Đọc những thông tin mới nhất về Hân - lòng thắt lại khi nghĩ về sự kết thúc.
Không ngờ lần làm quen với em cũng là ngày cuối cùng em ở Sàigòn, trở về quê và chưa biết khi nào quey lai giảng đừơng được http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/404874/Sinh-vien-Nguyen-Thi-Ngoc-Han-Song-dep-trong-tuyet-vong.htmlSinh viên Nguyễn Thị Ngọc Hân: Sống đẹp trong tuyệt vọngTT - Một ngày đầu năm học 2010. Khi những tân sinh viên rạng rỡ bước vào ngôi Trường đại học KHXH &NV TP.HCM, có một người cha nước mắt lưng tròng ẵm con gái vào giảng đường.
Người đàn ông ấy tên Nguyễn Nghĩa Hiệp, quê ở Chợ Gạo, Tiền Giang. Ngày nhập học cho sinh viên vừa trúng tuyển kỳ thi đại học 2010-2011, ông khẽ khàng luồn đôi tay thợ hồ chai sần của mình nâng cổ và chân con gái,
bế con lên như thuở còn ẵm ngửa. Từ quê, ông bế con trong tư thế đó trên chuyến xe đò đi 100km để đến Sài Gòn, đưa con gái Nguyễn Thị Ngọc Hân vào giảng đường đại học. Nhưng giảng đường trước mắt ông và cả con gái là chốn xa xôi dù có nhiều ước mơ tốt đẹp, khi hai năm về trước cánh tay Ngọc Hân sưng tròn lên bất thường vì bị ung thư xương.
Cô nữ sinh giỏi vănMẹ của Ngọc Hân đã khóc như thể bà đã gom nước mắt cả đời mình lại, mong hóa giải được căn bệnh trong thân thể con gái mình. Những ngày này, bà ngẩn ngơ trong những buổi sáng ở Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang khi Ngọc Hân bị trả về với kết luận: ung thư giai đoạn cuối. Bà khóc khi những vết đau khơi lại bằng nụ cười của Hân, câu chuyện của thầy cô, lời hỏi han của bạn bè.
Bà nhớ mình đã chạy vào bệnh viện cầu xin bác sĩ: “Hay bác sĩ cắt cánh tay tôi ghép cho con tôi đi!”.
Mọi lời cầu xin rơi vào vô vọng.
Ngọc Hân kể: “Em thích đọc Nam Cao, thích nhất truyện Một bữa no, bà già ăn xong một bữa là chết, đó là một hình ảnh có giá trị tố cáo hiện thực xã hội dữ dội”. Cô ngập ngừng, thở gấp gáp một cách yếu ớt.
Từ một tuần nay, Hân không còn nằm trên võng ở nhà để đọc sách và đưa theo nhịp võng bình yên của mẹ nữa. Cơn đau xuất hiện thường trực và xô ngã cô vào những đợt mê sảng đầy ác mộng. Hân gầy nhưng mỉm cười nói: “Em hơi mệt thôi!”. Và cô thiếp đi trong giấc ngủ.
Câu chuyện của Ngọc Hân trở đi trở lại đầy nước mắt trong trí nhớ những người xung quanh. Cô giáo chủ nhiệm Trần Thị Ngọc Tuyết của Hân kể: “Tay Hân sưng lên, cho đến ngày bác sĩ ở thành phố bảo phải cắt chi, em vẫn xin bác sĩ hoãn lại vài ngày để em diễn xong vai trong buổi thi kể chuyện văn học ở trường”.
Những ngày đó Ngọc Hân vẫn ngồi học văn say mê với bạn bè bên gốc vú sữa của trường. Cô vẫn nghe những câu chuyện được cô giáo Thu Thủy dạy chuyên văn kể. Hân giấu giếm cái cườm tay đang sưng to lên và mơ hồ nhiều lo sợ. Hạnh phúc nhỏ bé của những ngày bình yên ấy giờ là kỷ niệm trong tấm giấy khen Hân đoạt giải 3 học sinh giỏi văn cấp tỉnh.
Trái tim bé bỏng không gục ngã
Sau khi bị cắt một phần cánh tay trái, Hân trở lại trường. Cô đi học như bao cô gái nhỏ ở quê nghèo với ước mơ sẽ đậu đại học và đi làm nuôi cha mẹ. Cô Tuyết nhớ lại: “Lúc đó thầy cô nào cũng nghĩ Hân phải nghỉ học hẳn chữa bệnh, nhưng em nói với tôi em mất tay trái mà, tay phải em sẽ viết bài. Em vẫn đi học bình thường”.
Ngọc Hân đi học trong niềm vui cháy bỏng khi cô giáo dạy văn nói với em: “Sống đẹp trong những ngày còn lại em nhé!”. Hân gục lên vai cô khóc lặng lẽ, khi em đưa tay cho cô sờ lên khối u di căn trên vai trái mà em giấu giếm không cho mẹ biết. Đó là lần duy nhất cô gái 17 tuổi tỏ ra yếu đuối vì căn bệnh tuyệt vọng của mình.
Với cánh tay phải, Hân vẫn miệt mài hàng giờ bên tờ báo tường của lớp, nắn nót từng nét chữ tươi rói màu mực cho ngày lễ 20-11 của lớp trọn vẹn. Những đêm khuya, bà Trần Thị Tư - mẹ Hân - canh cánh trong lòng khi con gái vẫn ngồi bên bàn viết miệt mài với những bài văn, con toán của năm cuối cấp. Hân ngồi lặng lẽ trên phản, trở mình với từng trang giấy được lật, bài học không bỏ phí một ngày.
