PNO - Măng cụt không chỉ cho quả ngon ngọt, mà vỏ quả và vỏ cây măng cụt còn có thể làm thuốc trị tiêu chảy, kiết lỵ rất hiệu quả.
Măng cụt có tên khoa học là Garcinia mangostana L, thuộc họ Bứa - Clusiaceae, được nhập trồng vào nước ta đã lâu để lấy quả ăn. Vỏ quả thu thập vào mùa quả chín, ăn lớp áo hạt, để vỏ phơi khô cất dành dùng làm thuốc. Vỏ cây có thể thu hái quanh năm.
Thành phần hóa học: Vỏ quả chứa 7-13% tanin, nhựa và chất đắng mangostin có tinh thể hình phiến nhỏ màu vàng tươi không tan trong nước. Cây cũng chứa tanin.
Tính vị, tác dụng: Vị chát, làm săn da; có tác dụng trừ tiêu chảy và lỵ.
Cách dùng: Ðể trị tiêu chảy và kiết lỵ, dùng nước sắc vỏ quả măng cụt: Lấy khoảng 10 vỏ cho vào một nồi đất, đậy thật kín bằng một tàu lá chuối. Sau đó đun sôi cho đến khi nước có màu thật sẫm, uống mỗi ngày 3-4 chén.
Ở vùng nóng người ta còn phối hợp với các vị thuốc khác như:
Vỏ măng cụt khô 60g, hạt mùi 5g, hạt thì là 5g, đem sắc trong 1.200ml nước. Ðun sôi kỹ, còn lại 600ml chiết ra để uống, ngày hai lần, mỗi lần 120ml.
Cũng có thể dùng vỏ cây chữa tiêu chảy. Lấy một nắm vỏ khoảng 50g, đem cắt ra từng khoanh, cho vào nồi đất với 2 chén nước, sắc như sắc thuốc, đun nhỏ lửa cho sôi từ 15-30 phút. Sau đó để nước âm ấm, chiết lấy nước uống làm nhiều lần, mỗi lần độ 1 ly nhỏ. Thuốc sắc ngày nào thì uống trong ngày đó, có thể thêm đường để uống và đỡ khát.
Nguồn: Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam