đã “Thương nhau như thế bằng mười hại nhau”.
Phong cách phục vụ phải tận tâm, ân cần vì tâm hồn người nghèo rất dễ bị tổn thương, họ sẽ không đến với chúng ta nếu chúng ta không đúng mực trong phong cách.
4. Cuối cùng là ban tổ chức phải minh bạch trong mọi vấn đề, phải có trang web riêng và tổng đài với đường dây nóng để tất cả chúng ta hiểu được chương trình “Quán cơm 2000 đồng” đang thực hiện những gì và hoạt động như thế nào.
III. Tổ chức thu mua và phân phối lương thực thực phẩm:
1. Phương thức của chúng ta đã bàn là cùng với các bác tài tham gia vận chuyển trên đường khi xe dư tải, đây là hiệu ứng của đàn kiến có tổ chức, mỗi bác kiến tham gia tha mồi thì hiệu ứng không hề nhỏ chút nào.
Khi tổ chức phân phối hoàn hảo thì thị trường tự do sẽ có sự so sánh giá cả, điều này sẽ làm giảm bớt các khâu trung gian ở các chợ truyền thống góp phần làm giảm chỉ số lạm phát rõ rệt.
2. Thu mua nông sản thực phẩm của nông dân với giá thị trường tại nơi sản xuất chứ không phải xin-cho. Để cho người nông dân có đủ tiền tái tạo đầu tư sản xuất, đây chính là tiêu chí của chương trình, và những loại hàng thực phẩm dễ hư hỏng thì phải hợp đồng với các bác tài có xe chuyên dụng để chở hàng đó, như xe đông lạnh chẳng hạn.
IV. Cùng phân tích góp ý:
Có lẽ bài viết của tôi về dự thảo hoạt động còn phải chờ sự phân tích góp ý của quý bạn, vì nhìn kỹ nó còn nhiều điều phải bàn. Chuyện kết luận xin dành cho ban tổ chức chương trình, tôi rất mong hoạt động hoàn hảo, không lỗi nhịp