Và những khối u cũng không ngừng lớn lên, cho đến ngày bác sĩ yêu cầu cô phải cắt bỏ tiếp một phần nữa của cánh tay trái.
Anh Châu Thành Toàn, một tình nguyện viên ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, nhớ lại: “Lần nào mình tới cũng thấy Hân ngồi trên sân thượng, sách vở trong tay, vừa học bài vừa ghi chép. Mẹ cô bé ấy đưa con đi chữa bệnh phải mang theo một túi sách vở cho bài học mấy ngày tới của con”.
Mười một lần truyền hóa chất với những cơn ói không dứt, sốt mê man, Hân đắp đổi những đau đớn bằng cánh tay phải cầm quyển vở, đọc kỹ từng bài thầy giảng ở lớp mà bạn bè quý mến chép lại cho mình. Hai năm trời đi lên đi xuống TP.HCM - Tiền Giang, Hân ở xa nhà cũng như gần nhà, chưa một ngày quên giải bài tập và học trọn vẹn bài khi đến lớp.
Có lần, buổi chiều truyền hóa chất ở TP.HCM xong, cô nằng nặc xin mẹ tự bắt xe đò về Tiền Giang. Cô tính: “Nếu con về sáng mai là con phải nghỉ thêm một ngày học. Mẹ để con về chiều nay, sáng mai con đi học”. Hân ngất lịm trên những chuyến xe dài 100km, mơ màng sốt khi thầy giáo bế em vào trường từ xe đò. Cô giáo bảo em nằm trong phòng y tế và Hân mỉm cười khi biết mình đã về nhà kịp để đi học.
Cuối năm lớp 12, Hân ở trong nhóm những học sinh có điểm thi tốt nghiệp cao của trường. Cô Ngọc Tuyết cho biết: “Có lúc chúng tôi tính đưa Hân vào diện đặc cách tốt nghiệp. Cả năm học em ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà kia mà. Em kiên quyết không chịu và đòi đi thi giống bạn bè. Khó ai ngờ điểm của em cao như thế”.
Ngày thi đại học, cha chở cô đến hội đồng thi. Ngọc Hân cười nheo mắt nhớ lại: “Em leo lên ba tầng lầu là thở quá trời luôn. Ngồi một lúc tỉnh lại mới viết bài thi được. Em mệt quá”. Suốt hai đợt thi đại học, Hân gần như không ăn uống gì. Ông Hiệp chỉ có thể đút vài thìa nước cam, vài muỗng cháo để con gái cố giữ sức đến ngày thi cuối cùng.
Và Ngọc Hân, 18 tuổi, đã đậu Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM trong khi bệnh ung thư xương đang di căn dữ dội trong cơ thể.
Khát khao họcNguyễn Thị Ngọc Hân sinh năm 1992, học sinh Trường THPT Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Nhiều năm liền cô là học sinh giỏi. Đầu năm học lớp 11, Hân bắt đầu phải điều trị ung thư xương ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM. Trong cùng năm, cô đoạt giải 3 học sinh giỏi văn cấp tỉnh.
Năm lớp 12, Hân thi tốt nghiệp với kết quả cao và ngay sau đó đậu Đại học Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM ngành tâm lý học ngay trong thời kỳ căn bệnh di căn. Cuối tháng 9-2010, Hân là một trong 140 tân sinh viên của Tiền Giang, Bến Tre được trao học bổng “Tiếp sức đến trường”.
Tình trạng sức khỏe hiện tại của Hân rất xấu nhưng không lúc nào cô ngưng nghĩ về chuyện học.
Căn bệnh không khuất phục được tâm hồnNhững ngày gần đây Hân không thể đi lại được. Có lần cô nằm tựa trên ba chiếc gối trong phòng, bỗng nhiên rút một chiếc gối ra và nói với mẹ: “Mẹ giặt gối để thứ hai con lên ký túc xá nhập học lại nghen!”. Người cha lặng đi trước lời con gái nói. Ước mơ ngồi trong giảng đường đại học của cô luôn cháy bỏng và nó làm tan nát trái tim ông.
Ông Hiệp chạm đôi tay nhọc nhằn vào bàn sách vở của con gái, nói: “Suốt hai năm qua chưa bao giờ con bé khóc. Nó dỗ dành mẹ. Nó dỗ dành bạn bè. Nó an ủi cả thầy cô. Nó chưa bao giờ khóc, ngay cả trong cơn mê sảng nó thét gọi mẹ ơi cứu con với”.
Cạnh bên nụ cười và sự lạc quan của Ngọc Hân với thế giới xung quanh, có rất nhiều người yêu thương cô hiểu rằng: Ngọc Hân đã là học sinh giỏi văn cấp tỉnh, đã đoạt giải nhất “văn hay chữ tốt”, đã vào Đại học Quốc gia... bằng một cánh tay viết chữ đẹp và một tâm hồn mà căn bệnh ung thư không thể hủy hoại được.
Một ngày cách đó không lâu, khi những tình nguyện viên ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình hỏi Hân thích gì, cô đã bảo mình muốn một kệ sách.
Giờ đây, trong căn nhà nhỏ xíu của gia đình Hân ở Chợ Gạo, Tiền Giang, chiếc kệ sách nằm bên cửa sổ đầy nắng. Hân sắp xếp vào đó những cuốn sách của Nguyễn Bính, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng... Hân đặt trên ngăn cao hơn một chiếc cối xay gió nhỏ, một lọ đựng ngôi sao lấp lánh kỷ niệm.
Kệ sách nằm im và đợi Hân về như ngày đi học thuở nào...
LAN PHƯƠNG