Hát xẩm - Âm nhạc đường phố
Kho tàng nghệ thuật âm nhạc dân gian Việt Nam có nhiều loại hình như hát chèo, hát dô, quan họ..., nhưng phần lớn là những loại hình diễn xướng không chuyên. Riêng hát xẩm là một nghề mưu sinh. Trong quan niệm của tất cả những người hát xẩm, nghề hát có tổ và tương truyền, nghề hát xẩm ra đời vào thời nhà Trần, cách đây hơn 700 năm.
Xẩm là những bài hát được \\\"phổ\\\" từ các bài thơ đơn giản nhưng súc tích và giàu tính tự sự. Trong quá trình phổ biến lối hát xẩm, có những người mù hoặc nghèo khổ song rất có năng khiếu về âm nhạc đã vận hụng hát xẩm làm phương tiện kiếm sống. Cây nhị, bộ gõ và tiếng hát chất chứa những nỗi niềm tâm sự đủ để lay động lòng trắc ẩn của người đời... Và như thế, vô hình trung, xẩm trở thành \\\"đặc sản\\\" của người ăn xin và hầu như chỉ lưu truyền trong giới \\\"cái bang\\\".
Lượng người hát xẩm đông nhất là thời kỳ Pháp thuộc và những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Song hưng thịnh nhất lại là năm 1954. Thực ra những bài hát xẩm không phải chỉ là hát về tâm trạng của người mù, sáng tạo nghệ thuật của họ là nói về nhân tình thế thái. Nhưng họ là những người tạo nên nét đặc trưng cho nghệ thuật hát xẩm. Nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ, người có hơn hai mươi năm nghiên cứu về xẩm cho rằng không cần ăn xin, nhưng phải là người mù mới có thể hát xẩm hay. Chính người mù mới tạo nên những âm điệu riêng, đặc sắc vì họ cảm nhận cuộc sống qua đôi tai. Khuyết tật giác quan của họ khiến mọi người dễ cảm thông. Khi hát đúng tâm trạng người dân, họ càng được yêu mến, ngưỡng mộ.
Cô Lựu sưu tầm & tổng hợp
[video]http://www.youtube.com/watch?v=Zr_Wn0D7oxg&feature=related[/video]