Đọc được từ báo Thể thao và văn hóa,thấy hay nên post lên cho mọi người cùng đọc
(TT&VH Cuối tuần) - Lần đầu tiên vào Sài Gòn, một người thân chép miệng, vào đó liệu mà cẩn thận, đắt đỏ lắm đấy… Chưa đi bao giờ và cộng thêm cái tính “tiết kiệm vặt” của phụ nữ đất Bắc khiến cho tôi cũng lăn tăn. Nhất là khi biết chắc chuyện đi lại là không đùa, đi taxi thì sẽ sợ bị ăn gian km, còn đi xe ôm? Có trời mới biết chuyện gì…
Ở Hà Nội, sợ nhất là đi xe ôm quen, vì giá cả không có “barem” nào nhưng thường là cao hơn giá trung bình khá, cơ bản là vì họ nói bao nhiêu trả bấy nhiêu, đố dám mặc cả do ngại mang tiếng quen nhau mà “kiệt xỉ”, rồi từ sau nhìn nhau với ánh mắt khó khăn. Lắm lúc cũng tức anh ách, chỉ còn biết nhủ thầm: “Các cụ quả chưa sai, càng quen càng lèn cho đau!”. Nhưng Sài Gòn thì sao? Anh lễ tân ở khách sạn nói với tôi nếu chị muốn đi đâu đó, em gọi cho chị xe ôm quen, giá rẻ hơn nếu chị gọi xe lạ. Cuốc đầu tiên, tôi đi từ đường Nguyễn Thông, thuộc quận 3, đến bảo tàng Mỹ thuật thành phố, đường Phó Đức Chính, kế chợ Bến Thành. 30 ngàn là giá anh đưa ra. Về sau, tôi biết với quãng đường chừng 5 km, giá đó không rẻ mà cũng chẳng mắc. Có chăng, việc nghe theo lời anh nhân viên khách sạn khiến mình yên tâm khởi hành mà thôi. Nhưng mà có điểm này thì thật thích, đến nơi, anh nhận tiền và nói cảm ơn, sau đó hỏi nhẹ nhàng là mình chừng nào quay về, anh đưa số điện thoại, để gọi. Người Bắc thì không hay cảm ơn, mà lại nói từ “xin”, như là “bác xin”, “anh xin”, hoặc “xin nhé”… và cũng chẳng hơi đâu mà bắt quen theo kiểu cho điện thoại thế này. Nói thêm là cái từ “xin” nghe có vẻ hàm ơn, mặc dù thực ra, nó cũng chỉ thay lời cảm ơn khách mà thôi. Tôi cũng ghi lại số điện thoại của anh xe ôm, và lại được cảm ơn một lần nữa.
Sau tour bảo tàng mỹ thuật, tôi bắt đầu đi lang thang tự tìm đường. Lạc sang bảo tàng thành phố trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, không muốn vào, đang ngẩn ngơ trước cổng vì muốn mua một cái bản đồ thành phố, lại một anh xe ôm rờ tới. Nắng, và cũng mệt, tuy rất phân vân nhưng cũng nhận lời. Hỏi anh có biết đường Mê Linh bên quận Bình Thạnh không, anh gật đầu. Hỏi bao nhiêu, anh nói 3 chục. Đi một hồi, thấy anh rẽ vào mấy cái ngõ rất nhỏ, tưởng như toàn ngõ cụt, bắt đầu run. Anh hỏi thăm mấy người, sau đó lại vòng ra. Vì là lần đầu tiên vào đây, tôi chỉ nhận diện được sự xa gần bằng cách nhìn vào vị trí của phường và quận được ghi trên các mái hiên di động trước cửa hiệu. Tôi đang từ quận 1, sang đến đất Bình Thạnh rồi, sao lại thấy anh xe ôm quay lại quận 1. Không hiểu, bắt đầu thắc mắc… Anh bảo cứ nhớ cái đường Mê Linh ở chỗ vừa qua, hóa ra anh nhầm. Anh trấn an tôi một cách rất dễ thương: “Cái sai đó là phần em nên em chịu, em chở chị đến nơi mới lấy tiền, chị yên tâm”. Cuối cùng, đường Mê Linh cũng ở trước mặt sau một vòng tìm kiếm. Gần đến nơi, anh hỏi tôi chừng bao giờ về, nửa tiếng hoặc thậm chí là 1 tiếng anh cũng đợi. Tôi vẫn trả tiền anh, vì không muốn phí hoài thời gian của anh. Cuộc gặp không đến 20 phút, do hôm đó là Chủ nhật.
