Tác giả Chủ đề: Phép tranh luận  (Đã xem 11862 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Ngủ rồi bymyside4

Trả lời #5 vào: 04-07-2011 14:04:15
Lâu rồi bác admin không gửi lên cho cả nhà đọc. Mình xin phép đưa lên để chia sẻ cho cả nha.
Chúc cả nhà có 1 ngày đầu tuần vui vẻ và may mắn.

 


Ngủ rồi Nhóm_NTCM

  • NTCM
  • Tích Cực
  • *****
  • Bài viết: 108
  • Thanked: 23 times
  • Thích 44
  • Kết Nối Yêu Thương
Trả lời #4 vào: 27-04-2011 13:17:13
Admin đưa topic này lên lại cho mọi người đọc, nhất là những bạn muốn tham gia tranh luận bên trái của DD.
Thân.

Tin vào Lòng Nhân Ái
 


Ngủ rồi opla

Trả lời #3 vào: 25-01-2010 14:25:12
Ta cần tránh cả những lỗi thuộc về logic và những lỗi thuộc về thái độ. Xin trình bày tiếp một vài suy nghĩ với các bạn về đề tài này.

1. Tránh những lỗi logic:

Einstein nói: «Cái chi cũng là tương đối cả», lý lẽ của ta cũng vậy, không thể chắc chắn 100%. Sự việc nếu đã rõ ràng như hai lần hai là bốn thì đâu cần phải tranh luận.

Khi đưa ra lý lẽ, hãy tự hỏi hai điều: cơ sở mình đưa ra có đáng tin cậy không? và phần suy diễn của mình có hợp lý không?

Ví dụ 1: «Theo tôi không nên giao xe cho ông A lái vì nghe nhiều người nói trước đây ông ấy bị thu giấy phép lái xe do gây tai nạn». Câu nói này cần phải xem lại đến 4 chỗ:

- «nhiều người nói» là những người nào? có đáng tin không?

- Sự việc bị thu giấy phép lái xe (nếu có) thực chất là gì? Trong tai nạn đó bản thân ông A vướng vào như thế nào?

- Căn cứ vào một việc đã qua từ lâu để quyết định chuyện bây giờ có phải là suy luận đúng hay không?

- Cuối cùng, bạn đã biết gì về khả năng lái xe và thái độ làm việc của A vào thời điểm hiện tại? Tại sao không xem trọng điều này?

Ví dụ 2:
«Theo tôi trong chương trình kích cầu, nhà nước không cần giảm thuế thu nhập cho người có lương cao, chỉ giảm cho người có lương thấp thôi». Câu nói này cũng cần xem lại tới 4 chỗ:

- Mục đích của chương trình đang bàn là để kích cầu (tăng sức mua trong nước) hay là một mục đích khác?

- Nếu là để kích cầu (tăng sức mua trong nước), ta muốn tăng cụ thể là từ bao nhiêu lên bao nhiêu?

- Để đạt được mục tiêu đó, phân khúc «người có lương cao» có vai trò như thế nào?

- Cuối cùng, nếu không giảm thuế cho phân khúc này, chúng ta có thể đạt mục tiêu nêu ra ở điểm 2 hay không?

Như vậy, khi lý luận, logic phải thay thế hoàn toàn cảm tính. Cảm tính nếu có chỉ là để bày tỏ thêm thái độ của người nói nhưng dứt khoát không được dùng làm cơ sở để đi đến quyết định cuối cùng. Người xưa nói: «Quân pháp bất vị thân» là như thế.

2. Tránh những lỗi thái độ:

Như đã phân tích từ bài trước, lỗi thái độ phát sinh từ cái tôi của mỗi người. Ta thử nghe hai vợ chồng tranh luận với nhau về việc nên cho con học trường nào.

- Người ta cho con vô trường quốc tế rần rần kìa. Em nói hoài mà anh có chịu nghe đâu. Mỗi tháng anh xài quá trời tiền mà lại không chịu cho con học trường tốt.

- Trường đó xa quá! Hơn nữa, anh vẫn thấy trường công vẫn tốt. Đâu phải cái gì cũng phải nước ngoài mới được.

