Ta cần tránh cả những lỗi thuộc về logic và những lỗi thuộc về thái độ. Xin trình bày tiếp một vài suy nghĩ với các bạn về đề tài này.
1. Tránh những lỗi logic:
Einstein nói: «Cái chi cũng là tương đối cả», lý lẽ của ta cũng vậy, không thể chắc chắn 100%. Sự việc nếu đã rõ ràng như hai lần hai là bốn thì đâu cần phải tranh luận.
Khi đưa ra lý lẽ, hãy tự hỏi hai điều: cơ sở mình đưa ra có đáng tin cậy không? và phần suy diễn của mình có hợp lý không?
Ví dụ 1: «Theo tôi không nên giao xe cho ông A lái vì nghe nhiều người nói trước đây ông ấy bị thu giấy phép lái xe do gây tai nạn». Câu nói này cần phải xem lại đến 4 chỗ:
- «nhiều người nói» là những người nào? có đáng tin không?
- Sự việc bị thu giấy phép lái xe (nếu có) thực chất là gì? Trong tai nạn đó bản thân ông A vướng vào như thế nào?
- Căn cứ vào một việc đã qua từ lâu để quyết định chuyện bây giờ có phải là suy luận đúng hay không?
- Cuối cùng, bạn đã biết gì về khả năng lái xe và thái độ làm việc của A vào thời điểm hiện tại? Tại sao không xem trọng điều này?
Ví dụ 2: «Theo tôi trong chương trình kích cầu, nhà nước không cần giảm thuế thu nhập cho người có lương cao, chỉ giảm cho người có lương thấp thôi». Câu nói này cũng cần xem lại tới 4 chỗ:
- Mục đích của chương trình đang bàn là để kích cầu (tăng sức mua trong nước) hay là một mục đích khác?
- Nếu là để kích cầu (tăng sức mua trong nước), ta muốn tăng cụ thể là từ bao nhiêu lên bao nhiêu?
- Để đạt được mục tiêu đó, phân khúc «người có lương cao» có vai trò như thế nào?
- Cuối cùng, nếu không giảm thuế cho phân khúc này, chúng ta có thể đạt mục tiêu nêu ra ở điểm 2 hay không?
Như vậy, khi lý luận, logic phải thay thế hoàn toàn cảm tính. Cảm tính nếu có chỉ là để bày tỏ thêm thái độ của người nói nhưng dứt khoát không được dùng làm cơ sở để đi đến quyết định cuối cùng. Người xưa nói: «Quân pháp bất vị thân» là như thế.
2. Tránh những lỗi thái độ:
Như đã phân tích từ bài trước, lỗi thái độ phát sinh từ cái tôi của mỗi người. Ta thử nghe hai vợ chồng tranh luận với nhau về việc nên cho con học trường nào.
- Người ta cho con vô trường quốc tế rần rần kìa. Em nói hoài mà anh có chịu nghe đâu. Mỗi tháng anh xài quá trời tiền mà lại không chịu cho con học trường tốt.
- Trường đó xa quá! Hơn nữa, anh vẫn thấy trường công vẫn tốt. Đâu phải cái gì cũng phải nước ngoài mới được.
- Thôi anh muốn làm gì thì làm! Anh thì chỉ nghe ai thôi chứ có bao giờ nghe em.
- Humm…mệt quá! Chẳng bàn bạc gì với em được.
Mẩu chuyện trên thực chất chỉ ngắn gọn như sau: người vợ muốn cho con vào trường quốc tế vì thấy nhiều người làm như vậy; người chồng không muốn vì trường xa, và thấy rằng các trường khác cũng đủ tốt rồi.
Thay vì bàn sâu vào những cái lợi và cái hại của việc cho con đi học ở mỗi trường, thì hai nhân vật chính lại chú ý đến bản thân mình nhiều hơn.
Bí quyết để tránh lỗi thái độ rất đơn giản: «Khi chuẩn bị đi họp, hãy bỏ cái tôi ở nhà!». Không có cái tôi thì chẳng thể nào nghĩ ra được một câu để xúc phạm người khác.
Tóm lại, tranh luận là cần thiết trong công việc khi cần thống nhất ý kiến. Để tranh luận có kết quả thì phải tránh những sai lầm có tính logic và những lỗi về thái độ bằng cách luôn tự nhận thức rằng lý lẽ của ta có thể còn thiếu sót và đặc biệt: đừng mang cái tôi bước vào phòng họp.
Chúc cả nhà luôn vui.
Banron