Anh xe ôm vẫn chờ thật. Cái cách này cũng hay, vì đây là khu vực lạ của anh, nên ăn chắc nhất là chờ khách, kiểu gì tôi chẳng về và cũng không ở lâu, kinh nghiệm đón đưa khách hẳn sẽ nói với anh rằng tôi chỉ là một khách mới ở địa điểm mà tôi đến, nên không đời nào ở đó lâu. Anh nhanh chóng đứng dậy, xỏ chân vào đôi dép nhựa tổ ong đen đúa, vui vẻ hỏi tôi về lại đâu, tôi nói địa chỉ khách sạn rồi hỏi tiền, anh lại đáp vui vẻ: 3 chục, bằng lúc nãy. Thực ra quãng đường là như nhau, không bị tính thêm tiền chờ nên tôi cũng vui vẻ lên xe. Đi đường, anh còn tranh thủ làm hướng dẫn viên, chỉ khu này là nơi chuyên buôn bán xe máy, khu kia là nơi buôn bán laptop, anh cũng kể về vụ khách sạn New World dạo đón tổng thống Bush ra sao khi chúng tôi ngang qua đó. Anh bảo tôi đằng nào cũng về qua trung tâm, anh đi vòng vòng cho tôi biết (chắc là biết mùi trung tâm Sài Gòn), mà giá không đổi. Đi ngang qua sân khấu ca nhạc 126, anh nhiệt tình bảo nếu tối nào chị rảnh, đến đây giải trí cũng vui lắm. Tôi hỏi anh có vào đó bao giờ chưa, anh nói thỉnh thoảng, 50 ngàn đồng/vé và hai vợ chồng cùng đi. Đời sống bình dân vậy là vui rồi, anh kết luận! Cách ứng xử của anh xe ôm Sài Gòn này xóa tan cái cảm giác “khách lạ” trong tôi. Sự nhiệt tình giới thiệu thành phố của anh khiến tôi còn cảm thấy anh rất có tình với thành phố của mình, sống với nó một cách chan hòa, vui vẻ. Điều này không dễ nhận thấy ở người Bắc khi nói về nơi chốn của mình với khách vãng lai.
Hôm sau, từ đường Hồ Biểu Chánh, quận Phú Nhuận về lại khách sạn, tôi cũng chọn xe ôm. Gặp được một bác mà hỏi giá tiền bao nhiêu, chỉ trả lời ngắn gọn: tùy, bao nhiêu thì bao, không ân hận! Tất nhiên, “cẩn tắc vô ưu”, tôi đã hỏi về vụ này trước đó vài phút, khi hỏi thăm đường về khách sạn rồi (do là vẫn run khi nghĩ về vụ lạc vào ngõ hẻm cùng xe ôm ngày hôm trước). Bác xe ôm chở tôi về đến nơi, tôi hỏi lại hết bao nhiêu, ông vẫn thản nhiên: đã nói rồi, bao nhiêu cũng được, không ân hận! Giá người ta nói với tôi chừng 15 ngàn, vậy tôi nên đưa cho ông bao nhiêu cho vừa? Bởi sự nhẹ nhõm trong cách phục vụ của ông đã truyền sang tôi, khiến cho sự chắc lép “đắt- rẻ” không còn nặng nề nữa…
Nhã nhặn, vui vẻ, và lấy lòng khách một cách chân thành, nói theo ngôn ngữ thị trường thì có thể là “tiếp thị giỏi”, phải công nhận xe ôm thành phố này là như vậy. Sau năm ngày, đó có là cách kết luận vội vàng không? Chưa chắc, vì về sau, tôi nghe các bạn trong này kể nhiều chuyện tương tự vậy về xe ôm Sài Gòn và còn kết luận là họ “văn minh” hơn đồng nghiệp ngoài Bắc (các bạn tôi toàn dân Bắc vào đây lập nghiệp ít nhất cũng được 6 năm). Một chị bạn không có xe máy vì thấy cách này không hay bằng gọi xe ôm. Chị ấy kể, nhờ xe ôm đủ việc, từ chở đi công việc, đến đi đóng tiền điện thoại, đi lấy đồ chỗ nọ mang đến chỗ kia, kể cả đi lấy nợ… Có hôm, chị đi được nửa đường, la lên là quên ví, ông xe ôm quen (tất nhiên rồi), còn đưa đỡ cho chị 300 ngàn, để xài tạm. Chị kết luận bằng câu nhấn mạnh: “Đấy chỉ là ông xe ôm thôi đấy nhé!”. Chị hào hứng với chủ đề xe ôm bằng một so sánh thế này: ví dụ là chuyện mình bị giật đồ chẳng hạn, dân Bắc nhà mình sẽ xúm vào chửi đổng cái thằng cướp giật, rồi xuýt xoa dặn mình từ sau phải cẩn thận này nọ, song về việc quan trọng nhất là lúc đó mình sạch trơn tiền tiêu (vì mất ví) thì chẳng thấy ai nói gì... Người Sài Gòn ngược lại, nghe thấy chuyện, họ cười nhẹ nhõm, vui chuyện thì bảo trước, (họ) cũng bị rồi, và hỏi ngay vậy còn tiền tiêu không, nếu không xòe ví đưa cho vài trăm ngàn, có khi không hỏi và xòe ví luôn. Hai cách quan tâm thật khác nhau; cách thứ nhất thể hiện sự tiếc nuối và an ủi vừa bề trên vừa bề ngoài, cách thứ hai thể hiện sự thật tâm bên trong… Bạn nghĩ vậy không???
Phong Vân