Phòng chăm sóc đặc biệt của Khoa nhi, lầu 3, dãy B, bệnh viện Ung Bướu cuối năm u buồn ảm đạm. Hai hôm trước, phòng có bốn bệnh nhi, nhưng khi tôi đến, chỉ còn lại mỗi Thạch Thị Ngọc Trinh. Hai em kia đã về trời, một em nữa đã đưa về nhà sau cái lắc đầu tuyệt vọng của bác sĩ. Thêm một em mới chuyển vào, đang nằm thiêm thiếp mệt mỏi.
Ngọc Trinh nằm đó, nhỏ bé mong manh trước nỗi bất hạnh mà số phận giáng xuống đầu một cô bé mới mười một tuổi. Ngồi bên giường bệnh ra trắng là người cha có nước da sạm đen, gầy gò đượm nét khắc khổ vì một đời tảo tần mưa nắng. Gần 50 tuổi, cái tuổi đáng ra sắp được an nhàn bên con cái, bác Thạch Sol, người nông dân Khơme quê ở Nhị Trường, Cầu Ngang, Trà Vinh không ngờ cô con gái hiếm muộn bé bỏng của mình mắc phải căn bệnh K cổ họng quái ác. Nắm lấy cánh tay chỉ còn da bọc xương bầm tím vì ven vỡ sau 13 lần hóa trị của Ngọc Trinh, bác Thạch Sol trầm giọng nói với tôi: “Vợ tôi năm nay 38 tuổi, nhưng mới sinh em bé được tám tháng mà sức khỏe yếu nên không lên chăm con được. Một mình tôi đi về giữa Sài Gòn và Trà Vinh để vừa chăm sóc Ngọc Trinh, vừa làm mướn đủ việc để kiếm tiền trang trải viện phí. Cực lắm cô ạ!”
Qua hỏi thăm, tôi được biết nhà Ngọc Trinh rất nghèo, ngoài căn nhà lá hai gian và hai sào ruộng mỗi năm thu được 5 triệu đồng, gia đình Trinh không còn nguồn thu nào khác và không có tài sản nào có giá trị. Bố mẹ em phải làm thuê làm mướn, nào phụ hồ, nào gặt lúa thuê, cắt lá dừa, mỗi ngày được vài chục ngàn trang trải gia đình. Mà công việc cũng bữa mưa bữa nắng, bởi nơi quê nghèo có mấy ai dư dả để thuê mướn?
Sinh năm 2000, Ngọc Trinh bị bệnh đã bốn năm nay. Nhưng điều tôi khâm phục cô bé nghèo bệnh tật này là em vẫn kiên trì theo đuổi việc học. Những khi không phải nhập viện vô thuốc, em lại trở về đạp chiếc xe đạp cọc cạch đến trường. Bốn năm qua, dù phải nghỉ học không ít do đau đớn, nhưng em quyết không để việc học gián đoạn. Hiện Ngọc Trinh đang là học sinh lớp 4C, Trường tiểu học Nhị Trường C, thôn La Cà, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh.
Ngọc Trinh tuy có bảo hiểm học sinh và hộ nghèo, được miễn 95% tiền viện phí, nhưng việc điều trị của em cần mua thuốc ngoài hạng mục bệnh viện quá nhiều, mỗi lần tốn khoảng 3 triệu nên đến nay, gia đình em đã phải vay nợ khắp nơi hơn mười triệu đồng. Năm hết tết đến, chưa biết phải làm sao để có tiền trả nợ,và tiền để duy trì việc điều trị của Trinh.
Cha em nhìn tôi lắc đầu đau khổ: “Chắc phải vay nợ thêm, chứ trả thì chưa biết khi nào mới trả được đây!”. Tôi chùng lòng, vuốt mái đầu trọc lóc vì hóa chất của Trinh hỏi nhỏ: “Nếu có một điều ước, con sẽ ước gì?”. Em nhìn tôi cười, như thể không hề mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo: “Con ước có một chiếc xe đạp tốt để đi học, chứ xe con hư rồi cô ạ!”
Từng lời nói hồn nhiên của em khiến tôi nhoi nhói trong lòng. Cô bé nghèo bệnh tật mà hiếu học ơi,. biết làm gì để giúp em đây khi những ngày sắp tới em vẫn phải chống chọi giành từng giọt sống nơi bệnh viện, cha mẹ em vẫn phải lam lũ chạy vạy vay mượn từng đồng biết có đủ trang trải số nợ nần viện phí khổng lồ?
Hy vọng những tấm lòng nhân ái sẽ đến được bên em! Tôi và những người trong NTCM và nhiều tấm lòng yêu thương luôn hướng về em, cô bé bé nhỏ mà sớm phải gánh nỗi đau quá lớn !
Lano