- Thôi anh muốn làm gì thì làm! Anh thì chỉ nghe ai thôi chứ có bao giờ nghe em.

- Humm…mệt quá! Chẳng bàn bạc gì với em được.

Mẩu chuyện trên thực chất chỉ ngắn gọn như sau: người vợ muốn cho con vào trường quốc tế vì thấy nhiều người làm như vậy; người chồng không muốn vì trường xa, và thấy rằng các trường khác cũng đủ tốt rồi.

Thay vì bàn sâu vào những cái lợi và cái hại của việc cho con đi học ở mỗi trường, thì hai nhân vật chính lại chú ý đến bản thân mình nhiều hơn.

Bí quyết để tránh lỗi thái độ rất đơn giản: «Khi chuẩn bị đi họp, hãy bỏ cái tôi ở nhà!». Không có cái tôi thì chẳng thể nào nghĩ ra được một câu để xúc phạm người khác.

Tóm lại, tranh luận là cần thiết trong công việc khi cần thống nhất ý kiến. Để tranh luận có kết quả thì phải tránh những sai lầm có tính logic và những lỗi về thái độ bằng cách luôn tự nhận thức rằng lý lẽ của ta có thể còn thiếu sót và đặc biệt: đừng mang cái tôi bước vào phòng họp.

Chúc cả nhà luôn vui.

Banron

 


Ngủ rồi opla

Trả lời #2 vào: 25-01-2010 12:05:11
Những lỗi logic giảm hiệu quả vì nó gây lạc hướng hoặc chậm nhịp tiến của cuộc tranh luận, nhưng loại sai lầm thứ hai mới nguy hiểm hơn, nó có thể làm hỏng mọi sự ngay từ ban đầu: đó là sai lầm về thái độ.

Tôi xin chia sẻ vài lỗi thường gặp như sau.

   1. Mục đích thật của tranh luận bị bỏ quên:

Ta đã xác định rằng mỗi người có suy nghĩ khác nhau, chỉ khi cần thống nhất ý kiến mới phải tranh luận. Mục đích thực của tranh luận là tìm ra cái đúng chứ không phải để xem ai đúng.

Bỏ quên mục đích của tranh luận, chúng ta sẽ khó lòng nhận ra cái hay, cái đúng của người khác. Thay vì xem những người tham gia tranh luận là cùng đi tìm chân lý với mình, ta chỉ thấy những người ấy trong vai trò đối thủ. Tranh luận với xuất phát điểm như thế sẽ chẳng đi đến đâu.

    2. Không biết lắng nghe:

Trong lúc tranh luận, biết lắng nghe cũng quan trọng như biết trình bày, vì mục tiêu chung của các bên là tìm ra chân lý, tất cả ý kiến phải được khích lệ. Mỗi người tham gia tranh luận phải biết mong chờ ý kiến trái chiều để rà soát lại suy nghĩ của mình. Thực tế thì… ai cũng thích nghe ý kiến cùng chiều hơn.

Giữa người biết lắng nghe và người không biết lắng nghe có một khoảng cách rất lớn về sự chín chắn và kinh nghiệm. Những kẻ tự mãn, hợm mình thường ít chịu nghe người khác nói, và vì thế họ chẳng học hỏi được gì nhiều.

    3. Không công bằng:

«Tôi rất kiên định, anh thật ngoan cố còn nó thì quá cứng đầu». Cái lối nghĩ tốt cho mình xấu cho người ấy tai hại vô cùng, trong khi sự thật chỉ là: «chúng ta chưa có điểm chung nào».

Nguyên nhân là do sự bất công cố hữu của con người. Ai cũng muốn nhận phần tốt về mình mà quên mất rằng thái độ đó chỉ đẩy mọi người ra xa thêm chứ không đi đến thống nhất. Để tranh luận có kết quả, mỗi người cần xem xét các ý kiến khác nhau một cách công bằng hơn.

    4. Thiếu trách nhiệm với quyết định cuối cùng:

Chúng ta thường tự hào nếu ý kiến của mình được chọn và thường thất vọng khi ý kiến bị phản đối. Thực tế người ta phản đối ý kiến chứ không phải phản đối con người.

