Trích nguồn:
http://dantri.com.vn/c167/s167-417794/chi-can-me-khoi-benh-bao-nhieu-kho-nhoc-con-cung-cam-long.htm\\\"Em không đếm được bao lần mẹ kêu khóc giữa đêm, một mình em chẳng biết xoay xở thế nào, đành ôm mẹ cùng khóc. Em thấy mình bất lực quá. Phải chi em đau giùm mẹ được…”. Mùa Vu Lan, chúng tôi được biết về một người con hiếu thảo.
Đó là em Phạm Hoàng Hải nhà số 10, đường 825, ấp Phú Hòa, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TPHCM.
Tháng 7 Vu Lan, chúng tôi được biết về một người con hiếu thảo. Trong chái nhà dựng bằng tranh tre, bà Phạm Thị Nết (58 tuổi) nằm thoi thóp chờ đợi. Bà chờ cơn đau buốt ngưng hành hạ và đợi con trai út đi làm về. Cạnh bà là người chị gái lớn tuổi đang dọn dẹp vài cái chén bát. Trưa nay hầu như bà Nết chẳng ăn được gì, hễ nuốt vào lại ói ra hết.
Chỉ cần mẹ hết bệnh, bao nhiêu khổ nhọc Hải cũng cam lòng.
Bà Sữa, chị gái bà Nết nhớ lại: “Hồi trẻ nó khỏe lắm, vác súng đạn cho bộ đội thoăn thoắt. Không hiểu sao bệnh tật đến nông nỗi này”. 5 - 6 năm nay, bà Nết cắn răng chịu đựng căn bệnh viêm đa khớp mãn tính. Có khi các khớp tay, khớp chân sưng vù lên rồi mưng mủ, kèm theo những cơn đau buốt thấu xương tủy. Dần dần, cơ co rút khiến đôi tay bà co quắp lại, không làm việc gì được nữa, đôi chân cũng bại liệt.
Ngôi nhà tình thương cũ kỹ dường như quá rộng với mấy mẹ con. Người con trai cả 23 tuổi bị đánh đến mù 1 mắt, sau đó trở nên ngơ ngơ ngẩn ngẩn, cả ngày vạ vật ở đâu, bà Nết cũng không biết. 19 tuổi, trong khi hàng triệu bạn trẻ dệt ước mơ đến giảng đường để trở thành bác sĩ, kỹ sư… thì mong ước của cậu út Phạm Hoàng Hải quá đỗi giản đơn, em chỉ muốn có điều kiện học nghề sửa xe để có thể làm việc tại nhà, thuận tiện cho việc chăm sóc người mẹ liệt giường.
Bà Nết nằm trong chái nhà dựng bằng tre. Nghĩ đến con trai út, bà Phạm Thị Nết lại nghẹn ngào
Mùa này em đi cạo mủ cao su, mỗi ngày chỉ được 50 - 70.000 đồng tiền công. Ăn trưa xong, mọi người nghỉ luôn ở lô còn Hải chạy về với mẹ. Hôm nào có bác Sữa trông mẹ giúp, Hải tranh thủ sang hàng xóm nằm nhờ chiếc võng rồi lịm đi vì mệt mỏi. Mái tóc cháy khô, đôi mắt quầng thâm, thế nhưng, chưa ai nghe thấy ở Hải một lời kêu than.
Hải không đếm được bao lần mẹ kêu khóc giữa đêm, một mình em chẳng biết xoay xở thế nào, đành ôm mẹ cùng khóc: “Em thấy mình bất lực quá. Phải chi em đau giùm mẹ được…”. Đó là những đêm hai mẹ con cùng thức trắng. Sáng ra, bác Sữa thấy mặt thằng cháu trai xanh như tàu lá.
Nhắc đến Hải, ông Đỗ Văn Này, công an viên của ấp Phú Hòa không giấu niềm thương cảm: “Thương bà Nết 10 thì thương thằng Hải 100. Thanh niên trai tráng mà không nề hà việc vệ sinh cho mẹ. Tuổi trẻ của nó quay vòng trong 2 việc: chăm sóc mẹ và làm thuê. Nợ nần trong nhà mình nó gánh hết”.
Huân chương kháng chiến hạng 3 của bà Phạm Thị Nết.
Vừa rồi, bà Nết nhập viện BV đa khoa Củ Chi vì nhiễm trùng tiêu hóa nặng. Sau 4 ngày nằm ở khoa Hồi sức tích cực, bà được chuyển sang khoa Nội tổng quát. Bác sĩ Lê Thị Mai cho biết: “Bà Nết bị tiêu chảy dẫn đến mất nước nhiều, lại thêm chứng viêm phổi. Hai bệnh này có thể điều trị tại đây, còn viêm đa khớp là bệnh mãn tính. Bệnh này gây mất chức năng nhiều, có thể dẫn đến tử vong vì cơ thể suy kiệt. Nếu có điều kiện, người nhà nên đưa bà Nết đến khám ở BV Chợ Rẫy”.
Nghe lời bác sĩ dặn mà Hải ngậm ngùi, bởi em không kiếm đâu ra tiền để đưa mẹ đi BV Chợ Rẫy. Vài chục ngàn tiền công nhật đều chi dùng hết vào việc ăn uống, thuốc thang. Những chỗ đã vay giờ không thể vay thêm nữa, Hải tự động viên mình vắt sức làm việc, lòng phập phồng lo cho mẹ, lỡ may…
Chẳng biết vô tình hay hữu ý, góc vườn nhà bà Nết có cụm măng Mạnh Tông. Truyện Nhị thập tứ hiếu kể: Khi mẹ của Mạnh Tông bệnh, bà thèm ăn canh măng nhưng bấy giờ là mùa đông, măng rất hiếm. Ông ngồi khóc bên gốc tre, bỗng đâu có mấy mục măng mọc lên, Mạnh Tông mừng rỡ mang về nhà. Ăn canh măng xong, bà mẹ liền khỏi bệnh. Người ta cho rằng lòng hiếu thảo của Mạnh Tông động lòng trời nên măng mọc và đặt tên loại măng này theo tên ông. Trong ngôi nhà này cũng có một Mạnh Tông đang ngày đêm lo tròn chữ hiếu.