Khi đã thống nhất chọn một phương án, ý kiến đầu tiên thuộc về ai không còn quan trọng mà trách nhiệm việc áp dụng phương án đó được nhận lãnh bởi tất cả thành viên. «Không nghe tôi thì sau này hư ráng chịu»; «kệ nó, muốn ra sao thì ra» là những thái độ không thích hợp.

Tất cả là do cái tôi của mỗi người quá lớn.

Có cách nào tránh được những sai lầm như thế trong khi tham gia thảo luận không?

 


Ngủ rồi opla

Trả lời #1 vào: 25-01-2010 12:02:03
Cuộc sống hằng ngày đòi hỏi con người phải giao tiếp, khi giao tiếp thì mỗi người thường suy nghĩ khác nhau. Có nhiều trường hợp phải thống nhất ý kiến nên tranh luận là một điều cần thiết.

Tuy nhiên ít khi tranh luận có hiệu quả, nguyên nhân là do mỗi bên ít nhiều phạm sai lầm trong việc đưa ra và tiếp nhận ý kiến ngược lại. Có 2 loại sai lầm chính: logic và thái độ.

Tôi xin chia sẻ với các bạn những sai lầm logic thường gặp:

   1. Ý kiến tự nó đúng hoặc sai, không phụ thuộc vào người nói:

Một bệnh nhân đến phòng mạch khám bệnh. Anh ta trông ốm yếu, ho nhiều.

Bác sĩ: - Anh phải bỏ thuốc lá.

Bệnh nhân: - Thưa Bác sĩ, tôi thấy bác sĩ cũng hút thuốc nhiều vậy làm sao tôi có thể nghe lời khuyên này được.

Bạn nghĩ bệnh nhân nói đúng không?

Thực chất, lời khuyên vẫn cứ đúng cho dù người đưa ra lời khuyên có làm được như lời mình nói hay không. Các huấn luyện viên bóng đá là những ví dụ rõ ràng nhất, họ chẳng có thể chạy chỗ, chuyền bóng nhanh, giữ cự ly như lời họ khuyên cầu thủ được.

  2. Mục đích không biện minh cho phương tiện :

Khi gặp chất vấn: «Tại sao bạn muốn dùng phương pháp đó?», câu trả lời cần phải nêu ra được những ưu điểm của phương pháp với bằng chứng hợp lý chứ không được trả lời theo kiểu: «vì để có kết quả tốt».

Sai lầm này cũng được xếp vào lỗi thái độ khi nói: «tôi nói như thế là vì lợi ích chung thôi!». Ở đây, chuyện đúng sai của lý lẽ tự nó không liên quan đến mục đích. Ta vẫn thường thấy nhiều người vì mục đích tốt mà làm hỏng việc đấy thôi.

   3. A => B không có nghĩa là B => A:

Trời mưa thì ướt áo, nhưng không phải hễ ướt áo là do trời mưa, còn nhiều nguyên nhân khác có thể làm cho ướt áo. Chuyện này gặp nhiều. Chạy xe ẩu thì té. Đồng ý, nhưng nếu thấy người bị té xe mà phán ngay rằng: «chạy ẩu quá!» thì thật là thiếu thận trọng.

Các bác sĩ biết rõ chuyện này: nhiễm trùng thì gây sốt, nhưng không phải tất cả bệnh nhân sốt đều bị nhiễm trùng, muốn biết phải xét nghiệm thêm và từ đó sinh ra bộ môn «cận lâm sàng».

   4. A => B không có nghĩa là phủ định A => phủ định B :

«Ngày mai nếu họp buổi sáng thì anh sẽ có mặt » không có nghĩa là «nếu họp buổi chiều thì anh không có mặt ». Vì nguyên nghĩa của câu đầu chỉ là khẳng định sự có mặt nếu họp buổi sáng, còn buổi chiều thì chưa biết. Cũng như: «không biết bơi thì có thể chết đuối» không thể phát biểu thành «biết bơi thì không thể chết đuối».

Trở lên chỉ là vài ví dụ về logic. Những sai lầm về thái độ trong tranh luận đôi khi còn gây tác hại nhiều hơn.

Chúc cả nhà vui vẻ.

Banron